Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Hiệu quả sau đào tạo cao cấp lý luận chính trị ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thứ tư, 18 Tháng 3 2020 10:04
3647 Lượt xem

Hiệu quả sau đào tạo cao cấp lý luận chính trị ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Điều tra, đánh giá hiệu quả sau đào tạo cao cấp lý luận chính trị (CCLLCT) tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là việc làm hết sức cần thiết. Đây là căn cứ quan trọng để Học viện điều chỉnh, đổi mới các nội dung liên quan nhằm nâng cao chất lượng đào tạo CCLLCT. Việc đánh giá này được thực hiện theo 5 phương diện sau: (1) Sự phù hợp trong bố trí công việc theo chuyên môn đào tạo; (2) Sự thay đổi về chức vụ sau đào tạo CCLLCT; (3) Việc phát huy năng lực sở trường sau đào tạo CCLLCT; (4) Mức độ học viên tham gia vào các hoạt động của đơn vị trước và sau khi học CCLLCT; (5) Hiệu quả thực hiện những nhiệm vụ cụ thể tại đơn vị công tác sau khi tốt nghiệp chương trình CCLLCT.

Từ khóa: đào tạo cao cấp lý luận chính trị.

Chương trình CCLLCT của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với những nội dung, kiến thức đặc thù là hành trang không thể thiếu được của mỗi cán bộ công chức (CBCC). Bởi đào tạo CCLLCT hướng tới mục tiêu: củng cố bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng; hình thành tầm nhìn và tư duy chiến lược; trang bị kiến thức, kỹ năng lãnh đạo quản lý; cung cấp kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức thực tiễn, v.v.. cho CBCC. Như vậy, đào tạo CCLLCT có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tế hiện nay mà trước hết là trong giải quyết các nhiệm vụ chính trị tại đơn vị công tác.

 Điều tra, đánh giá tác động của đội ngũ CBCC trong giải quyết các nhiệm vụ chính trị tại cơ quan sau đào tạo CCLLCT tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là việc làm hết sức cần thiết. Các học viên sau khi học CCLLCT ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có những thay đổi gì trong điều hành, quản lý, giải quyết các nhiệm vụ của mình được giao tại đơn vị công tác vẫn là những khoảng trống hiện nay. Môn học nào trong chương trình CCLLCT được học viên đánh giá góp phần quan trọng trong giải quyết các công việc mà học viên đang đảm nhiệm; tỷ lệ CBCC sau đào tạo CCLLCT có sự thay đổi ra sao, họ vẫn công tác ở vị trí cũ hay được luân chuyển, được đề bạt, bổ nhiệm vào chức vụ mới, v.v. đang là những vấn đề đang được quan tâm.

 Nội dung bài viết sẽ góp phần làm rõ những vấn đề trên.

Thứ nhất, sự phù hợp trong bố trí công việc theo chuyên môn đào tạo

Kết quả khảo sát của chúng tôi chỉ rõ công việc mà CBCC được phân công làm việc đúng chuyên môn đào tạo chiếm hơn 90%. Chỉ gần 9% CBCC không được bố trí đúng chuyên môn đào tạo. Khi phỏng vấn, thảo luận về con số này, chúng tôi nhận được câu trả lời của chính những người không làm đúng chuyên môn đào tạo và lãnh đạo của họ là: Do công việc phù hợp chuyên môn đã có người khác làm rồi. Và chính những người đang thực hiện các nhiệm vụ chính trị đó cũng đang làm đúng chuyên môn của họ và đó cũng là những CBCC có khả năng làm tốt các công việc đó. Không một ai nói rằng lý do họ không được bố trí đúng chuyên môn đào tạo là do họ không đủ năng lực làm các công việc đó. Như vậy, phần đông CBCC trước và sau khi học CCLLCT tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đều được bố trí làm những việc phù hợp với năng lực sở trường. Sự bố trí như vậy sẽ giúp phát huy được hết nguồn lực của đơn vị, tránh gây lãng phí trong đào tạo nguồn nhân lực hiện nay.

Thứ hai, sự thay đổi về chức vụ sau đào tạo CCLLCT

Về sự thay đổi về công việc và chức vụ sau khi học CCLLCT ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, kết quả khảo sát thu được là hơn 55% thay đổi và hơn 45% không thay đổi. Sự thay đổi ở đây tuyệt đối là sự thay đổi đi lên. Tức là các CBCC sau khi học xong CCLLCT về đơn vị công tác trong thời gian từ 1 tháng đến 5 năm họ đều có sự thay đổi về công việc hoặc được bổ nhiệm lên các chức vụ cao hơn. Sự thay đổi này có nhiều lý do và nguyên nhân khác nhau chứ không phải chỉ là do học CCLLCT hay cầm trong tay tấm bằng CCLLCT. Chúng tôi cũng phỏng vấn sâu để biết thêm thông tin nhưng dường như không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Thứ ba, việc phát huy năng lực sở trường sau đào tạo cao cấp lý luận chính trị

Khi đánh giá hiệu quả công việc sau đào tạo CCLLCT tại Học viện, chúng tôi có kết quả khảo sát như ở biểu đồ trên. Tuyệt đại đa số đánh giá họ phát huy tốt và rất tốt năng lực sở trường với 99,2%. Trong thực tế, đội ngũ CBCC được cử đi học CCLLCT đều là những đồng chí được lựa chọn một cách kỹ lưỡng ở cơ quan. Được tham gia học tập chương trình đào tạo này dưới mái trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh là niềm tự hào, vinh dự lớn của mỗi cá nhân CBCC. Bản thân những CBCC này đều là những đồng chí có năng lực, đang giữ chức vụ hoặc trong nguồn cán bộ lãnh đạo tại đơn vị. Do vậy, sau khi được trang bị, bổ sung, cập nhật thêm những kiến thức về lãnh đạo, quản lý, củng cố lập trường tư tưởng chính trị, các đồng chí đều có tinh thần tu dưỡng, phấn đấu cao hơn nữa. Do vậy, việc phát huy năng lực, sở trường chỉ đạt mức “trung bình” chỉ có 0,8% người trả lời.

Thứ tư, mức độ học viên tham gia vào các hoạt động của đơn vị trước và sau khi học cao cấp lý luận chính trị

Mỗi một cán bộ công chức nói chung đều phải thực hiện rất nhiều các hoạt động, nhiệm vụ khác nhau. Tuy nhiên, ở đây, khi nghiên cứu về các hoạt động của đơn vị công tác, nhóm nghiên cứu chỉ lựa chọn ra 8 hoạt động chính để khảo sát ý kiến của cựu học viên CCLLCT với thang đánh giá 5 mức độ tăng dần gồm: Không bao giờ, Hiếm khi, Thỉnh thoảng, Thường xuyên và Luôn luôn. 8 hoạt động chính được lựa chọn khảo sát bao gồm: Các hoạt động chuyên môn, Các hoạt động của Đảng, Các hoạt động của tổ chức đoàn thể khác (công đoàn, đoàn thanh niên, cựu chiến binh), Các hoạt động xã hội, cộng đồng (từ thiện, bảo vệ môi trường,...), Các lớp đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, Các lớp đào tạo bồi dưỡng kỹ năng mềm, Các lớp đào tạo bồi dưỡng ngoại ngữ, Các lớp học tập lý luận chính trị. Các nhiệm vụ cụ thể, chi tiết hơn sẽ được bàn đến trong phần hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ công chức sau khi học CCLLCT trong hệ thống Học viện. Để tiện theo dõi và so sánh, nhóm nghiên cứu sẽ sắp xếp các tỷ lệ khảo sát của các hoạt động ở chung một bảng với hai cột TRƯỚC và SAU khi học tập CCLLCT:

Kết quả khảo sát cho thấy: Mức độ tham gia vào các hoạt động tại đơn vị của cán bộ, công chức nhìn chung có sự thay đổi rõ nét nếu so sánh thời điểm TRƯỚC và SAU khi học CCLLCT. Sự thay đổi diễn ra chủ yếu ở mức độ đánh giá “thường xuyên” và “luôn luôn” (2 mức độ cao nhất trong thang đánh giá). Sự thay đổi này có chiều hướng tăng lên rõ rệt ở tất cả các hoạt động. Điều này giải thích cho việc SAU khi học xong CCLLCT, cán bộ công chức đã tham gia vào các hoạt động của đơn vị nhiều hơn hẳn so với lúc TRƯỚC. Mức độ tăng thấp nhất là 2% thuộc về tiêu chí 9.7: “Hoạt động tham gia vào các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ”. Qua đây, có thể thấy đại đa số cán bộ, công chức sau khi học CCLLCT ít tham gia học các lớp bồi dưỡng về ngoại ngữ. Điều này cũng dễ hiểu bởi các đơn vị cử cán bộ, công chức đi học chủ yếu tập trung ở các tỉnh, huyện, xã hay các bộ, ngành, ban nơi có nhu cầu sử dụng ngoại ngữ không cao. Hoạt động có mức độ tăng cao nhất là 25% thuộc về tiêu chí 9.2. “Các hoạt động của Đảng”. Như vậy, có thể hiểu là sau khi học CCLLCT, nhiều cán bộ, công chức được giao nhiều việc hơn liên quan đến công tác Đảng. Mức độ tham gia vào các hoạt động được lựa chọn để khảo sát tăng trung bình 11%. Ngoài hai hoạt động tăng cao nhất và thấp nhất như trên, mức độ cán bộ bộ công chức tham gia vào các hoạt động tăng cao dần lần lượt như sau: Các lớp đào tạo bồi dưỡng kỹ năng mềm 4%; Các hoạt động xã hội, cộng đồng (từ thiện, bảo vệ môi trường...) 7%; Các lớp đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ 9%; Các hoạt động của tổ chức đoàn thể khác của đơn vị (công đoàn, đoàn thanh niên, cựu chiến binh) 11%; Các lớp học tập lý luận chính trị 14%; Các hoạt động chuyên môn của đơn vị 17%. Đây là bức tranh tổng thể về mức độ tham gia vào một số hoạt động lớn cơ bản của cán bộ công chức TRƯỚC và SAU khi học tập CCLLCT ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Một lần nữa, mức độ tham gia này được khẳng định bằng giá trị trung bình tính toán được như dưới đây.

Thứ năm, mức độ tác động đến hiệu quả trong việc thực hiện những nhiệm vụ cụ thể tại đơn vị công tác sau khi tốt nghiệp chương trình Cao cấp lý luận chính trị

Quan sát bảng kết quả tự đánh giá về hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị tại đơn vị công tác của cựu học viên CCLLCT có thể nhận thấy không một cựu học viên CCLLCT nào đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở mức độ thấp nhất của thang đánh giá là “Rất kém”. Mức độ thấp thứ hai là “Kém” cũng chỉ xuất hiện ở 3 tiêu chí là tiêu chí 5, 6 và 10 với tỷ lệ rất nhỏ lần lượt là 0,7% và 0,9%. Tại thang đánh giá “trung bình” ở tất cả các tiêu chí đều xuất hiện các giá trị nhưng với tỷ lệ thấp. Tiêu chí có tỷ lệ “trung bình” cao nhất thuộc về nhiệm vụ “Thực hiện công tác tổ chức đoàn thể” với 8% và kế tiếp đó là nhiệm vụ “Tham mưu công tác đoàn thể” với 8, 3%.

Nhìn chung, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được đại đa số cựu học viên CCLLCT đánh giá ở 2 mức cao nhất của thang đánh giá đó là mức “Khá” và “Tốt”. Điều này cho thấy CBCC được cử đi học CCLLCT đều là những người có năng lực thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Bên cạnh đó, đây còn là những CBCC có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao, có lập trường cách mạng vững vàng. Với kết quả khảo sát như vậy, Đảng, Nhà nước, địa phương có thể hoàn toàn yên tâm vào đội ngũ CBCC hiện nay. Tiêu chí “Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn” có tỷ lệ cựu học viên được hỏi trả lời thực hiện “Tốt” nhiều nhất với 74%. Tiếp theo đó là nhiệm vụ “Tham mưu các hoạt động chuyên môn” cũng chiếm gần 74%. Như vậy, công tác chuyên môn là nhiệm vụ chính trị được CBCC đặt mối quan tâm lên hàng đầu. Tiếp theo đó là tiêu chí “Tổ chức điều phối công việc” với gần 71% cựu học viên đánh giá ở mức “Tốt”.

“Lập kế hoạch chiến lược” là tiêu chí có tỷ lệ cựu học viên đánh giá ở mức “Khá” và “Tốt” hơn 90%. Tuy nhiên tỷ lệ đánh giá “Tốt” chỉ đạt hơn 40%. Đây là tiêu chí có tỷ lệ đánh giá ở mức “Tốt” thấp nhất trong tổng số 16 tiêu chí bàn về hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cựu học viên CCLLCT. Tiêu chí có tỷ lệ đánh giá “Tốt” thấp thứ hai đó là “Hoạch định chính sách”. Có thể nói hai hoạt động “Lập kế hoạch chiến lược” và “Hoạch định chính sách” là những hoạt động lớn mang tính vĩ mô của mỗi cơ quan, đơn vị. Để tham gia vào các hoạt động này, lãnh đạo các đơn vị thường lựa chọn rất khắt khe về mặt nhân sự.

Để đánh giá thái độ, lập trường, tư tưởng, trách nhiệm của cựu học viên khi thực hiện nhiệm vụ chính trị sau tốt nghiệp CCLLCT, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 8 tiêu chí để cựu học viên tự đánh giá. Nhìn chung, kết quả đánh giá thu được khá cao. Có 7/8 tiêu chí mức đánh giá “Tốt”, đạt trên 82%. Tiêu chí có tỷ lệ đánh giá mức “Tốt” cao nhất thuộc về tiêu chí “Củng cố lập trường cách mạng” với gần 88%. Tiếp theo đó là tinh thần trách nhiệm trong công việc đạt gần 87%. Các tiêu chí tiếp theo lần lượt là “Tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gần 86%, “Tinh thần phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện nhân cách” hơn 85%. Tiêu chí “Bồi dưỡng thế giới quan khoa học” có tỷ lệ đánh giá mức “Tốt” thấp nhất là hơn 71%. Mặc dù là tiêu chí có tỷ lệ đánh giá mức “Tốt” thấp nhất nhưng đây vẫn là con số rất đáng hài lòng mà cựu học viên CCLLCT đã đạt được.

Tựu trung, với kết quả khảo sát thu được, có thể khẳng định: Tuyệt đại đa số CBCC sau khi học CCLLCT tại các cơ sở đào tạo thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đều trưởng thành hơn về mọi phương diện, vận dụng hiệu quả các kiến thức thu được vào thực tiễn công tác và cuộc sống, hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ chính trị được giao.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 12-2019

Tài liệu tham khảo:

1. Hoàng Anh: Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cao cấp lý luận chính trị ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2016.

2. Hoàng Anh: Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cao cấp lý luận chính trị ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học chính trị, số 12 - 2018.

3. Trần Thị Hoài: Đánh giá thẩm định chương trình giáo dục, Luận án tiến sĩ ngành Quản lý giáo dục, Đại học quốc gia Hà Nội, 2009.

PGS, TS Hoàng Anh

Vụ Quản lý đào tạo,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền