Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Viện Kinh tế chính trị học 60 năm không ngừng đổi mới và phát triển
Thứ hai, 26 Tháng 2 2018 15:20
2236 Lượt xem

Viện Kinh tế chính trị học 60 năm không ngừng đổi mới và phát triển

(LLCT) - Viện Kinh tế chính trị học, tiền thân là Tổ Kinh tế chính trị của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương được thành lập ngày 7-9-1957. Đây là thời kỳ nước ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng CNXH ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Do vậy, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng tư duy, lý luận kinh tế cho đội ngũ cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước, được đặt ra một cách cấp bách, với những yêu cầu mới theo tinh thần Chỉ thị của Ban Bí Thư Trung ương Đảng, ngày 8-2-1957: “Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương phải đổi mới về mọi mặt nhằm phục vụ nâng cao lý luận của Đảng đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng, để Đảng ta có thể hoàn thành tốt hơn sứ mệnh của mình”.

Thấm nhuần tinh thần của Chỉ thị, mặc dù chỉ với 5 cán bộ cùng sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia Liên Xô và Trung Quốc, Tổ Kinh tế chính trị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, tham gia đào tạo, bồi dưỡng lý luận Kinh tế chính trị cho các lớp cán bộ trung, cao cấp của Đảng và hệ thống chính trị. Năm 1959, Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương đã quyết định chuyển Tổ Kinh tế chính trị thành Khoa Kinh tế chính trị. Chức năng, nhiệm vụ của Khoa là: Giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng lý luận về kinh tế chính trị Mác - Lênin cho đội ngũ cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao trình độ lý luận của Đảng, phục vụ những đòi hỏi cấp bách của thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, đội ngũ cán bộ giảng dạy của Viện đã trưởng thành nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng; toàn Viện là một khối đoàn kết thống nhất, kiên định và đứng vững trên mặt trận giảng dạy, truyền bá và bảo vệ lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, quan điểm của Đảng, tiến từng bước vững chắc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu và phát triển lý luận khoa học kinh tế, trong tổng kết thực tiễn và các mặt hoạt động khác, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Học viện. Thành tựu nêu trên cơ bản có thể được khái quát trên các mặt sau đây:

1. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng

Trong 60 năm phấn đấu và trưởng thành, đồng hành cùng sự phát triển của Học viện, Viện Kinh tế chính trị đã tham gia tích cực vào công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức lý luận kinh tế cho học viên tại các hệ lớp cao cấp lý luận chính trị (lớp A), cử nhân chính trị (lớp B) của trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc; cao cấp lý luận chính trị tập trung (lớp A), cử nhân chính trị, cao cấp lý luận chính trị không tập trung (lớp B) của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hiện nay. Bên cạnh đó, Viện còn tham gia đào tạo cán bộ lý luận cho hệ thống giáo dục quốc dân và cán bộ thuộc các Đảng bạn. Chất lượng các bài giảng luôn thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, phù hợp với đường lối phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Để góp phần phát triển tư duy, tầm nhìn chiến lược cho học viên các hệ đào tạo, Viện Kinh tế chính trị học luôn tích cực cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng đảm bảo kiến thức cơ bản, có hệ thống, không ngừng cập nhật những tri thức mới đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Các vấn đề cơ bản đã được giảng dạy trong các hệ lớp gồm: về những quy luật kinh tế của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; những quy luật, tính quy luật kinh tế của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam...

Cùng với nhiệm vụ chính trị trọng tâm là đào tạo cao cấp lý luận, hoạt động đào tạo sau đại học của Viện Kinh tế chính trị cũng được quan tâm phát triển, không ngừng nâng cao về chất lượng. Viện Kinh tế chính trị đã và đang tham gia đào tạo: chuyên tu sau đại học, cao học, nghiên cứu sinh hệ tập trung và không tập trung dài hạn chuyên ngành Kinh tế chính trị. Kể từ lớp nghiên cứu sinh chuyên ngành Kinh tế chính trị đầu tiên năm 1964 và lớp chuyên tu sau đại học chuyên ngành Kinh tế chính trị khóa I từ cuối những năm 1980 đến nay, Viện đã đào tạo kiến thức sau đại học chuyên ngành Kinh tế chính trị cho gần 900 học viên cao học, nghiên cứu sinh, trong đó có hàng trăm học viên cao học và nghiên cứu sinh của nước bạn Lào.

Tính đến tháng 6-2017, đã có 171 nghiên cứu sinh thuộc hệ tập trung và không tập trung của Viện đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ kinh tế (chiếm khoảng 17% số nghiên cứu sinh bảo vệ luận án ở Học viện) và hơn 600 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Hiện nay, Viện đang đào tạo 35 nghiên cứu sinh hệ tập trung, không tập trung dài hạn và 135 học viên cao học các hệ. Bên cạnh đó, Viện đã tham gia đào tạo kiến thức lý luận Kinh tế chính trị học cho hàng nghìn học viên cao học, nghiên cứu sinh các chuyên ngành khác thuộc Học viện.

Thực tiễn công tác giảng dạy và đào tạo, bồi dưỡng đã khẳng định Viện Kinh tế chính trị là một trong những đơn vị chủ chốt của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đồng thời là một trong số ít đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học kinh tế chính trị có uy tín của đất nước; chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên của Viện ngày càng được nâng cao. Nhiều cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học các thế hệ của Khoa Kinh tế chính trị trước đây, Viện Kinh tế chính trị học ngày nay đã trưởng thành trong thực tiễn, trở thành những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước.

2. Về hoạt động nghiên cứu khoa học và tham gia tổng kết thực tiễn

Những năm đầu mới thành lập, Tổ bộ môn Kinh tế chính trị thuộc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc chưa có tài liệu học tập, học viên khi đó được học các tài liệu, giáo khoa do các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc biên soạn. Tuy nhiên, theo yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, với sự cố gắng và sáng tạo của mình, kế thừa và phát triển những sách giáo khoa kinh tế chính trị của một số nước trong hệ thống XHCN, tập thể giảng viên của Viện đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu và biên soạn các chuyên đề, các tập bài giảng phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Các tài liệu này đã phục vụ đắc lực sự nghiệp đào tạo cán bộ của Đảng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, đất nước hoàn toàn thống nhất, toàn Đảng, toàn dân ta bắt tay ngay vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, đòi hỏi lý luận kinh tế chính trị phải giải đáp được những vấn đề mới đặt ra một cách có hệ thống, khoa học. Đáp ứng yêu cầu đó, cuối năm 1975, giáo trình kinh tế chính trị Mác - Lênin chương trình cao cấp được xuất bản với hai bộ phận cấu thành: Về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và Về thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Giáo trình đã được sử dụng rộng rãi cho việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu ở hệ thống trường Đảng.

Để không ngừng hoàn thiện giáo trình, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên các thế hệ của Viện Kinh tế chính trị học đã có nhiều cố gắng trong nghiên cứu, đổi mới nhận thức lý luận kinh tế chính trị Mác - Lênin, khắc phục các biểu hiện giáo điều, kinh viện để tiếp nhận ngày càng sâu sắc, chính xác các nguyên lý cơ bản của học thuyết kinh tế Mác - Lênin. Trên cơ sở đổi mới tư duy lý luận, các thế hệ giảng viên của Viện đã thường xuyên tổng kết thực tiễn, nghiên cứu rà soát lại nội dung chương trình giảng dạy, chỉnh lý, viết lại giáo trình Kinh tế chính trị Mác - Lênin cho phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước để đưa vào giảng dạy trong hệ thống Học viện và hệ thống giáo dục quốc dân.

Trước Đổi mới, sản phẩm khoa học của cán bộ, giảng viên của Khoa được kết tinh trong các công trình tiêu biểu như: tập bài giảng Kinh tế chính trị, chương trình cao cấp lý luận (1964); bộ sách giáo khoa chương trình cao cấp (2 tập), xuất bản năm 1976; bộ sách giáo khoa chương trình cao cấp (2 tập), xuất bản năm 1978; bộ sách giáo khoa chương trình cao cấp (2 tập), xuất bản năm 1980; bộ sách giáo khoa chương trình cao cấp (3 tập), xuất bản năm 1984; hai tập trích kinh điển kinh tế chính trị Mác- Lênin, xuất bản năm 1975; Tập trích kinh điển “Sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN), xuất bản năm 1978; Tình hình đất nước Xô viết thời kỳ 1918-1920 và kế hoạch xây dựng CNXH, bảo vệ đất nước Xô viết của V.I.Lênin, (1980); V.I.Lênin với những chủ trương, biện pháp cơ bản để giải quyết tình hình khó khăn của đất nước Xô viết trong thời kỳ 1921-1924, nhằm tiếp tục đưa sự nghiệp xây dựng CNXH tiến lên (1980).

Đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp Đổi mới đất nước, Viện đã tiến hành các đợt biên soạn, chỉnh lý lớn giáo trình Kinh tế chính trị Mác - Lênin hệ cao cấp lý luận chính trị vào các năm 1989, 1995, 1997, 2001, 2005, 2009, 2013, 2017. Cùng với giáo trình cao cấp, đến nay Viện đã hoàn thành và nghiệm thu 29 bộ giáo trình và đề cương chi tiết thuộc khung chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế chính trị, trong đó đa số học phần mới được xây dựng và nhiều học phần được chỉnh lý, tiếp cận mới. Đến nay, tuy còn có những hạn chế nhất định, giáo trình Kinh tế chính trị Mác - Lênin của Viện Kinh tế chính trị học đã phản ánh những phát triển của lý luận kinh tế chính trị của đất nước và thế giới, những vấn đề mới của thực tiễn kinh tế - xã hội, những quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp đổi mới liên tục được cập nhật và làm sáng tỏ.

Viện Kinh tế chính trị học xác định, nghiên cứu và giảng dạy khoa học kinh tế chính trị Mác - Lênin là hai nhiệm vụ có quan hệ biện chứng với nhau. Vì thế, từ cuối những năm 60 của thế kỷ XX, tập thể Khoa Kinh tế chính trị đã phối hợp với các khoa, đơn vị trong Học viện nghiên cứu các đề tài như: về mối quan hệ giữa LLSX và QHSX ở nước ta (1969); mối quan hệ giữa tư tưởng và tổ chức (1970); về tổ chức lại sản xuất (1970-1973). Viện đã chủ động tham gia tổng kết thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều ngành, địa phương, như: Nghiên cứu tổng kết về ba cuộc cách mạng ở hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình (cuối 1968 đầu 1969); tham gia tổng kết công tác giáo dục - đào tạo của Học viện (các năm 1974, 1976, 1978 và 1988); tham gia tổng kết sự phát triển ngành nông nghiệp từ sau hợp tác hóa (2 đợt năm 1966 và năm 1973). Kết quả nghiên cứu được các ngành, các địa phương đánh giá tốt.

Từ năm 1986 đến nay, công tác nghiên cứu khoa học của Viện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: tham gia nhiều đề tài cấp Nhà nước, tổng kết thực tiễn và đổi mới lý luận Kinh tế những năm đầu đổi mới như: tham gia tổng kết Khoán 100, Khoán 10 trong nông nghiệp; tổng kết công tác thủy nông (1993); tổng kết phát triển thủ công nghiệp ở Hà Nội (1993); tổng kết kinh doanh vận tải đường sắt của Liên hiệp đường sắt I (1995); tổng kết phát triển kinh tế Tây Nguyên năm 1999-2000; tổng kết về phát triển kinh tế tỉnh Trà Vinh (2006); tổng kết về chuyển sở hữu trong các doanh nghiệp sau cổ phần hóa ở Hà Nội (2010)... Các kết quả nghiên cứu đã được các đơn vị nghiên cứu, các cơ quan hoạch định chính sách của Đảng, Nhà nước tham khảo để hoạch định cơ chế, chính sách chuyển đổi nền kinh tế nước ta từ vận hành theo cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước (kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay). Đồng thời, kết quả nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về nghiên cứu của các cán bộ, giảng viên của Viện Kinh tế chính trị học đã góp phần xây dựng giáo trình quốc gia môn Kinh tế chính trị Mác - Lênin; giáo trình Kinh tế chính trị cho đào tạo Đại học chuyên ngành kinh tế của hệ thống giáo dục quốc dân.

Cùng với đó, cán bộ, giảng viên của Viện đã và đang chủ trì, tham gia nhiều đề tài khoa học cấp Bộ, các đề tài phối hợp với các cơ sở nghiên cứu quốc tế, các đề tài khoa học tổng kết thực tiễn của địa phương, chủ trì hàng trăm đề tài cấp cơ sở, hội thảo khoa học, hàng nghìn công trình, bài viết của cán bộ Viện được công bố trên các tạp chí khoa học, sách tham khảo. Hiện nay, Viện đang chủ trì đề tài cấp Nhà nước thuộc chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020 (KX/16-20) và nhiều đề tài cơ sở đang được triển khai theo kinh phí phân cấp nghiên cứu khoa học.

3. Về xây dựng đội ngũ cán bộ

Khi mới thành lập, Viện có 5 giảng viên, hầu hết là cán bộ tuyên huấn ở các cơ quan Đảng và quân đội đi học lý luận chính trị cao cấp tại Học viện và được giữ lại làm giảng viên. Việc giảng dạy bộ môn kinh tế chính trị Mác - Lênin do các chuyên gia Liên Xô và Trung Quốc đảm nhận cho đến năm 1965. Hiện nay, Viện có 26 cán bộ, giảng viên, trong đó có 8 phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên cao cấp; 4 tiến sĩ, giảng viên chính; 2 nghiên cứu sinh, 7 thạc sĩ, 4 đang học cao học, 1 cử nhân. Với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhiều thế hệ cán bộ của Viện đã được Đảng, Nhà nước, Đảng ủy, Giám đốc Học viện tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen, kỷ niệm chương, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú. Tập thể cán bộ, giảng viên của Viện đã được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba vì đã có những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều cán bộ, giảng viên của Khoa đã có sự trưởng thành, đảm nhiệm những trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước, như Phó Thủ tướng, Ủy viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước về hợp tác đầu tư; Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Trước tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động như hiện nay, với trí tuệ và tầm nhìn, bản lĩnh chính trị vững vàng, đội ngũ cán bộ, giảng viên Viện Kinh tế chính trị học vẫn không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng và hệ thống chính trị.

4. Về hợp tác quốc tế

Trong nhiều thập kỷ qua, thông qua các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước và Học viện, Viện Kinh tế chính trị đã không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ với một số nước bạn. Cán bộ của Viện đã giảng dạy kinh tế chính trị Mác - Lênin cho nhiều cán bộ cao cấp của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Đảng nhân dân Campuchia và một số Đảng Cộng sản ở châu Mỹ Latinh, châu Phi. Từ năm 1987 đến nay, đã có nhiều cán bộ giảng dạy của Viện tham dự các cuộc hội thảo khoa học quốc tế tại CHDC Đức, Tiệp Khắc, Liên Xô; Hoa Kỳ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Myanma, Malaixia, Singapore... Từ những năm 1980 đến nay, Viện đã cử 36 lượt giảng viên đi học tập, bồi dưỡng ngắn hạn ở Liên Xô, Cộng hòa dân chủ Đức, 7 thực tập sinh và nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ tại Liên Xô, bồi dưỡng học tập nâng cao trình độ tại Hà Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, Singapore... Hoạt động hợp tác quốc tế đã đem lại sự giao thoa, mở rộng trí tuệ, tầm nhìn cho cán bộ, giảng viên. Trên cơ sở đó, đóng góp tích cực vào công tác giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện.

Có được những kết quả trên là do sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, hiệu quả của Đảng ủy, Ban Giám đốc, sự phối hợp, tạo điều kiện của các đơn vị chức năng của Học viện, của các Bộ, ban, ngành, các địa phương... Đặc biệt là sự đoàn kết, đồng thuận, sự phát huy trí tuệ và nhiệt huyết của lớp lớp cán bộ, giảng viên các thế hệ của Viện đã không ngừng đồng hành với sự vận động và phát triển của đất nước. Bên cạnh đó còn phải kể tới sự ủng hộ, tinh thần hăng hái học tập, trao đổi khoa học và cống hiến của các thế hệ học viên mà Viện được phục vụ.

Trước yêu cầu phát triển và hội nhập sâu rộng của đất nước, với yêu cầu phát triển mới của Học viện, thực hiện phương châm Đổi mới, Kỷ cương, Đồng bộ và Hiệu quả do Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đề ra, trong những năm tới, Viện Kinh tế chính trị học sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu trên tất cả các mặt công tác để viết tiếp những trang sử vẻ vang của Viện. Theo đó, Viện sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục thực hiện nghiên cứu, tổng kết làm rõ những giá trị bền vững, bổ sung phát triển lý luận kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng trong điều kiện phát triển mới của đất nước; Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn phát triển kinh tế trong nước và quốc tế, thực hiện phương châm gắn lý luận với thực tiễn trong nghiên cứu, giảng dạy Kinh tế chính trị; Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp giảng dạy Kinh tế chính trị để nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trong điều kiện mới; Tiếp tục hoàn thiện biên soạn, xuất bản giáo trình, tài liệu học tập cho hệ sau đại học; Xây dựng nội dung chương trình theo hướng đảm bảo kiến thức cơ bản, hệ thống, vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, vừa thích ứng với sự phát triển của thực tiễn thế giới; Tích cực tham gia bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giảng viên của hệ thống Học viện và hệ thống các trường chính trị tỉnh, thành phố; Đi đôi với đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, thực hiện nghiêm quy chế quản lý giảng viên và học viên, đảm bảo kỷ cương trong giảng dạy của Viện Kinh tế chính trị học; Tích cực, chủ động tham gia nghiên cứu, góp phần làm rõ cơ sở khoa học, luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về các khía cạnh kinh tế.

Hai là, phát huy mạnh mẽ tinh thần dân chủ, đoàn kết, đồng thuận vì sự phát triển chung của đội ngũ cán bộ của Viện; Đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, vững vàng về lập trường tư tưởng, am hiểu thực tiễn phát triển của đất nước, nắm bắt kịp thời mọi diễn biến của tình hình quốc tế.

Ba là, tích cực, chủ động mở các quan hệ hợp tác tổng kết thực tiễn Bộ, ngành, địa phương trong nước; đẩy mạnh nghiên cứu những thành tựu lý luận mới về kinh tế chính trị học trên thế giới, mạnh dạn tìm kiếm những phương thức hợp tác phát triển chuyên môn với các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước, tích cực khai thác, phổ biến kinh nghiệm và thông tin khoa học phục vụ cho phát triển chung của đơn vị.

Với sự nỗ lực, quyết tâm vươn lên của toàn thể cán bộ, giảng viên của Viện, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy và Ban Giám đốc Học viện, sự giúp đỡ và hợp tác của các cơ quan chức năng, Viện Kinh tế chính trị học sẽ tiến bước vững chắc và đóng góp được nhiều hơn cho sự lớn mạnh của Học viện trong thời gian tới.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính tri số 8-2017

PGS, TS Ngô Tuấn Nghĩa

Viện Kinh tế chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

                                                                                  

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền