Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến xuất bản và vấn đề đào tạo nguồn nhân lực xuất bản ở nước ta
Thứ tư, 24 Tháng 7 2019 09:53
3597 Lượt xem

Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến xuất bản và vấn đề đào tạo nguồn nhân lực xuất bản ở nước ta

(LLCT) - Dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hoạt động xuất bản điện tử đã tạo ra những tiện ích vượt trội so với xuất bản truyền thống, làm thay đổi mô hình và quy trình xuất bản, thay đổi thói quen đọc và văn hóa đọc, tạo ra doanh thu lớn... Từ những ưu điểm và hiệu quả mà xuất bản điện tử mang lại, nhiều nhà xuất bản và công ty sách ở Việt Nam đã tiên phong bước vào lĩnh vực này và đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực. Yêu cầu xuất bản điện tử đang đặt ra không ít những thách thức về nguồn nhân lực đòi hỏi các cơ sở đào tạo về xuất bản ở Việt Nam phải nhanh chóng đổi mới công tác đào tạo.

1. Ưu thế của xuất bản điện tử so với xuất bản giấy

a. Tạo ra những tiện ích vượt trội

Sách điện tử là sản phẩm của xuất bản điện tử được định nghĩa là “một phiên bản điện tử của một cuốn sách in có thể đọc được trên máy tính cá nhân hay một thiết bị cầm tay được thiết kế cho mục đích này” (Từ điển Oxford).

Mặc dù đã xuất hiện trên thế giới từ khoảng bốn thập niên qua (kể từ khi Michael Hart, sinh viên đại học Illinois (Mỹ) có sáng kiến đưa lên máy điện toán của mình các tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ tác quyền để có thể đọc được trên máy điện toán), nhưng sách điện tử chỉ thực sự bắt đầu được phổ biến rộng rãi trên thế giới từ năm 2007, khi các thiết bị đọc sách ra đời và cạnh tranh nhau như Kindle của Amazon, eReader của Sony, Nook của Barnes & Nobles và Kobo của Borders..., chưa kể các phần mềm ứng dụng dành cho điện thoại thông minh và máy tính bảng.

­Sách điện tử ra đời và phát triển đã dần trở thành một sản phẩm thông dụng, một cú hích văn hóa đọc theo chiều hướng tích cực. Với rất nhiều ưu điểm vượt trội so với sách in truyền thống như: tiết kiệm chi phí (sách điện tử hầu như không có chi phí phân phối, không có chi phí in ấn, giấy mực, đóng gói, vận chuyển, chi phí kho, bãi...), giá thành hạ hơn sách truyền thống, mọi chi phí về vật chất, phân phối đều thấp hơn so với sách truyền thống do công nghệ đem lại, việc xuất bản không chỉ còn lệ thuộc vào nhà xuất bản, mà tác giả cũng có thể xuất bản được sách của mình; phạm vi phổ biến tác phẩm rộng hơn nhờ mạng internet và số lượng độc giả sẽ là không có giới hạn (vì thông qua một website, blog, mạng xã hội, email..., tác phẩm được kết nối với toàn cầu); sinh động hơn do được tích hợp thêm các dạng dữ liệu multimedia hình ảnh, âm thanh, video... hấp dẫn người đọc; thời gian đáp ứng nhanh hơn (do không mất nhiều thời gian để in ấn cũng như phân phối); marketing thuận tiện hơn, thanh toán nhanh hơn (do ứng dụng giao dịch điện tử); không có hàng tồn và dễ dàng cập nhật thông tin bán hàng; trong khâu biên tập, có thể chỉnh sửa dễ dàng, nhanh chóng (đặc biệt là khi tái bản có bổ sung, chỉnh sửa cũng không mất chi phí in lại); góp phần bảo vệ môi trường (do không phải in ấn).

Công nghệ xuất bản điện tử đã tạo ra cách thức kết nối giữa tác giả và độc giả, rút ngắn khoảng cách địa lý - vật lý giữa tác giả - độc giả và nhà sản xuất. Điều này không thể có trong xuất bản truyền thống. Các thiết bị thông minh ứng dụng các giải pháp công nghệ đã tạo ra loại sách tương tác thông minh, cho phép cuốn sách có thể giúp độc giả nói - viết - chia sẻ cảm nhận và tương tác với nhiều đối tượng có liên quan đến cuốn sách, đồng thời nhận được nhiều ưu đãi hơn về những nội dung ngoài sách chỉ thông qua một biểu tượng (tem QR code) nhỏ dán trên bìa sách. Nói cách khác, giờ đây, thay vì mua một cuốn sách và chỉ được đọc các thông tin trên sách, thì độc giả có thể nhận được nhiều hơn: kết nối trực tuyến với cộng đồng độc giả, kết nối với tác giả, nhà sản xuất - đơn vị phát hành, nhận thêm những ưu đãi nội dung và các quà tặng khác từ phía nhà sản xuất và đối tác phân phối.   

b. Làm thay đổi mô hình và quy trình xuất bản

Cách mạng công nghiệp 4.0 đưa đến những thay đổi ngày càng nhanh trong các lĩnh vực công nghệ, truyền thông, khách hàng và mô hình kinh doanh. Trong bối cảnh đó, bên cạnh mô hình xuất bản truyền thống đã có, các nhà xuất bản sẽ chuyển từ vai trò của người sản xuất, tạo ra sản phẩm sang vai trò cung cấp các dịch vụ nội dung, thông tin để kết nối giữa người đọc với tác giả; tạo và phân phối nội dung trên các kênh khác nhau dựa trên nền tảng số.

Cùng với sự chuyển dịch mô hình xuất bản hiện có, còn là sự xuất hiện của một quy trình xuất bản hoàn toàn mới - xuất bản trực tiếp của các cá nhân. Với định dạng điện tử, thông qua các công ty nắm giữ hạ tầng bigdata, tác giả đưa “đứa con tinh thần” của mình đến thẳng người đọc mà không qua thao tác biên tập, giới thiệu, quảng bá của nhà xuất bản. Điều này đã thấy ở các khu vực xuất bản phát triển như Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bằng sự xóa nhòa mọi giới hạn, ranh giới về không gian, thời gian, xuất bản điện tử giúp giảm thiểu nhiều công đoạn của xuất bản sách in giấy truyền thống để sản phẩm đến tay nhiều độc giả nhất, nhanh nhất và với chất lượng tốt nhất. Thực tế, đã có sự thay thế con người bằng máy móc ngay cả ở một số khâu công việc biên tập trước đây chỉ có thể do con người thực hiện, ví dụ như công việc biên tập của biên tập viên. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo sẽ hỗ trợ tối đa biên tập viên trong một số khâu công việc, chẳng hạn như tổng hợp tất cả các nguồn thông tin về cùng một chủ đề trên toàn cầu, những robot sẽ thay thế bộ phận biên tập kỹ thuật, mỹ thuật, chế bản hay nhân công in ấn; những phần mềm chuyên dụng sẽ giúp thực hiện công việc biên tập ngôn ngữ ở cấp độ chính tả, chữ viết; đồng thời còn giúp nhà xuất bản vừa tinh giản bộ máy vừa kiểm định được chất lượng bản thảo, kiểm soát, loại bỏ được tình trạng “đạo văn” và vi phạm bản quyền...

c. Tạo ra tốc độ phát triển mới

Trong xã hội thông tin, xuất bản số hay xuất bản điện tử tác động trước hết đến tốc độ phát triển của hoạt động truyền thông nói chung, thể hiện ở sự thay đổi về tốc độ thay thế các vật liệu truyền thông ngày một nhanh hơn với khoảng thời gian sử dụng các loại vật liệu ngày một ngắn hơn. Quá trình thay đổi các loại vật liệu truyền thông cho thấy: (1) Tốc độ phát minh ra các loại vật liệu truyền thông diễn ra ngày một mau chóng. Trong lịch sử xuất bản thế giới, sự thay thế các loại vật liệu, công cụ nói chung gồm có: thẻ tre trúc, giấy, đĩa than, băng từ, đĩa CD, mạng Internet, điện thoại di động, giấy điện tử... với một tốc độ ngày càng nhanh. Thời gian từ lúc phát minh tới lúc được dùng phổ cập của thẻ tre trúc là khoảng 1.000 năm, giấy: 300 năm, đĩa than: 30 năm, băng từ: 20 năm, đĩa quang: 10 năm, mạng Internet: 5 - 6 năm, còn điện thoại thông minh từ khi được ứng dụng như một xuất bản phẩm tới nay chỉ vài năm. (2) Quá trình thay đổi vật liệu xuất bản truyền thông diễn ra theo xu hướng đi từ truyền thông cụ thể, đơn giản (truyền thông giấy) đến truyền thông đa phương tiện, tập trung nhiều hơn vào hình ảnh, âm thanh. (3) Chuyển từ truyền thông đơn phương tiện sang truyền thông đa phương tiện; nói cách khác, sự tích hợp của các loại phương tiện truyền thông mới chính là xu hướng phát triển mà trong đó các phương tiện truyền thông đều thực hiện nhất thể hóa đa chức năng. Đó là sự tích hợp toàn bộ các đặc tính, công dụng ưu việt của các phương tiện truyền thông đại chúng vào làm một. Và sự đột phá hay bước tiến nhảy vọt của công nghệ đã làm thay đổi quan niệm, kỹ thuật truyền thông, trên cơ sở đó mà ra đời phương tiện truyền thông mới có tính tổng hợp cao, chức năng được nâng cao, hoàn hảo hơn và hiệu dụng hơn. (4) Tần suất xuất hiện loại hình truyền thông mới diễn ra ngày một nhanh hơn, sự phát triển của kỹ thuật về cơ bản diễn ra theo phương thức gia tốc, tức là tăng tốc dần mà bằng chứng là sự rút ngắn dần khoảng thời gian tìm kiếm và ứng dụng các loại vật liệu và theo đó là các phương thức và phương tiện truyền thông.

d. Làm chuyển dịch thị phần xuất bản phẩm

Xét về phương thức làm sách, hiện có 2 phương thức: xuất bản truyền thống (in sách bằng giấy) và xuất bản sách điện tử. Trong môi trường xuất bản số, xuất bản phẩm cũng có sự chuyển đổi từ những thực thể ấn phẩm hữu hình bằng giấy in sang những sản phẩm có nội dung được số hóa, ảo hóa. Đây là chính là sự thay đổi quan trọng về thị phần xuất bản; mảng xuất bản sách giấy tuy vẫn tồn tại nhưng sẽ bị thu hẹp dần, đồng thời với sự chuyển dịch và mở rộng dần sang xuất bản số.  

Hiện nay, các thư viện trên khắp thế giới ngày càng sử dụng nhiều sách điện tử. Theo một thống kê gần đây, chỉ trong năm 2016, bạn đọc Mỹ đã mượn hơn 196 triệu bản sách điện tử, tăng 21% so với năm 2015, và cũng chỉ tính riêng ở thị trường Mỹ, sự tăng trưởng của sách điện tử trong 5 tháng đầu năm 2017 đã là gần 20%.

Sự ra đời của ebook (sách điện tử), nhất là các thiết bị, phần mềm hỗ trợ đọc, trao đổi, mua bán sách trực tuyến đã tạo ra một cuộc cách mạng thật sự trong ngành xuất bản về thiết bị tiếp nhận và lưu trữ nội dung sách. Thống kê từ FeelGood cho thấy với 22% số người sử dụng ebook và 50% số người mua sách trên các dịch vụ trực tuyến trên toàn cầu, các phương tiện công nghệ đã chứng minh tầm ảnh hưởng của chúng đối với thói quen chọn lựa và đọc sách của độc giả hiện đại. Theo tác giả M.Shatzkin trên trang Idealog.com, sự “thay đổi lớn” trong ngành xuất bản được khẳng định bằng chiến thắng năm 2011 của tập đoàn Amazon và thiết bị đọc sách điện tử Kindle trước hệ thống nhà sách khổng lồ Borders (trước khi phá sản, Borders có hệ thống nhà sách tại bốn quốc gia: Mỹ, Australia, New Zealand và Singapore cùng đội ngũ nhân viên lên đến 16.500 người).

đ. Làm thay đổi nhu cầu đọc và văn hóa đọc

Trong điều kiện kinh tế thị trường, xuất bản là hoạt động xã hội hóa, tuân theo quy luật kinh tế “nhu cầu sẽ kích thích sản xuất”. Ngành xuất bản muốn phát triển nhanh, bền vững thì cũng cần có nguồn động lực là nhu cầu thị trường tăng trưởng nhanh và bền vững. Hoạt động xuất bản phải lấy nhu cầu thị trường làm trọng tâm, đó là nhu cầu mua, nhu cầu đọc của độc giả; nhu cầu đọc của độc giả vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng nhất đối với hoạt động xuất bản và có tính chất quyết định hướng phát triển của thị trường xuất bản phẩm, của ngành xuất bản. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh xuất bản phẩm là bức tranh thể hiện rõ nhất tình trạng, tính chất, xu hướng, nhu cầu đọc của xã hội. Đó cũng là chỉ biểu cho các nhà xuất bản trong kế hoạch, chiến lược đề tài của mình. 

Văn hóa đọc trước đây lấy tác giả làm trung tâm thì nay được thay thế bằng việc lấy độc giả làm trung tâm; nếu như thời kỳ bao cấp, cung quyết định cầu thì nay cầu sẽ quyết định cung. Từ đó, sự định hướng trong xuất bản là phải tác động vào nhu cầu đọc của xã hội; kích cầu đọc chính là tạo động lực cho hoạt động xuất bản.

Thời đại 4.0 mang đến cho xuất bản những cơ hội lớn về nhu cầu đọc. Đó là số người biết đọc, biết viết trên thế giới tăng cao. Độc giả trẻ đọc sách nhiều hơn thế hệ trước và số lượng sách dành cho đối tượng này cũng phát triển và với sự phong phú, đa dạng về các thiết bị đọc ngày càng đa năng, tiện dụng, giá thành rẻ. Mặt khác, độc giả cũng có nhiều sự lựa chọn sản phẩm cũng như lựa chọn cách đọc của mình và điều này làm cho cá tính của người tiêu dùng thay thế cho tính đặc thù của sản phẩm. Sự ra đời của xuất bản điện tử đã phá vỡ cục diện của xuất bản giấy, đồng thời phá vỡ công thức đọc tuyến tính trước đây; độc giả có thể tự xác định cho mình quy trình, cách thức, phương tiện và không gian đọc. Mặt khác, thói quen đọc của độc giả cũng thay đổi do sự tác động của kỹ thuật số, vừa thiên về xu hướng đọc giải trí, vừa thiên về tiếp nhận các loại tín hiệu khác ngoài chữ viết như âm thanh, hình ảnh, video, đồ họa...     

e. Tạo ra doanh thu lớn

Sự thay đổi về nhu cầu đọc dẫn đến sự thay đổi trong khâu tiêu thụ, phân phối, phát hành trên thị trường xuất bản phẩm. Trong lĩnh vực phân phối sách, thị trường xuất bản thế giới đã có sự chuyển dịch nhanh chóng về phương thức phát hành, đang tiếp tục thay đổi theo hướng đẩy mạnh các nền tảng xuất bản điện tử và kiểm soát nội dung của xuất bản điện tử trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Bên cạnh các tập đoàn xuất bản chính thống, các tập đoàn truyền thông xã hội, như Facebook, Google, Amazon, Apple... đã và đang trở thành những nhà xuất bản lớn của thế giới. Họ có ưu thế về nguồn vốn, khả năng phát hành mạnh mẽ và đặc biệt nhanh nhạy khi đưa ra các dịch vụ về sách ngày càng hấp dẫn hơn.

Hiện nay, doanh thu trên thị trường xuất bản đang nghiêng về doanh thu xuất bản phẩm điện tử. Theo thống kê, năm 2004, doanh số sách điện tử trên thế giới mới chỉ đạt 646 triệu USD (chiếm 6,4% thị phần), nhưng đến năm 2014 đã đạt tới 3,8 tỷ USD (chiếm khoảng 53% thị phần sách thế giới). 

Điển hình như Mỹ, một trong những thị trường phát triển sách điện tử lớn nhất thế giới, doanh thu từ kinh doanh xuất bản phẩm điện tử năm 2013 đã đạt trên 3 tỷ USD. Trong khi đó, tại Mỹ đã có hơn 200 nhà xuất bản sách truyền thống đã phải đóng cửa(1).

Theo thống kê của Hãng bán lẻ trực tuyến Amazon, vào tháng 7-2010, cứ 100 cuốn sách in bán ra thì có 143 cuốn sách điện tử bán ra tương ứng. Cùng với đó, lượng thiết bị đọc sách điện tử bán ra trên phạm vi toàn cầu năm 2010 đã tăng 79,8% so với năm 2009, đánh dấu một bước đột phá mới của sách điện tử so với sách giấy truyền thống. Ở Trung Quốc, năm 2010 có tới 522/580 nhà xuất bản triển khai xuất bản sách điện tử. Như vậy, có thể khẳng định, hoạt động xuất bản sách điện tử trên thế giới đang chiếm ưu thế trong ngành công nghiệp xuất bản.

2. Đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực xuất bản ở nước ta hiện nay

Hiện nay, hạ tầng viễn thông và các dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin Việt Nam đã phát triển ngang tầm khu vực. Việt Nam hiện nằm trong top 10 nước châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về số người sử dụng Internet (55 triệu người). Đây là những tiền đề rất quan trọng về mặt hạ tầng - điều kiện quan trọng cho việc phát triển sách điện tử ở Việt Nam. Cùng với đó, hệ thống pháp luật ở Việt Nam liên quan đến lĩnh vực xuất bản đã cơ bản được hoàn thiện với việc ban hành Luật Xuất bản năm 2012, trong đó có quy định về xuất bản điện tử.  Đây là một bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho xuất bản điện tử phát triển.

Trong những năm tới, sách điện tử sẽ rất phát triển ở Việt Nam, sẽ có một thị trường sách điện tử đầy tính cạnh tranh và sôi động. Bởi, trong điều kiện xã hội thông tin, việc sử dụng thiết bị điện tử cá nhân và thưởng thức các ấn phẩm điện tử trong giải trí và học tập đang là một nhu cầu không thể thiếu trong xã hội hiện đại, nhất là với giới trẻ.

Từ những ưu điểm và hiệu quả mà xuất bản điện tử mang lại, một số nhà xuất bản và công ty sách đã tiên phong bước vào lĩnh vực xuất bản điện tử và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Hiện nay, ở nước ta có các cơ sở đào tạo

xuất bản:

- Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền với bề dày hơn 50 năm đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản, đào tạo cán bộ biên tập và quản lý xuất bản ở cả 3 bậc cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Từ những năm trước đây, Khoa đã đưa một số môn học về xuất bản điện tử vào chương trình chính khóa, như sách điện tử, thiết kế đồ họa sách điện tử, marketing xuất bản điện tử... Hiện nay, trong xu thế chung của đào tạo xuất bản điện tử của thế giới, Khoa Xuất bản đang hoàn thiện chương trình chuyên ngành xuất bản điện tử và dự kiến sẽ chính thức tuyển sinh vào năm học tới.

- Khoa Xuất bản - Phát hành, Đại học Văn hóa Hà Nội và Khoa Xuất bản, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh với chức năng đào tạo cử nhân phát hành, nay là cử nhân kinh doanh xuất bản phẩm. Tại hai cơ sở này, những nội dung chương trình và công nghệ kinh doanh xuất bản phẩm điện tử cũng đã được đưa vào giảng dạy. 

Ngoài ra còn có một số cơ sở đào tạo về truyền thông cũng có những môn học đi sâu về mặt kỹ thuật, công nghệ, hoặc truyền thông về biên tập xuất bản.   

Xây dựng chương trình đào tạo cử nhân về xuất bản trong thời đại công nghiệp 4.0 phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Bám sát thực tiễn: Xuất bản điện tử bao gồm 3 mảng kiến thức cơ bản cần trang bị cho người học, đó là: mảng kiến thức về công nghệ, mảng kiến thức về nghiệp vụ biên tập xuất bản điện tử và quản lý về xuất bản điện tử. Cử nhân xuất bản tương lai có đủ kiến thức, kỹ năng, có thể viết được các phần mềm thiết kế sách điện tử, phần mềm quản trị mạng kinh doanh sách điện tử, phần mềm bảo an cho hoạt động xuất bản điện tử đúng pháp luật, mang lại hiệu quả kinh tế cao.       

- Tích hợp, toàn diện: Đào tạo về xuất bản điện tử song hành với xuất bản truyền thống, tức là đào tạo đồng thời, lồng ghép giữa quy trình xuất bản truyền thống và xuất bản điện tử, tức là giữa đào tạo phương thức làm sách in và phương thức sản xuất sách điện tử.

- Chú trọng thực hành: Mục tiêu của đào tạo xuất bản điện tử là đào tạo biên tập viên làm công tác biên tập trong môi trường số hóa. Cho nên, vấn đề đào tạo kỹ năng làm việc thực tế là một ưu tiên trong nội dung đào tạo. Thực chất của nội dung đào tạo này là cung cấp tri thức và rèn kỹ năng sử dụng các phương tiện điện tử trong công tác chuyên môn, từ tổ chức khai thác bản thảo, biên tập bản thảo đến công tác phát hành và truyền thông về xuất bản điện tử.

Việc nghiên cứu, đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng đội ngũ giảng viên theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường với các nhà xuất bản, các công ty sách... nhằm đảm bảo về chất lượng nguồn nhân lực xuất bản, đáp ứng yêu cầu của ngành xuất bản nói chung, xuất bản điện tử nói riêng trong thời kỳ hội nhập quốc tế là việc làm cấp bách của mỗi cơ sở đào tạo.

- Cập nhật, hướng đến hội nhập về công nghệ đào tạo

Cách mạng công nghiệp 4.0 là thành tựu của trí tuệ nhân loại, tạo điều kiện và cơ hội cho các quốc gia tận dụng để phát triển. Theo đó, chương trình đào tạo nguồn nhân lực xuất bản điện tử phải được thiết kế, xây dựng tương thích với kết quả và những điều kiện của công nghệ nhưng vẫn phù hợp với điều kiện kinh tế -xã hội của Việt Nam. Đồng thời luôn có sự đổi mới, cập nhật những thành tựu công nghệ mới và hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực có năng lực làm việc ở mọi môi trường công nghệ và xã hội.

Theo đó, kiến thức cần có trong chương trình đào tạo về xuất bản điện tử là:   

- Kiến thức cơ sở ngành và nghiệp vụ xuất bản điện tử, bao gồm Cơ sở lý luận về hoạt động xuất bản nói chung, Lý luận về nghiệp vụ xuất bản điện tử; Phát hành xuất bản phẩm điện tử; Thị trường xuất bản phẩm điện tử; Thương mại điện tử trong xuất bản điện tử; Marketing trong xuất bản điện tử; Hoạt động truyền thông trong xuất bản điện tử; Kinh doanh xuất bản phẩm online; Hàng hóa xuất bản phẩm điện tử; Quy trình và kỹ năng biên tập sách điện tử; Biên tập ngôn ngữ trên môi trường bản thảo điện tử, thiết kế đồ họa sách điện tử; Pháp luật và đạo đức nghề nghiệp xuất bản... 

- Kiến thức và kỹ năng về nghiệp vụ kỹ thuật, bao gồm các môn học về Quản trị mạng trong xuất bản điện tử. Sinh viên ra trường có kiến thức và kỹ năng quản trị mạng, thực hiện được nhiệm vụ cài đặt, hỗ trợ và quản lý mạng và hệ thống máy tính giúp thông tin luôn được lưu thông; thực hiện và duy trì phần cứng và phần mềm mạng, khắc phục sự cố mạng và đảm bảo an ninh mạng, tính khả dụng và các tiêu chuẩn hiệu suất. An toàn thông tin là bảo vệ thông tin và hệ thống thông tin nói chung khỏi các truy cập trái phép, sử dụng, làm lộ, làm hỏng, chỉnh sửa, ghi chép không được phép...

- Kiến thức quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản điện tử: Quản lý xuất bản điện tử không chỉ về mặt pháp lý mà còn về mặt công nghệ được luật hóa. Do đó, cần trang bị kiến thức về chính sách, pháp luật và công nghệ. Các môn học cơ bản là: Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xuất bản nói chung và xuất bản điện tử nói riêng; Luật An ninh mạng; Hoạt động quản lý nhà nước về xuất bản điện tử hiện nay; Vấn đề bản quyền và thực thi bản quyền trong xuất bản điện tử... 

____________________

(1) Nguồn:http://www.statista.com

Tài liệu tham khảo:

1. Khuất Duy Kim Hải: Xuất bản điện tử - Triển vọng và thách thức, Hocvientaichinh, ngày 17-11-2017.

2. Châu Úy Hoa: Truyền thông số và chuyển đổi mô hình xuất bản (Thanh Huyền dịch), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017.

3. Nguyễn Nguyên: Xuất bản với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Tuyên giáo, ngày 28-9-2018.

4. Nguyễn Tiến Phát: Xuất bản sách điện tử ở Việt Nam hiện nay và xu hướng phát triển, Tạp chí Phần mềm và Nội dung số, số 5-2014.

5. Phi Tuấn: Thách thức, triển vọng của sách điện tử và thiết bị đọc, Thoibaokinhtesaigon, 19-11-2011.

6. Khuất Duy Hải Tiến - Nguyễn Hải Bình: Xu thế phát triển tất yếu của xuất bản điện tử ở Việt Nam, Tham luận tại Hội thảo “Xây dựng các giải pháp huy động nguồn lực xã hội để phát triển sự nghiệp Xuất bản - In - Phát hành”  do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 14-6-2013 tại Hà Nội.

7. Tường Vy: Tương lai của sách điện tử, Saigongiaiphong, ngày 16-12-2015.

TS Phạm Văn Thấu

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền