Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Nâng cao chất lượng nghiên cứu thực tế của giảng viên các trường chính trị tỉnh, thành phố
Thứ năm, 26 Tháng 4 2018 17:33
5534 Lượt xem

Nâng cao chất lượng nghiên cứu thực tế của giảng viên các trường chính trị tỉnh, thành phố

(LLCT) - Trường chính trị tỉnh, thành phố (TCT) có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức của hệ thống chính trị cấp cơ sở về lý luận chính trị - hành chính; cập nhật các kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, chuyên môn, nghiệp vụ....  Để làm tốt chức năng, nhiệm vụ này, đòi hỏi người giảng viên phải thường xuyên nâng cao chất lượng bài giảng mà một trong những cách thức là nghiên cứu thực tế (NCTT), nắm bắt các hoạt động lý luận đã được cụ thể hóa trong thực tiễn. Vì vậy, thời gian qua các TCT thường xuyên quan tâm công tác này và đạt nhiều kết quả tốt, song cũng còn một số hạn chế cần khắc phục. Trước yêu cầu hiện nay, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng NCTT của giảng viên là rất cần thiết.

1. Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác huấn luyện lý luận

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Người thường gọi là huấn luyện cán bộ, trong đó có huấn luyện lý luận chính trị... Theo Người, cán bộ, đảng viên học lý luận là để nâng cao trình độ nhằm đáp ứng yêu cầunhiệm vụ cách mạng của Đảng và tình hình thực tế của đất nước. Huấn luyện lý luận chính trị là nhiệm vụ vô cùng khó khăn,“phải lựa chọn rất cẩn thận những nhân viên phụ trách việc huấn luyện đó”(1). Người nêu rõ: người huấn luyện nào tự cho mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất; người huấn luyện phải ghi nhớ và thực hành lời dạy của Khổng Tử, của Lênin,phải biết học điều hay và thu hái những điều hiểu biết quý báu của đời trước để lại mới có thể làm được công việc huấn luyện của mình. Người huấn luyện phải có lối làm việc nghiêm túc, khoa học, biết sắp xếp thời gian và bài học cho từng lớp, từng đối tượng,nghiêm túc trong chọn tài liệu, cách kiểm tra, thi khảo, thưởng phạt.

Chủ tịch Hồ Chí Minhcoigiáo dục lý luận là nhiệm vụquan trọng,“mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận, lý luận suông”(2). Ngườinhắc nhở cán bộ, đảng viên “phảinghiên cứu thực tế, kinh nghiệm thực tế...,tự mình tìm ra phương hướng chính trị có thể làm những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo, thế là lý luận thiết thực, có ích”(3). Giảng viên lý luận chính trị không những là đảng viên mà còn là người trực tiếp bồi dưỡng, đào tạo đảng viên, là cán bộ của Đảng và Nhà nước. Giảng viên là người trực tiếp truyền đạt kiến thức khoa học lý luận chính trị và hướng dẫn học viên cách thức vận dụng lý luận đó để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tế. Do đó, việc NCTT, gắn lý luận với thực tiễn là nhiệm vụ quan trọng của mỗi giảng viên.

2. Tình hình hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên hiện nay

NCTT của giảng viêncác TCT là việc tìm hiểu, khảo sát, điều trathực tế những biểu hiện, ảnh hưởng, tác động của lý luận vào đời sống kinh tế - xã hội, từ đó,hiểu sâu sắc hơnkết quả chính sách và góp phần trở lại bổ sung, phát triển lý luận. Nội dung NCTT gồm: tìm hiểu tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của xã, phường, thị trấn, các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, ngoài tỉnh; kỹ năng lãnh đạo, điều hành của cán bộ chủ chốt; hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở, kỹ năng xử lý và giải quyết tình huống đối với những vấn đề ở cơ sở. NCTT ở cơ sở giúp cho giảng viên nắm bắt được tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa ở địa phương, các kỹ năng xử lý tình huống nảysinh trong thực tế. Đây là nguồn tư liệu quý làm bài giảng sinh động, cụ thể, bám sát thực tiễn, khắc phục được tình trạng “lý luận suông”, đồng thời, phát hiện những thiếu sót, bất cập trong các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để có kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung. Mặt khác, thông qua NCTT, giảng viên có điều kiện rèn luyện kỹ năng, tích lũy kiến thức thực tế, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, đóng góp thiết thực vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học và rèn luyện bản lĩnh khi lên lớp.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh -cơ quan chủ quản phụ trách chuyên môn đối với các TCT, luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao hoạt động này. Theo Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG ngày 21-4-2016,NCTT hằng năm đối với giảng viên là quy định bắt buộc (giảng viên đang tập sự là 10 ngày/năm, giảng viên chính là 15 ngày/năm, giảng viên cao cấp là 7 ngày/năm). Học viện cũng đã ban hành Hướng dẫn số 257/HD-HVCTQG ngày 30-6-2017, hướng dẫn về hoạt động đi thực tế của cán bộ, giảng viên TCT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trên cơ sở hướng dẫn của Học viện, các TCT ban hành các quy định, xây dựng quy chế riêng cho hoạt độngnày. Triển khai thực hiện các quy định, hướng dẫn của Học viện, trong những năm qua, hoạt động NCTT đãđạt được nhữngkết quảbước đầu quan trọng.

Hoạt động NCTT của cán bộ, giảng viên được tổ chức, tiến hành và duy trì thường xuyên. Nhiều trường đã xây dựng kế hoạch tổng thể về hoạt động này ngay từ đầu năm học. Nhiều giảng viên chủ độngxây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm túc việc NCTT ở cơ sở. Lãnh đạo các trường chú ýđôn đốc, kiểm tra việc đi thực tế của giảng viên hằng năm, đồng thời, cải tiến, đổi mới cách thức tổ chức, định hướng nội dung thực tế của giảng viên. Thí dụ,TCT tỉnh Hải Dương, nhữngnăm trướcđây, việc đi thực tế của giảng viên chỉ đi theo đoàn, theo lớp học viên. Đến nay, lãnh đạo nhà trường đã yêu cầu các khoa, các giảng viên phải xây dựng kế hoạch chi tiết, trong đó xác định rõ nội dung, thời gianđi nghiên cứu cụ thể và cho phép cá nhân tự nghiên cứu, hoặc nghiên cứu theo đề tài, chuyên môn.

Nhiều TCT xác địnhviệc đưa giảng viên đi thực tế là công việc chínhvàthường xuyêntrong chương trình, kế hoạch công tác. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân một số tỉnh/thành đã xây dựng đề án và tổ chức thực hiện tốt việc đưa giảng viên đi NCTT hằng năm như: TCT tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Long An, Sơn La, Hòa Bình, Hải Dương... Một số TCT tỉnh: Ninh Bình, Long An, Bạc Liêu, Bến Tre... có đề án đưa giảng viên đi nghiên cứu có kỳ hạn ở cơ sở (như Trường chính trị tỉnh Ninh Bình đã xây dựng đề án “Đưa giảng viên trường Chính trị tỉnh Ninh Bình đi nghiên cứu thực tế ở cơ cở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020”. Trên cơ sở đề án được phê duyệt và triển khai, nhiều giảng viên đã tham gia vào các hoạt động cụ thể của địa phươngnhưđược bố tríđảm nhiệm một số vị trí quan trọng như: Phó Bí thư Đảng ủy xã,Chánh văn phòng Huyện ủy... Trong thời gian NCTT, giảng viên vẫn được bảo đảm chế độ ở trường và có chính sách hỗ trợ tiền đi lại, nhà ở công vụ...

Bằng việc tham gia công tác ở một số vị trí trong Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ủy ban kiểm tra huyện, trực tiếp tham dự các cuộc họp và giải quyết các công việc ở cơ sở, xử lý tình huống thực tế, các giảng viên đã học tập được những cách làm mới, những mô hình hay, điển hình tiên tiến ở địa phương... Kết thúc NCTT, các giảng viên có báo cáo thu hoạch trước Hội đồng khoa học của nhà trường nhằm tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm.

Sự đồng hành của lãnh đạo cấp tỉnh,lãnh đạo trường đã giúp giảng viên thực sự tâm huyết với nghề, yên tâm tham gia vào các hoạt động NCTT ở địa phương một cách hiệu quả, tạo điều kiện để giảng viên học tập, bồi dưỡng, củng cố kiến thức thực tiễn có liên quan đến chuyên môn, và vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào các bài giảng lý luận chính trị. Cũng qua NCTT, giảng viên nắm bắt được nhu cầu của các đối tượng người học ở cơ sở. Nhờ đó, giảng viên trưởng thành về chuyên môn, hiểu rõ đối tượng học, có chất lượng giảng dạy tốt hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc NCTT của giảng viên còn một số hạn chế. Vẫn còn có TCT chưa thực sự chú trọng, quan tâm hoạt động NCTT nên việc NCTT còn mang tính hình thức, nội dung nghiên cứu còn sơ sài. Có trường đã kết hợp đi NCTT của giảng viên với NCTT của lớp học viên. Có trường tổ chức thành đoàn đi vào các dịp hè nhưng lấy việc đi tham quan, du lịch, nghỉ ngơi là chính, hoặc đi NCTT để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra...

Nguyên nhân của những hạn chế này chủ yếu là do:

Một là, các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở của các TCT hiện nay đang ngày càng nhiều, quy mô đào tạo lớn, việc giảng dạy trên lớp chiếm nhiều thời gian, do đó khó bố trí được thời gian đi NCTT. Đồng thời, các tiêu chuẩn, yêu cầu về chuẩn hóa đội ngũ giảng viên ngày càng cao nên việc học tập nâng cao trình độ để đạt chuẩn là cấp thiết, quỹ thời gian dành cho hoạt động NCTT trở nên hạn hẹp.

Hai là,lãnh đạo, giảng viên một số TCT chưa nhận thức đúng về vai trò của NCTT, nhiều lãnh đạo các trường còn có tư duy giản đơn về việc NCTT, cử đi NCTT không đúng đối tượng, hoặc không đúng nội dung yêu cầu của chuyên môn mà giảng viên cần, NCTT còn mang tính hình thức, đối phó. Công tác kiểm tra, giám sát trong NCTT thiếu chặt chẽ, báo cáo kết quả NCTT còn mang tính hình thức.

Ba là,đội ngũ giảng viên ở các TCT đang có sự chuyển giao thế hệ, số lượng giảng viên trẻ lớn, đa số lại là nữ nên ảnh hưởng nhất định đến việc đi NCTT ở xa địa bàn công tác, sinh sống, 

2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên

Để tiếp tục phát huy những kết quả tích cực trong hoạt động NCTT của giảng viên các TCT các tỉnh, thành, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của lãnh đạo các TCT về hoạt động NCTT, nhất là quan hệ biện chứng giữa việc NCTT với việc nâng cao chất lượng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình hiện nay. Lãnh đạo các trường cần bám sát các văn bản hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (nhất là Quy chế giảng viên và Hướng dẫn số 257/HD-HVCTQG của Học viện); đề xuất, kiến nghị với tỉnh ủy có văn bản chỉ đạo cụ thể, sát với điều kiện thực tế của tỉnh, của trường. Ban giám hiệu, đội ngũ giảng viên trường chính trị phải nghiêm túc thực hiện, cụ thể hóa thành đề án, chương trình hoạt động của nhà trường theo nhiệm kỳ, năm công tác; đồng thời, sát sao trong tổ chức thực hiện, bảo đảm phục vụ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy.

Hai là,đa dạng hình thức tổ chức, nội dung, phương pháp NCTT. Trên cơ sởHướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban giám hiệu các TCT căn cứ vào thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ của mỗi trường để cụ thể hóa hoạt động NCTT với các hình thức, phương thức khác nhau, như: đi thực tế theo nhu cầu của cá nhân, theo phân công của tổ chức. Việc NCTT có thể do giảng viên tự liên hệ, hoặc do các khoa tổ chức bằng kế hoạch đã được Ban giám hiệu, tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Kế hoạch đi NCTT cần được xây dựng một cách linh hoạt với các phương án như đi 3 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc 2 năm liên tục bố trí vào chức danh lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở,... Ngoài ra, NCTT có thể bám sát các vấn đề mà thực tiễn công tác giảng dạy cũng như xã hội đang quan tâm theo hình thức nghiên cứu cá nhân, đề tài, hoặc theo nhóm nhỏ, theo khoa, hoặc theo từng lĩnh vực chuyên môn của giảng viên. Theo đó, hoạt động NCTT vừa có chất lượng, hiệu quả, lại vừa dễ tổ chức, không gây khó khăn cho cơ sở.

Ba là,các giảng viên của TCT là những chủ thể của hoạt động NCTT, phải nhận thức được tầm quan trọng của việc NCTT đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường và nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của chính mình. Từ đó, mỗi giảng viên cần chủ động ngay từ khâu đăng ký, xây dựng kế hoạch của cá nhân trong năm, chủ động đề xuất nội dung, địa điểm, thời gian và nghiêm túc trong học tập, NCTT đúng nội dung, đúng tiến độ. Giảng viên cần có tinh thần, thái độ nghiên cứu nghiêm túc, cầu thị, nhất là đội ngũ giảng viên trẻ cần rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, thu thập thông tin. Kết thúc hoạt động NCTT, giảng viên phải chủ động làm báo cáo kết quả NCTT, tổng kết thực tiễn của cá nhân

Bốn là, các TCT cần thường xuyên bám sát khâu tổ chức thực hiện kế hoạch NCTT hằng năm và có kỳ hạn, đôn đốc, yêu cầu các nhóm, cá nhân thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Các báo cáo kết quả NCTT phải được lãnh đạo nhà trường thẩm định. Nhà trường cần coi việc NCTT là yêu cầu bắt buộc trong nội dung công tác hằng năm, coi đó là điều kiện để đánh giá, xếp loại trong bình xét thi đua của cán bộ, giảng viên. Cần có chính sách khen thưởng kịp thời để động viên, khích lệ đối với tập thể, cá nhân có thành tích NCTT tốt, xuất sắc có khả năng ứng dụng cao, tham mưu, tư vấn cho nhà trường, cho tỉnh để xây dựng quyết sách và tổ chức thực hiện tốt hơn trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Đối với nhóm, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ đi NCTT cần có chế tài cụ thể như phê bình, hạ bậc thi đua, không đưa vào xét khen thưởng...

Năm là,cần có sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các khoa, phòng ngay từ khâu xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện, tránh chồng chéo giữa kế hoạch giảng dạy với kế hoạch đi NCTT của cán bộ, giảng viên và tránh nhiều đoàn đi về cùng một địa phương. Để bảo đảm NCTT an toàn, đạt hiệu quả cao, các khoa, phòng cần bàn bạc thống nhất về thời gian, tham mưu cho Ban giám hiệu nhà trường lập các đoàn đi NCTT đa dạng, có mục đích, nội dung nghiên cứu khác nhau. Do đó, cần phân rõ trách nhiệm giữa các phòng, khoa theo dõi; giám sát đôn đốc, bảo đảm NCTT theo đúng kế hoạch, nội dung, mục đích đề ra.

Kết thúc việc đi NCTT, ngoài báo cáo của nhóm, cá nhân, hằng năm Ban giám hiệu các trường cần tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm đối với hoạt động NCTT. Thông qua đó, cán bộ, giảng viên nhận thức được những mặt được và chưa được của mỗi đợt đi NCTT; giúp cho cán bộ, giảng viên được trao đổi kinh nghiệm, trình bày những thuận lợi, khó khăn trong quá trình đi NCTT và đề xuất giải pháp khắc phục hoặc đề đạt, kiến nghị nguyện vọng với Ban giám hiệu nhà trường, đến Tỉnh ủy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhằm nâng cao chất lượng công tác này.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 11-2017

(1) Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.3,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.247.

(2), (3) Hồ Chí Minh:Toàn tập,t.5,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.270-272, 303.

 

TS Cầm Thị Lai

Vụ Các trường Chính trị,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Cầm Văn An

Trường Chính trị tỉnh Sơn La

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền