Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với thu hút, phát huy nhân tài tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay
Thứ hai, 25 Tháng 6 2018 09:48
2300 Lượt xem

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với thu hút, phát huy nhân tài tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay

(LLCT) - Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với thu hút, phát huy nhân tài, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chủ trương, chính sách thu hút đội ngũ cán bộ có trình độ cao, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc về tỉnh công tác và khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ. Nhờ đó, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh không ngừng được nâng cao, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của cán bộ, Người nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc(1). “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém(2). “Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”(3).Đội ngũ cán bộ có chất lượng cao sẽ trực tiếp góp phần hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện thắng lợi những mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và địa phương. Trong tình hình hiện nay, cùng với những thời cơ và không ít những thách thức mới, đặt ra những nhiệm vụ chính trị mới rất nặng nề, khó khăn và phức tạp, đòi hỏi Đảng ta phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã đề cập tới nội dung cán bộ cũng như công tác cán bộ với trọng tâm Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Điều đó cho thấy vị trí, vai trò rất quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đòi hỏi phải thực hiện rất nhiều khâu, trong đó phải đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với thu hút, phát huy nhân tài.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với thu hút, phát huy nhân tài, trong các nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chủ trương, chính sách về thu hút, tạo nguồn cán bộ để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là một trong những khâu đột phá nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang để “sớm đưa Tuyên Quang thoát khỏi tình trạng kém phát triển(4), một trong những nhiệm vụ trọng tâm để “phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc(5).

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 13-5-2011 về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 124-KH/TU ngày 12-7-2017 về bồi dưỡng cán bộ dự nguổn lãnh đạo, quản lý của tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Để thu hút đội ngũ cán bộ có trình độ cao, nhà khoa học trẻ, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc về tỉnh công tác và khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các nghị quyết về cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ, như: Nghị quyết số 08/2007/NQ-HĐND ngày 17-7-2007 về cơ chế hỗ trợ thu hút cán bộ khoa học - công nghệ về tỉnh công tác và cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ; Nghị quyết số 47/2011/NQ-HĐND về chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao và hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ; Nghị quyết số 34/2013/NQ-HĐND, ngày 12-12-2013 về cơ chế, chính sách thu hút giảng viên có trình độ cao và khuyến khích sinh viên cho Trường Đại học Tân trào; Nghị quyết số 09/2016/NQ-HĐND, ngày 6-12-2016 ban hành quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao; chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ sau đại học giai đoạn 2017 - 2020. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quyết định để thực hiện các nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh.

Nhờ đó, từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã cử đi đào tạo nâng cao trình độ về chuyên môn trên đại học cho 572 người, trong đó tiến sĩ là 22 người; đại học 667 người; Lý luận chính trị cao cấp 906 người, trung cấp 4.775 người; bồi dưỡng quản lý nhà nước, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức quốc phòng an ninh, ngoại ngữ, thăm quan khảo sát nước ngoài cho 9.780 lượt cán bộ, công chức(6).

Từ khi tỉnh có chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao đến nay, tỉnh đã thu hút được 122 người về công tác tại các cơ quan, đơn vị của tỉnh, trong đó, lĩnh vực y tế: 79 người; giáo dục: 5 người; luật: 12 người; các ngành khác: 26 người. Trong đó, số có trình độ đại học là 116 người; thạc sĩ: 4 người; tiến sĩ: 2 người. Tổng số kinh phí đã sử dụng để thu hút nguồn nhân lực là trên 2,6 tỷ đồng. Tỉnh đã cử 425 cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo trình độ sau đại học, với tổng kinh phí hỗ trợ là trên 12,4 tỷ đồng(7).

Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với thu hút, phát huy nhân tài tại tỉnh Tuyên Quang vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: số lượng trí thức tăng chậm, nhất là trí thức có trình độ học vấn cao. Còn thiếu trí thức ở các ngành, lĩnh vực trọng điểm như: y tế, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, khoa học công nghệ. Khả năng sáng tạo, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn của một số trí thức còn hạn chế; số lượng đề tài khoa học được áp dụng vào thực tiễn còn ít, chất lượng chưa cao. Việc tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế - xã hội của đội ngũ trí thức chưa đáp được yêu cầu…

Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với thu hút, phát huy nhân tài, các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Tuyên Quang cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại tỉnh Tuyên Quang để tạo môi trường tốt cho việc thu hút và cống hiến của đội ngũ trí thức.

Năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh  PCI của tỉnh Tuyên Quang xếp thứ 39/63 tỉnh thành trong cả nước. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự cố gắng của tỉnh, bởi PCI là "tiếng nói" quan trọng của các doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh tại địa phương, là kênh thông tin tham khảo tin cậy về địa điểm đầu tư, là một động lực cải cách quan trọng đối với môi trường kinh doanh cấp tỉnh của Việt Nam. Tuy nhiên, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại tỉnh Tuyên Quang để tạo môi trường thu hút cho đội ngũ trí thức cống hiến xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Hai là, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quy hoạch theo chức danh cán bộ, gắn lý thuyết với thực hành, kỹ năng xử lý các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn đối với từng chức danh, ở từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực công tác. Xây dựng cán bộ chủ chốt ở cấp trên cần phải kinh qua vị trí chủ chốt ở cấp dưới để đào tạo, thử thách cán bộ. Đẩy mạnh việc bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp.

Thực tế cho thấy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế: hình thức, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn chậm đổi mới, thời gian học tập kéo dài và nặng về việc trang bị những vấn đề lý luận mà còn thiếu tính thực tiễn. Một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc học lý luận, cũng như vận dụng kiến thức lý luận vào trong thực tiễn công tác, chưa thực sự gắn lý luận với thực hành. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã thẳng thắn nhìn nhận một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ chủ chốt của tỉnh cần nâng cao nhận thức về học tập lý luận chính trị. Đó vừa là nhiệm vụ, vừa là yêu cầu để mỗi cán bộ không ngừng rèn luyện, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ba là, việc thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với thu hút nhân tài chỉ thực sự hiệu quả khi bảo đảm nguyên tắc khách quan, xuất phát từ yêu cầu công việc, gắn với công việc của từng vị trí việc làm, từng tiêu chuẩn chức danh cụ thể. Do đó, các cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và xác định nhu cầu thu hút người có trình độ cao về cơ quan, đơn vị công tác một cách khách quan, cụ thể và phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị.

“Nhân tài” là vốn quý của mỗi quốc gia nói chung và mỗi cơ quan, đơn vị nói riêng. Người cán bộ có tài năng và đạo đức sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Bởi vậy, thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với thu hút nhân tài cần phải xuất phát từ yêu cầu công việc cụ thể của mỗi cơ quan, đơn vị. Để công tác này có hiệu quả trong thực tiễn thì mỗi cơ quan, đơn vị phải xây dựng được kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể xuất phát từ yêu cầu của đơn vị và đặc biệt cần có chính sách thu hút, tạo mọi điều kiện để những nhân tài có cơ hội được khẳng định mình.

Bốn là, bảo đảm sự phân công, phân cấp và phối hợp trong tổ chức, quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay. Để công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan chức năng trong việc tuyển chọn cán bộ có đủ điều kiện được đi học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ về mọi mặt. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cần phải được tiến hành một cách có hệ thống, liên tục, sau quá trình đào tạo cần xem xét, sử dụng cán bộ một cách khoa học để cán bộ phát huy được tài năng của mình.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với thu hút, phát huy nhân tài là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược cán bộ thời kỳ mới như Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã nêu ra; đó cũng là sự cụ thể hóa nghị quyết của Đảng thành những chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn địa phương. Nhờ đó, đã góp phần đào tạo được lớp cán bộ có năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức tốt đáp ứng những yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng mới, xây dựng Tuyên Quang - thủ đô kháng chiến trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc, vững bước cùng đất nước đi lên.

_________________

(1), (2)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 5, tr.269, 240.

(3) Sđd, t.6, tr.46.

(4) Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015

(5) Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020

(6), (7) Báo cáo số 199-BC/TU ngày 24-10-2017 của Tỉnh ủy Tuyên Quang về Tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

ThS Bùi Trung Dũng

Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

           


 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền