Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc
Thứ năm, 26 Tháng 4 2018 17:37
3516 Lượt xem

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc

(LLCT) - Trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được và khó khăn, bất cập trong chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người DTTS  vùng Tây Bắc, bài viết đề xuất một số giải pháp: xây dựng và triển khai có hiệu quả các chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS; sửa đổi, bổ sung chính sách đối với công tác cử tuyển; chính sách ưu đãi đối với cán bộ DTTS được điều động, luân chuyển đến công tác tại vùng sâu, vùng xa; tiếp tục sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình đào tạo cán bộ DTTS cho phù hợp với thực tiễn...

Vùng Tây Bắc gồm 12 tỉnh và các huyện phía Tây của 2 tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An, chiếm gần 1/3 diện tích cả nước, dân số gần 11 triệu người, đồng bào 23 dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 63% dân số toàn vùng và chiếm 57% người DTTS trên cả nước. Với đặc điểm nổi bật như vậy, đội ngũ cán bộ người DTTS có vai trò đặc biệt quan trọng đối với công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Để tiếp tục hoàn thiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS vùng Tây Bắc, cần đánh giá đúng thực trạng, chỉ rõ nguyên nhân những hạn chế, yếu kém, từ đó đề xuất các giải pháp đối với chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS vùng Tây Bắc.

1. Tình hình đội ngũ cán bộ DTTS ở vùng Tây Bắc hiện nay

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ người DTTS nói chung, vùng Tây Bắc nói riêng. Nhờ đó, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và năng lực công tác không ngừng được nâng cao. Thực trạng đội ngũ cán bộ DTTS vùng Tây Bắc hiện nay đang nổi lên mấy vấn đề sau(1):

(1) Số lượng cán bộ dân tộc còn thiếu và cơ cấu chưa hợp lý giữa các dân tộc, nhất là đối với các vị trí lãnh đạo.

Các tỉnh vùng Tây Bắc có số dân là người DTTS rất cao, chiếm từ 50-95%, nhưng số lượng cán bộ dân tộc còn ít và chưa tương xứng với cơ cấu dân tộc. Tỉnh Sơn La có 82% người DTTS nhưng tỷ lệ cán bộ người DTTS theo thống kê đến đầu năm 2015 chỉ chiếm 28,64% cán bộ cấp tỉnh và 37,13% cán bộ cấp huyện. Tỉnh Yên Bái có 54,16% đồng bào dân tộc nhưng mới chỉ có 37,3% cán bộ cấp chi ủy là người dân tộc; trong các sở, ban ngành đoàn thể cấp tỉnh, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo là người DTTS chỉ có 17,28%. Huyện Bắc Hà (Lào Cai) có tới 72,7% cán bộ người Kinh trong khi số dân chỉ chiếm 11,5%.

Tỷ lệ cán bộ theo cơ cấu dân tộc cũng còn bất hợp lý. Tỉnh Cao Bằng có 95% đồng bào dân tộc. Năm 2015, trong số 12.428 cán bộ công chức người DTTS so với 14.197 cán bộ, công chức toàn tỉnh thì dân tộc Tày, Nùng chiếm 86,6% (tỷ lệ dân số là 72%), dân tộc Dao chiếm 0,5% (tỷ lệ dân số là 10,8%), dân tộc Mông chiếm 0,4% (dân số là 10,13%). Tỉnh Lạng Sơn, số cán bộ người Tày chiếm 35,5% ở cấp tỉnh và 52,3% ở cấp huyện, trong khi dân số chỉ chiếm 35,5% toàn tỉnh(2).

Hầu hết cán bộ DTTS đảm đương các vị trí lãnh đạo ở cấp xã. Ở cấp huyện, tỉnh, cán bộ người DTTS thường đảm nhiệm vị trí lãnh đạo chủ yếu ở các cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, hội đồng nhân dân.

(2) Chất lượng chưa đạt so với yêu cầu về chuẩn hóa chuyên môn cho cán bộ cấp cơ sở.

Thực hiện Đề án “Một số giải pháp tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Bắc giai đoạn 2007-2010”, kèm theo Quyết định 106/2007/QĐ-TTg, trong 4 năm đã đào tạo, bồi dưỡng cho gần 33 nghìn lượt cán bộ cấp cơ sở về văn hóa, lý luận chính trị và kiến thức quản lý nhà nước. Tuy nhiên, kết quả trên mới chỉ đạt chuẩn cho 51% trong số cán bộ chuyên trách cấp xã ở vùng cao (chỉ tiêu 80%) và 72% với xã vùng thấp (chỉ tiêu 95%)(3).

Một số địa bàn đặc biệt khó khăn như vùng đồng bào các dân tộc rất ít người Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao ở Điện Biên, Lai Châu và Hà Giang, trình độ cán bộ còn rất hạn chế. Trong tổng số 306 cán bộ được khảo sát, về trình độ văn hóa: tiểu học chiếm 16%, trung học cơ sở 58,8% và trung học phổ thông 23,2%. Về chuyên môn: chưa qua đào tạo chiếm 56,2%, sơ cấp 14,4%, trung cấp 28%, không có đại học, cao đẳng. Về quản lý nhà nước: chưa qua đào tạo 66,67% và sơ cấp 21,3%. Về lý luận chính trị cũng có tới 56,2% chưa qua đào tạo, sơ cấp 19,6%, trung cấp 26,8%(4).

Do vậy, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở còn thiếu kỹ năng trong tổ chức, điều hành, quản lý và tổ chức thực hiện chính sách.

2. Khó khăn, vướng mắc

Mặc dù đã có nhiều chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ người DTTS, trong đó có cán bộ người DTTS vùng Tây Bắc, song chưa đạt hiệu quả như mong muốn, chính sách ban hành nhưng nhiều đầu mối quản lý, khó thực hiện, hiệu quả thấp, lãng phí nguồn lực.

Hệ thống trường dân tộc nội trú đã có đến cấp huyện đối với hệ đào tạo trung học cơ sở. Nhưng hầu hết các huyện (trừ tỉnh Điện Biên) vùng Tây Bắc chưa có Trường phổ thông dân tộc nội trú đào tạo hệ trung học phổ thông, số học sinh học xong trung học cơ sở nội trú ở huyện không thi được vào hệ trung học phổ thông sẽ không có nơi để tiếp tục học lên trình độ cao hơn, nên ảnh hưởng đến số lượng học sinh tham gia thi vào các trường cao đẳng, đại học.

Chưa có chủ trương, chính sách cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng cho con em người DTTS mà mới chỉ quy định chung chung, vì vậy, mỗi ngành, địa phương còn nhận thức và triển khai thực hiện khác nhau, dẫn đến con em người DTTS ở mỗi địa phương được hưởng các chính sách ưu tiên không giống nhau. Kinh phí hỗ trợ cho học sinh, sinh viên người DTTS, như tiền tàu xe đi lại, sinh hoạt còn quá thấp, chưa bảo đảm.

Kinh phí dành cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức còn thấp, nhất là chưa có chính sách, chế độ riêng cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng mới dừng lại ở việc đào tạo chung cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, chưa chú trọng đến việc lập kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng riêng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, đặc biệt là ở cấp cơ sở.

3. Nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn, vướng mắc

Thứ nhất, do những khó khăn về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội. Vùng Tây Bắc có điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi, địa hình núi cao, chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, địa bàn rộng, dân cư phân tán, một số cộng đồng dân tộc sinh sống biệt lập. Hầu hết các địa phương còn nghèo, kinh tế kém phát triển, mức sống của người dân thấp. Nhiều nơi còn tồn tại nhưng phong tục, tập quán, quan niệm chưa tiến bộ về lối sống, sự bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ và trẻ em gái. Tỷ lệ hộ nghèo ở cộng đồng người DTTS còn cao, đời sống vật chất khó khăn. Những khó khăn trên đã làm giảm khả năng tiếp cận giáo dục của người dân cũng như cơ hội học tập, trau dồi nâng cao kiến thức của cán bộ dân tộc.

Thứ hai,nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về chính sách cán bộ DTTS chưa đầy đủ, còn có tình trạng cục bộ, khép kín địa phương, dân tộc, chưa có ý thức hỗ trợ các nhóm yếu thế. Việc xem xét, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ DTTS có lúc, có nơi còn cứng nhắc. Công tác đào tạo, bồi dưỡng còn thiếu cụ thể, đồng bộ, áp dụng rập khuôn, máy móc theo các chương trình chung; có nơi còn nặng tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, thiếu sự linh hoạt, sáng tạo. Công tác tạo nguồn phần lớn dựa vào chính sách cử tuyển hiện đã bộc lộ rất nhiều hạn chế mà chưa có sự thay đổi phù hợp khi mà mặt bằng giáo dục đã được nâng cao nhiều so với trước đây.

Thứ ba, nội dung và phương pháp đào tạo cho cán bộ dân tộc còn nhiều điểm chưa phù hợp, vừa thừa, vừa thiếu và áp dụng một cách đại trà cho tất cả các vùng. Nội dung đào tạo mặc dù đã có nhiều cải tiến nhưng vẫn còn nặng về lý luận chung, chưa quan tâm đúng mức những nội dung cụ thể về kinh tế, xã hội, lịch sử, địa kinh tế địa phương, các nội dung về quản trị, hành chính, phương pháp phát triển tư duy, tổ chức phát triển cộng đồng, quản lý phát triển tổng hợp, các kỹ năng quản lý xã hội và xử lý rủi ro v.v.. Về phương pháp, phần lớn sử dụng hình thức thuyết giảng, ít có sự trao đổi, đối thoại, làm việc nhóm thúc đẩy tinh thần làm việc tập thể và phát triển tư duy, đã tạo nên sự thụ động đối với người học, làm giảm hiệu quả đào tạo.

Thứ tư, donhững bất cập trong hệ thống chính sách cán bộ DTTS. Chính sách đãi ngộ còn quá thấp, chưa khuyến khích được cán bộ DTTS vượt qua những khó khăn, rào cản, tích cực học tập nâng cao trình độ để có thể đảm đương những vị trí quản lý.           

Các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ dân tộc ban hành chậm, thiếu gắn kết với công tác quy hoạch và yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn của các địa phương; thiếu những cụ thể hóa cho các nhóm đối tượng đào tạo; thiếu hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc tổ chức thực hiện. Những quy định về tuyển dụng trong luật cán bộ công chức và luật viên chức chưa thực sự phù hợp đã tạo nên những rào cản, bất cập trong công tác cán bộ, trong đó có khâu đào tạo, bồi dưỡng.

4. Một số giải pháp

Đảng và Nhà nước luôn coi khu vựcTây Bắclà một trọng điểm về ưu tiên chính sách đểphát triển bền vững. Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTShiện đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém;chưa hiệu quả.Vì vậy, một mặt, cần hình thành đồng bộ một hệ thống chính sách dân tộc nhằm động viên, khuyến khích cán bộ người DTTS đi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị; góp phần nâng tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS ở các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là ở các vùng DTTS. Mặt khác, kiên định thực hiện quan điểm phát triển kinh tế - xã hội vùng phải đi đôi với giải quyết tốtchính sách đại đoàn kết dân tộc;coi chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS là cốt lõi của phát triển nguồn nhân lực vùng. Để thực hiện một cách đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành, địa phương trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ chính sách, pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người DTTS; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các chế độ, chính sách ưu tiên phù hợp với từng vùng, từng địa phương.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS nhằm phát triển bền vững Tây Bắc, một vấn đề quan trọng hiện nay là cần nâng cao chất lượng chính sách và thực hiện hiệu quả chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS. Trước mắt, cần tập trung làm tốt các giải pháp chủ yếu:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện chương trình đào tạo mới, đào tạo lại, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc.

Về đào tạo mới: Chủ yếu đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản theo chương trình chung toàn quốc tại các trường cao đẳng, đại học hiện nay. Đối với học sinh, sinh viên người DTTS vùng Tây Bắc, do điều kiện sinh sống cách xa các trung tâm đô thị, việc tiếp cận các thiết bị công nghệ cao còn hạn chế, vì vậy cần chú trọng hướng dẫn cụ thể trong áp dụng vào công việc thực tiễn. Hỗ trợ hoặc miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp xây dựng; tăng mức hỗ trợ tiền đi lại cho các đối tượng cư trú ở nơi xa xôi, hẻo lánh; tạo điều kiện về nơi ở, sinh hoạt cho con em người DTTS trong suốt thời gian học tập.

Về đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao năng lực công tác: Rà soát đội ngũ cán bộ DTTS các cấp về trình độ văn hóa, chuyên môn và lý luận chính trị - quản lý nhà nước. Tăng cường công tác đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ theo hướng chuẩn hoá về trình độ của cán bộ, công chức theo quy định, phù hợp với vị trí việc làm hiện nay nhằm nâng cao năng lực công tác, kỹ năng điều hành, xử lý công việc hiệu quả cao. Chú trọng việc đào tạo tiếng DTTS, phong tục tập quán truyền thống cho cán bộ công tác tại vùng có nhiều đồng bào DTTS sinh sống.

Thực hiện Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức theo 4 nhóm đối tượng: 1) Lãnh đạo cấp tỉnh và tương đương; 2) Lãnh đạo sở, ngành và tương đương; 3) Lãnh đạo phòng và tương đương; 4) Cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo. Trước mắt, cần ưu tiên bố trí cho cán bộ chủ chốt các cấp người DTTS đi bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn theo tiêu chuẩn cán bộ quản lý thuộc chương trình, nội dung đã được Bộ Nội vụ ban hành. Các ngành chức năng, chuyên môn và các đoàn thể chính trị, xã hội thực hiện chương trình bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên môn theo vị trí việc làm.

Hai là, xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về thu hút, trọng dụng, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, đề xuất các giải pháp nhằm không ngừng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với từng địa bàn.

Chính sách ưu tiên bồi dưỡng cán bộ người DTTS cần được cụ thể hóa trong quy hoạch, kế hoạch đào tạo, trong đó phải xác định được số lượng, chất lượng, cơ cấu các ngành nghề cần có để địa phương có kế hoạch cụ thể đào tạo, sử dụng cán bộ phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng địa phương, từng dân tộc. Cần có chính sách ưu đãi cụ thể đối với cán bộ DTTS được điều động, luân chuyển đến công tác tại vùng sâu, vùng xa để họ yên tâm công tác. Xây dựng quy chế cụ thể về việc lựa chọn, sử dụng đội ngũ cán bộ DTTS trưởng thành từ cơ sở, từ phong trào quần chúng để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí phù hợp vào những chức danh lãnh đạo, quản lý ở các ngành, các cấp.

Tăng mức kinh phí cho cán bộ người DTTS công tác ở vùng DTTS đi đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện chính sách đặc thù trong đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức đi thăm quan, học tập các mô hình quản lý, mô hình phát triển kinh tế ở những địa phương kinh tế phát triển.

Ba là, cần đầu tư mạnh cả về giáo viên giỏi và cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học cho con em dân tộc, thực hiện thi tuyển nghiêm túc để chọn học sinh giỏi, khá, đạo đức tốt vào học. Đảng, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách ưu tiên xét tuyển học sinh người DTTS vào các trường đại học, ưu tiên đưa thanh niên DTTS vào đào tạo, rèn luyện trong môi trường quân đội, công an.

Mặt khác, cần có chính sách đủ mạnh để khuyến khích, thu hút sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, trí thức trẻ hăng hái về làm việc ở vùng đồng bào DTTS. Sửa đổi, bổ sung chính sách liên quan đến công tác cử tuyển để tạo sự thống nhất giữa cơ quan cử tuyển với cơ quan đào tạo, cơ quan tuyển dụng theo vị trí việc làm sau khi sinh viên người DTTS tốt nghiệp ra trường.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2017

(1) Tổng hợp từ Nguyễn Lâm Thành:Định hướng giải pháp xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Bài tham luận Hội thảo “Đề xuấtchính sách và giải pháp nâng cao chấtlượng đào tạo, bồi dưỡngcho đội ngũ cán bộ là người DTTS nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc (đến năm 2020, tầm nhìn 2030),Cao Bằng ngày 10-6-2017.

(2) TS Thào Xuân Sùng: Xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.

(3) Báo cáo của Bộ Nội vụ

(4) Đề án Phát triển kinh tế, xã hội các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao, Ủy ban Dân tộc, 2010.

 

ThS Nguyễn Thị Tố Uyên

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền