Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Thực hiện pháp luật về quyền học tập của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Thứ ba, 20 Tháng 4 2021 15:50
2936 Lượt xem

Thực hiện pháp luật về quyền học tập của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam

(LLCT) - Trong công cuộc xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước luôn xác định “Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu” và đặc biệt quan tâm thực hiện quyền học tập của nhân dân nói chung, người dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng thông qua hệ thống pháp luật, chính sách đặc thù. Bài viết làm rõ thực trạng và đề xuất một số giải pháp bảo đảm thực hiện pháp luật về quyền học tập của người DTTS ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: quyền học tập, pháp luật về quyền học tập, dân tộc thiểu số.

1. Thực trạng pháp luật về quyền học tập của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam

 Quyền học tập của người DTTS được ghi nhận trong tất cả các bản Hiến pháp, từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và 2013, theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” (Điều 39); “1. Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. 2. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút nguồn đầu tư khác cho giáo dục; … 3. Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...” (Điều 61)(1).

Trên cơ sở hiến định, quyền học tập của người DTTS đã được quy định trong các văn bản pháp luật như: Luật Phổ cập giáo dục tiểu học năm 1991, Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); Luật Dạy nghề năm 2006, Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi năm 2018) và các bộ luật, luật có liên quan khác.

Để thực hiện hiệu quả Luật Giáo dục và các luật liên quan đến quyền học tập của người DTTS, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Từ năm 2010 đến 2017, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ban hành 42 văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục DTTS và có liên quan đến giáo dục DTTS theo thẩm quyền(2). Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành tương đối đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm quyền học tập của người DTTS.

Bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật, Nhà nước đã ban hành nhiều chiến lược và chương trình quốc gia bảo đảm quyền học tập của người DTTS như: Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo giai đoạn 2012 - 2015; Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020...

2. Thực trạng thực hiện pháp luật về quyền học tập của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay

Những kết quả đạt được

Người DTTS được tôn trọng, bình đẳng về cơ hội học tập, được cung cấp đầy đủ thông tin, kiến thức và phát triển tài năng trong học tập

Công bằng, bình đẳng trong giáo dục đối với người DTTS được thực hiện ở mọi cấp học và trình độ đào tạo, gắn với yếu tố hoàn cảnh lịch sử và sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, các dân tộc, các nhóm người, từ đó có chính sách phát triển giáo dục phù hợp. Ngân sách Nhà nước đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng xây dựng trường, lớp, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học, hỗ trợ chi phí sinh hoạt… tạo điều kiện cho người DTTS học tập. Các chủ thể đã tích cực triển khai thực hiện chính sách, pháp luật. Nhờ vậy, quy mô, chất lượng giáo dục vùng DTTS chuyển biến rõ nét; quyền được tôn trọng, bình đẳng về cơ hội học tập, được cung cấp đầy đủ thông tin, kiến thức và phát triển tài năng trong học tập của người DTTS ngày càng được bảo đảm.

Hiện nay, các trung tâm cụm xã, các huyện đều có trường trung học phổ thông, không còn “xã trắng” về giáo dục. Hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, tạo điều kiện từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Nhiều trường mầm non, phổ thông đã đạt chuẩn quốc gia, 100% xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, nhiều nơi đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở; các trung tâm giáo dục thường xuyên được thành lập ở các tỉnh và huyện; trung tâm học tập cộng đồng được thành lập ở hầu hết các xã. Mọi người có quyền học văn hóa và học nghề bằng nhiều hình thức khác nhau: học tập trung, không tập trung, học chính quy, học tại chức, chuyên tu, bổ túc, học ban ngày hoặc học buổi tối…

Trong thời gian ngành giáo dục cả nước chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương vùng DTTS đã có các giải pháp thiết thực, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn như: tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin, điện thoại, tin nhắn... Đối với những học sinh không có điều kiện tiếp cận công nghệ, nhà trường trực tiếp chuyển bài vở đến từng học sinh, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh học tập.

Hiện nay, cả nước có 4 trường dự bị đại học, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có đào tạo hệ dự bị đại học dân tộc và 3 khoa dự bị đại học dân tộc thuộc các trường Đại học Tây Nguyên, Đại học Cần Thơ, Đại học Trà Vinh với quy mô hơn 5 nghìn học sinh dự bị/năm. Các cơ sở giáo dục đã và đang thực hiện tốt việc tạo nguồn đào tạo sinh viên DTTS ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về đào tạo cán bộ.

Chất lượng giáo dục dân tộc từng bước được nâng lên. Giai đoạn 2016-2019, Chính phủ đã tuyên dương trên 500 học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu trong học tập, 30 gương thanh niên DTTS khởi nghiệp thành công, tạo sức lan tỏa, động viên học sinh, sinh viên DTTS nỗ lực phấn đấu vươn lên.

Những kết quả đạt được nêu trên đã làm thay đổi chất lượng giáo dục vùng DTTS, đáp ứng quyền được tôn trọng, bình đẳng về cơ hội học tập, được cung cấp đầy đủ thông tin, kiến thức và phát triển tài năng trong học tập của người DTTS.

Người DTTS được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện và phát huy tiềm năng tối đa của bản thân

Thời gian qua, Nhà nước và các địa phương đã đầu tư nhiều chương trình, dự án phát triển giáo dục vùng DTTS. Đến nay, mạng lưới trường, lớp từ mầm non đến trung học phổ thông ở vùng DTTS được củng cố và phát triển. Các địa phương cơ bản đã xóa được tình trạng học 3 ca, phòng học tạm, tạo điều kiện cho hàng triệu học sinh học tập trong các phòng học kiên cố, an toàn và giải quyết chỗ ở cho hàng vạn giáo viên để họ yên tâm công tác. Đến năm 2019, tỷ lệ trường học kiên cố đã đạt 91,3%(3) , cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được quan tâm đầu tư, xây dựng, góp phần thúc đẩy nhanh việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Điểm đặc thù trong giáo dục phổ thông của vùng DTTS là hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú. Mô hình này đã góp phần tăng cơ hội đến trường của trẻ em, nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS. Hiện nay, cả nước có 280 trường nội trú và 357 trường bán trú với tỷ lệ trường kiên cố đạt hơn 93%. Đáng chú ý là, có 15 trường phổ thông dân tộc nội trú tại khu vực các xã vùng biên giới với tỷ lệ trường học và phòng học kiên cố đạt 100%. Điều đó cho thấy sự quan tâm của Nhà nước tới giáo dục tại các vùng biên giới(4). Ngoài việc dạy học văn hóa theo chuẩn kiến thức chung, các nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động như: phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, giao lưu, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, phòng chống bạo lực học đường, hướng nghiệp, dạy nghề, giáo dục giới tính,... nhằm phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. Nhà trường luôn tạo môi trường thân thiện, dân chủ, cởi mở giữa thầy cô với học sinh, giữa học sinh với học sinh và giữa phụ huynh với nhà trường.

Nhìn chung, được sự quan tâm của Nhà nước và xã hội, chất lượng giáo dục vùng DTTS từng bước được nâng cao: Tỷ lệ học sinh DTTS hoàn thành chương trình tiểu học đạt 95%; tốt nghiệp trung học phổ thông qua các năm đạt từ 95,64% đến 99,8%(5). Hiện cả nước có trên 13 nghìn người DTTS có trình độ trên đại học, đại học, cao đẳng; hơn 78 nghìn người có trình độ trung học chuyên nghiệp, đã thực hiện cơ bản sự nghiệp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.

Người DTTS quyền được học tập bằng tiếng nói, chữ viết của người dân tộc thiểu số

Thực hiện quy định của pháp luật về quyền sử dụng và tiếp cận ngôn ngữ của công dân là người dân tộc thiểu số, trong đó có quyền sử dụng tiếng Việt là ngôn ngữ phổ thông và quyền sử dụng tiếng mẹ đẻ, chữ viết truyền thống của dân tộc, thời gian qua, bên cạnh chính sách chung về nội dung, chương trình giáo dục quốc gia, các địa phương vùng DTTS còn thực hiện chính sách riêng, đặc thù về dạy và học tiếng nói, chữ viết DTTS. Hiện nay, cả nước chính thức triển khai dạy và học 6 thứ tiếng DTTS trong các trường phổ thông (có chương trình và sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành): tiếng Mông, Chăm, Khme, GiaRai, Ba Na, Ê Đê ở 22 tỉnh thành với quy mô 756 trường, 5.267 lớp, 174.562 học sinh. Việc dạy học tiếng dân tộc có tác động tích cực đến công tác huy động học sinh tới trường, nâng cao năng lực ngôn ngữ, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, ngôn ngữ DTTS.

Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng DTTS và áp dụng phương pháp dạy học tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai cho học sinh DTTS được các cơ sở giáo dục, đào tạo triển khai tích cực. Hiện nay, Việt Nam đang nghiên cứu thực hành chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai, với sự hợp tác của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF).

Người DTTS được hưởng các chính sách ưu tiên của Nhà nước trong học tập

Hệ thống chính sách ưu tiên, tạo điều kiện cho người DTTS thực hiện quyền học tập bao gồm: chính sách học bổng, miễn giảm học phí, trợ cấp xã hội, hỗ trợ chi phí ăn, ở, học tập; chính sách cử tuyển, ưu tiên tuyển sinh vào đại học, cao đẳng; chính sách phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người... về cơ bản đã đáp ứng được mong mỏi của đồng bào DTTS. Thí dụ, việc thực hiện chính sách cử tuyển học sinh DTTS vào các trường đại học, cao đẳng thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh DTTS được tiếp cận giáo dục trình độ cao và tạo nguồn cán bộ DTTS tương lai. Trong những năm qua, đã có hàng nghìn con em đồng bào các DTTS được đi học theo chính sách cử tuyển, nhiều DTTS như Hà Nhì, Cơ Lao, Pà Thẻn, Kháng, Bố Y, Lào... lần đầu tiên có học sinh cử tuyển học tập tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học.

Việc thực hiện các chính sách ưu tiên phát triển giáo dục vùng DTTS đã được các cấp ủy, chính quyền và ngành Giáo dục và Đào tạo các địa phương triển khai thực hiện khá đồng bộ, nghiêm túc, hiệu quả. Chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên và học sinh các cấp, bậc học được thực hiện đầy đủ, đúng quy định của Nhà nước. Đội ngũ giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn được hưởng các khoản: phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút, phụ cấp thâm niên vượt khung, trợ cấp chuyển vùng, trợ cấp học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ...  Ngoài các chính sách ưu tiên của Nhà nước, nhiều tổ chức, cá nhân cũng tham gia hỗ trợ giáo dục vùng DTTS, góp phần giảm bớt khó khăn cho các địa phương có đông đồng bào DTTS, bảo đảm quyền học tập của người DTTS.

Những hạn chế, khó khăn

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc thực hiện pháp luật về quyền học tập của người DTTS hiện nay vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức:

- Về quyền được tôn trọng, bình đẳng về cơ hội học tập; được cung cấp đầy đủ thông tin, kiến thức và phát triển tài năng trong học tập

Tuy chất lượng giáo dục đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung cả nước thì trình độ dân trí của đồng bào DTTS còn thấp, vẫn tồn tại sự chênh lệch khá lớn về khả năng tiếp cận giáo dục giữa các nhóm người, các nhóm dân tộc đặc biệt tại các vùng DTTS có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.

Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Một số xã vùng đồng bào DTTS chưa có trường mầm non. Một số địa phương thực hiện dồn lớp, dồn điểm trường dẫn đến việc nhiều học sinh phải di chuyển hơn 10km để tới trường trong điều kiện thiếu thốn phương tiện đi lại. Việc đi học khó khăn dẫn đến tình trạng bỏ học gia tăng, trở thành bài toán nan giải ở nhiều địa phương.

Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng tỷ lệ huy động trẻ vùng DTTS miền núi giai đoạn 2011-2019 chỉ đạt 56,2% (cả nước đạt 88,5%); tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ chỉ đạt 11,8% (cả nước đạt 25,8%)(6). Tỷ lệ người DTTS đi học đúng độ tuổi còn thấp (khoảng 75% ở cả 3 cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông). Ở một số nhóm dân tộc như: Mông, Xtiêng, Gia Rai, Mnông, Raglay, Ba Na, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bình quân ở mức dưới 60%, trong đó, chưa đến 30% học sinh đi học đúng độ tuổi ở cấp trung học phổ thông(7).

Tỷ lệ người DTTS chưa biết đọc, biết viết tiếng Việt còn khá cao. Hiện còn 19,1% người DTTS chưa đọc thông viết thạo tiếng Việt. Các nhóm DTTS gồm: Mông, Mảng, Lự, La Hủ có trên 50% dân số không biết chữ. Tỷ lệ lao động người DTTS đã qua đào tạo thấp, trung bình đạt 10,3% (bằng gần 1/3 tỷ lệ trung bình). Một số nhóm DTTS có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở mức dưới 5% như Brâu, Mảng, Cơ Lao, Lự, Ơ Đu. Đây là hạn chế của lực lượng lao động là người DTTS trong việc tiếp cận thị trường lao động và nâng cao năng lực lao động tạo thu nhập(8).

Đội ngũ giáo viên vùng DTTS và miền núi còn thiếu, đặc biệt là giáo viên mầm non. Năng lực và chuẩn đào tạo, kỹ năng sư phạm của một bộ phận nhà giáo vùng cao còn yếu, chưa có nhiều điều kiện để tiếp cận phương pháp giảng dạy mới. Các xã vùng DTTS hiện vẫn còn 700 giáo viên có trình độ dưới THPT(9)... Chính sách sử dụng, đãi ngộ giáo viên ở các vùng DTTS và miền núi còn bất cập, chưa tạo động lực về vật chất và tinh thần để khuyến khích, thu hút giáo viên tâm huyết với nghề.

- Về quyền được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện và phát huy tiềm năng tối đa của bản thân người học

Các chương trình, dự án hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục vùng DTTS thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực thực hiện. Hệ thống mạng lưới trường, lớp chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm quyền học tập của người DTTS. Một số trường chuyên biệt vùng DTTS còn thiếu thốn điều kiện sinh hoạt, học tập như phòng học, phòng chức năng, nhà ở bán trú, bếp ăn, công trình vệ sinh, nước sinh hoạt... Nhiều địa bàn khó khăn chưa xóa được các phòng học tạm, phòng tranh tre, nứa lá; tỷ lệ điểm trường kiên cố chỉ đạt 54,4%(10). Một số trường học được xây dựng từ lâu, đã xuống cấp, hư hỏng. Ở một số nơi địa hình tự nhiên không thuận lợi, địa điểm xây dựng trường học cheo leo, hiểm trở; công tác kiểm tra cơ sở vật chất chưa kịp, thường xuyên thời dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho học sinh. Ở một số cơ sở giáo dục còn xảy ra tình trạng bạo lực học đường, an toàn vệ sinh thực phẩm trường học, sự tác động tiêu cực từ môi trường mạng,...

- Về quyền được học tập bằng tiếng nói, chữ viết của người dân tộc thiểu số

Công tác dạy và học tiếng dân tộc thiểu số còn những hạn chế: một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc dạy và học tiếng DTTS trong nhà trường; chất lượng dạy và học chưa cao, đa số các trường thiếu giáo viên dạy tiếng dân tộc; phương tiện, đồ dùng, các tài liệu phục vụ giảng dạy còn thiếu thốn; thời lượng phân bổ chương trình ít... Một số ngôn ngữ của đồng bào DTTS đứng trước nguy cơ mai một, trong đó có những ngôn ngữ gần như mất hoàn toàn như: tiếng Cơ Lao Đỏ ở Trùng Sán, Hà Giang, tiếng Ơ Đu ở Con Cuông, Nghệ An, tiếng Tu Dí (Bố Y) ở Mường Khương, Lào Cai... Một số ngôn ngữ hiện chỉ còn rất ít người sử dụng, đó là tiếng Pu Péo, Cơ Lao Trắng, La Chí ở Hà Giang; tiếng Rục, Mày, Sách, Arem ở Quảng Bình.

- Về quyền được hưởng các chính sách ưu tiên của Nhà nước trong học tập

Do hạn chế về nguồn lực nên việc thực hiện các chính sách còn chưa đầy đủ, công tác triển khai có lúc, có nơi còn chậm trễ, thiếu đồng bộ. Việc thực hiện một số chính sách đặc thù về giáo dục, đào tạo ở vùng đồng bào DTTS chưa tốt, đặc biệt là các chính sách như: cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, mặc dù thiết thực nhưng triển khai kém hiệu quả, chất lượng đào tạo và sử dụng chưa cao. Do nhận thức về chính sách chưa đầy đủ nên một số địa phương không tích cực triển khai thực hiện. Một số chính sách đối với giáo viên, nhân viên, học sinh vùng DTTS còn bất cập về đối tượng được hưởng, định mức, thời gian hưởng, phương thức hỗ trợ, thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà… Mặt khác, hầu hết các địa phương vùng DTTS có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nên mặc dù được ưu tiên, nhưng do ngân sách có hạn nên chưa đáp ứng được nhu cầu kinh phí đầu tư cho mục tiêu giáo dục và đào tạo.

3. Giải pháp bảo đảm thực hiện pháp luật về quyền học tập của người dân tộc thiểu số

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của giáo dục, về quyền học tập, nâng cao ý thức học tập của người dân tộc thiểu số

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động trong toàn xã hội về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò của giáo dục, quyền học tập của người DTTS gắn với công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển bền vững vùng DTTS. Theo đó, phát triển bền vững vùng DTTS phải dựa trên cơ sở nền giáo dục - đào tạo toàn diện, tiên tiến, đổi mới; quyền học tập của người dân được tôn trọng và thực hiện. Chú trọng thiết lập các điều kiện bảo đảm đáp ứng nhu cầu học tập của người DTTS, nâng cao ý thức tự học tập, tự đào tạo của đồng bào DTTS, xây dựng xã hội học tập.

Hai là, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quyền học tập của người dân tộc thiểu số; bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch và dân chủ trong thực thi chính sách, pháp luật

Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, pháp luật bảo đảm quyền học tập của người DTTS. Mặt khác, rà soát, đánh giá lại hệ thống chính sách, pháp luật, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách, pháp luật phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật cần kịp thời khen thưởng, động viên và tôn vinh những tổ chức, cá nhân hoạt động tích cực, có nhiều đóng góp trong công tác giáo dục, bảo đảm quyền học tập của người DTTS. Cần tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; có chế tài xử phạt nghiêm minh.

Ba là, rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo

Tập trung nguồn lực, sớm kiên cố hóa, chuẩn hóa cơ sở vật chất trường, lớp ở vùng DTTS, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trước mắt, cần ưu tiên đầu tư xây dựng trường học mới cho các xã chưa có trường mầm non, khắc phục tình trạng trường học xuống cấp, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất các điểm trường lẻ để tăng quy mô huy động trẻ đến lớp; từng bước hoàn thiện mạng lưới các trường phổ thông, bảo đảm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong độ tuổi. Các địa phương triển khai nghiêm túc các quy định, hướng dẫn về bảo đảm an toàn cơ sở vật chất trường học; kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng xây dựng, cải tạo các công trình đã xuống cấp. Đặc biệt, kiên quyết không sử dụng các công trình trường, lớp không bảo đảm an toàn.

Bốn là, xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo

Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Tăng số lượng cán bộ, giáo viên là người DTTS ở các cấp quản lý tại các cơ sở giáo dục; xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn; làm tốt công tác cử tuyển, gắn đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực. Thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho giáo viên và cán bộ quản lý.

Năm là, đổi mới chương trình giáo dục các cấp học và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo

Tập trung nghiên cứu, đổi mới phương pháp, nội dung, chương trình học và sách giáo khoa phù hợp với đối tượng học sinh người DTTS. Từng bước nâng cao chất lượng dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, tăng cường các hoạt động xã hội, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo. Xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện và phát huy tiềm năng tối đa của bản thân người học

Sáu là, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, khắc phục các rào cản, tập quán

Tiếp tục thực hiện xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào DTTS, trọng tâm là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa - là điều kiện tiền đề để người DTTS thụ hưởng quyền học tập. Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào khắc phục các rào cản tập quán, tâm lý; nâng cao nhận thức về vai trò của việc tiếp cận giáo dục trong xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2021

(1) Hiến pháp năm 2013.

(2), (5) Ủy Ban Dân tộc: Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật về lĩnh vực dân tộc, 2017

(3), (4), (7) (8) (9) (10): Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê: Kết quả thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2020, tr.45, 47, 74, 82-83, 48, 45.

(6) Vụ Giáo dục Dân tộc: Giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam, https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=6695

ThS Đào Thị Tùng

Học viện Chính trị Khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền