Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Quy trình xây dựng nội dung chương trình cao cấp lý luận chính trị ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thứ sáu, 21 Tháng 8 2020 16:00
5030 Lượt xem

Quy trình xây dựng nội dung chương trình cao cấp lý luận chính trị ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Đào tạo cao cấp lý luận chính trị là hệ đào tạo đặc biệt quan trọng, thể hiện rõ bản sắc của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với tư cách là ngôi trường cao cấp nhất của Đảng - Trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cho Đảng, cho Nhà nước và cho toàn bộ hệ thống chính trị. Chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị của Học viện đã thường xuyên được đổi mới, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp nhất với điều kiện thực tiễn của từng giai đoạn cụ thể. Bài viết tập trung làm rõ quy trình xây dựng chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị của Học viện.

Từ khóa: chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Quy trình xây dựng (gồm xây dựng mới; chỉnh sửa, bổ sung) Chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bao gồm 6 bước (xem hình).

1. Xác định mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo

1.1. Mục tiêu

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Mục tiêu là một ý tưởng của tương lai, hoặc kết quả mong muốn của một người hay một nhóm người đã hình dung ra, kế hoạch và cam kết để đạt được. Một mục tiêu gần giống với ý định hay mục đích, kết quả dự đoán hướng dẫn phản ứng, hoặc kết thúc, là một đối tượng, hoặc là một đối tượng vật lý hoặc một đối tượng trừu tượng, có giá trị nội tại.

Theo Từ điển tiếng Việt: Mục tiêu là đích cần đạt tới để thực hiện nhiệm vụ(1).

Mục tiêu của Chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị trong bối cảnh hiện nay, theo chúng tôi, là: Củng cố bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng; rèn luyện đạo đức, tác phong của người cán bộ cách mạng; trang bị tầm nhìn và tư duy chiến lược, phương pháp luận khoa học; giúp cập nhật kiến thức mới có tính thời sự cao về các lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội trong nước và quốc tế; cung cấp kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý; phát triển kỹ năng xử lý tình huống; chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tế gắn với địa phương, ngành, lĩnh vực.

1.2. Chuẩn đầu ra

 Có nhiều cách tiếp cận và quan niệm khác nhau về chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, chuẩn đầu ra được hiểu là sự cụ thể hóa mục tiêu đào tạo đã nêu ở trên. Đó là những yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm mà người học đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, được cơ sở đào tạo cam kết với người học, xã hội và công bố công khai cùng với các điều kiện đảm bảo thực hiện(2).

Chuẩn đầu ra có 2 cấp độ: Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra của từng môn học trong khung chương trình đào tạo.

Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo cao cấp lý luận chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, học viên phải đạt được những kết quả như sau:

Chuẩn đầu ra về kiến thức:

- Nâng cao nhận thức về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

- Cập nhật đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước

- Cập nhật kiến thức về khoa học lãnh đạo, quản lý

- Cập nhật kiến thức về tình hình kinh tế - chính trị trong nước và thế giới

- Cập nhật kiến thức về tình hình văn hóa - xã hội trong nước và thế giới

- Cập nhật kiến thức về tình hình an ninh - quốc phòng - đối ngoại trong nước và thế giới

-  Nâng cao kiến thức về ngoại ngữ, công nghệ thông tin.

Chuẩn đầu ra về kỹ năng:

- Có khả năng vận dụng kiến thức lý luận được trang bị để xử lý hiệu quả các vấn đề thực tiễn liên quan

- Có khả năng tư vấn và hoạch định chính sách

- Có khả năng giao tiếp và thuyết trình tốt

- Có khả năng tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục quần chúng

- Có khả năng đấu tranh chống các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

- Có khả năng xử lý các tình huống mới, phức tạp trong lĩnh vực công tác

- Có khả năng xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch một cách nhanh chóng, chất lượng, trên cơ sở khai thác tốt các nguồn lực liên quan

- Có phương pháp làm việc hiện đại, khoa học, hiệu quả

- Có khả năng làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế.

Chuẩn đầu ra về thái độ:

- Có tinh thần, thái độ nghiêm túc, trách nhiệm trong học tập lý luận chính trị và vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn công tác và cuộc sống

- Có ý thức và khả năng nêu gương về lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị; phẩm chất đạo đức, lối sống; tác phong làm việc.

Từng môn học, chuyên đề ngoại khóa đều có mục tiêu và chuẩn đầu ra riêng tương ứng và phù hợp với mục tiêu và chuẩn đầu ra chung của chương trình đào tạo tổng thể.

2. Xây dựng Khung chương trình đào tạo

Mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo chính là cơ sở để xây dựng Khung chương trình đào tạo. Khung chương trình đào tạo ở đây được hiểu là tập hợp các môn học trong đó thể hiện rõ trình độ đào tạo, đối tượng đào tạo, mục tiêu đào tạo, chuẩn kiến thức, kỹ năng của người học khi tốt nghiệp; khối lượng kiến thức lý thuyết, thực hành, thực tập; kế hoạch đào tạo theo thời gian thiết kế; phương pháp và hình thức đào tạo; cách thức đánh giá kết quả học tập; các điều kiện thực hiện chương trình.  Việc xây dựng Khung chương trình đào tạo bao gồm các bước:

2.1. Xác định tên môn học, tên chuyên đề

 Các môn học, các chuyên đề cung cấp kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Đường lối cách mạng Đảng Cộng sản Việt Nam; Xây dựng Đảng và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Kinh tế; Quốc phòng-an ninh-đối ngoại; Văn hóa-xã hội; Khoa học và kỹ năng lãnh đạo, quản lý; kiến thức thực tiễn gắn với ngành, lĩnh vực, địa phương.

Căn cứ vào các nội dung này, có thể xác định tên các môn học và các chuyên đề bắt buộc. Các chuyên đề ngoại khóa sẽ được lựa chọn phù hợp với từng lớp cụ thể.

Chương trình cao cấp lý luận chính trị hiện hành gồm 19 môn học (Triết học Mác - Lênin; Kinh tế chính trị học Mác - Lênin; Chủ nghĩa xã hội khoa học; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Quan hệ quốc tế; Chính trị học; Khoa học lãnh đạo; Nhà nước và pháp luật; Lý luận và pháp luật về quyền con người; Quản lý kinh tế; Kinh tế phát triển; Văn hóa và phát triển; Xã hội học trong lãnh đạo, quản lý; Giới trong lãnh đạo, quản lý; Tôn giáo và tín ngưỡng; Lý luận dân tộc và quan hệ dân tộc ở Việt Nam) và 6 chuyên đề ngoại khóa (trong đó có 2 chuyên đề bắt buộc và 4 chuyên đề được lựa chọn theo từng lớp).

2.2. Xác định tên các hoạt động bổ trợ khác

Các hoạt động bổ trợ bao gồm: Khai giảng, Tuần học viên, Thảo luận, Tự nghiên cứu, Đánh giá kết quả học tập (thi, kiểm tra), Nghiên cứu thực tế, Sinh hoạt ngoại khóa, Bế giảng.

2.3. Xác định khung nội dung từng môn học, từng chuyên đề

Khung nội dung từng môn học chính là tên các bài giảng trong môn học. Khung nội dung từng chuyên đề là đề cương sơ giản (các ý lớn) của chuyên đề.

Các bài giảng đề cập những vấn đề cốt lõi, có tính thời sự cao, có những khía cạnh cần được làm rõ để thống nhất nhận thức và hành động thông qua tự nghiên cứu, trao đổi, thảo luận. Hạt nhân của các bài giảng trong Chương trình cao cấp lý luận chính trị sắp tới phải là những vấn đề mới, cấp thiết trong các văn kiện Đại hội XIII. Học viên cao cấp lý luận chính trị ít nhất đã có một bằng đại học, không ít người có học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư, phó giáo sư; tham gia nhiều lớp bồi dưỡng, lại giàu kinh nghiệm thực tiễn cho nên nội dung bài giảng cần mang hơi thở ấm nóng của cuộc sống hôm nay, ngang tầm với nhu cầu của họ.

2.4. Xác định thời lượng cho từng môn học, từng chuyên đề

Tổng thời gian đào tạo cao cấp lý luận chính trị hiện nay là 8 tháng đối với hệ tập trung và 18 tháng đối với hệ không tập trung. Trong đó, thời gian đào tạo hệ tập trung được xem là thời gian chuẩn.

Chương trình hiện hành đang quá tải với tổng số 1.410 tiết (bao gồm 920 tiết giảng và thảo luận, với 19 môn học, 6 chuyên đề ngoại khóa, 3-6 chuyên đề nước ngoài). Học viên không có đủ thời gian cho tự học, tham gia các sinh hoạt ngoại khóa. Đặc biệt, quỹ thời gian dự phòng quá ít (50 tiết tương đương 5 ngày; trong khi theo thông lệ là 3 tuần), gây khó khăn cho việc thực hiện kế hoạch giảng dạy-học tập khi xảy ra tình huống bất thường. Do vậy, đối với chương trình mới, nên giảm bớt ít nhất 200 tiết, tương đương 20 ngày, chiếm khoảng 20% tổng thời gian lên lớp. Thời gian này sẽ dành cho học viên tự nghiên cứu, tham gia sinh hoạt ngoại khóa và bổ sung cho quỹ dự phòng.

Như vậy, dự kiến xảy ra các phương án: (1) Cắt bớt môn (bỏ hoàn toàn hoặc chuyển thành chuyên đề ngoại khóa); (2) Cắt giảm số tiết của tất các các môn (theo một tỷ lệ chung) hoặc một số môn (có số lượng từ 35 tiết trở lên, cũng theo một tỷ lệ chung); (3) Áp dụng đồng thời cả phương án 1 và 2. Nếu bổ sung môn học mới vào khung chương trình hiện hành thì nên cắt giảm các môn khác căn cứ vào mối quan hệ với mục tiêu đào tạo.

2.5. Xác định thời lượng cho từng bài giảng, từng hoạt động bổ trợ trong Khung chương trình

Hiện tại, các bài giảng có thời lượng từ 5 đến 10 tiết. Theo chúng tôi, các bài giảng chỉ nên có thời lượng 5 tiết. Trong 5 tiết đó, phải có ít nhất 30% thời gian dành cho trao đổi, thảo luận. Thời gian thảo luận độc lập (được tổ chức thành buổi riêng) cần cắt giảm, chuyển sang các hoạt động khác.

Các chuyên đề ngoại khóa không vượt quá 5 tiết. Thời gian thi học phần (hình thức tự luận) không nên vượt quá 120 phút. Nghiên cứu thực tế ít nhất 5 ngày (không tính thời gian đi và về). Tổng thời gian dành cho sinh hoạt ngoại khóa là 30 tiết, số lần tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng khóa học.

3. Thẩm định và ban hành khung chương trình

Dự thảo Khung Chương trình Đào tạo cao cấp lý luận chính trị được lấy ý kiến rộng rãi của các đơn vị và cá nhân liên quan trong toàn hệ thống, theo nhiều hình thức, nhằm phát huy dân chủ, trí tuệ của đội ngũ cán bộ khoa học, bảo đảm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu đặt ra.

Trên cơ sở tiếp thu, chắt lọc các ý kiến như vậy, Khung Chương trình được chỉnh sửa, bổ sung và Giám đốc Học viện tổ chức thẩm định. Khi nào các thành viên Hội đồng thẩm định có ý kiến thống nhất là Khung Chương trình đạt chất lượng tốt, có thể đưa vào sử dụng, Giám đốc Học viện ký Quyết định ban hành. Đây là nền móng cho việc xây dựng đề cương chi tiết, bài giảng và giáo trình các môn học, chuyên đề liên quan.

4. Tổ chức viết thành bài giảng chi tiết và thẩm định

Sau khi Khung Chương trình được ban hành, các viện chuyên ngành tổ chức biên soạn các bài giảng chi tiết. Tham gia công việc này, không chỉ có các chuyên gia của hệ thống Học viện (Học viện quốc gia và các Học viện khu vực), mà còn có các chuyên gia bên ngoài (các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở đào tạo, cơ quan nghiên cứu khác). Sau khi có sản phẩm, Viện chuyên ngành cử chuyên gia biên tập, kết nối các bài giảng bảo đảm sự thống nhất, liên thông cả về nội dung, cả về văn phong và hình thức trình bày.

Tập bài giảng được Viện chuyên ngành tổ chức thẩm định cấp cơ sở, khi đạt yêu cầu, gửi Giám đốc Học viện tổ chức thẩm định cấp Học viện.

Tập bài giảng được Hội đồng thẩm định cấp Học viện thông qua là căn cứ để biên soạn giáo trình.

5. Tổ chức viết thành giáo trình và thẩm định

Các viện chuyên ngành tiếp tục chủ trì biên soạn giáo trình trên cơ sở tập bài giảng được Giám đốc Học viện phê duyệt. Tập bài giảng là sản phẩm lưu hành nội bộ, giáo trình là sản phẩm quốc gia. Do vậy, việc biên soạn giáo trình được thực hiện đặc biệt nghiêm túc, công phu, đáp ứng các yêu cầu cao nhất cả về nội dung và hình thức trình bày.

Quy trình thẩm định giáo trình cũng được tổ chức ở 2 cấp như với tập bài giảng. Tham gia Hội đồng thẩm định giáo trình là các nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài Học viện. Việc tiếp thu các ý kiến đánh giá của Hội đồng thẩm định được triển khai một cách chặt chẽ, cẩn trọng, khách quan (có thể tổ chức thẩm định nhiều lần nếu cần thiết).

Theo chúng tôi, trong điều kiện hiện nay, để phù hợp với phương pháp giảng dạy tích cực, giáo trình phải có tính gợi mở, nêu vấn đề, không trình bày đầy đủ, chi tiết các thông tin liên quan, nhằm phát huy tư duy sáng tạo và nhu cầu tự nghiên cứu, tự khám phá của học viên. Cuối mỗi bài có ít nhất 3 câu hỏi thảo luận.

Dung lượng của từng bài cũng như của toàn bộ giáo trình không nên quá lớn (không quá 5 trang khổ giấy truyền thống cho 1 tiết học); được trình bày bằng ngôn ngữ đa phương tiện (có hình ảnh, sơ đồ, bảng biểu, v.v..).

6. Tổ chức biên tập và xuất bản

Sau khi được nghiệm thu, bộ giáo trình cao cấp lý luận chính trị được gửi đến Nhà xuất bản Lý luận chính trị để thực hiện quy trình xuất bản. Trong quá trình biên tập, các đơn vị, gồm Nhà Xuất bản, Viện chuyên ngành và cơ quan quản lý đào tạo thường xuyên phối hợp chặt chẽ, hoàn chỉnh toàn bộ các yếu tố liên quan để bản thảo có chất lượng cao nhất trước khi in ấn và phát hành. Thực tế cho thấy, thời gian dành cho biên tập và xuất bản còn lớn hơn so với thời gian viết và thẩm định giáo trình.

Chỉ còn chưa đầy một năm nữa sẽ diễn ra Đại hội XIII của Đảng. Hiện nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đang tích cực chuẩn bị và triển khai các công việc liên quan để đổi mới, chỉnh sửa, bổ sung Chương trình Cao cấp lý luận chính trị theo tinh thần các văn kiện của Đại hội, bám sát điều kiện thực tiễn trong nước và quốc tế. Dự kiến, ngay sau khi Đại hội kết thúc, Bộ giáo trình cao cấp lý luận chính trị mới sẽ được đưa vào sử dụng trong toàn hệ thống.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2020 

(1) Viện Ngôn ngữ học: Từ điển tiếng Việt, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2010, tr.835.

(2) Bộ Giáo dục và Đào tạo: Hướng dẫn xây dựng và công bố chuẩn đầu ra, HD số 2196 /BGDĐT-GDĐH ngày 22-4-2010.

Tài liệu tham khảo:

Hồ Trọng Hoài - Trần Thị Tú Anh: Xây dựng chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Lý luận chính trị, số 12-2017.

PGS, TS Hoàng Anh

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền