Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp ở các trường chính trị (qua thực tế Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng)
Thứ tư, 20 Tháng 12 2017 17:00
4817 Lượt xem

Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp ở các trường chính trị (qua thực tế Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng)

(LLCT) - Trong những năm qua, các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong đó, công tác chủ nhiệm lớp luôn được lãnh đạo các nhà trường, coi là nhiệm vụ hàng đầu. Tuy vậy, công tác này cũng còn những hạn chế cần đổi mới, tăng cường.

Chủ nhiệm lớp là người được Ban Giám hiệu giao trách nhiệm chính trong việc quản lý toàn diện lớp đào tạo, bồi dưỡng theo nội quy, quy chế của nhà trường; góp phần bảo đảm chất lượng giảng dạy, học tập; bảo đảm thực thi trên thực tế các quyền và nghĩa vụ của giảng viên, học viên và nhà trường theo quy định của pháp luật. Đây làkênh quan trọng để thực hiện dân chủ trong nhà trường.

Tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn đối với cán bộ, giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp ở các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định theo Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG, ngày 21-4-2016 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cụ thể tiêu chuẩn, nhiệm vụ như sau:

- Quy định về giáo viên chủ nhiệm lớp:

+ Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam;

 + Có trình độ đại học, Trung cấp lý luận chính trị - hành chính trở lên;

+ Có kiến thức và kinh nghiệm quản lý giáo dục, nắm vững chương trình đào tạo, quy chế, quy định về quản lý đào tạo, nội quy của nhà trường, các chế độ chính sách đối với giảng viên, học viên;

- Nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm lớp:

+ Chuẩn bị, quản lý hồ sơ lớp học, cùng phòng đào tạo xây dựng kế hoạch toàn khóa để Ban Giám hiệu phê duyệt;

+ Quản lý, điều hành quá trình học tập, rèn luyện của học viên theo đúng quy chế, quy định về quản lý đào tạo, chương trình kế hoạch toàn khóa…

+ Sau các phần học, kết thúc khóa học, báo cáo với Ban Giám hiệu (qua phòng đào tạo) về tình hình mọi mặt của lớp, chuẩn bị hồ sơ học viên, nhận xét học viên...

Công tác chủ nhiệm lớp tại Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng được chú trọng thực hiện:

Tiêu chuẩn giáo viên chủ nhiệm thực hiện nghiêm túc theo quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Những cán bộ, giảng viên, chuyên viên được phân công làm chủ nhiệm lớp đều là đảng viên, có ít nhất một bằng đại học.

Việc phân công giáo viên chủ nhiệm lớp được thực hiện ngay từ đầu khoá học, tạo điều kiện cho chủ nhiệm lớp tiếp xúc với học viên sớm.

Đa số các giáo viên chủ nhiệm đã phát huy vai trò tự quản của lớp, trước hết là ban cán sự lớp; chú trọng phối hợp với giáo viên bộ môn trong việc quản lý lớp.

Do làm tốt công tác chủ nhiệm lớp, quản lý học viên nên học viên tham gia đầy đủ các buổi học trên lớp, không tự ý bỏ học, nghỉ học không xin phép. Không còn tình trạng học viên không mang theo vở ghi chép, tài liệu học tập. Việc thông báo đến học viên những chủ trương của Nhà trường liên quan đến việc học tập của học viên bảo đảm kịp thời, chính xác.    

- Các giáo viên chủ nhiệm đã kịp thời tham mưu giúp Đảng ủy, Ban Giám hiệu và Phòng Đào tạo nắm bắt được tình hình của lớp để có điều chỉnh kịp thời.

Bên cạnh những ưu điểm, từ thực tế Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng cho thấy, công tác chủ nhiệm lớp và các công việc khác liên quan đến công tác chủ nhiệmở nhà trường vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục:

- Một số chủ nhiệm chưa thật sâu sát lớp học do mình phụ trách, chưa nắm chắc tình hình lớp học và học viên lớp mình; còn tình trạng khoán trắng việc quản lý lớp cho ban cán sự lớp, không tổ chức sinh hoạt lớp đầy đủ và theo đúng định kỳ;

- Chưa thật sự coi trọng việc quản lý lớp thông qua sổ đầu bài, thiếu phối hợp với các phòng, khoa trong quản lý lớp.

- Một số lớp không phát huy được vai trò tự quản của ban cán sự. Ban cán sự lớp không báo cáo kịp thời, chính xác tình hình và sĩ số lớp học cho chủ nhiệm lớp.Tình trạng dễ dãi với lớp mình phụ trách, như: nể nang, bao che cho học viên nghỉ học không phép, đối phó với điểm danh… nhất là khi xét điều kiện dự thi.

Những tồn tại trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là:

- Một số chủ nhiệm lớp là giảng viên, làm công tác giảng dạy và nghiên cứu nên có ít thời gian theo lớp, bám lớp;

- Lớp học đông, nhất là các lớp không tập trung; trình độ, độ tuổi của học viên không đồng đều…;

- Một số học viên (nhất là lớp không tập trung) đang nắm giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, điều hành tại cơ quan, địa phương, đơn vị, do vậy vừa học tập vừa phải trực tiếp giải quyết các công việc hàng ngày; một số lại tham gia nhiều chương trình học tập, đào tạo cùng lúc;

- Các chủ nhiệm lớp hầu hết chưa được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản về nghiệp vụ quản lý;

2. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp trong thời gian tới

Xuất phát từ tình hình thực tế và yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị hiện nay, các trường chính trị cần thực hiện một số giải pháp nhằm làm tốt hơn công tác chủ nhiệm lớp:

Một là, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường cần quan tâm hơn nữa tới công tác chủ nhiệm lớp, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ nhiệm lớp hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công tác quản lý lớp là trách nhiệm chung của cán bộ, giảng viên nhà trường, trong đó, đặc biệt quan trọng là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và Ban Giám hiệu. Trước yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo, bồi dưỡng toan diện cán bộ, các trường chính trị càng cần đặc biệt quan tâm công tác quản lý lớp. Sự ủng hộ, phối hợp, giúp đỡ, kiểm tra, đôn đốc; cơ chế khen thưởng và kỷ luật kịp thời, công bằng và nghiêm minh của Đảng ủy, Ban Giám hiệu sẽ bảo đảm cho công tác chủ nhiệm lớp nền nếp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong điều kiện mới.

Hai là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của phòng đào tạo trong quản lý, theo dõi các lớp, giúp các giáo viên chủ nhiệm trong hoạt động quản lý lớp. Phòng đào tạo cần có bộ phận hoặc cán bộ chuyên theo dõi công tác chủ nhiệm lớp. Sự phân công cần phải cụ thể về quyền hạn và trách nhiệm, được thể chế hoá trong quy chế làm việc của phòng đào tạo. Phòng đào tạo cần tham mưu đề xuất cho lãnh đạo nhà trường những biện pháp, chế tài cụ thể đối với những vi phạm quy chế giảng dạy, học tập và điều kiện áp dụng để giúp chủ nhiệm lớp bảo đảm hiệu lực của công tác quản lý lớp. Thực tế hiện nay đã có chế tài quản lý học viên nhưng chưa được áp dụng, như thông báo về cơ quan, đơn vị đối với những học viên nghỉ học nhiều không lý do.v.v.

Phòng đào tạo phải duy trì họp các chủ nhiệm lớp đều đặn hằng tháng để kịp thời nắm bắt tình hình cụ thể từng lớp; đánh giá, nhận xét về công tác chủ nhiệm và có biện pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình quản lý lớp của giáo viên chủ nhiệm. Đối với những vấn đề vượt quá phạm vi trách nhiệm quyền hạn, phòng đào tạo phải có kiến nghị, đề xuất và tham mưu với lãnh đạo nhà trường cho chủ trương giải quyết.

Bên cạnh đó, phòng đào tạo cần phải chú ý công tác kiểm tra hồ sơ chủ nhiệm, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ nhiệm lớp. Phòng đào tạo cần cung cấp đầy đủ, kịp thời các văn bản có liên quan đến hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường cho giáo viên chủ nhiệm. Cần nghiên cứu đổi mới việc xây dựng lịch thi và duyệt thi để bảo đảm cho các chủ nhiệm lớp có một thời gian hợp lý chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho việc thi, đồng thời, bảo đảm việc theo dõi lớp được thường xuyên, liên tục.

Trong việc xây dựng kế hoạch, phòng đào tạo cần bảo đảm chủ nhiệm lớp được biết từ khi có kế hoạch chiêu sinh và được tham gia từ giai đoạn chuẩn bị mở lớp để tăng tính chủ động, tạo thuận lợi cho giáo viên chủ nhiệm trong quá trình quản lý lớp sau này. Đồng thời, cần có cách thức lấy ý kiến đóng góp của học viên đối với công tác quản lý lớp của chủ nhiệm lớp.

Ba là, nhà trường cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các nội quy, quy chế, tạo cơ sở cho công tác chủ nhiệm lớp

Cụ thể là, sớm sửa đổi, bổ sung nội quy học viên, cụ thể hoá nội quy làm việc của phòng đào tạo, hoàn thiện hệ thống biểu mẫu, sổ sách...

Nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp phụ thuộc phần lớn vào ý thức trách nhiệm trong công việc của các giáo viên chủ nhiệm và việc thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ nhiệm lớp. Vì thế, cần xây dựng và ban hành bản quy định riêng về chủ nhiệm lớp ở Trường Chính trị, trong đó quy định rõ vị trí vai trò của chủ nhiệm lớp, quyền hạn và trách nhiệm của chủ nhiệm lớp trong từng hoạt động cụ thể như thiết lập, củng cố hệ thống sổ sách, hồ sơ chủ nhiệm, trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo, quản lý học tập và rèn luyện của học viên… Chi tiết hoá chế độ, quy trình làm việc, quyền hạn, trách nhiệm việc khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên chủ nhiệm. Đối với

Bốn là, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các khoa, phòng, các đơn vị hữu quan để có những biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ, khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác chủ nhiệm

Các khoa chuyên môn cần có sự phối hợp chặt chẽ với phòng đào tạo trong việc theo dõi, đánh giá công tác chủ nhiệm của các giảng viên thuộc quyền quản lý; tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ các giảng viên hoàn thành tốt công tác chủ nhiệm. Đồng thời, cần coi mức độ chất lượng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ công tác chủ nhiệm là một tiêu chí đánh giá thi đua đối với các giảng viên - chủ nhiệm lớp.

Phòng tổ chức - hành chính - quản trị cần phối hợp, hỗ trợ kịp thời cho các chủ nhiệm lớp trong hoạt động phục vụ lớp học, đặc biệt là đối với các lớp tập trung. Trong đó, nhiều công việc có ảnh hưởng quan trọng tới chất lượng hoạt động quản lý lớp, như vệ sinh lớp học, môi trường sư phạm, chuẩn bị chỗ ăn, nghỉ cho học viên, nước uống học viên, giảng viên, sao chép, in ấn các giấy tờ, tài liệu phục vụ công tác quản lý lớp… Cần khắc phục tình trạng các chủ nhiệm lớp phải chạy theo, “nhờ vả” bộ phận hành chính, nhất là những lúc do tính cấp bách của công việc mà phải làm ngoài giờ.

Chủ nhiệm lớp cần phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị cấp huyện, với đồng chủ nhiệm (đối với các lớp tại chức đặt tại các huyện) và ban cán sự lớp trong quá trình quản lý lớp, báo cáo thường xuyên tình hình lớp học với ban chỉ đạo lớp để chỉ đạo kịp thời, thường xuyên. Đồng thời, nhà trường cần phối hợp, trao đổi với các huyện (thành phố, thị xã) trong bố trí thời gian học tập, công tác hợp lý cho người được cử đi học, để tạo điều kiện cho học viên tham dự đầy đủ, nghiêm túc kế hoạch học tập, bảo đảm tính hợp lý, hiệu quả của việc tăng cường quản lý học viên trên lớp. 

Năm là, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ chủ nhiệm lớp cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của công tác quản lý lớp trong tình hình mớiTrước hết cần làm tốt những công việc sau:

Lãnh đạo nhà trường và cán bộ, giảng viên cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò của chủ nhiệm lớp và công tác chủ nhiệm lớp; đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với các chủ nhiệm lớp. Công tác chủ nhệm có vai trò hỗ trợ hoạt động giảng dạy chứ không phải là “giúp việc” cho giảng viên. Cần có sự sàng lọc, phân loại giáo viên chủ nhiệm để có kế hoạch sắp xếp, bố trí, phân công chủ nhiệm cho phù hợp với yêu cầu của từng loại hình đào tạo, bồi dưỡng.

Cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, cả về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, quản lý học viên và phương pháp giảng dạy, truyền đạt… Những chủ nhiệm lớp hoàn thành tốt công việc được giao cần được ưu tiên cử đi học nâng cao trình độ. Cần phải tạo được những động lực thực tế mang tính cạnh tranh lành mạnh để thúc đẩy không khí thi đua công tác, để các giảng viên trẻ cố gắng phấn đấu hơn nữa trong các hoạt động chuyên môn nói chung và trong công tác quản lý lớp nói riêng.

Phối hợp tốt với tổ chức Đảng, các đoàn thể như: Công đoàn,Thanh niên, Ban nữ công,… trong việc giáo dục nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện của các chủ nhiệm lớp, đặc biệt là các giảng viên trẻ. Các cán bộ, giảng viên được phân công làm công tác chủ nhiệm phải không ngừng phấn đấu, nỗ lực, vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Sáu là, chú trọng hình thức học tập, trao đổi kinh nghiệm quản lý lớp giữa các Trường Chính trị

Một số Trường Chính trị có truyền thống, kinh nghiệm quản lý cần được học tập, trao đổi kinh nghiệm. Nhiều kinh nghiệm quý của các trường thể hiện trong nhiều văn bản, biểu mẫu được hệ thống hóa, cần được vận dụng trong công tác chủ nhiệm như:

- Nội quy học viên;

- Danh mục nghỉ phép của học viên;

- Thông báo về việc học viên nghỉ học không có lý do;

- Thông báo việc thôi học của học viên về cơ quan, đơn vị;

- Thông báo xoá tên học viên;

- Bản nhận xét tổng hợp hàng tuần.v.v. 

Công tác chủ nhiệm lớp có vai trò quan trọng trong thực hiện quá trình quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nếu được thực hiện thường xuyên và đồng bộ những biện pháp nêu trên chắc chắn sẽ tạo nên những chuyển biến đáng kể trong công tác quản lý học viên. Điều đó sẽ góp phần thiết thực nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

 

Liễu Văn Bảo

                                             Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền