Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Đổi mới mô hình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các đại học công lập đáp ứng yêu cầu tự chủ, tự chịu trách nhiệm
Thứ năm, 29 Tháng 11 2018 11:22
2193 Lượt xem

Đổi mới mô hình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các đại học công lập đáp ứng yêu cầu tự chủ, tự chịu trách nhiệm

(LLCT) - Đảng và Nhà nước đã xác định tự chủ đại học là xu hướng tất yếu và các trường đại học công lập buộc phải gắn mục tiêu đào tạo với nhu cầu xã hội và thị trường lao động. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, năng lực quản trị và khả năng điều hành của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong trường đại học công lập chưa có nhiều thay đổi. Do vậy, cần đổi mới hệ thống đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm nâng cao năng lực điều hành và quản trị trường đại học, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và đòi hỏi ngày càng cao đối với chất lượng đào tạo.

1. Yêu cầu tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các trường đại học công lập

Năm 2013, Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được ban hành đã xác định mục tiêu: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”. Quy hoạch Phát triển nhân lực ngành Giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 6639/QĐ-BGDĐT ngày 29-12-2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã chỉ rõ cần đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng tiếp tục xác định nhiệm vụ phấn đấu trong những năm tới, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

Số liệu thống kê (Bảng 1) cho thấy, số lượng trường đại học công lập chiếm ưu thế hơn so với đại học ngoài công lập. Điều đó thể hiện rõ vị trí, vai trò của đại học công lập trong đảm bảo đầu ra của nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động. Đối với các cơ sở đào tạo đại học công lập, do có tính chất công: thuộc sở hữu Nhà nước, do Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất; quản lý, sử dụng các nguồn lực vật chất và nhân sự theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản và nhân sự của Nhà nước; chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo về các vấn đề liên quan đến giáo dục đại học... mà với quy mô, số lượng lớn như hiện nay thì yêu cầu tự chủ về tài chính đối với các cơ sở này càng trở nên cấp thiết. Do đó, vấn đề tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập đang được Đảng và Nhà nước ta tập trung thực hiện. Việc ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP, ngày 14-2-2015, về quy định cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết 77/NQ-CP, ngày 24-10-2014, về việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục công lập, giai đoạn 2014- 2017 cho thấy, Nhà nước đã xác định tự chủ đại học là xu hướng tất yếu và các trường đại học công lập buộc phải gắn mục tiêu đào tạo với nhu cầu xã hội và thị trường lao động. Ngày 10-10-2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác. Theo đó, các trường đại học được giao quyền tự chủ cả về chuyên môn, tổ chức nhân sự, tài chính và tăng cường trách nhiệm giải trình; quy định rõ về kiểm định chất lượng; giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản. Yêu cầu tự chủ đó gắn với sự hình thành các Hội đồng trường theo xu hướng quản trị đại học, do đó đòi hỏi rất lớn về năng lực quản trị các nguồn lực, như đội ngũ giảng viên, cơ chế chính sách và nguồn tài chính. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay vừa thừa, vừa thiếu, còn yếu về năng lực lãnh đạo, quản lý, thiếu động lực tự học và đổi mới; chưa bắt kịp yêu cầu của đổi mới giáo dục, chưa có am hiểu sâu sắc về nguồn nhân lực giảng viên và nhu cầu phát triển gắn với thị trường lao động trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Điều đó đặt ra những yêu cầu cấp thiết phải bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ này trong bối cảnh đòi hỏi năng lực tự chủ, điều hành Hội đồng trường để đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ này góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học, hiệu quả quản trị trường đại học. Năng lực đó không chỉ dừng lại ở các chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của một nhà giáo mà cần đảm bảo chuẩn hóa về phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực lãnh đạo, điều hành Hội đồng trường khi thực hiện tự chủ. Do đó, bồi dưỡng đội ngũ này cần có một mô hình đặc thù trên cơ sở xác định vị trí việc làm và một khung năng lực không giống như bồi dưỡng chuẩn chức danh nghiệp vụ của giảng viên đại học nói chung.

2. Thực trạng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý các trường đại học công lập

Về chủ trương, đối với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đối với đội ngũ người làm việc trong cơ sở giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và đào tạo đang khiển khai và thực hiện hai đề án chính là Đề án 911 đào tạo tiến sĩ cho các trường đại học(1) và Đề án 599(2) đào tạo cán bộ ở nước ngoài giai đoạn 2013-2020. Đối với đội ngũ cán bộ quản lý, có Thông tư số 28/2014/TT-BGDĐT ngày 26-8-2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục; Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, nhiều cơ sở đại học công lập trong nước đã tăng cường triển khai các chương trình đào tạo cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ quản lý giáo dục cho các cơ sở giáo dục đại học. Đặc biệt, theo Quyết định số 224 - QĐ/TW ngày 6-1-2014 của Bộ chính trị khóa XI, và sau đó được thay thế bằng Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 8-8-2018 của Bộ chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã xác định Học viện có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cấp, cao cấp của hệ thống chính trị, lãnh đạo chủ chốt các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có các cán bộ lãnh đạo, quản lý các trường đại học công lập) và doanh nghiệp nhà nước về: Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; những quan điểm, chủ trương và đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; những vấn đề lý luận và thực tiễn mới trong nước và trên thế giới; khoa học chính trị; khoa học lãnh đạo, quản lý; Đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức và trong quy hoạch; Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị theo phân công, phân cấp; Đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, nghiên cứu viên và các đối tượng khác về các chuyên ngành khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý và một số ngành khoa học xã hội. Như vậy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cái nôi đào tạo bồi dưỡng không chỉ về nghiệp vụ, tư duy lãnh đạo mà còn là cơ sở bồi dưỡng chuẩn về tư tưởng chính trị, bản lĩnh, phẩm chất của người lãnh đạo trong thời kỳ mới. Đây là những chuẩn mực chính trị then chốt rất cần thiết đối với người đứng đầu các cơ sở đào tạo đại học hiện nay. Năm 2017, Học viện cũng đã tiến hành xây dựng mới khung chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị và các chương trình bồi dưỡng chức danh đảm bảo tính cơ bản, hệ thống, thực tiễn và hiện đại, phù hợp với đối tượng, chức năng, nhiệm vụ đào tạo của Học viện; bổ sung những nội dung mới, những vấn đề mang tính toàn cầu, khu vực và trong nước đang tác động đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên ở nhiều cơ sở khác đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cho các đối tượng trên vẫn tồn tại tình trạng nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng mang tính hàn lâm cao, khó thực hành kỹ năng, đối tượng người học thiếu đồng nhất. Mặc dù các đối tượng cần đào tạo, bồi dưỡng ở nhiều cấp khác nhau (đối tượng trong diện quy hoạch hoặc đang giữ chức vụ lãnh đạo trường, khoa, bộ môn) nhưng chương trình đào tạo, bồi dưỡng lại áp dụng như nhau nên rất khó khai thác và phát triển các kỹ năng đặc thù đối với từng nhóm vị trí. Thực tế, những đòi hỏi về năng lực của hiệu trưởng khác trưởng khoa và càng khác với trưởng bộ môn trong trường đại học. Chức danh hiệu trưởng sẽ đòi hỏi nhiều hơn các năng lực lãnh đạo tầm chiến lược đối với sự phát triển của trường đại học, các kiến thức về quản lý nhà nước trong GDĐH, các kỹ năng điều hành hoạt động của ban giám hiệu, hội đồng trường và quản trị tổng thể các nguồn lực tài chính, nhân lực của trường đại học. Trong khi đó, trưởng khoa đòi hỏi khả năng tham mưu, tư vấn về sử dụng, phân bổ cụ thể các nguồn lực, phối hợp và kết nối trong tổ chức thực hiện các kế hoạch tương ứng. Còn trưởng bộ môn đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc về lĩnh vực, ngành chuyên môn để lên ý tưởng thiết kế, xây dựng, giám sát chương trình, nội dung đào tạo, đội ngũ thực hiện giảng dạy... Các khía cạnh này hiện nay đã được thể hiện trong quá trình xác định vị trí việc làm và mô tả công việc theo quy định của Bộ Nội vụ(3) nhưng đối tượng áp dụng lại là tất cả viên chức và vẫn chưa được tiêu chuẩn hóa trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng trên.

Về đội ngũ giảng viên bồi dưỡng, phương pháp giảng dạy chương trình: Đội ngũ này đa số công tác trong các cơ sở có chức năng đào tạo bồi dưỡng về quản lý giáo dục. Do đó có hạn chế trong triển khai nằm ở sự giao thoa giữa các kiến thức, kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ và các kiến thức, kỹ năng về quản lý nhà nước, quản lý nội bộ trường đại học. Thực tế, giảng viên tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên về chuyên môn nghiệp vụ giáo dục đại học sẽ không có thế mạnh về quản lý nhà nước như các trường bồi dưỡng của Bộ, ngành và ngược lại, dẫn tới tình trạng các kỹ năng được rèn tập trên các lớp còn thiếu thực tế, chưa phù hợp với đối tượng học. Thậm chí còn xảy ra tình huống người giảng lúng túng khi luận giải các vấn đề về quản lý nhà nước về giáo dục đại học khi gặp đối tượng học viên là người đã nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy về nội dung này. Trong khi đó, giảng viên từ các cơ sở đào tạo về quản lý nhà nước khi được mời giảng dạy các khóa học này lại thiếu thực tiễn lãnh đạo, quản lý các mô hình giáo dục đại học nên khi giảng dạy khó thuyết phục học viên hoặc chưa bao quát hết các tình huống có thể xảy ra trong thực tiễn mà truyền đạt cho các đối tượng học. Các khó khăn này xuất phát từ nội dung khiến việc triển khai phương pháp đào tạo, bồi dưỡng khó thuyết phục hoặc chưa đặt ra những vấn đề khó khăn, vướng mắc thực sự cần giải quyết để nâng cao kỹ năng lãnh đạo, điều hành trong trường đại học cho học viên tham gia khóa học. Và việc bồi dưỡng nếu không có sự điều chỉnh, đổi mới liên tục sẽ dần đi vào lối mòn, mang tính hình thức, dẫn đến tình trạng sau quá trình học, người học sẽ nhận được chứng chỉ theo đúng quy định nhưng mục tiêu nâng cao kiến thức, kỹ năng lại không đạt được.

3. Định hướng đổi mới mô hình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý các trường đại học công lập

Quá trình triển khai thực hiện các quy định tự chủ đối với cơ sở GDĐH, hạn chế sự can thiệp trực tiếp của các cơ quan quản lý nhà nước thời gian qua đã mang lại những kết quả quan trọng, nhiều đơn vị phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh để thực hiện nhiệm vụ, tăng khả năng tự chủ về tài chính, thậm chí có đóng góp một phần vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, chất lượng giáo dục đại học chưa được xã hội đánh giá cao, bộ máy trường đại học còn nặng nề, chưa thực sự hiệu quả và đời sống của giảng viên còn thấp. Cơ chế quản lý trong trường đại học công lập chưa bứt phá so với cơ chế quản lý trong cơ quan nhà nước nói chung. Từ đó, đặt ra vấn đề cần quan tâm trong thiết kế, xây dựng, vận hành hệ thống bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý trong các cơ sở GDĐH nhằm nâng cao năng lực điều hành và quản trị trường đại học trong bối cảnh nhu cầu của thị trường lao động thay đổi, cùng những đòi hỏi ngày càng cao đối với chất lượng đầu ra của sinh viên. Việc đổi mới này có thể thực hiện theo một số định hướng sau:

Thứ nhất, để thống nhất mô hình bồi dưỡng lãnh đạo chủ chốt dành cho đối tượng đang giữ chức vụ hoặc thuộc diện quy hoạch giữ chức vụ lãnh đạo tại các cơ sở giáo dục đại học công lập gắn với công tác cán bộ của hệ thống chính trị cần xây dựng mô hình, thiết kế chương trình bồi dưỡng đặc thù cho nhóm đối tượng này. Trong đó, cần có sự kiểm định chặt chẽ về chương trình bồi dưỡng và chuẩn hóa nội dung chương trình đó phải trên cơ sở tiêu chuẩn năng lực và đặc điểm vị trí việc làm của người học. Theo đó, phải có chương trình bồi dưỡng riêng dành cho 3 đối tượng: (1) Ban giám hiệu/ban giám đốc và người được quy hoạch vào chức danh này ở các trường/Học viện; (2) Lãnh đạo khoa và người được quy hoạch vào chức danh này; (3) Lãnh đạo bộ môn và người được quy hoạch vào chức danh này. Khung chương trình cho chức danh lãnh đạo trường đại học nhấn mạnh đặc biệt tới năng lực quản trị và điều hành trường đại học trong bối cảnh quốc tế hóa và thời đại công nghiệp 4.0 do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm. Các chức danh lãnh đạo cấp khoa hoặc bộ môn sẽ thuộc thẩm quyền bồi dưỡng của các trường quản lý cán bộ của Bộ, ngành và địa phương. Ví dụ: Điều 20, Khoản 2, Điểm a Luật Giáo dục đại học năm 2012 quy định tiêu chuẩn hiệu trưởng phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý. Tuy nhiên, khi thực hiện tự chủ thì tư duy quản lý và cơ chế hoạt động của trường đại học và hội đồng trường phải tương đồng với cơ chế của doanh nghiệp, lấy hiệu quả làm thước đo và tôn trọng tính tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Điều này đòi hỏi người đứng đầu, ngoài các yêu cầu chung cần chú trọng yêu cầu về tư duy quản lý nhà nước, tư duy kinh tế và sự nhạy bén với kinh tế thị trường để đáp ứng yêu cầu vận hành đơn vị tự chủ. Nội dung bồi dưỡng cần tập trung các khía cạnh này thay vì dàn trải nhiều khía cạnh liên quan đến kiến thức, kỹ năng về giảng dạy, nghiên cứu khoa học đã được bồi dưỡng trong các chương trình riêng đối với giảng viên đại học.

Thứ hai, kiểm định chặt chẽ đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng tham gia bồi dưỡng. Thực tế, đối tượng được cử đi học hầu hết đều đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc được quy hoạch chức danh này trong các cơ sở giáo dục đại học, nhiều người có trình độ cao, am hiểu sâu sắc thực tiễn, có thâm niên nghề. Do đó, nếu giảng viên không tự trang bị kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn sẽ khó triển khai hiệu quả chương trình theo mục tiêu đề ra. Khâu quản lý người học và triển khai phương pháp sẽ vẫn gặp khó khăn bởi học viên có thể không tích cực học tập nếu nội dung không thực sự mang lại lợi ích trong phát triển năng lực và không khiến họ hứng thú. Để tạo được sự thuyết phục về cả hình thức và nội dung trong các bài giảng, đội ngũ giảng viên cần có trình độ chuyên môn cao, là giảng viên chính, đang đảm nhận vị trí lãnh đạo từ cấp bộ môn trở lên tại trường đại học hoặc lãnh đạo cấp phòng trở lên đối với giảng viên thỉnh giảng của Bộ, ngành.

Thứ ba, xây dựng các công cụ, phương pháp đánh giá chất lượng chương trình đào tạo, bồi dưỡng khi kết thúc khóa học. Phương pháp, công cụ đó phải đo lường và chứng minh được sự tiến bộ của người học cũng như mục tiêu của chương trình bồi dưỡng đã đạt được trong nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ của người học. Điều này đòi hỏi sự tham gia thực chất, có trách nhiệm, sự chỉ đạo nghiêm túc, quyết liệt của người đứng đầu cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong xác định các chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

___________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2018

(1) Đã dừng tuyển sinh từ năm 2017.

(2) Mục tiêu đào tạo nhân lực trình độ thạc sĩ và đại học theo ngành/nhóm ngành mà các cơ sở đào tạo trong nước chưa có khả năng đào tạo hoặc chưa đảm bảo đủ điều kiện đào tạo chất lượng và theo nhu cầu thực tế cần ưu tiên đào tạo cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ, các Bộ, ngành và cơ quan khác của nhà nước.

(3) Nghị định 36/2013/NĐ-CP  của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức và Thông tư 05/2013/TT - BNV hướng dẫn thực hiện Nghị định 36/2013/NĐCP.

 

TS ĐÀO THỊ THANH THỦY

Khoa Chính trị học,

Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền