Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng     Dạy và học các môn lý luận chính trị ở các trường đại học, cao đẳng - Thực trạng và giải pháp
Thứ sáu, 22 Tháng 12 2017 11:41
23976 Lượt xem

Dạy và học các môn lý luận chính trị ở các trường đại học, cao đẳng - Thực trạng và giải pháp

(LLCT) - Sinh viên là nguồn cho đội ngũ trí thức. Sinh viên không chỉ cần có kiến thức chuyên môn vững vàng mà cần phải có những phẩm chất chính trị, đạo đức, kỹ năng và lý tưởng sống cao đẹp. Các môn lý luận chính trị trang bị thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và phương pháp luận khoa học, đồng thời bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức cho sinh viên.

Không có lĩnh vực nào của đời sống xã hội hiện đại lại đứng ngoài chính trị, từ vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa đến xây dựng đạo đức, lối sống; từ sự đánh giá về quá khứ, đến dự báo tương lai... đều phải có định hướng chính trị rõ ràng. Theo đó, nội dung của các môn lý luận chính trị là rất rộng, từ lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...

Đối với sinh viên, việc học tập các môn lý luận chính trị và quán triệt nghiêm túc nội dung lý luận chính trị có ý nghĩa quan trọng:

Thứ nhất, góp phần phát triển con người toàn diện

Cùng với việc học tập kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, sinh viên phải được trang bị hệ thống tri thức lý luận chính trị đúng đắn. Bởi kiến thức lý luận chính trị là kim chỉ nam chỉ phương hướng rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức; hướng các em đến hành động thực tiễn nhân văn, tiến bộ, khoa học; hun đúc cho sinh viên lòng yêu nước chân chính; có tinh thần kiên định, vững vàng, không hoang mang, dao động trước những biến động phức tạp của cuộc sống và tình hình chính trị trên thế giới.

Thứ hai, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới

Học tập và quán triệt nội dung các môn lý luận chính trị giúp sinh viên có trình độ và năng lực tư duy lý luận khoa học. Có quan điểm đúng đắn, lập trường cách mạng vững chắc và phương pháp luận khoa học, là điều kiện để sinh viên chủ động, tự tin vươn lên làm chủ khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Thứ ba, giúp sinh viên có lập trường tư tưởng kiên định, bản lĩnh chính trị vững vàng, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch

Sinh viên là những người đang trong quá trình phát triển về trí tuệ và nhân cách. Đây là giai đoạn mà họ đang khẳng định vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình với xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, khát khao lý tưởng và hành động để thực hiện lý tưởng của mình, hướng tới những giá trị xã hội mới, sinh viên lại cũng có cả tính bồng bột, thậm chí liều lĩnh, mạo hiểm, chưa đủ kinh nghiệm và từng trải để có cách suy xét, đánh giá các giá trị, lựa chọn giá trị theo tinh thần duy lý... Thông qua học tập các môn lý luận chính trị, sinh viên có nhận thức cần thiết về hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa; niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Từ đó, sẽ quyết định khuynh hướng, mục đích và hiệu quả hoạt động của sinh viên trong học tập, lao động; có lý tưởng cách mạng trong sáng, làm chủ bản thân, giàu lòng yêu quê hương, đất nước, xây dựng và củng cố vững chắc mục tiêu lý tưởng.

Hiện nay, các thế lực thù địch dùng nhiều thủ đoạn và hình thức thâm độc và tinh vi, như: Âm mưu “Diễn biến hòa bình”, kiểu “chiến tranh không có khói súng, không đánh mà thắng”, làm cho chúng ta “tự chuyển hóa”; thông qua giao lưu văn hóa, vấn đề “dân tộc”, “nhân quyền”, “tôn giáo” để chia rẽ khối đại đoàn kết, hòng can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta. Chúng đặc biệt nhắm vào thế hệ trẻ để lôi kéo, kích động họ chạy theo lối sống thực dụng, làm mất phương hướng chính trị. Học tập lý luận chính trị giúp cho sinh viên nhận thức âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch để chủ động phòng tránh và tham gia đấu tranh chống lại.

1. Thực trạng việc dạy và học các môn lý luận chính trị của sinh viên các trường đại học, cao đẳng hiện nay

Mặc dù Đảng và Nhà nước rất quan tâm và coi trọng giáo dục lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng, tuy nhiên, việc dạy và học tập các môn lý luận chính trị còn chưa tương xứng, còn nhiều vấn đề bất cập...

Một là, sự bất hợp lý trong kết cấu chương trình các môn lý luận chính trị

Theo Quyết định 52/2008/QĐ – BGDĐT (Quyết định ban hành chương trình các môn lý luận chính trị trình độ cao đẳng, đại học cho sinh viên khối không chuyên ngành Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh), các môn Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị học Mác - Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học đã hợp thành một môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin; môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đổi thành môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh được giữ nguyên.

Việc kết cấu lại chương trình, nội dung các môn lý luận chính trị đã giảm tải thời lượng học các môn lý luận chính trị vốn được xem là “nặng” đối với sinh viên. Bên cạnh đó, việc ra đời môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin thay cho ba môn học bộ phận trước đây có thể giúp cho sinh viên nhận thấy được tính thống nhất và logíc của học thuyết Mác - Lênin.

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình môn học như trên đã xuất hiện một số bất cập “lớn” trong quá trình dạy và học tập như sau:

Thứ nhất, sự hợp nhất trong nội dung môn học không đạt được sự thống nhất như mong muốn, bởi vì đã là một môn khoa học phải có đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu riêng của nó. Mỗi bộ phận trong chủ nghĩa Mác - Lênin có tính khu biệt về đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu cũng như phương pháp nghiên cứu của mình. Như vậy, không làm rõ đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu riêng, thì rất khó có thể coi môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin là một môn khoa học.

Thứ hai, khi thay đổi kết cấu nội dung, chương trình các môn lý luận chính trị, đi liền với nó là sự giảm số tiết học đã đưa các khoa, bộ môn lý luận chính trị ở các trường đại học, cao đẳng tiến thoái lưỡng nan trong việc bố trí giảng viên giảng dạy sao cho đúng chuyên ngành được đào tạo và bảo đảm chất lượng đào tạo. Đối với môn Những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, có trường cho sinh viên học trong 1 kì và giao cho 1 giảng viên đảm nhiệm; có trường cho học trong 1 kỳ, và cử 3 giảng viên giảng dạy từng phần theo chuyên môn được đào tạo. Hầu hết các trường chia môn học thành 2 phần: Nguyên lý 1 (phần 1: 2 tín chỉ), nguyên lý 2 (phần 2 và 3: 3 tín chỉ). Nhìn chung, việc bố trí giảng viên giảng dạy lý luận chính trị ở hầu hết các trường đều xáo trộn. Một giảng viên có thể phải dạy cả phần triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Như vậy, một mâu thuẫn lớn là giảng viên dạy các môn lý luận chính trị thường chỉ được đào tạo chuyên sâu một chuyên ngành, nay họ phải dạy cả những môn trái chuyên ngành. Mặc dù, các trường đã cử giảng viên đi tập huấn kiến thức theo chương trình do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức. Song dù có chứng chỉ bồi dưỡng, giảng viên vẫn không có được kiến thức chuyên sâu. Một khi người dạy hiểu chưa sâu sắc thì không thể truyền thụ và giúp sinh viên hiểu sâu sắc về kiến thức môn học. Nhiều giảng viên dạy trái chuyên môn có tâm lý “chán nản”; không tâm huyết với nhiệm vụ.

Hai là, đặc thù các môn lý luận chính trị có tính trừu tượng, lại nặng về lý thuyết hàn lâm, làm cho sinh viên ngại học

Thực tiễn đã có nhiều thay đổi, nhưng trong nội dung các môn lý luận chính trị vẫn nặng tính hàn lâm, ít có sự bổ sung, phát triển, nhiều vấn đề về kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, dân chủ, nhân quyền, hội nhập quốc tế, kinh tế tri thức... còn rất mờ nhạt, làm cho sinh viên cảm thấy khô khan, khó hiểu, xa rời thực tiễn. Điều đó dẫn tới việc sinh viên đã ngại học càng trở nên “nản học” các môn lý luận chính chị.

Giáo trình và tài liệu học tập được biên soạn lại theo một chương trình khung và chuẩn quốc gia. Các kiến thức được bố trí theo kiểu “nhồi nhét” và “chật trội”. Tính gợi mở, tính mềm hóa bị thủ tiêu, làm cho người học khó lĩnh hội kiến thức.

Ba là, thực hiện học chế tín chỉ đã làm cho thời lượng học giảm nhiều trong khi sinh viên chưa thực sự có ý thức tự học, tự nghiên cứu

Thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục đại học theo học chế tín chỉ, số tiết dạy - học trên lớp của các môn lý luận chính trị giảm lớn: Trước năm 2009, số tiết môn Triết học Mác - Lênin là 90 đối với hệ đại học, 75 tiết hệ cao đẳng; môn Kinh tế chính trị Mác - Lênin là 75 tiết (hệ đại học), 60 tiết (hệ cao đẳng) cho các ngành không chuyên kinh tế và quản trị kinh doanh, 120 tiết (hệ đại học) và 90 tiết (hệ cao đẳng) đối với các ngành chuyên kinh tế và quản trị kinh doanh; môn Chủ nghĩa xã hội khoa học là 60 tiết cho hệ đại học và 45 tiết cho hệ cao đẳng; môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là 45 tiết; môn Tư tưởng Hồ Chí Minh là 30 tiết cho tất cả các ngành.

Như vậy, tổng số tiết các môn lý luận chính trị như sau:

Hệ đại học:

Các ngành không chuyên kinh tế và quản trị kinh doanh: 300 tiết;

Các ngành kinh tế và quản trị kinh doanh: 345 tiết.

Hệ cao đẳng:

Các ngành không chuyên kinh tế và quản trị kinh doanh: 255 tiết;

Các ngành kinh tế và quản trị kinh doanh: 285.

Hiện nay, số tiết các môn lý luận chính trị ở các trường cao đẳng, đại học như sau: Môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin có 5 tín chỉ, môn Đường lối cách mạng Việt Nam có 3 tín chỉ, môn Tư tưởng Hồ Chí Minh có 2 tín chỉ. Việc thực hiện tín chỉ ở các trường cũng rất khác nhau, hầu hết các trường vẫn áp dụng số tiết tín chỉ như niên chế: 1 tín chỉ = 15 tiết; có trường thực hiện 1 tín chỉ = 22,5 tiết, nhưng những trường này lại quy định giờ học trên lên lớp chỉ có 2/3 thời lượng, tự nghiên cứu 1/3 thời lượng, như thế số tiết trên lớp vẫn không khác gì 1 tín chỉ = 15 tiết.

Như vậy, số tiết học trên lớp của các môn lý luận chính trị áp dụng cho tất cả các ngành không chuyên chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hệ đại học và cao đẳng hiện nay rất “nghèo nàn”. Nếu cộng một cách cơ học, các môn lý luận chính trị sẽ có số tiết là: 75 tiết (môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin) + 45 tiết (môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam) + 30 tiết (môn Tư tưởng Hồ Chí Minh) = 150 tiết. Thậm chí, một số trường đã áp dụng dạy học theo hình thức online, tiếp tục cắt giảm số tiết trên lớp chỉ còn lại 2/3. Với thời lượng học trên lớp ít như vậy, trong khi khối lượng kiến thức lại lớn, làm cho giảng viên không thể truyền thụ được sâu sắc kiến thức môn học, lại càng không có điều kiện tổ chức học tích cực, còn sinh viên lĩnh hội kiến thức theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Việc quy ước rằng sinh viên phải tự học, tự nghiên cứu ở nhà cũng là một điều khó. Việc học ở nhà, giảng viên phải giao bài tập, tổ chức thảo luận, semina, phải có tiêu chí kiểm tra đánh giá việc học ở nhà của sinh viên... Đây quả thực cũng là một công việc mà không phải giảng viên nào hay bài nào giảng viên cũng có thể làm được.

Bên cạnh việc giảm tiết, nhiều trường đã thực hiện ghép lớp. Các lớp được học tại hội trường lớn với sĩ số lên tới trên 100, thậm chí 200 sinh viên. Thành phần sinh viên thì đa dạng các chuyên ngành, thậm chí cá biệt có sinh viên đại học ngồi học cùng cao đẳng vì do có cùng nội dung và cùng số tiết. Những hệ lụy của việc học các môn học này càng to lớn. Do lớp đông nên giảng viên khó kiểm soát lớp học, giảng viên không thể thực hiện các phương pháp dạy học tích cực, thuyết trình trở thành “phương pháp vạn năng”, quan hệ tương tác giữa người dạy và người học không thể thực hiện được. Một số sinh viên ngồi học theo kiểu có mặt điểm danh. Chất lượng dạy và học môn học bị giảm sút, kết quả học tập thấp, điều đó càng làm cho sinh viên cảm thấy xa rời các môn lý luận chính trị.

Việc giảm tiết, ghép lớp đã làm giảm khối lượng công việc của giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị; thêm vào đó, nhiều trường không tuyển sinh đủ sinh viên. Cho nên có trường, một năm, mỗi giảng viên chỉ dạy 1 lớp; có trường, giảng viên phải chuyển sang làm các công việc không đúng chuyên môn; thậm chí có trường cho giảng viên nghỉ việc không lương và vào danh sách cắt giảm biên chế.

Bốn là, trình độ và phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị còn nhiều hạn chế

Để giảng dạy lý luận tốt, các giảng viên phải có trình độ lý luận; đồng thời cần có vốn sống, vốn hiểu biết xã hội dầy dặn; không chỉ có kinh nghiệm thực tiễn và mà còn cần có tư duy trừu tượng hóa, khái quát hóa.

Bên cạnh nhiều giảng viên đã sử dụng tốt giáo án điện tử, sơ đồ, biểu đồ, hình ảnh, phim tư liệu; seminar, thảo luận vẫn còn một bộ phận không nhỏ giảng viên còn chậm đổi mới phương pháp. Một số giảng viên sử dụng giáo án điện tử chưa hiệu quả, theo kiểu chiếu chữ trên màn hình. Ở một số trường, cơ sở vật chất thiếu thốn, không có máy tính, máy chiếu, loa, tài liệu học tập... nên giáo viên khó áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực. Tình trạng thầy cô đọc, trò chép vẫn còn nhiều. Giờ học thiếu tính đối thoại làm cho các tiết giảng trở nên nhàm chán, sinh viên không hứng thú học tập.

Năm là, sinh viên thiếu hụt nền tảng kiến thức lịch sử, xã hội và ít trải nghiệm thực tiễn

Để học tốt các môn lý luận chính trị, đòi hỏi sinh viên phải có nền tảng kiến thức khoa học xã hội. Tuy nhiên, trong những năm gần đây học sinh phổ thông ít quan tâm đến các môn khoa học xã hội, nhất là môn lịch sử, trừ một số học sinh chọn khối thi đại học có các môn xã hội. Lỗ hổng về kiến thức xã hội ở phổ thông là một trở lực để các em sinh viên có thể tiếp thu kiến thức các môn lý luận chính trị.

Bên cạnh thiếu nền tảng kiến thức xã hội, sinh viên Việt Nam còn ít trải nghiệm thực tiễn, ít hiểu biết về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội quốc tế và trong nước nên càng khó khăn hơn khi học tập lý luận chính trị.

Sáu là, sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu; sự thoái trào của phong trào cộng sản và công nhân thế giới, trong khi chủ nghĩa tư bản ở nhiều nước đạt được những thành tựu to lớn làm cho niềm tin, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, tinh thần học tập lý luận chính trị trong sinh viên suy giảm

Từ năm 1991 hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Phong trào công nhân và cộng sản quốc tế gặp nhiều khó khăn và lâm vào thoái trào. Một số nước trên thế giới kiên định chế độ xã hội chủ nghĩa cũng gặp không ít khó khăn trên tiến trình cách mạng của mình. Ngoại trừ Trung Quốc đang vươn lên trở thành một cường quốc; Việt Nam và Lào mặc dù đạt được một số thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước, song vẫn còn nhiều khó khăn,thử thách; Cuba có thời gian dài phải thắt lưng buộc bụng bằng chế độ bao cấp trong sự bao vây, cấm vận của Mỹ; Venezuela đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Trong khi đó, hệ thống tư bản chủ nghĩa (bên cạnh những rối ren, những mâu thuẫn và nhiều mắt xích bị khủng hoảng) vẫn còn sức sống, thậm chí một số nước châu Âu, Bắc Âu... đã có sự phát triển vượt trội không chỉ về kinh tế mà cả những giá trị nhân văn. Theo kết quả nghiên cứu các tổ chức uy tín của thế giới, những nước thuộc tốp đầu về đáng sống nhất thế giới là Thụy sỹ, Canada, Đức, Anh, Thụy Điển, Nhật Bản...; những nước hạnh phúc nhất thế giới cũng là Na Uy, Đan Mạch, Iceland và Phần Lan... Bên cạnh đó, các thế lực phản động dùng các chiêu bài gọi là “Diễn biến hòa bình” thường xuyên chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa và con đường cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Những tác động đó khiến nhiều sinh viên nảy sinh tư tưởng sùng bái phương Tây; xem nhẹ, thậm chí mất niềm tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa và con đường cách mạng của dân tộc ta. Điều đó dẫn tới tinh thần học tập các môn lý luận chính trị của sinh viên bị suy giảm. 

Bảy là, công cuộc đổi mới đất nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập cũng ảnh hưởng tới niềm tin, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, tinh thần học tập lý luận chính trị của sinh viên

Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng và đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên thành quả mà chúng ta đạt được còn chưa bắt kịp được với xu thế phát triển như vũ bão về kinh tế, xã hội toàn cầu. Nhiều mặt trái của kinh tế thị trường, của quá trình công nghiệp hóa thời kì đầu và hội nhập quốc tế đã nảy sinh, như: tình trạng phân hóa giàu nghèo ra tăng; nạn tham nhũng, quan liêu trở thành gánh nặng xã hội; tình trạng suy thoái về đạo đức xã hội, tình trạng mất dân chủ, tình trạng người lao động bị bóc lột, nạn thất nghiệp... xuất hiện ngày càng nhiều.

Trong bối cảnh như vậy, tư tưởng của sinh viên cũng bị ảnh hưởng làm cho họ bị mất phương hướng và định hướng giá trị. Niềm tin, lý tưởng xã hội chủ nghĩa vì thế bị tác động, sinh viên vốn đã không thích học các môn lý luận chính trị nay lại càng suy giảm động lực để tiếp thu kiến thức các môn học này.

2. Một số giải pháp nhằm thúc đẩy việc học tập các môn lý luận chính trị của sinh viên

Kết luận 94-KL/TW ngày 28-3-2014 của Ban Bí thư đã nhấn mạnh cần “Đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm tạo bước tiến mới, có kết quả, chất lượng cao hơn, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội”(1).

Để khắc phục những bất cập, nâng cao chất lượng và hiệu quả học các môn lý luận chính trị của sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng, cần:

Một là, kết hợp giữa kết cấu nội dung chương trình với việc áp dụng học chế tín chỉ một cách hợp lý cho các môn lý luận chính trị

Nghị quyết số 37/NQ-TW, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết “đổi mới nội dung, chương trình giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, gắn lý luận với thực tiễn, khắc phục sự trùng lắp, khép kín...”(2).

Qua kinh nghiệm giảng dạy và dựa vào kết quả khảo cứu của chúng tôi, cần tách ba bộ phận trong môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin thành ba môn học như trước đây. Nội dung các môn học này cũng cần thay đổi. Chương trình mới vẫn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm trọng tâm, nhưng cũng cần đề cập đến những trào lưu tư tưởng triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội trước đó và cả những trào lưu tư tưởng đương đại. Người học sẽ được tiếp cận một cách logíc về sự ra đời học thuyết Mác - Lênin; thấy được những giá trị to lớn của học thuyết này trong mối tương quan với các trào lưu tư tưởng khác trong lịch sử và đương đại. Tương tự, đối với môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng nên luận giải nhiều hơn một số tư tưởng ở nước ta trước và trong thời đại Hồ Chí Minh; cần nhấn mạnh Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng như thế nào vào thực tiễn nước nhà. Với môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, cần có những phần đánh giá tính ưu việt, hạn chế trong các chủ trương, đường lối của Đảng. 

Cùng với việc kết cấu lại nội dung chương trình; việc tổ chức học các môn lý luận chính trị theo học chế tín chỉ phải được thực hiện một cách khoa học, không rơi vào hình thức hóa. Đó phải là một hình thức học lấy sinh viên làm trung tâm, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học. Các lớp học cần được sắp xếp hợp lý về thời gian, không gian, địa điểm, không ghép lớp học thành lớp quá đông. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến khâu đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Các tiêu chí kiến thức và thang điểm cần bảo đảm tính khách quan, khoa học, tính công bằng và tính phân loại.  

Hai là, tập trung biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo có chất lượng, phù hợp với nhu cầu học

Giáo trình cần có sự đổi mới, cần đưa vào giáo trình những vấn đề thực tiễn của đất nước và thời đại đang đặt ra. Tất nhiên một giáo trình không thể bảo đảm được tất cả mọi vấn đề. Song, cũng cần phải được làm mới thường xuyên... Muốn vậy, chúng ta không nên lệ thuộc vào một giáo trình cụ thể. Nội dung giáo trình hiện nay chỉ nên gọi là bộ khung kiến thức cơ bản, vì nó quá trừu tượng, không sát với từng ngành học. Các trường có thể biên soạn giáo trình riêng trên cơ sở chương trình khung; giáo trình cũng phải được chuyên biệt hóa, bám sát nhu cầu của từng lĩnh vực. Để lý luận gắn liền với thực tiễn, những nội dung trong giáo trình cần tính đến môi trường ứng dụng cụ thể. Cần có giáo trình dành riêng cho từng khối ngành, thí dụ: Giáo trình cho khối khoa học tự nhiên và khối kỹ thuật; khối kinh tế - tài chính; khối khoa học xã hội và nhân văn... Đội ngũ biên soạn giáo trình phải có đủ trình độ và tính chuyên sâu về lĩnh vực tri thức của giáo trình. 

Bên cạnh việc biên soạn giáo trình có chất lượng, cần phải có tài liệu tham khảo phong phú. Các tài liệu tham khảo phải bảo đảm tính “vệ tinh” của giáo trình. Chúng có vài trò đi sâu luận giải những lý luận có tính khái quát trong giáo trình; đồng thời đưa ra những vấn đề thực tiễn và những bài tập thực hành để khắc phục tính chất “xơ cứng” của giáo trình; giúp cho người học nghiên cứu, tìm tòi sâu, rộng kiến thức của môn học.

Ba là, kết hợp giữa sắp xếp giảng viên giảng dạy đúng chuyên môn với việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho các giảng viên lý luận chính trị

Các trường cần chỉ đạo các khoa, bộ môn lý luận chính trị rà soát lại đội ngũ cán bộ, giảng viên về trình độ chuyên môn được đào tạo, các chuyên môn đã được bồi dưỡng và vị trí công tác đang đảm nhiệm xem có phù hợp chưa. Đưa ra các tiêu chí đối với giảng viên giảng dạy cho từng hệ học, từng môn học, từng chuyên ngành. Từ đó, bố trí, sắp xếp làm sao để giảng viên có thể dạy đúng chuyên môn được đào tạo. Cân đối số tiết giảng sao cho hợp lý, tránh trường hợp giảng viên này dạy quá nhiều trong khi giảng viên khác dạy ít. Bên cạnh đó, phải có kế hoạch cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ cho giảng viên. Kết hợp chặt chẽ giữa giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Các trường phải xem nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ quan trọng để các giảng viên có điều kiện, có động lực hoàn thiện chuyên môn.

Đảng ta đã quát triệt rõ: “Xây dựng cho được đội ngũ giáo viên lý luận chính trị tâm huyết, yêu nghề, tuyệt đối trung thành, có niềm tin, có kiến thức mới gắn với thực tiễn. Đây là nhân tố quyết định sự thành công của việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong nhà trường”(3). Như vậy, ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, các giảng viên cần tự bồi dưỡng và phải được bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, chân chính. 

Bốn là, đổi mới phương pháp dạy và học các môn lý luận chính trị

Đối với phương pháp dạy, các môn lý luận chính trị vẫn rất cần phát huy phương pháp thuyết trình. Bên cạnh đó, để có một tiết giảng sinh động đem lại hứng thú và phát huy tính sáng tạo của sinh viên, các giảng viên cần áp dụng các phương tiện và phương pháp dạy học tiên tiến. Tổ chức các buổi thảo luận theo chuyên đề, hoạt động nhóm, trình chiếu slide, phim tư liệu. Tăng cường sự tương tác giữa người dạy và người học, giữa người học với nhau. Đồng thời, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chủ nghĩa Mác - Lênin; về đường lối, chiến lược của Đảng; về những vấn đề quan trọng trong thực tiễn của đất nước và quốc tế; đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Giúp sinh viên thấy được những giá trị to lớn của các môn lý luận chính trị và áp dụng vào cuộc sống của bản thân.

Năm là, có cơ chế, chính sách quan tâm, đãi ngộ các giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị

Cần có chính sách lương hợp lý để giảng viên đủ sống bằng nghề của mình, chuyên tâm vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Trên thực tế, Đảng và Nhà nước đã có nhiều đổi mới trong việc chăm lo đến đội ngũ giáo chức, tuy nhiên sự chăm lo đó chưa thực sự tương xứng với nhu cầu phát triển, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo còn thấp, làm cho đời sống giáo chức còn nhiều khó khăn. Những tác động của kinh tế thị trường làm cho không ít nhà giáo mất động lực cống hiến. Do vậy, phải có chế độ lương phù hợp để bảo đảm cuộc sống cho các giảng viên yên tâm công tác; có chính sách đãi ngộ thích đáng nhằm thu hút các nhà khoa học, các giảng viên giỏi trong tham gia nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị tại các trường đại học, cao đẳng.

Sáu là, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Nơi kiểm nghiệm đúng đắn nhất đối với lý luận chính là thực tiễn. Vì vậy, Đảng phải lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, chống phá sự nghiệp cánh mạng của nước ta; chống tệ quan liêu, tham nhũng; xây dựng đời sống văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, làm cho văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của đời sống xã hội. Tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng đó chính là động lực và là niềm cổ vũ to lớn đối với việc học tập các môn lý luận chính trị trong sinh viên.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2017

(1), (3) ĐCSVN: Kết luận của Ban Bí thư về việctiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân(số 94-KL/TW, ngày 28-3-2014), tr.1,2.

(2) ĐCSVN: Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030(Nghị quyết số 37/NQ-TW, ngày 09-10-2014).

 

TS Phùng Danh Cường

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền