Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Trường chính trị tỉnh với nhiệm vụ bồi dưỡng công chức theo nhu cầu công việc trong điều kiện hiện nay
Thứ tư, 04 Tháng 9 2013 12:26
3184 Lượt xem

Trường chính trị tỉnh với nhiệm vụ bồi dưỡng công chức theo nhu cầu công việc trong điều kiện hiện nay

(LLCT) - Nâng cao năng lực làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước trong thời gian tới là nhu cầu cần thiết để tiếp tục đẩy mạnh chương trình cải cách nền hành chính nhà nước, đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội trong điều kiện mới. Để thực hiện mục tiêu trên, việc trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ, công vụ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có đủ năng lực xây dựng nền hành chính tiên tiến, hiện đại là công việc quan trọng.

Đáp ứng mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng công chức phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội trong thời gian tới, ngày 5-3-2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2010/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng công chức với những điểm mới cơ bản: 1) Kết hợp cơ chế phân cấp và cơ chế cạnh tranh trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng; 2) Đề cao vai trò tự học và quyền của công chức trong việc lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo vị trí việc làm; 3) Bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu kiến thức, kỹ năng làm việc cho công chức theo chuyên ngành hằng năm. Mỗi năm một công chức phải được bồi dưỡng tối thiểu là 40 tiết; 4) Phân cấp mạnh mẽ cho Trường Chính trị tỉnh, thành phố trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đối tượng áp dụng trong Nghị định 18 là các công chức được xác định cụ thể từ Điều 2 đến Điều 11 của Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25-1-2010 của Chính phủ quy định những người là công chức và Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22-10-2009 của Chính phủ quy định những người là công chức cấp xã.

Như vậy, theo tinh thần Nghị định 18 thì trong quá trình sử dụng công chức, công tác bồi dưỡng công chức tất yếu và cần thiết phải thực hiện theo nhu cầu công việc, bởi lẽ:

- Mỗi công chức khi được tuyển dụng vào một vị trí công việc chỉ được đào tạo ở một hoặc một số chuyên ngành hẹp và chỉ có khả năng thực hiện tốt một số công việc theo một số chức năng nhất định.

- Sự phát triển liên tục và phong phú của các hoạt động xã hội làm nảy sinh các quan hệ xã hội mới và tất yếu phải có các dạng hoạt động quản lý mới phù hợp mà trước đây chưa từng có.

- Sự phát triển liên tục của khoa học, công nghệ nhất là với những thành tựu khoa học, công nghệ liên quan gần với hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước đòi hỏi các vị trí công chức phải tiếp thu, cập nhật để nâng cao hiệu quả công việc.

 - Nhu cầu luân chuyển, quy hoạch công chức trong quá trình sử dụng công chức đòi hỏi mỗi công chức phải đáp ứng được những nhiệm vụ trong vị trí công tác mới.

- Đòi hỏi nâng cao hiệu quả bồi dưỡng, sử dụng công chức, cũng như nhu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước trong điều kiện mới.

Bồi dưỡng công chức theo nhu cầu công việc là việc trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp mới, cần thiết để giúp cho công chức nâng cao năng lực hoạt động và làm tốt công việc được giao. Trong điều kiện hiện nay, khi điều kiện kinh tế - xã hội đang phát triển nhanh, tiến bộ khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế vừa là động lực quan trọng, vừa là thách thức cho sự phát triển kinh tế, xã hội cùng với trình độ dân trí đã được nâng cao, thì tương ứng, bộ máy hành chính nhà nước cũng phải phát triển cả về chất và lượng để đáp ứng các hoạt động quản lý xã hội. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính ngày càng phải chuyên nghiệp hơn, kiến thức cần được cập nhật hơn, kỹ năng hoạt động cần phải nhuần nhuyễn hơn để có thái độ ứng xử tốt với công việc và hoàn thành nhiệm vụ theo chức danh công chức. Mặt khác, những nội dung hoạt động quản lý hành chính nhà nước ngày càng phong phú, đa dạng hơn theo sự phát triển của xã hội, nên nhu cầu hoạt động của mỗi chức danh công chức cũng ngày càng có nhiều đòi hỏi mới mà mỗi công chức khó có thể tự đáp ứng. Bồi dưỡng công chức theo nhu cầu công việc chính là hoạt động nhằm giải quyết những bất cập trên. Quy trình này có thể bao gồm bốn bước: phân tích nhu cầu bồi dưỡng, xây dựng chương trình và tài liệu, tổ chức lớp học và đánh giá hoạt động bồi dưỡng.

Phân tích nhu cầu bồi dưỡng công chứclà bước nền tảng trong hoạt động bồi dưỡng công chức theo nhu cầu công việc. Trong bước này phải thực hiện các công việc sau:

Một là, nghiên cứu nhu cầu công việc trong mỗi giai đoạn nhất định, trong mỗi nhóm ngành quản lý một cách khách quan để phát hiện và dự báo nhu cầu mới phát sinh một cách khoa học. Đây là công việc phức tạp, đòi hỏi có sự phối kết hợp tích cực của nhiều cơ quan đơn vị. Phải dựa trên cơ sở những chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, của mỗi ngành, mỗi địa phương và điều kiện, đặc điểm riêng của từng ngành, từng nhóm ngành, từng địa phương để xác định nhu cầu công việc cho phù hợp. 

Hai là, đối chiếu với năng lực hiện có của công chức để phát hiện nhu cầu bồi dưỡng. Trước hết cần khảo sát lại và đánh giá một cách khách quan về cơ cấu nguồn nhân lực, xác định nguồn nhân lực thừa, thiếu và dự báo được nhu cầu nguồn nhân lực để xây dựng quy hoạch bồi dưỡng công chức cho phù hợp trong từng giai đoạn của từng ngành, nhóm ngành ở địa phương.

Vấn đề quan trọng của công việc này là:

Xác định chính xác năng lực của công chức. Điều đó được biểu hiện qua những kiến thức cập nhật. Đó là những kiến thức mới: Trước hết là phải phù hợp với công việc của chức danh, và sau đó là nhóm kiến thức gần với công việc theo chức danh của công chức; Thứ hai là kỹ năng, kỹ thuật để thao tác thực thi nhiệm vụ; Thứ ba là hành vi, thái độ mới trên cơ sở tiếp thu được kiến thức cập nhật, thực hiện được các kỹ năng, kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ. Như vậy, kiến thức tạo khả năng suy nghĩ, kỹ năng tạo khả năng thực hiện và thái độ sẽ tạo cách ứng xử; Thứ tư là công chức phải có sức khỏe đáp ứng cho nhu cầu công việc. Có thể chia năng lực công chức thành hai nhóm:  năng lực cơ bản - áp dụng cho mọi công việc và năng lực chức năng - đáp ứng cho một nhóm công việc cụ thể. Nhu cầu bồi dưỡng công chức được xác định trên cơ sở phân tích, so sánh giữa yêu cầu công việc và kết quả công việc hiện tại. Đồng thời cũng cần xác định nhu cầu bồi dưỡng đó là bồi dưỡng kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng hay là cả hai, và quan trọng hơn là phải xác định được đó là nhu cầu thực. Ngoài ra cũng cần xác định nhu cầu bồi dưỡng công chức thông qua các cấp độ thực thi công việc, có thể chia thành ba cấp độ: công chức thực hiện và làm việc tốt, hoàn thành công việc ở mức trung bình khá; công chức thực hiện và có cải tiến trong công việc để làm việc tốt hơn, hoàn thành công việc ở mức giỏi; công chức thực hiện, có cải tiến và đổi mới trong công việc để làm những việc mới và tốt hơn, hoàn thành xuất sắc công việc.

Xây dựng chương trình và tài liệu bồi dưỡng. Nhu cầu trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước rất phong phú và đa dạng nên nhu cầu bồi dưỡng của công chức cũng rất đa dạng và phong phú. Do vậy không thể có một mẫu chung cho tất cả các chương trình bồi dưỡng. Tuy nhiên cần chú ý rằng, thiết kế chương trình bồi dưỡng công chức sẽ có ảnh hưởng quan trọng tới việc tổ chức thành công lớp bồi dưỡng và quá trình đánh giá, kiểm tra hiệu quả công tác bồi dưỡng công chức sau này. Các bộ phận trong một chương trình bồi dưỡng luôn có sự kết nối với nhau thành một thể thống nhất, mang tính lôgích nên người xây dựng chương trình cũng cần phải có kiến thức và kỹ năng trong công việc này.

Một chương trình bồi dưỡng có thể có những nội dung sau:

1. Xác định tên chương trình bồi dưỡng cần thể hiện được nội dung bồi dưỡng (kiến thức - kỹ năng), chức danh, chuyên ngành công chức...

2. Thời lượng khóa bồi dưỡng cần tính toán cho phù hợp theo điều kiện thực tế của nhu cầu bồi dưỡng, nhưng không nên kéo dài quá 8 tuần.

3. Đối tượng học viên là nhóm công chức nào. Chú ý để nâng cao hiệu quả bồi dưỡng thì số lượng học viên không nên quá 30 người trong một lớp.

4. Mục tiêu chung của chương trình cần ngắn, gọn và nêu tổng hợp yêu cầu kiến thức, kỹ năng và thái độ cần truyền đạt cho học viên.

5. Yêu cầu của khóa bồi dưỡng đối với học viên về kiến thức, kỹ năng và thái độ sau khi hoàn thành khóa học.

6. Nội dung chương trình xây dựng trên cơ sở nhu cầu bồi dưỡng đã nêu trên và trên cơ sở yêu cầu ở nội dung 5.

7. Phương pháp giảng dạy phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của nơi tổ chức bồi dưỡng và nội dung của chương trình.

8. Phương pháp kiểm tra, đánh giá học viên phù hợp nhu cầu bồi dưỡng đào tạo, điều kiện cơ sở vật chất của nơi tổ chức bồi dưỡng và nội dung của chương trình.

9. Tài liệu giảng dạy tùy điều kiện mà có file word, slider, trắc nghiệm, bài đọc thêm...

10. Phương tiện, trang thiết bị giảng dạy.

11. Yêu cầu đối với học viên tham gia khóa bồi dưỡng.

12. Yêu cầu đối với giảng viên tham gia giảng dạy.

Tài liệu bồi dưỡng được xây dựng trên cơ sở nhu cầu nội dung bồi dưỡng phù hợp với từng nhóm chuyên ngành của các công chức. Nguyên tắc chung là có nhiều nội dung trong một tài liệu của một buổi hoạt động bồi dưỡng theo chương trình chung. Cần lựa chọn các nội dung cho phù hợp với nhu cầu bồi dưỡng, từ đó thiết kế phương pháp và hoạt động phù hợp cho cả giảng viên và học viên. Trong số nội dung của từng bài nói riêng, của từng khóa bồi dưỡng thì cần chú ý chia ra thành bốn nhóm nội dung: nhóm bắt buộc phải biết, nhóm cần phải biết, nhóm nên biết và nhóm biết thì tốt để có ưu tiên xác định trọng tâm, trọng điểm của từng chuyên đề và cả khóa bồi dưỡng.

Tổ chức lớp bồi dưỡng công chức theo nhu cầu công việc phải xác định: đối tượng và số lượng học viên, hình thức bồi dưỡng, địa điểm phù hợp và các phương tiện hỗ trợ phù hợp với nội dung bồi dưỡng như phòng học, giáo cụ, thiết bị nghe nhìn, vật dụng cần thiết cho bồi dưỡng kỹ năng, chọn giảng viên, xác định kinh phí học tập và xác định cơ quan chủ trì, thực hiện và quản lý lớp bồi dưỡng...

Nội dung quan trọng trong quá trình tổ chức lớp bồi dưỡng là cần quan tâm đến việc đổi mới phương pháp dạy học. Phần lớn những công chức tham gia bồi dưỡng theo nhu cầu công việc là những công chức đã đạt chuẩn ở những trình độ nhất định. Họ đã qua hoạt động, công tác thực tiễn, có kinh nghiệm trong công tác, có khả năng tự học, tự nghiên cứu, phân tích, đánh giá các vấn đề, các sự kiện diễn ra trong hoạt động lãnh đạo, quản lý dù có thể họ chưa từng tham gia hoạt động lãnh đạo. Do vậy, phương pháp bồi dưỡng đối với đối tượng này không thể như hoạt động giảng bài cho sinh viên mà nên hướng tới việc định hướng, gợi mở, nêu vấn đề, trao đổi... để bổ sung tri thức, rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, xử lý tình huống với sự tham gia tích cực, chủ động và tự giác của học viên. Mặt khác cần xây dựng chương trình đi nghiên cứu, khảo sát thực tế trong nội dung khóa học.

 Về bản chất, đánh giá hiệu quả bồi dưỡng công chức theo nhu cầu công việc là việc so sánh giữa chi phí đầu vào với kết quả đầu ra của việc bồi dưỡng. Hiệu quả bồi dưỡng công chức theo nhu cầu công việc phải được đo bằng chi phí cho một công chức thành thạo kiến thức, kỹ năng để có thái độ, hành vi thực hiện tốt công việc. Đánh giá hiệu quả bồi dưỡng công chức theo nhu cầu công việc là nhu cầu cần thiết và khách quan đối với mọi tổ chức quản lý cũng như các tổ chức thực hiện công việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung. Để có hiệu quả trong bồi dưỡng công chức theo nhu cầu công việc cần xác định đúng kiến thức, kỹ năng cần bồi dưỡng để công chức xác lập thái độ, hành vi thực hiện công việc của mình, tức là xác định nhu cầu bồi dưỡng.  

Tại Khoản 3, Điều 10 trong Nghị định số 18/2010/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng công chức quy định: “Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức biên soạn tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch cán sự và tương đương, ngạch chuyên viên và tương đương, ngạch chuyên viên chính và tương đương, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng theo chương trình do Bộ Nội vụ ban hành; phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ biên soạn tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành”. Và tại Khoản 2, Điều 13 của Nghị định quy định: “Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ: a) Tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch cán sự, ngạch chuyên viên, ngạch chuyên viên chính và tương đương; b) Tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; c) Tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh công chức cấp xã và các đối tượng khác do cấp có thẩm quyền giao.

Như vậy, nhiệm vụ bồi dưỡng công chức của Trường Chính trị tỉnh trong thời gian tới theo quy định của Nghị định 18 là rất quan trọng và nặng nề. Bên cạnh nhiệm vụ đang đảm nhiệm là bồi dưỡng công chức ở ngạch cán sự và tương đương, ngạch chuyên viên và tương đương, thì trong thời gian tới Trường Chính trị tỉnh còn đảm nhận nhiệm vụ bồi dưỡng công chức ở ngạch chuyên viên chính và tương đương; nhiệm vụ biên soạn các loại tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn các ngạch công chức nêu trên trên cơ sở chương trình do Bộ Nội vụ ban hành và nhiệm vụ biên soạn tài liệu và thực hiện bồi dưỡng công chức theo nhu cầu công việc đáp ứng cho nhu cầu mới theo tinh thần của Nghị định 18.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ mới và quan trọng trên, Trường Chính trị tỉnh cần chủ động phối kết hợp với các cơ quan chức năng, mà trước hết là Sở Nội vụ tỉnh thực hiện toàn bộ các khâu trong hoạt động bồi dưỡng công chức, mà khâu đột phá là việc xác định nhu cầu bồi dưỡng công chức để xây dựng chương trình bồi dưỡng công chức theo nhu cầu công việc và đáp ứng các nhu cầu về trang thiết bị cho phù hợp với nhiệm vụ mới. Nhà trường cần chủ động tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên trong trường được đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chính trị, trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng được những nhiệm vụ được giao. Nhiệm vụ cần thiết của cán bộ, giảng viên có trách nhiệm ở Trường Chính trị tỉnh là cần nghiên cứu kỹ những vấn đề trong quy trình bồi dưỡng công chức theo nhu cầu công việc, và quan trọng hơn là mỗi cán bộ, giảng viên của trường cần tự đổi mới, tự nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, trước hết là trình độ và những kỹ năng trong quy trình giảng dạy, bảo đảm mỗi cán bộ, giảng viên của trường thật sự là những “máy cái” trong quy trình sản xuất ra những chiếc “máy con” để đáp ứng cho nhu cầu hoạt động của bộ máy nhà nước trong điều kiện hiện nay.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2011

Trương Tiến Hưng

Trường Chính trị tỉnh Ninh Thuận. 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền