Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Giáo dục quyền con người theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước Việt Nam
Thứ năm, 26 Tháng 4 2018 17:32
6367 Lượt xem

Giáo dục quyền con người theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước Việt Nam

(LLCT) - Giáo dục quyền con người là vấn đề được các tổ chức quốc tế và các quốc gia quan tâm, bởi nó có vai trò quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức xã hội, phòng ngừa vi phạm và giúp mọi người biết cách tự bảo vệ quyền và tự do của bản thân, đồng thời tôn trọng quyền và tự do của người khác. Hiện nay, việc đưa giáo dục quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân là yêu cầu cấp thiết. Ngày 5-9-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1309/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nội dung đề án đang được triển khai thực hiện, từng bước hiện thực hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và thực hiện các cam kết quốc tế của Nhà nước Việt Nam về giáo dục quyền con người.

1. Sự cần thiết tăng cường giáo dục quyền con người

Giáo dục quyền con người có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền do thiếu hiểu biết; cung cấp tri thức, trang bị kỹ năng, giúp mỗi người nhận thức đúng đắn ý nghĩa, giá trị của các quyền, biết tự mình bảo vệ các quyền, tuân thủ pháp luật và biết tôn trọng phẩm giá, các quyền và tự do của người khác.

Bản Tuyên bố Viên về Chương trình hành động được thông qua tại Hội nghị Thế giới lần thứ hai về quyền con người, tháng 6-1993 đã “coi giáo dục, đào tạo và thông tin chung về quyền con người là thiết yếu cho thúc đẩy và đạt được các quan hệ hài hòa, ổn định trong các cộng đồng và để tăng cường được sự hiểu biết lẫn nhau, khoan dung và hòa bình”(1). Hưởng ứng Tuyên bố Viên và Chương trình hành động, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 59/113A ngày 10-12-1994, tuyên bố về Chương trình Thập kỷ giáo dục quyền con người (1995 - 2004). Từ đó đến nay, Liên Hợp quốc đã thông qua ba giai đoạn của giáo dục nhân quyền. Giai đoạn 1 (2005 - 2009) tập trung vào cấp tiểu học và trung học với mục tiêu chính là “tiếp cận giáo dục - dựa trên quyền”; giai đoạn 2 (2010 - 2014) tập trung vào giáo dục cấp đại học, giáo dục cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, công chức, cán bộ thực thi pháp luật và sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp; giai đoạn ba (2015 - 2019) tập trung củng cố quá trình thực hiện hai giai đoạn đầu của Chương trình và thúc đẩy việc đào tạo cho giới truyền thông, báo chí(2). Đồng thời, nhằm thúc đẩy hơn nữa giáo dục, đào tạo quyền con người, năm 2011, Liên Hợp quốc đã thông qua Tuyên ngôn về Giáo dục và Đào tạo quyền con người, trong đó nhấn mạnh giáo dục quyền con người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng “một nền văn hóa quyền con người” toàn cầu.

Thực tiễn giáo dục quyền con người tại các nước trong khu vực và trên thế giới cho thấy, các quốc gia ngày càng quan tâm thúc đẩy giáo dục quyền con người trong xã hội, trong đó đã đưa nội dung quyền con người vào các chương trình trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo thống kê của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp quốc về quyền con người, tính đến nay đã có 20 quốc gia xây dựng và thông qua Chương trình Hành động quốc gia hoặc Chiến lược quốc gia về giáo dục quyền con người và có 36 quốc gia đã xây dựng và thông qua Chương trình hành động tổng thể quốc gia về quyền con người, trong đó có giáo dục quyền con người(3). Các nước gần với Việt Nam như Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc đều rất coi trọng giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân. Hiện nay, Thái Lan đã đưa nội dung quyền con người vào các chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học đến cấp trung học và giáo dục đại học, sau đại học; Trung Quốc mới đây cũng đưa nội dung quyền con người vào các trường tiểu học, trung học, đã xây dựng chương trình đào tạo công chức, đào tạo bậc đại học và sau đại học về quyền con người.

Đối với Việt Nam, việc bảo đảm quyền con người đã được Đảng, Nhà nước ta sớm quan tâm thực hiện, nhất là từ khi Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới đến nay. Đảng, Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo, dành nguồn lực nhất định để tổ chức các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp có liên quan tới công tác bảo vệ, đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người, nhằm xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, tạo thế chủ động tham gia vào các hoạt động bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trên trường quốc tế và các điều ước quốc tế về quyền con người(4).

Năm 1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 12/CT/TW ngày 12-7-1992 về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”; Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 2-12-2004 về “Tăng cường công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền trong tình hình mới”; Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20-7-2010 về “Công tác nhân quyền trong tình hình mới”; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2057/QĐ-TTg ngày 23-11-2015 về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị của Việt Nam chấp thuận theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc. Các văn kiện nêu trên đều nhấn mạnh nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, nhấn mạnh nhiệm vụ lồng ghép nội dung giáo dục về quyền con người vào chương trình đào tạo ở tất cả các cấp học, bậc học.

Cùng với đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tếvà Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 9-6-2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, đã tạo cơ sở lý luận, chính trị và pháp lý thúc đẩy hoạt động giáo dục quyền con người ở Việt Nam trong thời gian qua.

2. Hoạt động giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục, đào tạo hiện nay

Hiện nay, nội dung về quyền con người đã được đưa vào chương trình giáo dục của một số cấp học, ngành học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong một số chương trình chính khóa ở cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đã có sự lồng ghép quyền công dân, quyền trẻ em vào môn học đạo đức, giáo dục công dân, ngữ văn. Trong các chương trình đào tạo đại học, quyền con người đã được tích hợp, lồng ghép vào một số môn học như Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Công pháp quốc tế... Năm 2008, các nội dung về quyền con người được xây dựng thành môn học độc lập “Lý luận và pháp luật về quyền con người” và được đưa vào giảng dạy cho sinh viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nội dung quyền con người cũng đã được đưa vào chương trình đào tạo của một số trường đại học thuộc khối ngành luật, hành chính và nội chính với hình thức môn học bắt buộc hoặc lựa chọn như Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính quốc gia, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh nhân dân, Đại học Kiểm sát Hà Nội, Học viện Ngoại giao...

Chương trình đào tạo thạc sỹ quyền con người/pháp luật về quyền con người đã và đang được triển khai tại ba cơ sở đào tạo là Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Bên cạnh việc đào tạo thạc sỹ chuyên ngành pháp luật về quyền con người, nội dung môn học về quyền con người, quyền công dân đã được đưa vào chương trình đào tạo thạc sỹ ở một số chuyên ngành khác, như Chính trị học, Lý luận lịch sử Nhà nước và pháp luật, Hình sự và tố tụng hình sự, Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Xã hội học, Chính sách công,...

Giảng dạy về quyền con người cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị đã được tiến hành từ năm 1998, dành cho hệ đại học lý luận chính trị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Từ năm 2015, chuyên đề quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người đã được đưa vào chương trình giảng dạy hệ Cao cấp lý luận. Hiện nay, Giám đốc Học viện đang chỉ đạo Viện Nghiên cứu Quyền con người soạn thảo bộ giáo trình mới về Lý luận và pháp luật về quyền con người, được đưa vào giảng dạy từ năm học 2017 - 2018 với số lượng 50 tiết, trong đó có 30 tiết giảng, 10 tiết thảo luận, 10 tiết tự nghiên cứu, 5 tiết thi hết môn học.

Bên cạnh các chương trình đào tạo chính thức tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, các hình thức giáo dục không chính thức, thông qua việc mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về quyền con người, quyền trẻ em, quyền phụ nữ/bình đẳng giới... đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy Ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và một số cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương triển khai với sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người, nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và người dân đã có những chuyển biến nhất định. Tri thức về quyền con người và các quan điểm của Đảng, Nhà nước về quyền con người nhìn chung được vận dụng tốt trong các hoạt động đối nội và đối ngoại, bảo vệ, bảo đảm quyền con người cho mọi người dân, hợp tác và đấu tranh có hiệu quả trên trường quốc tế, góp phần đẩy lùi một bước những nhận thức lệch lạc, sai trái về quyền con người ở Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc giáo dục quyền con người ở Việt Nam còn không ít hạn chế.

Thứ nhất, mặc dù nội dung về quyền con người đã được đưa vào chương trình giáo dục tại một số cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhưng còn thiếu tính chỉnh thể, tính liên thông, tính cập nhật và thống nhất theo cách tiếp cận “giáo dục dựa trên quyền” - cách tiếp cận phổ biến của cộng đồng quốc tế hiện nay;

Thứ hai, dung lượng kiến thức về quyền con người trong chương trình giảng dạy của đa số các trường đại học còn quá ít, chưa tương xứng với nhu cầu của đối tượng đào tạo; đặc biệt chưa đưa ra các quan điểm, cách tiếp cận của Đảng, Nhà nước Việt Nam về quyền con người, giúp người học có khả năng nhận diện và phê phán các quan điểm sai trái trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam;

Thứ ba, chưa có một chương trình giáo dục về quyền con người thống nhất trong các cơ sở giáo dục; việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giảng dạy còn tuỳ thuộc vào nhận thức về mức độ cần thiết và năng lực của mỗi cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân;

Thứ tư, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên, người học và cộng đồng xã hội chưa được trang bị các kiến thức cơ bản về quyền con người. Điều này ảnh hưởng lớn đến nhận thức, kỹ năng và triển khai các nhiệm vụ giáo dục trên thực tế;

Thứ năm, các tài liệu và học liệu giảng dạy, học tập về quyền con người ở các cơ sở giáo dục đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân còn thiếu, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp thiết có nhận thức mới về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của giáo dục về quyền con người. Trước yêu cầu từ thực tế, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20-7-2010 về “Công tác nhân quyền trong tình hình mới”, nhấn mạnh “nghiên cứu đưa nội dung về nhân quyền vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Xây dựng nội dung tuyên truyền, bồi dưỡng về nhân quyền phù hợp với từng loại đối tượng trong xã hội”.

Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xây dựng Đề án đưa quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân trình Thủ tướng Chính phủ.

3. Tăng cường giảng dạy quyền con người tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng

Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011), Văn kiện Đại hội XII của Đảng, Hiến pháp năm 2013, và thực hiện các cam kết quốc tế của Nhà nước Việt Nam về giáo dục quyền con người, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục về quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam theo đúng lộ trình được nêu trong Quyết định số 1309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 5- 9-2013 về việc phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Một là, đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân

- Lồng ghép/tích hợp nội dung quyền con người một cách hợp lý trong chương trình giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và giáo dục phổ thông song song, đồng bộ với thực hiện Đề án Đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông;

- Lồng ghép/tích hợp nội dung quyền con người một cách hợp lý trong chương trình giáo dục nghề nghiệp song song, đồng bộ với thực hiện Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

- Lồng ghép/tích hợp nội dung quyền con người một cách hợp lý trong chương trình giáo dục đại học. Trong đó có tính tới đưa nội dung quyền con người vào giảng dạy ở tất cả các cơ sở giáo dục đại học thông qua việc sửa đổi giáo trình pháp luật hoặc pháp luật đại cương để giảng dạy cho sinh viên các trường đại học không thuộc khối ngành luật, hành chính, nội chính; tích hợp/lồng ghép quyền con người vào các môn học chuyên ngành luật thuộc khối ngành luật, hành chính, nội chính và xây dựng môn học độc lập về quyền con người và giáo trình dùng chung cho các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng thuộc khối ngành luật, hành chính, nội chính.

- Chỉnh lý, bổ sung khung chương trình đào tạo thạc sỹ pháp luật về quyền con người và mở mã ngành đào tạo tiến sỹ pháp luật về quyền con người.

- Triển khai có lộ trình việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp học, ngành học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, để cung cấp và trang bị các kiến thức, kỹ năng và nâng cao nhận thức về quyền con người, vai trò, trách nhiệm và tầm quan trọng của bảo vệ, bảo đảm quyền con người và giáo dục quyền con người.

Hai là, đưa nội dung quyền con người vào giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị

 Bên cạnh đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, cần tiếp tục nghiên cứu từng bước xây dựng và biên soạn tài liệu giảng dạy, mở các khóa bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho phù hợp với từng nhóm đối tượng.

- Thực hiện giáo trình mới về lý luận và pháp luật về quyền con người, giảng dạy cho các lớp cao cấp lý luận tại hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị;

- Chỉnh sửa, bổ sung nội dung quyền con người vào chương trình trung cấp lý luận chính trị;

- Biên soạn chương trình bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho cán bộ của các cơ quan Đảng, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; cán bộ trong các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể quần chúng;

- Biên soạn chương trình bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho cán bộ thực thi pháp luật, lực lượng vũ trang, quân nhân chuyên nghiệp, bộ đội biên phòng, lực lượng công an, thẩm phán, kiểm sát viên...;

- Biên soạn chương trình bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho nhà báo, cán bộ quản lý các cơ quan truyền thông, báo chí;

- Biên soạn chương trình bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho các luật sư, luật gia...

- Biên soạn chương trình bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho lãnh đạo các tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp; gắn vai trò, trách nhiệm, đạo đức kinh doanh với bảo vệ quyền con người;

- Biên soạn chương trình bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho giới văn nghệ sỹ, bác sỹ...

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 11-2017

(1) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu quyền con người: Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người,  Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.130.

(2) Như Brazil, Burundi, Costa Rica, Colombia, Croatia, Cộng hòa Dominica, Fiji, Pháp, Hy Lạp, Honduras, Nhật Bản, Jordan, Nigeria, Peru, Philippines, Bồ Đào Nha, Senegal, Slovakia, Thổ Nhĩ Kỳ, Uruguay, Nguồn: http://www.ohchr.org.

(3) Như Úc, Adécbaizan, Bolivia, Brazil, Cape Verde, Chad, Trung Quốc, Croatia, Congo, Ecuador, Ethiopia, Phần Lan, Đức, Guatemala, Thái Lan, Indonesia, Honduras, Iraq, Latvia, Li băng, Malawi, Mauritanie, Mexico, Moldova, Ma rốc, New Zealand, Nigeria, Nauy, Paraguay, Peru, Hàn Quốc, Sri Lanka, Sudan, Thuỵ Điển, Tanzania, Venezuela. Nguồn: Office of High Commissioner for Human.

(4) Với tư cách là thành viên của Ủy ban Nhân quyền (nhiệm kỳ 2001-2003), thành viên Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016), Ủy ban Liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền, Việt Nam tích cực, chủ động tham gia vào nhiều hoạt động của Liên Hợp quốc và khu vực có liên quan tới bảo vệ, thúc đẩy quyền con người. Hiện nay, Nhà nước Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn và gia nhập 7/9 điều ước quốc tế quan trọng về quyền con người.

 PGS, TS Tường Duy Kiên

Viện Nghiên cứu Quyền con người,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền