Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các trường chính trị cấp tỉnh
Thứ ba, 25 Tháng 6 2019 15:19
2086 Lượt xem

Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các trường chính trị cấp tỉnh

(LLCT)- Trường chính trị cấp tỉnh có vị trí, vai trò quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính trị cơ sở. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của nhà trường, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của các trường chính trị cấp tỉnh cần phải được xây dựng một cách đồng bộ, toàn diện. Những năm qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các tỉnh ủy, thành ủy đã xác định một số quan điểm chỉ đạo, chính sách quan trọng góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ.

Trường chính trị cấp tỉnh có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Đối tượng học viên do trường chính trị cấp tỉnh đào tạo, bồi dưỡng là cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp cơ sở; trưởng, phó phòng, ban, ngành cấp huyện, cấp tỉnh (cả đương chức và dự nguồn), đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã, một số đối tượng khác theo chỉ đạo của tỉnh uỷ, thành ủy... Bên cạnh chương trình đào tạo cơ bản nhất là Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, trường chính trị cấp tỉnh còn bồi dưỡng chương trình chuyên viên, chuyên viên chính, chương trình cập nhật kiến thức cho đối tượng 4 theo Quy định số 164-QĐ/TW ngày 1-2-2013 của Bộ Chính trị, các chương trình bồi dưỡng khác do cấp có thẩm quyền giao; hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện... Từ vị trí, vai trò, chức năng quan trọng nêu trên, đặt ra yêu cầu riêng, đặc thù đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh.

Quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh thể hiện chủ yếu ở những nội dung sau:

Một là, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định những vấn đề cơ bản về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là những chủ trương lớn, có tính nguyên tắc để thống nhất sự lãnh đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, công tác trường chính trị cấp tỉnh nói riêng.

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh phải được xem là khâu then chốt trong quá trình xây dựng, phát triển, tổ chức hoạt động của trường chính trị cấp tỉnh. Vấn đề quan trọng ở chỗ, quan điểm này phải trở thành thực tiễn ở tất cả các trường chính trị, được tất cả các tỉnh ủy, thành ủy quan tâm sâu sát bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Tại Đại hội IX (2001), Đảng xác định: phải xây dựng, chỉnh đốn hệ thống các học viện, trường và trung tâm chính trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trước hết đối với cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp, chống các biểu hiện tiêu cực trong giảng dạy và học tập.

Hai là, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn về tổ chức bộ máy và biên chế của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh. Trên cơ sở quyết định mới của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị khóa XI về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Tổ chức Trung ương cần hướng dẫn cụ thể về số lượng phó hiệu trưởng, lãnh đạo các khoa, phòng để bảo đảm tính thống nhất trong cả nước (có tính đến đặc thù của Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đông dân như Thanh Hóa, Nghệ An). Điều này là cần thiết, bởi trong thực tế thời gian qua, nhiều tỉnh ủy, thành ủy bố trí, sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý trường chính trị cấp tỉnh không hợp lý, một số cán bộ thời gian công tác còn ngắn; không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, hạn chế về năng lực lãnh đạo, quản lý, không có khả năng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, ảnh hưởng đến vị trí, vai trò, uy tín của nhà trường.

Nhiều trường chính trị cấp tỉnh “lạm phát” phó hiệu trưởng (cá biệt, có trường chính trị cấp tỉnh có đến 6 phó hiệu trưởng). Cùng với việc hướng dẫn các địa phương sắp xếp lại tổ chức bộ máy lãnh đạo, quản lý của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh, Ban Tổ chức Trung ương cần tăng cường kiểm tra, giám sát công việc này, kịp thời chấn chỉnh những địa phương thực hiện không nghiêm túc các quy định của Trung ương.

Ba là, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên đối với trường chính trị cấp tỉnh. Điều này lần đầu tiên đã được Ban Bí thư nhấn mạnh trong Quyết định số 184-QĐ/TW ngày 3-9-2008 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tiếp tục được nhấn mạnh tại Kết luận số 117-KL/TW ngày 20-11-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: “các tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với các trường chính trị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ”. Ngày 13-11-2018, Ban Bí thư ban hành Quy định số 09-QĐi/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, xác định toàn diện hơn: “Các tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo thực hiện nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; về tổ chức bộ máy và biên chế; về chế độ, chính sách đối với cán bộ, giảng viên và học viên; về thực hiện quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng và việc đầu tư, cấp kinh phí hoạt động, quản lý cơ sở vật chất của trường chính trị cấp tỉnh”. Với quan điểm này, một mặt, Ban Bí thư Trung ương Đảng xác định rõ chủ thể lãnh đạo, quản lý đối với trường chính trị cấp tỉnh là ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; mặt khác, cũng là giao trách nhiệm cho các tỉnh ủy, thành ủy vừa trực tiếp lãnh đạo, trực tiếp chịu trách nhiệm về tất cả các mặt công tác của trường chính trị cấp tỉnh, trong đó có công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của nhà trường.

Tại Kết luận số 117-KL/TW, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI giao nhiệm vụ cụ thể cho các tỉnh ủy, thành ủy: “bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên đủ năng lực; tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên trường chính trị đi thực tế ở cơ sở”. Ở đây, vấn đề bố trí cán bộ đủ năng lực làm lãnh đạo, quản lý trường chính trị cấp tỉnh được Ban Bí thư đặt lên hàng đầu. Để có đủ năng lực lãnh đạo, quản lý, các tỉnh ủy, thành ủy cần tạo điều kiện để cán bộ lãnh đạo, quản lý trường chính trị cấp tỉnh được đi thực tế ở cơ sở, tức là được rèn luyện qua thực tiễn. Đây vừa là chính sách đối với cán bộ, vừa là yêu cầu bắt buộc, là một trong những điều kiện để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý của trường chính trị cấp tỉnh. Để việc đi thực tế ở cơ sở có hiệu quả cao, tránh hình thức, các trường chính trị cấp tỉnh cần xây dựng thành đề án đi thực tế gắn với luân chuyển cán bộ, với những mục tiêu, nội dung, phương thức, lộ trình thích hợp, địa bàn, kinh phí… được ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy phê duyệt. Việc gắn đi nghiên cứu thực tế với luân chuyển cán bộ, giảng viên của trường chính trị các tỉnh Long An, Bến Tre... thời gian qua cho thấy hiệu quả rất cao của chủ trương này.

Sự lãnh đạo của các tỉnh ủy, thành ủy đối với trường chính trị cấp tỉnh là trực tiếp và thường xuyên. Thực tế có những địa phương chỉ chú trọng phát triển kinh tế - xã hội mà chưa quan tâm lãnh đạo thường xuyên đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, công tác trường chính trị nói riêng. Vì vậy, có những tỉnh, thành phố, trong nhiều nhiệm kỳ, lãnh đạo chủ chốt của trường chính trị không được tham gia cấp ủy tỉnh; ban giám hiệu được điều động từ các cơ quan khác về trường, trong khi đó, những cán bộ, giảng viên có năng lực, có nhiều năm công tác và cống hiến tại trường thì không được quan tâm bổ nhiệm.

Sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy đối với trường chính trị cấp tỉnh còn được thể hiện ở chỗ: ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy phân công đồng chí đại diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp phụ trách trường chính trị để kịp thời chỉ đạo toàn diện các mặt công tác của trường chính trị, đồng thời nắm bắt thông tin từ nhà trường báo cáo với ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy xử lý theo thẩm quyền. Thực tế những năm gần đây, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã gửi công văn đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy phân công đại diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp phụ trách trường chính trị cấp tỉnh thì nhiều tỉnh ủy, thành ủy mới chú trọng hơn nhiệm vụ này. Nhờ vậy, cho đến nay, hầu hết các trường chính trị cấp tỉnh trong cả nước đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các tỉnh ủy, thành ủy, UBND tỉnh, thành phố; tập thể thường trực tỉnh ủy nhiều tỉnh, thành phố đã bố trí thời gian làm việc với các trường; nhiều bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp phụ trách trường chính trị. Nói riêng về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh, 2 năm gần đây, hiện tượng điều động, bổ nhiệm các đồng chí trong ban giám hiệu không đủ năng lực, uy tín đã cơ bản chấm dứt.

Bốn là, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh. Tại Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 8-8-2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị giao cho Học viện: “Tham gia ý kiến về việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo chủ chốt của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Điều đó đòi hỏi Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phải xây dựng được hệ tiêu chuẩn về trường chính trị cấp tỉnh, trong đó nội dung tiêu chuẩn về chức danh, vị trí việc làm đối với lãnh đạo chủ chốt của các trường giữ vai trò quyết định. Để lãnh đạo chủ chốt của các trường chính trị đạt chuẩn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phải làm nòng cốt trong việc xây dựng chương trình, nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cả đương chức và dự nguồn các trường chính trị sao cho đạt hiệu quả tối đa. Chương trình, nội dung đào tạo phải thực sự đổi mới, phù hợp đối tượng, vừa cập nhật kiến thức lý luận chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa tăng cường kiến thức quản lý gắn với chức danh, vị trí việc làm, kết hợp tìm hiểu kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý của thế giới, bố trí thời gian đi thực tế, viết đề án và bảo vệ đề án một cách hợp lý.

Năm là, nhiều tỉnh ủy, thành ủy cũng có những chủ trương, chính sách quan tâm thiết thực đến công tác đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị cấp tỉnh nói chung, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của trường nói riêng. Biểu hiện rõ rệt nhất là việc bố trí các đồng chí tỉnh ủy viên, thành ủy viên trực tiếp làm hiệu trưởng trường chính trị (Thành ủy Hà Nội quy định tiêu chuẩn phải là thành ủy viên mới được bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong). Một số tỉnh, thành phố còn cơ cấu hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng vào HĐND tỉnh, thành phố. Một số tỉnh, thành phố luân chuyển các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trường, cấp khoa, phòng sang các cơ quan của tỉnh, về các huyện giữ chức vụ lãnh đạo một thời gian để rèn luyện, sau đó trở về trường để giữ chức vụ cao hơn (Đắk Lắk, Long An, Bến Tre…).

Quan điểm, chính sách của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh những năm qua đã trở thành tiền đề quan trọng mang tính quyết định góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của các trường chính trị trong cả nước.

PGS, TS Trương Thị Thông

TS Nguyễn Văn Thắng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền