Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Quan niệm quốc tế về vị thế nhà giáo và nâng cao vị thế nhà giáo ở Việt Nam
Thứ năm, 25 Tháng 4 2019 15:41
2915 Lượt xem

Quan niệm quốc tế về vị thế nhà giáo và nâng cao vị thế nhà giáo ở Việt Nam

(LLCT)- Để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, việc quan niệm đúng đắn và thể chế hóa thành các quy định về vị thế nhà giáo có vai trò quan trọng. Điều đó có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục ở các quốc gia. Quan niệm quốc tế và Việt Nam về vị thế nhà giáo có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng nhiều khác biệt. Việt Nam cần có giải pháp đồng bộ để tiếp tục khẳng định và nâng cao vị thế nhà giáo (chế độ đãi ngộ, tiền lương; giáo dục - đào tạo; môi trường làm việc...); góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo.

1. Quan niệm về vị thế nhà giáo trên thế giới

Theo UNESCO, vị thế nhà giáo được hiểu “một mặt là sự trọng thị, thể hiện ở mức độ đánh giá cao tầm quan trọng của chức năng giáo dục và năng lực cần có để thực hiện chức năng của nhà giáo; mặt khác là các điều kiện làm việc, sự đãi ngộ và những lợi ích vật chất khác được quy định cho họ trong tương quan với những nhóm nghề nghiệp khác”(1). Theo đó, “nhà giáo giữ vai trò chủ chốt trong tiến bộ về giáo dục và những đóng góp của họ có tầm quan trọng đối với sự phát triển của con người và xã hội hiện đại”(2) và “sự tiến bộ trong giáo dục phụ thuộc phần lớn vào trình độ và năng lực của đội ngũ nhà giáo nói chung và vào phẩm chất về mặt nhân văn, sư phạm và kỹ thuật của cá nhân các nhà giáo”(3). Vị thế thích hợp của nhà giáo có tầm quan trọng thiết yếu trong việc thực thi đầy đủ các mục tiêu, mục đích giáo dục. Đó là: hướng tới sự phát triển toàn diện nhân cách con người và sự tiến bộ về tinh thần, đạo đức, xã hội, văn hóa và kinh tế của cộng đồng; khắc sâu vào tâm trí học sinh thái độ tôn trọng sâu sắc với các quyền con người và các quyền tự do căn bản; đóng góp cho hòa bình và và cho sự hiểu biết, khoan dung và hữu nghị giữa các quốc gia cũng như các nhóm sắc tộc, tôn giáo(4). Vị thế nhà giáo để được củng cố cần bảo đảm thực hiện đồng bộ các yếu tố: chính sách giáo dục, đào tạo; giáo dục bổ sung; việc làm và sự nghiệp; các quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; những điều kiện để giảng dạy và học tập có hiệu quả; tiền lương; bảo hiểm xã hội.

Vị thế nhà giáo cũng có thể được định lượng bằng cách kiểm tra xem giáo viên được trả công thế nào so với các ngành nghề khác, đời sống của họ nằm trong lớp kinh tế nào của xã hội(5). Nói cách khác, mức lương và mức thu nhập cũng là chỉ số quan trọng để cung cấp cái nhìn có thể đo lường được về vị thế nhà giáo so với các ngành nghề khác. Bên cạnh đó, các yếu tố như: yêu cầu cấp phép và đào tạo nghiêm ngặt, điều kiện làm việc tích cực, tổ chức hoặc hiệp hội chuyên nghiệp, cơ quan làm việc, bồi thường tương đối cao và uy tín cao cũng là các chỉ báo cho vị thế nhà giáo(6).

Nghiên cứu Chỉ số vị thế giáo viên toàn cầu được tổ chức phi lợi nhuận Varkey GEMS Foundation thực hiện, đã xem xét phản hồi từ 1 nghìn người ở 21 quốc gia tham gia vào các đánh giá quốc tế. Cuộc khảo sát bao gồm các câu hỏi về cách giáo viên được tôn trọng so với các ngành nghề khác, cho dù cha mẹ có khuyến khích con em mình trở thành giáo viên hay không và bao nhiêu (và làm thế nào) giáo viên được trả tiền lương phù hợp với vị thế của họ. Từ những phản hồi đó, các tác giả đã phác thảo ra Chỉ số vị thế giáo viên toàn cầu, xếp hạng các quốc gia dựa trên mức độ công khai tôn trọng và đánh giá các giáo viên.

Về việc kính trọng nhà giáo của xã hội, Trung Quốc, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc, theo thứ tự, đứng đầu danh sách. Mỹ đứng thứ 9 trong số 21 quốc gia. Giáo viên có địa vị xã hội thấp nhất ở Israel, Brazil, Cộng hòa Séc và Ý. 50% số người được hỏi từ Trung Quốc cho biết họ “có thể” hoặc “chắc chắn” khuyến khích con mình trở thành một giáo viên. Hơn 30% người Mỹ và 8% người Israel trả lời như vậy. Ở Trung Quốc, mọi người có nhiều khả năng so sánh giáo viên với bác sỹ hơn các ngành nghề khác. Không có quốc gia nào so sánh kiểu như vậy. Tại Mỹ, Brazil, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, giáo viên thường được so sánh với các thủ thư. Ở Hy Lạp, Ai Cập, Thụy Sĩ và nhiều quốc gia khác, giáo viên được coi là giống như hầu hết các nhân viên xã hội.

Về lương, khoảng 60% người được hỏi nói rằng: giáo viên nên được trả lương theo thành tích của học sinh. Ở Mỹ, 80% người ủng hộ điều này. Tuy nhiên, nghiên cứu này lại chỉ ra rằng, không có sự tương quan cụ thể giữa vị thế nhà giáo và điểm thành tích của học sinh trong bài kiểm tra Chương trình Đánh giá Sinh viên Quốc tế (PISA). Cuộc khảo sát cũng xem xét mức lương giáo viên trung bình ở các quốc gia được nghiên cứu, được chuyển đổi thành đô la Mỹ. Dựa trên mức lương giáo viên, người Mỹ xếp hạng 22 trong số 27 quốc gia được khảo sát “với giáo viên kiếm được dưới 60% mức lương trung bình cho công nhân có trình độ đại học toàn thời gian”(7). Mức lương cao nhất ở Singapore với mức 45.755 đô la và thấp nhất ở Ai Cập là 10.604 đô la. Mức lương giáo viên trung bình ở Hoa Kỳ là  44.917 đô la 1 năm(8).

Tại Trung Quốc, vị thế nhà giáo là một trong những chủ đề quan trọng phải được xem xét khi thảo luận về hệ thống giáo dục. Nhận thức về giáo viên có ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của hệ thống giáo dục của quốc gia này. Trung Quốc cải cách hệ thống giáo dục bằng cách giao trách nhiệm và niềm tin trao cho giáo viên. Nếu giáo viên có chất lượng là cần thiết cho một hệ thống giáo dục chất lượng thì việc dạy học phải là nghề nghiệp có lực lượng lao động xuất sắc, và vị thế nhà giáo ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của công việc giảng dạy. Đối với học sinh, thái độ mà họ được dạy, đặc biệt là thái độ đối với giáo viên, được đưa vào lớp học và có ảnh hưởng đến môi trường học tập(9).

Tại Mỹ, dựa trên những đặc điểm chuyên môn hóa, với các thanh công cụ xã hội học, Richard Ingersoll và Elizabeth Merrill đã kiểm tra nghề nghiệp giảng dạy để “xác định và mô tả vị thế của giáo viên”, như: mức độ chuyên nghiệp, mức lương so với nghề khác, có hay không mong muốn trở thành giáo viên và động cơ là gì, uy tín và ảnh hưởng xã hội đến đâu. Họ phát hiện rằng, giáo viên gần như thiếu hoặc thiếu các đặc điểm chuyên môn chính, giảng dạy được coi là dạng bán chuyên nghiệp. Tiền lương, vị thế của giáo viên rơi vào khoảng giữa luật sư và quân đội(10).

Các quốc gia, như: Hàn Quốc, Singapore và Phần Lan có điểm số cao nhất trong Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế, chỉ tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học cho các vị trí giảng dạy, hỗ trợ họ trong lớp học và thực hiện các bước để tôn trọng nghề nghiệp(11).

Tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế đầu tiên về giáo dục được tổ chức tại New York - Mỹ (tháng 3-2011), nhiều đại biểu cho rằng cần nâng cao vị thế chuyên môn của giáo viên, hợp tác với giáo viên trong cải cách giáo dục để tạo ra thành công; xây dựng sự hợp tác giữa các giáo đoàn và lãnh đạo giáo dục để bảo đảm tiến bộ tổng thể. Theo các đại biểu Canada, tôn trọng giáo viên và đối xử với họ như các chuyên gia là nhân tố quan trọng nhất bảo đảm sự thành công của cải cách giáo dục. Một trong những cách quan trọng nhất thể hiện sự tôn trọng giáo viên là đối xử với họ như các chuyên gia và lắng nghe kỹ những gì họ nói về lĩnh vực chuyên môn của họ: dạy và học. Đồng thời, cần sử dụng kiến thức này để đưa ra quyết định tốt hơn về chính sách và thực hành giáo dục(12). Peter Dolton, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Sussex, cho biết: “có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia trong nhận thức của công chúng về giáo viên. Điều này quyết định ai trở thành giáo viên ở mỗi quốc gia, cách họ được tôn trọng và cách họ được khen thưởng về tài chính. Cuối cùng, điều này ảnh hưởng đến loại công việc họ làm trong việc dạy con cái của chúng ta”(13).

Như vậy, với nhiều quốc gia trên thế giới, như: Trung Quốc, Mỹ, Canada... việc coi trọng vị thế nhà giáo và có cơ chế thích hợp để nâng cao vị thế của họ đã góp phần vào sự phát triển của giáo dục, kinh tế, xã hội của các quốc gia đó. Đây là một trong những nhân tố quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển.

2. Nâng cao vị thế nhà giáo tại Việt Nam

Tại Việt Nam, nhà giáo có vị thế đặc biệt trong xã hội. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” luôn đề cao vai trò của nhà giáo: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “không thầy đố mày làm nên”; “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”... Hiện nay, nhà giáo vẫn giữ vị thế khá cao trong xã hội tuy chưa có khảo sát nào cụ thể về vấn đề này. Luật Giáo dục (2005) xác định: “Vai trò và trách nhiệm của nhà giáo:

Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục.

Nhà giáo phải không ngừng học tập, rèn luyện nêu gương tốt cho người học.

Nhà nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; có chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình; giữ gìn và phát huy truyền thống quý trọng nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học”(14). Nghị quyết số 29-NQ/TƯ Hội nghị Trung ương 8 khóa XI ngày 04-11-2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế coi phát triển đội ngũ nhà giáo là 1 trong 8 giải pháp quan trọng để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo. Nhiều chủ trương của Đảng và chính sách Nhà nước hướng đến nâng cao vị thế nhà giáo, như: coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu và đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển; chính sách tiền lương, phụ cấp nghề nghiệp của nhà giáo được quan tâm... Nhờ đó, vị thế nhà giáo không ngừng được nâng cao.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều vấn đề giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông làm ảnh hưởng đến cách đánh giá, nhìn nhận của xã hội về nhà giáo nói riêng và nền giáo dục nói chung. Những hành vi phản giáo dục, thậm chí là bạo lực học đường diễn ra trong các nhà trường phổ thông của nhà giáo (bắt học sinh quỳ học, không nói chuyện - giảng bài cho học sinh cả năm; đánh học sinh; cho học sinh uống nước giẻ lau bảng; cho các học sinh khác tát 231 cái vào mặt học sinh để trừng phạt...); những cách ứng xử thiếu tôn trọng nhà giáo của xã hội (bắt nhà giáo quỳ xin lỗi, cắt hợp đồng biến nhà giáo thành người thất nghiệp sau nhiều năm gắn bó...); những tiêu cực trong giáo dục (trù dập học sinh, nâng điểm thi Trung học phổ thông quốc gia tại Hà Giang, Sơn La năm 2018, bằng giả, bằng mua...); những tiêu chuẩn lựa chọn nhà giáo tương lai (9 điểm đỗ đầu vào sư phạm, sinh viên sư phạm bán dâm 4 lần bị đuổi học)... làm ảnh hưởng đến vị thế, mà cụ thể là đánh giá của xã hội với nghề giáo nói chung và giáo viên phổ thông nói riêng.

Để khắc phục tình trạng đó, Chính phủ ban hành Nghị định 101/2007/NĐ-CP về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, trong đó có giáo viên phổ thông; Bộ Giáo dục ban hành Thông tư số 30/2011/TT-BGDĐT và Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT về Ban hành chương trình và quy chế bồi dưỡng giáo viên phổ thông. Việc đánh giá giáo viên phổ thông cũng được thực hiện theo Nghị định 56/2015/NĐ-CP và Nghị định số 88/2017/NĐ-CP về việc thực hiện và áp dụng chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên phổ thông; việc thi đua - khen thưởng giáo viên được quan tâm theo hướng giảm các yêu cầu hình thức.

Về chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ với nhà giáo, Nghị quyết 29 xác định lương giáo viên “được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”(15) song vẫn còn nhiều bất cập. Lương của giáo viên phổ thông còn thấp hơn các ngành nghề khác. Theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, lương khởi điểm (chưa trừ các khoản bảo hiểm và lệ phí tham gia các tổ chức chính trị trường học: công đoàn phí, Đảng phí) của giáo viên THCS là: 2,1 x 1.390 + 30% phụ cấp nghề nghiệp = 3.794.700 đồng; giáo viên THPT là: 2,341 x 1.390 + 30% phụ cấp nghề nghiệp = 4.228.380 đồng. Nếu so sánh hệ số lương của nhà giáo với hệ số lương của công chức, viên chức các ngành nghề khác cũng có sự bất hợp lý rõ rệt. Ngạch, bậc của giáo viên THPT hạng II được xếp vào nhóm công chức, viên chức hạng A2.2 với hệ số lương bậc 1 là 4,0; trong khi chuyên viên chính xếp vào loại A2.1 với hệ số lương bậc 1 là 4,40. Phụ cấp nghề nghiệp và thâm niên nhà giáo cũng còn nhiều bất cập, như: nhà giáo sau 6 năm mới được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo, phụ cấp thu hút nhân tài thấp... cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà giáo cũng như vị thế nhà giáo trong nền giáo dục.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ trên thế giới; cuộc cải cách căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo hiện nay tại Việt Nam đang trong giai đoạn quan trọng, cần lưu ý một số vấn đề sau để nâng cao vị thế nhà giáo, góp phần thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục:

- Thực sự coi trọng và quy định thành chế tài về việc giáo viên nhất là phổ thông được tham gia trực tiếp vào công cuộc cải cách căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thời gian qua, việc đổi mới giáo dục - đào tạo ở nước ta chủ yếu tập trung vào giáo dục phổ thông, trong đó trọng tâm là cải cách hình thức kiểm tra, đánh giá. Song mức độ được tham gia và vai trò của giáo viên phổ thông vào công việc hệ trọng này còn khiêm tốn dù họ là người trực tiếp tham gia và giữ vai trò quan trọng nhất của quá trình dạy học. Để việc đổi mới đạt kết quả như mong muốn, việc tham gia ở mức độ sâu của giáo viên phổ thông là một trong những yêu cầu quan trọng. Đây là kinh nghiệm của các quốc gia tiến hành cải cách giáo dục thành công như Trung Quốc, Canada, Mỹ...

- Xây dựng triết lý giáo dục xác lập mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học; hệ giá trị cần vươn tới; cách tổ chức và con đường xây dựng, phát triển nền giáo dục cho thời đại ngày nay. Đây là một trong những vấn đề quan trọng còn bỏ ngỏ của giáo dục phổ thông Việt Nam. Dù được đề cập đến trong nhiều văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước, song triết lý giáo dục cụ thể lại chưa  được xác lập, gây lung túng trong triển khai dạy học. Do đó, cần xây dựng triết lý giáo dục, nhấn mạnh vai trò định hướng, phối hợp của nhà giáo. Họ không đơn thuần là người trao truyền tri thức mà là người hướng dẫn, định hướng cho người học phương pháp tìm kiếm, chiếm lĩnh và biến tri thức thành kỹ năng, hành động. Quan trọng hơn, góp phần định hình nhân cách người học thông qua hành vi mang tính pháp luật, nhân văn và đạo đức. Từ đó, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học theo hướng giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tri thức - kỹ năng và hành vi. 

- Trao quyền tự chủ cho nhà trường, cơ sở giáo dục song song với trao quyền tự chủ cho giáo viên trong tổ chức dạy học. Tự chủ của giáo viên không có nghĩa là giáo viên toàn quyền quyết định việc dạy học của mình mà là giáo viên có quyền lựa chọn nội dung, phương pháp, thậm chí triết lý giáo dục riêng, cách đánh giá người học trên cơ sở các quy định liên quan, như mô hình 3A (Autonomy: tự chủ, Assessment: đánh giá, Acuontability: giải trình). Việc tự chủ sẽ góp phần giúp giáo viên độc lập trong tư duy, phát huy sự sáng tạo trong giáo dục và tránh tình trạng thụ động, trông chờ hoặc tuân thủ và thực thi mệnh lệnh cấp trên.

- Cải tiến chính sách tiền lương, tiền công, chế độ đãi ngộ với nhà giáo, đặc biệt là chế độ bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội (trợ cấp thương tật, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp tàn phế, trợ cấp tuổi già...). Chính sách tiền lương của nhà giáo cần được thể chế thành văn bản riêng, có thể quy định trong Luật Giáo dục, theo hướng coi nghề giáo là một nghề quan trọng, cso vị trí đặc biệt trong xã hội. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện làm việc và sinh hoạt cá nhân cho nhà giáo, nhất là nhà giáo vùng nông thôn và các khu vực hẻo lánh. Nhiều điểm trường, trường học ở các vùng điều kiện kinh tế, giao thông khó khăn các nhu cầu tối thiểu cho giáo dục còn thiếu, như: sách giáo khoa, sách tham khảo, internet... làm ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Mặt khác, việc thiếu thốn các điều kiện đáp ứng nhu cầu cá nhân trong điều kiện mức sống cơ bản được nâng cao làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà giáo nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung. Do đó, nâng cao đời sống cho giáo viên qua chính sách tiền lương và các chế độ đãi ngộ khác là điều kiện quan trọng để nâng cao vị thế nhà giáo trong bối cảnh hiện nay.

- Xây dựng quy định chuẩn nghề nghiệp (chuyên môn, đạo đức) phù hợp với điều kiện, bối cảnh mới và chế tài xử lý nghiêm minh khi có dấu hiệu vi phạm. Chuẩn nghề nghiệp đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, các nhà trường cũng có văn bản cụ thể hóa riêng. Song, các quy định còn thiếu tính cụ thể, các tiêu chí chưa rõ ràng; nhiều quy định còn mang tính hình thức hoặc không phù hợp với bối cảnh hiện nay. Do đó, việc nghiên cứu nghiêm túc và ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp nhà giáo là công việc cấp bách, để vừa giảm áp lực cho nhà giáo, vừa góp phần nâng cao vị thế nhà giáo trong xã hội.

______________________

(1), (2), (3), (4), UNESCO và ILO: Vị thế nhà giáo (Nguyễn Quang Kính - dịch, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - hiệu đính), Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2010, tr.5, 4, 6, 6.

(5), (11) Dillon S: “U.S. Is Urged the Raise Teachers’ Status”, The New York Times, 2011.

(6), (10) Ingersoll, R., & Merril, E: The Status of Teaching as a Professions, University of Pennsylvaina GSE Publications, 2011.

(7) Murray, D., International Study: American Teacher Salaries Lag Behind Other Nations, Michigan Local News, 2011.

(8) Varkey GEMS: Chỉ số vị thế giáo viên toàn cầu, https://www.varkeyfoundation.org, 2013.

(9) Fwu, B.-J., & Wang, H.-H.: “The Social Status of Teachers in Taiwan”, Compariative Education, 38(2), 2002, p.211-224.

(12) The Voice of Canadian Teachers on Teaching and Learning, https://perspectives.ctf-fce.ca

(13) The Global Teacher Status Index Is Now Available, http://www.edudemic.com

(14) Luật Giáo dục 2005, https://

thuvienphapluat.vn

(15) ĐCSVN: Nghị quyết số 29-NQ/TƯ Hội nghị Trung ương 8 khóa XI ngày 04-11-2013 “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, dangcongsan.vn

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền