Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Trường chính trị các tỉnh Tây Nguyên đổi mới nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng trong tình hình mới
Thứ sáu, 03 Tháng 8 2018 15:23
3076 Lượt xem

Trường chính trị các tỉnh Tây Nguyên đổi mới nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng trong tình hình mới

(LLCT) Nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ở các trường chính trị tỉnh, thành phố hiện nay. Mặc dù thời gian qua, công tác này đã đạt được những kết quả tích cực song chưa thật sự xứng tầm với chức năng, tiềm lực của các trường chính trị. Do vậy, cần có các giải pháp đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ở các trường chính trị khu vực Tây Nguyên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

(Tập thể giảng viên trường Chính trị tỉnh Gia Lai nghiên cứu thực tế tại các xã vùng biên giới)

1. Những vấn đề đặt ra đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của các trường chính trị khu vực Tây Nguyên hiện nay

Tại Kết luận số 117-KL/TW, Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định trường chính trị tỉnh có vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương, tuy nhiên hạn chế được chỉ ra là: “Công tác đào tạo, bồi dưỡng của các trường chính trị vẫn còn những hạn chế, chậm đổi mới; hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn chưa được chú trọng”(1) .

Thực tế là công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn thời gian qua dù đạt nhiều kết quả tích cực, song chưa thật sự xứng tầm với chức năng, tiềm lực của trường chính trị. Biểu hiện cụ thể ở mấy vấn đề sau đây:

Thứ nhất, việc thực hiện chức năng này còn lúng túng, thiếu định hướng, chưa xây dựng được các kế hoạch cụ thể, lâu dài. Về bản chất vẫn còn theo kiểu “đối phó”, chưa đi vào chiều sâu, chất lượng, hiệu quả chưa cao.

Thứ hai, hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn tại trường chính trị khu vực Tây nguyên hiệu quả chưa cao. Thể hiện qua số lượng ít ỏi các đề tài, dự án các cấp, các công trình nghiên cứu độc lập, các bài viết đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành, các tạp chí có uy tín ở Trung ương, và địa phương chưa nhiều.

Một số các ấn phẩm là kết quả của quá trình nghiên cứu khoa học, tổng kết từ thực tiễn của trường chính trị như: tạp chí, sách chuyên khảo, sổ tay nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở, sách phục vụ cho cán bộ chủ chốt địa phương chưa được chú trọng. Trang thông tin điện tử của các trườngchính trị còn chưa phong phú về nội dung, chưa kịp thời thông tin đến cán bộ, giảng viên, học viêncác hoạt động của nhà trường.

TờThông tin lý luận và thực tiễn đến nay vẫn chưa được phát hành để trở thành nơi tổng kết thực tiễn, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ ở các trường chính trị Tây Nguyên với các trường chính trị khác trong nước.

Thứ ba, một bộ phận cán bộ quản lý, giảng viên còn xem nhẹ hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Việc chỉ đạo, định hướng trong nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn chưa thể hiện rõ được tính chủ động, sáng tạo, chưa dám dấn thân vào những việc khó trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học ở trường.

Hiện vẫn còn tâm lý xem nhẹ việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Các đề tài cấp khoa, cấp trường, cấp tỉnh,sốlượng bài báo đăng trên các tạp chí khoa họccòn rất ít, chưa xứng tầm với vị trí, chức năng của trường chính trị địa phương. Bên cạnh đó, việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cũng trở thành áp lực không nhỏ đối với một bộ phận giảng viên (nhất là giảng viên kiêm nhiệm).

Thứ tư, năng lực tham mưu, đề xuất các đề tài nghiên cứu khoa học còn hạn chế; năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, giảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu.

Hội đồng khoa học được thành lập, song tính chất tham mưu, xây dựng nhiệm vụ khoa học chưa được chú trọng, thành phần hội đồng khoa học nhà trường dù có đầy đủ theo quy chế song năng lực chưa đáp ứng yêu cầu, gây khó khăn cho quá trình quản lý, hoạch định nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cho nhà trường.

Thứ năm, kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học còn quá ít ỏi. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương với trường chính trị nhiều lúc chưa chặt chẽ. Hoạt động phối hợp và định hướng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với các trường chính trị trong công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học còn chưa toàn diện, chưa sâu sát để tham gia giải quyết các vấn đề thực tiễn địa phương.

2. Đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

Trong Kết luận số 117-KL/TW, Ban Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh, thời gian tới, trường chính trị tỉnh cần tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, góp phần thiết thực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”(2).        

Thực tế cho thấy, Tây Nguyên là địa bàn có nhiều vấn đề thực tiễn đang được đặt ra cấp bách, cần được tiếp tục làm sáng tỏ hơn, để nâng cao nhận thức, như: vấn đề dân tộc, tôn giáo, vấn đề phát huy vai trò tự quản; vấn đề về quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã; năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, và người hoạt động không chuyên trách; công tác phát triển và xây dựng tổ chức Đảng ở cơ sở… đến việc giải quyết các vấn đề liên quan trong thực hiện đường lối, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, như: xây dựng nông thôn mới, vấn đề hoạt động của các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị…

Hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của các trường chính trị Tây Nguyên thời gian tới cần đi vào giải quyết những vấn đề nêu trên, bởi bản chất của hoạt động nghiên cứu khoa học là phải giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, nhằm hoàn thiện các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và địa phương.Theo đó, để nâng cao hiệu quả đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn trong thời gian tới, cần tập trung giải quyết mấy vấn đề sau đây:

Thứ nhất, xây dựng tiêu chuẩn giảng viên (cơ hữu và kiêm nhiệm tại các phòng) cần gắn với tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học. Không thể có giảng viên giảng dạy giỏi mà không có bài đăng tạp chí, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, tiến tới gắn với chuẩn chức danh, vị trí việc làm của nhà trường theo hướng tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Sớm hoàn thiện về tiêu chuẩn chức danh, tiến tới nâng cao năng lực giảng viên, phát triển đội ngũ cán bộ và xây dựng trường chính trị khu vực Tây Nguyên đáp ứng được về năng lực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho địa phương.

Chăm lo bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực khoa học của nhà trường, theo đó các đơn vị khoa, phòng, bộ môn rà soát các cán bộ,giảng viên có năng lực nghiên cứu để bồi dưỡng, giúp đỡ. Nhà trường hỗ trợ và tạo điều kiện về thời gian và kinh phí, để từng bước phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên vững vàng về chuyên môn, có năng lực nghiên cứu khoa học, đủ sức đáp ứng yêu cầu,nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thứ hai, xác định một số nhiệm vụ trọng tâm từ đó xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa họcnhằm phục vụ giảng dạy, và có giá trị ứng dụng thực tế để giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Các nhiệm vụ khoa học đề ra cầnbám sát tình hình thực tiễn địa phương; các vấn đề lý luận và đường lối, chính sáchcần tiếp tục kiểm chứng thông qua thực tiễn. Thí dụ như, đường lối về chính sách dân tộc, tôn giáo...đã có nhiều văn kiện, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước, song tại sao nhiều vấn đề từ thực tiễn địa phương vẫn khiến các nhà quản lý khó khăn khi thực hiện?...

Thứ ba, lấy kết quả nghiên cứu khoa học của từng giảng viên, các khoa, phòng làm tiêu chí bình xét danh hiệu thi đua. Trong đó, điều chỉnh các tiêu chí và danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp trường: ít nhất phải làm chủ nhiệm đề tài hoặc chủ trì hội thảo cấp khoa hoặc cấp trường, cấp tỉnh.

Bên cạnh đó,điều chỉnh chế độ khen - thưởng, nêu gương, động viên kịp thời với cán bộ, giảng viên có bài viết được đăng ở các tạp chí Trung ương, địa phương; có cơ chế khen thưởng cho những giảng viên có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học.

Thứ tư, Ban Giám hiệuhoạch định chiến lược phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học theohướng thiết thực và hiệu quả, không chỉ đáp ứng đượcyêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, mà còn là giải pháp để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên.

Nhà trường cần bám sát vào các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phươngtrong giai đoạn 2016 - 2021, nhất là Văn kiện Đại hội Đảng các cấp để đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn nhằm phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với yều cầu từ thực tiễn đặt ra; kịp thời phục vụ cho hoạt động lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Giao các nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể cho khoa, phòng, đội ngũ giảng viên một cách phù hợp, chú ý phát huy tính sáng tạo của các nhiệm vụ nghiên cứu. Thông tư số 01 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 101 của Chính phủ nêu rõ: “giao nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập, bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác phù hợp với năng lực và chức danh nghề nghiệp của giảng viên, tùy thuộc khả năng, điều kiện, định hướng phát triển của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, coi đây là một trong những căn cứ đánh giá xếp loại hàng năm”(3).

Tăng cường kết nối, liên kết các trường chính trị khu vực Tây Nguyên để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, khoa học, nghiên cứu thực tế nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các trường.Xây dựng kế hoạch cử cán bộ đi thâm nhập thực tế tại các xã trong tỉnh, thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Mỗi giảng viên, trợ giảng khi đi thâm nhập thực tiễn tại xã đều phải có kế hoạch, mục tiêu, nội dung và báo cáo thường xuyên về kết quả thâm nhập thực tiễn với Ban Giám hiệu và Hội đồng khoa học nhà trường.

Hằng năm,tiến hành đánh giá, tổng kết hoạt độngnghiên cứu khoa học một cách khách quan, nghiêm túc.

Thứ năm, cần tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, của Tỉnh ủy, UBNDtỉnh;sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh, các trường chính trị trong hệ thống. Các khoa, phòng, giảng viên phải chủ động đề xuất các ý tưởng nghiên cứu khoa học phù hợp với chuyên môn; với các vấn đề đang đặt ra từ thực tiễn của các địa phương, cơ sở đòi hỏi phải được nghiên cứu; trách nhiệm, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

_________________

(1), (2) Kết luận số 117-KL/TW của Ban Bí thư ngày 20-11-2015 về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 (3)Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 8-1-2018 của Bộ Nội vụ:Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1-9-2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

 

TS Nguyễn Thái Bình

ThS Lê Thị Tình

Trường Chính trị tỉnh Gia Lai

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền