Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Đổi mới giảng dạy triết học theo hướng coi trọng trang bị và rèn luyện phương pháp tư duy cho cán bộ lãnh đạo, quản lý
Thứ tư, 24 Tháng 1 2018 17:06
2880 Lượt xem

Đổi mới giảng dạy triết học theo hướng coi trọng trang bị và rèn luyện phương pháp tư duy cho cán bộ lãnh đạo, quản lý

(LLCT) - Đại hội XII của Đảng nhận định: “Hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị còn nhiều bất hợp lý. Phương pháp giảng dạy, học tập lý luận chính trị còn lạc hậu”(1).  Vì vậy, “Tiếp tục đổi mới hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tính hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng”(2) là nhiệm vụ cấp bách của Học viện Chính trị quốc gia, trong đó có môn triết học.

Chức năng chủ yếu của triết học là cung cấp thế giới quan và phương pháp luận khoa học cho nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người. Để khẳng định và phát huy được chức năng đó của triết học trong giảng dạy, một mặt trên cơ sở lý luận của mình phải giải thích được một cách khoa học những thành tựu khoa học, cũng như những hiện tượng trong thực tiễn cuộc sống, nhất là những thành tựu, những hiện tượng “mới lạ” ít nhiều làm “đảo lộn” những tư tưởng, quan niệm đã có. Mặt khác, cần tiếp tục đổi mới giảng dạy theo hướng coi trọng trang bị và rèn luyện phương pháp luận khoa học cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Giảng dạy môn triết học hiện nay vẫn có tình trạng nặng về truyền thụ kiến thức, những nguyên lý, quy luật, ít chú ý khai thác, giáo dục và rèn luyện về phương pháp: phương pháp được rút ra từ những nguyên lý lý luận, tri thức lý luận và những phương pháp với tư cách như một bộ môn độc lập.

Trang bị vốn kiến thức, gia tăng tri thức, cập nhật thông tin là cái cần thiết, nhưng không phải là tất cả. Tri thức, kiến thức trong thời đại khoa học phát triển như vũ bão - rất nhanh chóng bị lạc hậu. Hơn nữa, lý luận, lý thuyết chỉ là “màu xám xịt” còn thực tiễn cuộc sống biến động hết sức đa dạng, nhanh chóng. Không phải mọi lời giải đáp cho những vấn đề thực tiễn cuộc sống đều có sẵn trong lý luận, lý thuyết. Vì vậy, trang bị, giáo dục, rèn luyện cho người học: phương pháp tư duy, phương pháp nhận thức để giúp họ nhận thức, tiếp cận những tri thức mới là hết sức cần thiết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, đảng viên, học lý luận Mác - Lênin là “phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”(3). Lời chỉ huấn đó của Người vẫn còn nguyên giá trị trong đổi mới giảng dạy triết học Mác - Lênin hiện nay.

Thuật ngữ phương phápbắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “methodos” có nghĩa là con đường, công cụ nhận thức. Theo nghĩa thông thường, phương pháp là những cách thức, thủ đoạn được chủ thể sử dụng để thực hiện mục đích nhất định. Nói đến phương pháp là nói đến phương pháp của con người, do con người tạo ra và được con người sử dụng như những công cụ để thực hiện mục đích nhất định. Phương pháp gắn liền với hoạt động có ý thức của con người, không có phương pháp tồn tại sẵn trong hiện thực và ở ngoài con người. Phương pháp là kết quả của việc con người nhận thức hiện thực khách quan và từ đó rút ra những nguyên tắc, những yêu cầu để định hướng cho mình trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. Những quy luật khách quan đã được nhận thức là cơ sở để con người định ra phương pháp đúng đắn. Do đó, theo nghĩa khoa học, phương pháp là hệ thống những nguyên tắc được rút ra từ những tri thức về các quy luật khách quan để điều chỉnh hoạt động nhận thức và thực tiễn nhằm thực hiện mục đích nhất định.

Sức mạnh của phương pháp là ở chỗ, trong khi phản ánh đúng đắn những quy luật của thế giới khách quan, nó đem lại cho khoa học và thực tiễn một công cụ có hiệu quả nghiên cứu thế giới và cải tạo thế giới. Ph.Bêcơn ví phương pháp như ngọn đuốc soi đường cho người đi trong đêm tối. R.Đêcáctơ khẳng định, chẳng thà không đi tìm chân lý, còn hơn đi tìm chân lý mà không có phương pháp khoa học. Hêghen coi phương pháp là “linh hồn của đối tượng”. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin nhấn mạnh rằng, vấn đề không phải chỉ là chân lý mà còn là con đường đi đến chân lý, con đường đó (tức phương pháp) cũng phải có tính chân lý.

Tri thức khoa học, lý luận chứa đựng trong nó khả năng trở thành phương pháp, nhưng bản thân những tri thức đó (ngay cả lý luận về phép biện chứng duy vật) chưa phải là phương pháp. Lý luận là lập trường, quan điểm, nguyên lý, quy luật, nhưng phương pháp lại là hệ thống những nguyên tắc, chuẩn mực, yêu cầu thao tác được rút ra từ những tri thức lý luận để điều chỉnh hành động của con người nhằm mục đích nhất định. Do đó, từ những ngôn ngữ của tri thức khoa học, lý luận (nguyên lý, quy luật, phạm trù...) muốn biến thành phương pháp phải được “chuyển hóa” thành ngôn ngữ phương pháp.

Nội dung triết học được giảng dạy trong đào tạo và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ yếu là chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử.  Chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử nói chung, nhất là phép biện chứng duy vật càng ngày càng được thừa nhận là phương pháp luận chung nhất, khoa học nhất của nhận thức và thực tiễn. Trong đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy triết học, học phần chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử ở các cơ sở đào tạo hiện nay do sức ép giảm tải thời lượng các môn học nên đã phải cắt giảm một cách đáng kể. Sự giảm tải đó ở mức độ nào đó cũng là sự cần thiết, tuy nhiên giảm cái gì, không giảm cái gì cũng còn không ít ý kiến khác nhau. Vấn đề muốn đề cập đến ở đây là đi đôi giảm tải về thời lượng thì nội dung giáo trình, giáo khoa và phương pháp dạy – học đổi mới như thế nào mới phù hợp, hiệu quả.

Đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy triết học theo hướng coi trọng trang bị, rèn luyện phương pháp cho cán bộ lãnh đạo, quản lý là hết sức cấp thiết ở nước ta hiện nay. Bởi lẽ:

Thứ nhất, như chúng ta đã biết phương pháp là công cụ để con người, để cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức, tiếp cận những tri thức mới, là cầu nối giữa lý luận, lý thuyết với thực tiễn, thiếu nó khó nói đến việc phát triển nhận thức, vận dụng một cách sáng tạo lý luận, lý thuyết vào thực tiễn cuộc sống. Do đó, giáo dục lý luận mà không chú ý đến phương pháp, không chuyển hóa được ngôn ngữ lý luận thành ngôn ngữ phương pháp thì kết quả sẽ rất hạn chế.

Thứ hai,đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy triết học ở nước ta hiện nay theo hướng coi trọng trang bị, rèn luyện phương pháp còn bắt nguồn từ tính phức tạp của đổi mới, của thế giới đương đại. Đổi mới ở nước ta đang diễn ra trong bối cảnh thế giới đầy những biến động phức tạp, khó lường. Thế giới ngày nay phát triển với tất cả tính đa dạng và khác biệt, các nước cùng tồn tại, hợp tác và cạnh tranh để phát triển. Sự phụ thuộc và ràng buộc lẫn nhau giữa các thực thể trong một chỉnh thể chung là thế giới nhân loại đã trở thành một thực tế. Sẽ không một quốc gia - dân tộc nào có thể phát triển được trong trạng thái biệt lập, khép kín. Do đó, ngoài việc nỗ lực giải quyết những vấn đề của chính mình, các nước đều phải tham gia vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để giải quyết những vấn đề chung, toàn cầu liên quan tới sự phát triển của cả loài người.Đó là vấn đề chiến tranh và hòa bình, đói nghèo và các hiểm họa bệnh tật, là tình trạng bùng nổ dân số, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, là sự đe dọa của khủng bố, của những xung đột sắc tộc và tôn giáo v.v..

Một thế giới không ngừng đổi thay đang tác động vào đời sống xã hội nước ta từ nhiều phía, nhiều chiều cạnh quan hệ và nhiều lĩnh vực, đòi hỏi đất nước - xã hội - con người phải thường xuyên đổi mới và chỉ có đổi mới một cách thông minh, sáng tạo, có nguyên tắc và bản lĩnh trên cơ sở của tư duy biện chứng mới có thể đi tới thắng lợi.

Mặt khác, sự nghiệp đổi mới ở nước ta càng đi vào chiều sâu, trên không ít vấn đề, ranh giới giữa các vấn đề cần phải kiên trì, kiên định, các vấn đề mang tính nguyên tắc với bảo thủ, giáo điều; giữa các quan niệm mới với hữu khuynh, sai lầm là hết sức mỏng manh và đôi khi không thật rõ ràng. Hơn nữa, nhận thức thế giới đương đại và những vấn đề mới nảy sinh trong đổi mới xuất hiện nhiều kiến giải khác nhau, thậm chí có nhiều ý kiến, quan điểm trái ngược nhau. Để đổi mới có kết quả không chỉ đòi hỏi một tư duy khám phá, sáng tạo, mà còn phải có một quyết tâm chính trị đầy dũng khí vượt lên những quan niệm thịnh hành, “chính thống”, những “khuôn mẫu” giáo điều, cứng nhắc đang đè nặng trong tư tưởng của cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, đổi mới còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, liên quan đến lợi ích của các bộ phận, giai tầng xã hội và thường làm nảy sinh những mâu thuẫn, những tình huống hết sức phức tạp. Những vấn đề đó đã và đang nổi lên như những tình huống phức tạp cần phải giải quyết để đổi mới, ổn định và phát triển. Giải quyết những vấn đề ấy đòi hỏi ở mỗi người không chỉ nhiệt tâm, ý thức trách nhiệm, thái độ dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật mà còn phải có phương pháp khoa học, phương pháp biện chứng trong nhận thức và giải quyết mọi vấn đề.

Chỉ có nắm bắt nhanh nhạy những tình hình mới, những biến động mới, những xu thế mới diễn ra trên thế giới và trong nước mới có thể đề ra những chủ trương, chiến lược, sách lược đúng đắn, thích hợp. Các hiện tượng và quá trình diễn ra trong giai đoạn hiện nay là vô cùng phức tạp và biến hóa khôn lường, để có quan điểm đúng, để không lạc hướng trước thế giới các sự kiện đa dạng, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải nhận thức được các mối liên hệ bản chất, những quy luật và tính quy luật nằm ở tầng sâu thế giới các hiện tượng đa dạng, phong phú.

Việc hoạch định chiến lược và các chính sách phát triển, xác lập lộ trình, bước đi và giải pháp phát triển trong tổng thể cũng như trong từng lĩnh vực của đất nước và dân tộc mình đòi hỏi các nhà lãnh đạo cấp chiến lược phải có tầm tư duy và tư tưởng chiến lược, có đối sách và quyết sách khôn ngoan, mềm dẻo, phản ứng mau lẹ và linh hoạt. Tư duy chiến lược ấy rõ ràng đòi hỏi phải ở tầm tư duy biện chứng, khoa học và hiện đại chứ không thể là tư duy siêu hình; là tư duy đổi mới và sáng tạo chứ không thể là tư duy bảo thủ, trì trệ, hẹp hòi, thành kiến. Chỉ có tầm tư duy ấy mới có thể đón kịp thời cơ, vận hội để phát triển và chủ động vượt qua những thách thức, thậm chí là thách thức nghiệt ngã trong quá trình phát triển. Không thể giải quyết những nhiệm vụ của ngày hôm nay bằng những phương pháp và kinh nghiệm của ngày hôm qua. Đổi mới hướng tới phát triển bền vững đã khách quan hóa tầm quan trọng của phương pháp biện chứng, đòi hỏi sự phát triển mạnh mẽ tư duy biện chứng khoa học, nhận thức và hoạt động vận dụng một cách tự giác, nhuần nhuyễn phương pháp khoa học, phương pháp của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Để đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy triết học trong hệ thống Học viện hiện nay theo hướng coi trọng trang bị, rèn luyện phương pháp tư duy, phải đổi mới nội dung, chương trình. Giáo trình triết học hiện nay đã có những đổi mới song nhiều nội dung còn trùng lặp giữa các chuyên đề, giữa các môn học(4), trong khi đó, thời gian lên lớp, thời gian tự học lại ngắn. Từ đó, người dạy và người học đều chịu những áp lực nhất định.  Vì vậy, cần tiếp tục chỉnh sửa lại giáo trình theo hướng có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với môn học, cấp học, với đối tượng học viên. Cần đầu tư nhiều hơn nữa về vấn đề trang bị, rèn luyện phương pháp tư duy, phương pháp nhận thức và thực tiễn được đúc rút ra từ những kiến thức lý luận.

Hơn nữa, để giảng dạy triết học theo hướng coi trọng trang bị, rèn luyện phương pháp phải tiếp tục đổi mới phương pháp dạy - học. Phương pháp tiếp cận vấn đề, phương pháp được rút ra từ những quan điểm lý luận của giảng viên là hết sức có ý nghĩa trong việc trang bị phương pháp cho người học. Kinh nghiệm giảng dạy cho thấy, cái để lại ấn tượng, cái biến thành của người học chính là phương pháp. Ngoài ra, đổi mới dạy - học theo phương châm lấy người học là trung tâm cũng là quá trình rèn luyện và trang bị phương pháp cho người học và cả người dạy. Ở đây còn đòi hỏi người học phải phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo từ hiểu biết để rút ra phương pháp.

Giảng dạy triết học trước đây chủ yếu sử dụng phương pháp thuyết trình. Phương pháp này có ưu điểm truyền đạt được một khối lượng kiến thức lớn, mang tính hệ thống và có lôgíc chặt chẽ. Tuy nhiên, nó dễ làm cho người học thụ động, ít phát huy được tính tích cực, độc lập suy nghĩ. Để khắc phục hạn chế đó, trong những năm gần đây đã bước đầu tiến hành kết hợp phương pháp giảng dạy nêu vấn đề, học tập theo nhóm, sử dụng các phương tiện hiện đại hỗ trợ cho việc dạy và học. Phương pháp giảng dạy nêu vấn đề buộc người học phải biến quá trình tiếp thu kiến thức từ bị động thành một quá trình chủ động, khuyến khích được tính tích cực của người học: tìm tòi, suy nghĩ, tranh luận... Dạy - học theo phương pháp này không những giúp người học lĩnh hội được những kiến thức, mà còn mở rộng được kiến thức, tiêu hóa được kiến thức, chuyển hóa được nó thành phương pháp, công cụ, tư tưởng trong tư duy và hành động.

Vấn đề đặt ra hiện nay là phải tạo ra được những điều kiện để thực hiện phương pháp này cho có hiệu quả. Điều đó đòi hỏi thầy - trò - cơ sở đào tạo đều phải có sự nỗ lực cao. Người thầy phải biết tổ chức và hướng dẫn người học “tự học”; phải biết gợi mở vấn đề để người học biết đề xuất vấn đề, tranh luận giải quyết vấn đề gắn với những nội dung cần truyền thụ. Người học phải chủ động, tích cực trong học tập, phải mạnh dạn, tích cực trao đổi, tranh luận, thảo luận những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đang đặt ra đòi hỏi phải có sự giải đáp...

Không chuẩn bị tốt những điều kiện trên, vận dụng một cách vội vàng, phương pháp giảng dạy nêu vấn đề sẽ trở nên hình thức, kém hiệu quả. Vì vậy, hiện nay phải biết kết hợp phương pháp thuyết trình với phương pháp nêu vấn đề, đồng thời phải tích cực chuẩn bị tốt các điều kiện để phương pháp nêu vấn đề trở thành phương pháp chủ yếu trong dạy - học triết học.

Hiện nay, giảng dạy triết học vẫn còn tình trạng dạy theo phương pháp thuyết trình, người học tiếp thu một cách thụ động, nặng về truyền thụ kiến thức, chưa dành thời gian thích đáng cho phương pháp. Vì vậy, đổi mới nội dung, chương trình, nhất là đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng chú trọng trang bị và rèn luyện phương pháp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả tác giảng dạy môn triết học hiện nay.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2017

(1), (2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 193, 202.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 497.

(4) Mỗi môn học đều có đối tượng và cách tiếp cận riêng của nó. Chẳng hạn, các chuyên đề của môn triết học đều liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, góc độ của môn học đòi hỏi tiếp cận dưới góc độ triết học, lan sang đối tượng của môn khác, góc độ của các môn khác là sự trùng lặp.

 

GS, TS Trần Thành

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền