Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Tầm quan trọng của giáo dục và bồi dưỡng thanh niên
Thứ hai, 25 Tháng 9 2017 11:28
3370 Lượt xem

Tầm quan trọng của giáo dục và bồi dưỡng thanh niên

(LLCT) - Thanh niên (theo Luật Thanh niên, gồm công dân từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi), là một tầng lớp xã hội đặc biệt, có mặt trong mọi giai cấp và tham gia vào tất cả hoạt động của đời sống xã hội với những ước mơ, hoài bão lớn, ý chí và hành động sáng tạo, mạnh mẽ, đầy nhiệt huyết và sức trẻ, là một lực lượng xã hội to lớn. Tương lai của đất nước nằm trong tay thanh niên. Vì vậy, giáo dục và bồi dưỡng thanh niên là nhiệm vụ rất quan trọng của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Trong 30 năm đổi mới, cùng với sự phát triển toàn diện của đất nước, tuổi trẻ “7X”, “8X”, “9X” ngày càng được nuôi dưỡng, chăm sóc,  giáo dục tốt hơn, qua đó hình thành một thế hệ thanh niên có đạo đức, nhân cách, tri thức, sức khỏe, tư duy và hành động đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới, tiếp nối được truyền thống hào hùng của Đảng và dân tộc, nêu cao lòng yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đại đa số thanh niên tuyệt đối tin tưởng và nỗ lực phấn đấu, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước, không ngại khó khăn, gian khổ, tình nguyện vì cộng đồng; có trách nhiệm với gia đình, xã hội; có ý chí vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm tới tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc, đặc biệt tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp. Nổi cộm là những năm gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh niên có xu hướng giảm về số vụ nhưng lại tăng lên về đối tượng. Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, tình hình vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên giảm nhẹ từ 32.398 vụ với 40.497 đối tượng năm 2012 xuống còn 28.505 vụ với 39.904 đối tượng năm 2013, nhưng lại tăng trong năm 2015 với 36.132 vụ và 43.124 đối tượng vi phạm. Trong đó, tỷ lệ tội phạm hình sự trong thanh niên đang có chiều hướng tăng lên nhanh chóng, đặc biệt, tính chất côn đồ, nguy hiểm cũng ngày càng nghiêm trọng. Năm 2012, tỷ lệ số vụ thanh niên vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự là 84,2% thì 6 tháng đầu năm 2016 con số này lên đến 91,2%. Tình hình tệ nạn xã hội trong thanh niên cũng diễn biến phức tạp.

Vấn đề việc làm của thanh niên luôn đặt ra đối với các cấp, các ngành, gia đình và xã hội. Theo Báo cáo điều tra lao động việc làm của Bộ Kế hoạch đầu tư, quý 3-2016, dân số trong độ tuổi 15-19 là 7.295,4 nghìn người (thất nghiệp là 169,1 nghìn người); 20-24 tuổi là 7.265,1 nghìn (thất nghiệp là 473,6 nghìn người), độ tuổi 25-29 là 6.757,1 nghìn người (thất nghiệp 182,8 nghìn người)(1).

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là nhiều chính sách về việc làm cho thanh niên còn chưa phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Thanh niên (lao động trẻ) thường gặp những khó khăn do thiếu kinh nghiệm công việc (60,0%), tiếp đó là thiếu kỹ năng nghề nghiệp (46,6%), thiếu thông tin dự báo về việc làm trong tương lai (42,0%), thiếu sự tư vấn về việc làm (41,7%)(2).

Bên cạnh những bất cập trong triển khai chính sách và những khó khăn, rào cản từ phía thanh niên là những nút thắt trong tiếp cận chính sách như: thủ tục vay vốn phức tạp, rườm rà (52,2%); ít được tiếp cận thông tin về các nguồn vay vốn (46,8%); nguồn vốn vay cho thanh niên còn nhỏ (43,8%); đối tượng đủ điều kiện được vay vốn bị thu hẹp (42,4%) và thiếu khả năng lập dự án, kế hoạch vay vốn (35,2%)(3). Qua khảo sát cho thấy, chỉ có 43,9% thanh niên biết đến các chính sách hỗ trợ về việc làm, học nghề của các tổ chức đoàn thể và chính quyền(4)

Đối với tuổi trẻ, tự tin, lạc quan là yếu tố đặc biệt quan trọng để vươn lên làm chủ cuộc sống. Qua khảo sát cho thấy, 77,4% thanh niên được hỏi có suy nghĩ rằng đất nước hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội về việc làm; có nhiều lựa chọn về việc làm (59,8%); được tiếp cận với môi trường làm việc tốt (54,9%); có cơ hội giao lưu học hỏi với lao động nước ngoài (47,5%); có cơ hội làm việc với lao động có tay nghề cao (40,3%); được làm việc ở nước ngoài (34,0%)(5).

Tuy nhiên, sự tự tin vào bản thân của thanh niên khi đất nước ra nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) còn rất hạn chế: 42,5% tự tin mình đáp ứng được mọi yêu cầu, trong khi 46,8% nghĩ rằng chỉ đáp ứng được một số yêu cầu đề ra, 10,7% lo lắng, nghĩ rằng không thể đáp ứng được yêu cầu.

Điều mà thanh niên lo lắng nhất là thiếu vốn ngoại ngữ (60,9%); tiếp đến là khả năng cạnh tranh còn thấp (39,1%); thiếu các kỹ năng sử dụng công nghệ hiện đại trong công việc (31,3%); thiếu chuyên môn (25,0%); thiếu các kỹ năng xã hội (25,0%)(6).

Thực tiễn đòi hỏi Đảng và cả hệ thống chính trị phải nhận thức đúng, đầy đủ tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, tăng cường chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên.

Trước yêu cầu thời kỳ mới, tiếp tục quan điểm, tư tưởng nhất quán về “xây dựng thế hệ cách mạng cho đời sau”, Đại hội XII của Đảng (1-2016) khẳng định nhiệm vụ “chăm lo bồi dưỡng, phát huy vai trò của thế hệ trẻ”(7) là của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đại hội đề cập đến thanh niên và công tác thanh niên trong nhiều vấn đề liên quan: đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, quản lý phát triển xã hội,... Đồng thời chỉ rõ:

Thứ nhất, cần đổi mới nội dung, phương thức giáo dục thanh niên về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh cho thanh niên: “đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng, truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật”(8) cho thanh niên.

Các cấp, các ngành, cần nhận thức rõ những đặc trưng của tuổi trẻ, đó là sôi nổi, sáng tạo và luôn đột phá vào những gì cố hữu, bảo thủ, hơn ai hết, thanh niên phải được giáo dục để nhận thức đầy đủ những vấn đề cơ bản của Hiến pháp và pháp luật. Trên cơ sở đó có nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp nhằm giáo dục thế hệ trẻ có bản lĩnh để làm chủ suy nghĩ và hành động, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân của mình, hình thành lối sống văn hóa mới dựa trên nền tảng của Hiến pháp và pháp luật. Qua đó, thanh niên được phát triển toàn diện, hội tụ đầy đủ các giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam với chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Thứ hai, cần “có cơ chế, chính sách phù hợp tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ học tập, nghiên cứu, lao động, giải trí, phát triển trí tuệ, kỹ năng, thể lực”(9).  

Bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức với mức độ toàn cầu hóa ngày càng cao; mặt trái của các phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là thông tin trên Internet; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp; khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội ngày càng tăng; môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội và một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp rất đáng lo ngại. Trong khi đó, “hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động văn hóa còn thiếu và yếu, có nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp. Tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ”(10).

Các cơ chế, chính sách đó chủ yếu tập trung đáp ứng các nhu cầu thiết yếu và cơ bản của thanh niên về học tập, nghề nghiệp và việc làm, vui chơi giải trí, tình yêu, hôn nhân và hạnh phúc gia đình để thanh niên Việt Nam không còn tụt hậu so với thanh niên thế giới về thể lực, trí lực, kỹ năng, về khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản lý và hòa nhập nhanh vào kinh tế thị trường, kinh tế tri thức.

Nhà nước cần “hoàn thiện chính sách tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Khuyến khích hình thành các quỹ học bổng giúp học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi. Có cơ chế đặc thù để tuyển chọn và trọng dụng nhân tài”(11). Bên cạnh đó, “Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên Internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên”(12). Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật. Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, tạo chuyển biến trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường sống, bảo đảm cho thế hệ trẻ được an toàn trong cuộc sống, học tập, vui chơi.

Mối quan tâm lớn và hàng đầu đối với thanh niên hiện nay là lao động, việc làm, nghề nghiệp.

Vì vậy, các cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động thanh niên hiện nay là phải đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường lao động, bảo đảm đồng bộ, liên thông, minh bạch, tạo thuận lợi cho việc tự do dịch chuyển lao động. Bên cạnh đó, phải có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tại địa bàn nông thôn; đẩy mạnh đào tạo nghề với các hình thức đa dạng, phù hợp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ phát triển sản xuất; nâng cao chất lượng lao động trẻ đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và tính chất công việc; hỗ trợ về nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho thanh niên.

Thứ ba, cần: “Khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ hiện đại”(13). Nội dung này khẳng định lại quan điểm của Đảng đã nêu từ Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) và Đại hội XI (1-2011) nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển kinh tế tri thức, góp phần “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”(14).

Vì vậy, chủ trương khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ hiện đại của Đại hội XII là cơ sở để các cấp ủy Đảng, chính quyền, trực tiếp là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức giáo dục, định hướng hoài bão, ước mơ lớn cho thế hệ trẻ; khơi dậy lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng trong thanh niên để họ xung kích tham gia nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần tiếp tục tuyên truyền, thực hiện các chương trình hành động thiết thực để đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, khuyến khích đoàn viên, thanh niên trong cả nước tích cực hưởng ứng, đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ, bồi dưỡng tài năng trẻ và phát huy nguồn lực thanh niên.

Lần đầu tiên trong thời kỳ đổi mới, Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(15). Đây là điểm mới trong nhận thức của Đảng về nhiệm vụ và giải pháp công tác thanh niên giai đoạn hiện nay. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh được Đảng xác định là: phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân... Với vai trò là một bộ phận quan trọng của dân tộc, là rường cột của đất nước, thanh niên cần được giáo dục, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm trước tiền đồ cách mạng của Đảng và dân tộc; phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo trong học tập, rèn luyện, lao động, làm chủ khoa học - công nghệ, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần to lớn vào những thành tựu chung của đất nước.

Thứ tư, cần “Thu hút rộng rãi thanh niên, thiếu niên và nhi đồng vào các tổ chức do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh làm nòng cốt và phụ trách”(16). Đây là quan điểm và giải pháp của Đảng xuyên suốt thời kỳ đổi mới về công tác thanh niên và xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh.

Những chủ trương mang tính tổng hợp, bao hàm mục tiêu, giải pháp được nêu trong Văn kiện Đại hội XII là sự tiếp nối và phát triển nhận thức, tư duy lý luận của Đảng về thanh niên và công tác thanh niên trong tình hình mới. Quán triệt và thực hiện hiệu quả quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác thanh niên, các cấp ủy Đảng cần:

Một là, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII về công tác thanh niên phù hợp với tổ chức, ngành, địa phương, cơ sở

Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên gắn chặt với thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em,...

Đoàn Thanh niên chú trọng nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015-2030”; Đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020” của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên giai đoạn 2013-2020” của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị, tổ chức cho đoàn viên, thanh niên thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hai là, tập trung nguồn lực để triển khai có hiệu quả các phong trào thanh niên. Đầu tư các nguồn lực nhằm tạo tiền đề vật chất để phát huy cao nhất tiềm lực, thế mạnh của thanh niên, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc.

Đoàn Thanh niên các cấp cần phát triển các quy mô và nâng cao chất lượng các hoạt động tình nguyện, các đề án, các chương trình, công trình, phần việc thanh niên; thể hiện rõ tinh thần xung kích, sáng tạo trong giải quyết những việc khó, những vấn đề bức xúc trong xã hội. Qua đó, tạo hiệu ứng xã hội tích cực và khẳng định vị thế của tổ chức Đoàn, cổ vũ thanh niên lập thân, lập nghiệp.

Ba là, tập hợp rộng rãi các nhóm đối tượng thanh niên

Tầng lớp thanh niên có sự biến đổi nhanh chóng, đòi hỏi Đoàn Thanh niên phải thật sự sâu sát thực tế, hiểu rõ nhu cầu, nguyện vọng các nhóm đối tượng: thanh niên nông thôn, thanh niên học sinh, sinh viên, thanh niên công nhân, thanh niên trong lực lượng vũ trang, thanh niên đang làm trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài,... để tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền chăm lo, giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng. Đồng thời, cần đa dạng hóa các loại hình tập hợp để thu hút rộng rãi các đối tượng thanh niên.

Bốn là, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại thanh niên, qua đó thúc đẩy thanh niên hội nhập quốc tế.Cần tiếp tục thực hiện các hoạt động đối ngoại thanh niên theo hướng mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên. Chú trọng phát triển quan hệ với tổ chức thanh niên các nước láng giềng, ASEAN và các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Tăng cường kết nối, gặp gỡ, giao lưu với thanh niên và kiều bào trẻ ở nước ngoài. Xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn, Hội tại các địa bàn quan trọng, có đông thanh niên, sinh viên Việt Nam. Đồng thời, chủ động tìm kiếm, khai thác các nguồn lực, dự án, nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm phục vụ tốt hơn công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

Bên cạnh sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, yếu tố quyết định là mỗi thanh niên cần tự giác, chủ động, nỗ lực phấn đấu trong học tập, lao động và cuộc sống; không ngừng rèn luyện để trở thành công dân hữu ích, thành viên tốt trong gia đình, vươn lên lập thân, lập nghiệp, tích cực đóng góp cho sự phát triển của đất nước, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của dân tộc.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2017

(1) Bộ Kế hoạch và đầu tư:  Tổng cục thống kê: Báo cáo điều tra lao động việc làm quý 3 năm 2016, www.gso.gov.vn.

(2) Viện Nghiên cứu thanh niên, Kết quả điều tra tình hình thanh niên năm 2013.

(3) Viện Nghiên cứu thanh niên, Kết quả khảo sát tình hình thanh niên năm 2014.

(4) http://hanoimoi.com.vn.

(5) Viện Nghiên cứu thanh niên, Báo cáo kết quả điều tra ý kiến của thanh niên về vấn đề lao động, việc làm trong bối cảnh hội nhập hiện nay,(3/2016).

 (6) Viện Nghiên cứu thanh niên, Kết quả đánh giá tình hình thanh niên năm 2016.

 (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.38, 162, 162, 125, 297, 129, 162, 76, 162-163, 163.

 

TS Ngô Thị Khánh

Học viện Chính trị Công an nhân dân

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền