Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Những vấn đề của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Thứ sáu, 22 Tháng 12 2017 11:43
5039 Lượt xem

Những vấn đề của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

(LLCT) - Trên cơ sở tổng kết thành tựu và hạn chế của 30 năm đổi mới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2016-2020 mà Đại hội XII của Đảng xác định là: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ; phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước”(1). Đó vừa là nhiệm vụ vừa là động lực quan trọng để “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”(2). Như vậy, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo là vấn đề then chốt hiện nay.

1. Nguồn nhân lực chất lượng cao, “chìa khóa” mở cánh cửa phát triển bền vững

Nhân lực chất lượng cao là người lao động có trình độ và chất lượng đáp ứng có hiệu quả cao đối với việc thực hiện một nhiệm vụ cụ thể trong điều kiện cụ thể và tương quan với yêu cầu phát triển của đất nước giai đoạn mới và với nhân lực quốc tế. Tiêu chí cơ bản đánh giá nhân lực chất lượng cao là: văn hóa, văn hóa nghề nghiệp, đạo đức, nhân cách, trách nhiệm xã hội, ý thức công dân; năng lực tư duy sáng tạo; năng lực tri thức chuyên môn; năng lực thực hành và kỹ năng mềm(3)

Để tạo ra những con người đáp ứng yêu cầu đó, vai trò của giáo dục - đào tạo vô cùng quan trọng. Nhiều nhà kinh tế học, giáo dục học trên thế giới đã khẳng định điều này từ rất sớm. Họ đo lường tổng lợi nhuận từ việc phát triển nhân lực thông qua đầu tư vào giáo dục và đào tạo, ước tính đóng góp của giáo dục và kiến thức mới đối với tăng trưởng kinh tế, cũng như những ảnh hưởng rộng lớn của nó đối với dân chủ, nhân quyền, ổn định chính trị, y tế, tỷ lệ gia tăng dân số, giảm nghèo, bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, tội phạm, sử dụng ma túy, và môi trường(4). Nhân lực (chỉ khả năng, kỹ năng, kiến thức... của người lao động được tích lũy thông qua quá trình giáo dục, đào tạo và lao động sản xuất) được coi là một dạng vốn, có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất. Theo đó, quá trình tích lũy kiến thức, tiến bộ công nghệ đều có vai trò của giáo dục - đào tạo(5). Sự tương phản trong tăng trưởng kinh tế giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển đã thể hiện rõ tầm quan trọng của chất lượng lao động; vấn đề chảy máu chất xám từ các nước đang phát triển tới các nước phát triển do họ nhận được tiền lương và các chế độ phúc lợi cao hơn, cho phép nhìn nhận tổng quan về phát triển nguồn nhân lực các nước đang phát triển(6).

Ở nước ta, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đại hội XI xác định, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững đất nước: “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững”(7).

Quan điểm này đánh dấu sự chuyển biến trong tư duy lý luận của Đảng về vị trí, vai trò của nhân tố con người và nguồn nhân lực, coi phát triển nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong các khâu đột phá của chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ 2011-2020. Đại hội XII của Đảng xác định một trong những đột phá chiến lược cần đặc biệt chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả là: “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao”(8); “Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”(9).

Hằng năm, nước ta có khoảng hơn một triệu người đến tuổi lao động, nhưng chỉ 51,6% trong số đó được qua đào tạo(10). Theo Báo cáo điều tra lao động việc làm quý IV, 2015 của Tổng Cục thống kê, trong cơ cấu lao động có việc làm năm 2014, 81,8% lao động chưa qua đào tạo, 4,9% qua học nghề từ 3 tháng trở lên, trung cấp: 3,7%, cao đẳng: 2,12%, đại học và trên đại học: 7,6%. Năm 2015, cả nước có 53.500,2 nghìn lao động. Trong đó, lao động không qua đào tạo là 42.653,2 nghìn người (79,7%); qua học nghề từ 3 tháng trở lên: 2.505,9 nghìn người (4,7%); trung cấp chuyên nghiệp: 2.072 nghìn người (3,9%); cao đẳng: 14.17,4 nghìn người (2,65%); đại học trở lên: 4510,4 nghìn người (8,43%)(11). Lao động hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của các cơ sở sản xuất đòi hỏi trình độ cao. Đây chính là khó khăn lớn đối với nước ta khi thực hiện công nghiệp hóa. Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: “Chất lượng nguồn nhân lực là điểm nghẽn cản trở sự phát triển” và “Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại”(12). Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lực sáng tạo ngày càng trở nên bức thiết. Có thể nói, nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao thì đất nước không thể có sự phát triển nhanh và bền vững.

2. Một số vấn đề của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học.

Trong quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc. Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp.

Đổi mới căn bản và toàn diện không có nghĩa là làm lại tất cả, từ đầu mà cần vừa kế thừa, củng cố, phát huy các thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới, vừa kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc; đổi mới có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình phù hợp với thực tế đất nước, địa phương. Những hạn chế, thách thức của giáo dục phải được nhận thức sâu sắc, có giải pháp hữu hiệu và lộ trình khắc phục, vượt qua để đưa sự nghiệp giáo dục lên tầm cao mới(13).

Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì chiến lược đào tạo nguồn nhân lực không phải tập trung ở số lượng mà cần tập trung ở chất lượng lao động. Nguồn nhân lực có chất lượng cao cũng là đòi hỏi cấp thiết của nền sản xuất xã hội trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ và toàn cầu hóa. Điều đó có nghĩa, việc chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ cao, có đủ khả năng tiếp nhận và làm chủ được những thành tựu khoa học công nghệ, quản lý là vấn đề cần được quan tâm sâu sắc. Theo tôi, đổi mới căn bản giáo dục - đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần:

Một là, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, nhất là giáo dục đại học, nghề nghiệp và xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực, với những giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung cho giải pháp đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong nhà trường cũng như trong quá trình sản xuất kinh doanh, chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp và kỹ năng thực hành. Phát triển hợp lý, hiệu quả các loại hình trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Muốn vậy, việc phê duyệt mở trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các trường dạy nghề phải được xem xét trong tổng thể các quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Cần tính toán nhu cầu lao động trong các ngành kinh tế quốc dân để quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo nghề nghiệp cho người lao động.

Hai là, cần thiết kế chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trong đó có dạy nghề. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực trong tổng thể quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, địa phương. Điều đáng quan tâm nhưng chưa được chú trọng thực sự là việc quy hoạch, đầu tư và phát triển các cơ sở dạy nghề. Hiện tại, việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đang được quan tâm và đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch, nhưng quy hoạch dạy nghề còn manh mún và tự phát, coi trọng đào tạo đội ngũ công nhân tay nghề cao, kỹ sư thực hành và nhà quản lý. Tập trung nâng tỷ lệ công nhân kỹ thuật ở tất cả các ngành kinh tế quốc dân nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút đào tạo nghề nghiệp theo hình thức đầu tư trực tiếp của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể phối hợp hoặc tự mình mở các cơ sở đào tạo nghề hoặc chuyển giao công nghệ đào tạo nghề nhằm nâng cấp hoạt động đào tạo nghề của nước ta. Khuyến khích và cho phép các doanh nghiệp nước ngoài xây dựng các trường, trung tâm dạy nghề để sử dụng tại chỗ. Cần có chính sách bảo đảm tính liên thông giữa đào tạo nghề với hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, cho phép và khuyến khích học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông cơ sở đến phổ thông trung học tham gia vào các chương trình đào tạo nghề.

Ba là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng giảng viên đại học và giáo dục chuyên nghiệp.Muốn đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao thì phải đào tạo đội ngũ giáo viên dạy đại học và chuyên nghiệp vừa hồng vừa chuyên. Điều đó thể hiện ở khả năng xây dựng chương trình giảng dạy, năng lực sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, phù hợp với chuyên môn, năng lực truyền đạt (viết bài giảng và tài liệu học tập, trình bày, đặt câu hỏi, lắng nghe, và phản hồi), năng lực giải quyết vấn đề và ra quyết định, năng lực quản lý xung đột và đàm phán, năng lực sử dụng công nghệ trong giảng dạy (PowerPoint, máy tính, web, các phần mềm sử dụng trong chuyên môn,...) và năng lực không ngừng học tập và phát triển bản thân. Để có thể phát triển được đội ngũ giảng viên, cần xây dựng tiêu chí năng lực và có chiến lược phát triển đội ngũ của mình bằng cách kết hợp các loại hình đào tạo khác nhau: Đào tạo dài hạn, chính quy (tiến sỹ, thạc sỹ). Đào tạo và bồi dưỡng liên tục cho phù hợp với nhu cầu phát triển; tự học tập và bồi dưỡng để không ngừng nâng cao năng lực...

Bốn là, kiện toàn các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo nói chung, đào tạo nhân lực chất lượng cao nói riêng.Sớm nghiên cứu tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của đất nước, theo hướng có một cơ quan (Bộ Giáo dục) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục (bao gồm giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông) và một cơ quan (Bộ Đào tạo và Phát triển nhân lực) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo theo ngành và theo lãnh thổ. Cần coi đây là khâu đột phá của việc “đổi mới căn bản và toàn diện” nền giáo dục Việt Nam theo phương châm chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.

Năm là, cần kết hợp ba nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực với bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài.Việc đào tạo và phát huy khả năng lao động sáng tạo, hiệu quả của nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay đang là một đòi hỏi cấp bách, đồng thời là vấn đề có tính chiến lược của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức. Phát huy nguồn nhân lực thể hiện ở cả đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và thu hút nhân tài. Đây là vấn đề có tầm chiến lược, là yếu tố quyết định tương lai của đất nước. Do đó, cần chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Trên cơ sở đó, giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Sáu là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo. Đổi mới chương trình, nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với ngành nghề. Đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan. Phương pháp dạy và học cần khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, tập trung dạy cách học, cách nghĩ và tự học, theo phương châm “giảng ít, học nhiều”. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học; đa dạng hoá các hình thức tổ chức giáo dục... Bên cạnh đó, cần đổi mới nội dung, phương pháp đánh giá, chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá việc hình thành năng lực, phẩm chất của người học.

Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học giáo dục và khoa học quản lý. Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, trước hết đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cần huy động các nguồn lực khác trong nhân dân để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cũng như tạo sự đồng thuận trong phát triển giáo dục. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý. Khuyến khích thành lập viện, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Nghiên cứu sáp nhập một số tổ chức nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ với các trường đại học công lập.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2017

(1), (2), (8), (9), (10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.118, 9, 218, 295-296, 228.

(3) GS,TS Phùng Hữu Phú, PGS,TSKH Nguyễn Văn Dạng, PGS,TS Nguyễn Viết Thông: Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.225.

(4) Werther W.& Davis: Human resource development.

(5) Walter W.MacMahon: Education and Development: Measuring the Social Benefits,Clarendon Press, 2000.

(6) E.Wayne Nafziger:Kinh tế học các nước đang phát triển (The Economics of Developing countries), Nxb Thống kê, Hà Nội, 1998

(7), (12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.130, 29.

(11) Tổng cục Thống kê: Báo cáo điều tra lao động việc làm quý IV, 2015.

(13) ĐCSVN: Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

 

TS Nguyễn Văn Lượng

Viện Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền