Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Một số kỹ năng cơ bản về công bố bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế
Thứ hai, 10 Tháng 5 2021 15:46
5078 Lượt xem

Một số kỹ năng cơ bản về công bố bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế

(LLCT) - Công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên tạp chí có uy tín là yêu cầu đối với nhà khoa học và là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực nghiên cứu của các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Công bố quốc tế đòi hỏi nhiều thủ tục phức tạp với quá trình trình bình duyệt khắt khe. Bài viết này chia sẻ một số thông tin, kinh nghiệm chuẩn bị, nộp bài viết và đáp ứng phản hồi khi tác giả gửi bài cho tạp chí quốc tế, đồng thời đưa ra một số gợi ý về cấu trúc cơ bản của một của một bài báo khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. 

Ảnh: Một số tạp chí quốc tế thuộc tập đoàn xuất bản Springer Nature.

Từ khóa: công bố quốc tế, kỹ năng viết bài, bình duyệt, tạp chí quốc tế uy tín.

Công bố kết quả nghiên cứu là bước quan trọng cuối cùng nhằm ghi nhận kết quả của một hoạt động hay dự án nghiên cứu trên mọi lĩnh vực dù là khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội và nhân văn. Đăng bài báo trên tạp chí quốc tế có uy tín là một hình thức công bố kết quả nghiên cứu phổ biến được sử dụng như tiêu chí để đánh giá khả năng chuyên môn, năng suất khoa học của người nghiên cứu và thứ hạng của các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học. Hiện nay, trên thế giới và ở Việt Nam, nhiều trường đại học, viện nghiên cứu coi công bố quốc tế là “thước đo” để đánh giá năng lực nghiên cứu của nghiên cứu sinh, giảng viên, nghiên cứu viên. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để công trình nghiên cứu của một cá nhân hoặc một nhóm nghiên cứu có thể được đăng tải hay công bố trên các tạp chí khoa học? Yêu cầu, điều kiện để được công bố, xuất bản bài báo thường rất đa dạng và không giống nhau trong từng lĩnh vực khoa học. Mặc dầu vậy, bên cạnh việc đáp ứng tiêu chí cụ thể của từng tạp chí, khi muốn xuất bản kết quả nghiên cứu của mình trên một tạp chí chuyên ngành quốc tế, tác giả cần lưu ý đến một số kỹ năng sau.

1. Một số yêu cầu, kỹ năng cơ bản

Lựa chọn tạp chí để gửi/đăng bài viết

Công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí có uy tín mang lại lợi ích cho cả nhà nghiên cứu và cơ sở đào tạo. Thông qua việc công bố, ý tưởng và các kết quả nghiên cứu cũng như đóng góp về học thuật được chia sẻ cho nhiều người ở phạm vi quốc tế, nhờ đó, nghiên cứu sẽ có đóng góp trực tiếp vào việc nâng cao kiến thức cho lĩnh vực chuyên môn của nhà nghiên cứu. Công bố quốc tế tạo cơ hội để nhà nghiên cứu xây dựng mạng lưới, hợp tác với các nhóm nghiên cứu ở các quốc gia khác trong cùng lĩnh vực. Tuy nhiên, công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí quốc tế, đặc biệt là các tạp chí có uy tín cao là công việc thách thức, đòi hỏi nhiều nỗ lực, kể cả với các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm ở các quốc gia có nền học thuật phát triển. Chính vì vậy, để bảo đảm được chấp nhận, trước khi quyết định gửi bài viết của mình cho một tạp chí quốc tế, tác giả bài báo cần trả lời được các câu hỏi: Nghiên cứu của tôi có đóng góp gì mới về kiến thức (lý thuyết và thực tiễn)? Nghiên cứu của tôi có được đồng nghiệp trong/ ngoài lĩnh vực quan tâm? Nghiên cứu của tôi có phải là chủ đề được các nhà khoa học quốc tế quan tâm?

Sau khi đã có sự chuẩn bị về ý tưởng, nội dung nghiên cứu, câu hỏi tiếp theo cần trả lời là công trình nghiên cứu của mình sẽ công bố ở đâu và cách thức thực hiện sẽ như thế nào. Tác giả của công trình nghiên cứu có thể lựa chọn nhiều hình thức công bố: trình bày tại các hội nghị, hội thảo, xuất bản sách hoặc chương sách tham khảo, chuyên khảo, đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Đối với tạp chí quốc tế cũng có nhiều mức độ lựa chọn khác nhau: tạp chí thứ hạng cao trong danh mục ISI, Scopus; tạp chí truyền thống (tạp chí đóng), tạp chí mở... Hiện nay, số lượng tạp chí trên thế giới lên tới vài chục nghìn, vì vậy, việc tìm kiếm một tạp chí phù hợp để xuất bản là không khó. Để xác định được tạp chí phù hợp gửi bài, người viết cần lưu ý một số vấn đề như: phạm vi lĩnh vực và đối tượng người đọc của tạp chí (có thể thông qua trang web của tạp chí để biết chính xác tạp chí đó đang tìm kiếm loại bài viết nào); Tạp chí đó ưu tiên xuất bản bài viết dưới dạng nghiên cứu thực nghiệm hay nghiên cứu lý thuyết; Tạp chí có yêu cầu bình duyệt/ phản biện không (tạp chí uy tín thường có phản biện kín, hai (double-blind) hoặc hoặc ba người (triple-blind). Loại tạp chí mở (Open Access) có thể yêu cầu người gửi bài trả phí. Mặc dù tạp chí mở không có nghĩa là tạp chí kém chất lượng, nhưng trong nhóm tạp chí này sẽ có nhiều mức độ chất lượng khác nhau. Vì vậy, trước khi gửi bài, tác giả cần tìm hiểu kỹ về uy tín của tạp chí.

Ngoài ra, các nhà khoa học khi gửi bài đăng tạp chí quốc tế cần cảnh giác với các tạp chí, nhà xuất bản kém chất lượng, thường được gọi là tạp chí ngụy tạo (predatory). Tạp chí ngụy tạo là những tạp chí không áp dụng chuẩn mực đạo đức trong việc xuất bản như hầu hết các tạp chí uy tín áp dụng. Đây là loại tạp chí đặt lợi nhuận làm ưu tiên, thường xuất bản các bài viết chất lượng kém hoặc có thông tin sai lệch, không có kinh nghiệm biên tập, quy trình xuất bản và thường thiếu minh bạch(1). Loại tạp chí ngụy tạo thường không xuất hiện trên các hệ thống đánh giá tạp chí lớn. Tạp chí ngụy tạo yêu cầu tác giả trả tiền để đăng bài (mặc dù, cũng có tạp chí uy tín tính phí đăng bài). Loại tạp chí này thường chủ động tiếp cận đề nghị tác giả gửi bài (chẳng hạn qua email), thay vì để tác giả chủ động gửi bài. Đây là những tạp chí cần tránh không gửi bài vì nó không mang lại uy tín khoa học cho người gửi bài. Một cách để kiểm tra tạp chí ngụy tạo là qua danh mục tạp chí của Beall(2).

Một trong những cách thức để nhận biết các tạp chí có chất lượng là kiểm tra xem tạp chí đó có nằm trong danh mục xếp hạng tạp chí lớn hay không. Đa phần các tạp chí uy tín sẽ nằm trong các danh mục xếp hạng như Scopus(3), Tạp chí thuộc danh mục Science Citation Index (SCI)(4), Tạp chí thuộc danh mục Science Citation Index Expanded (SCI-E)(5), xếp hạng tạp chí của Scimago(6). Một cách khác để xác định tạp chí có uy tín hay không là tìm hiểu về ban biên tập và tác giả đăng bài cho tạp chí xem có các học giả có uy tín trong lĩnh vực tham gia ban biên tập hay có bài đăng trên tạp chí hay không.

Bên cạnh đó, người nghiên cứu khi gửi bài viết cần xác định đối tượng độc giả mà bài báo dự định hướng tới là ai, nội dung bài báo có có phù hợp với độc giả của tạp chí quốc tế hoặc trong khu vực không? bài viết sẽ gồm một tác giả hay một nhóm tác giả và cần dự tính thời gian chờ đợi kể từ khi nộp bài đến khi bài viết được công bố.

Kỹ năng viết bài

Trong quá trình biên soạn bài viết, tác giả cần đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản sau:

Thứ nhất, cần cân nhắc kỹ lưỡng khi đặt tên và viết tóm tắt (Abstract) cho bài viết. Tên bài viết và phần tóm tắt là hai thông tin đầu tiên mà người đọc tiếp cận. Do vậy, hai yếu tố này một mặt, cần đủ hấp dẫn để thu hút sự chú ý và quan tâm của độc giả nhưng đồng thời, cũng phải phản ánh chính xác nội dung bài viết. Có thể coi đây là “thông tin marketing” ban đầu cho người đọc để họ quyết định có tiếp tục đọc tiếp hay không. Một số tạp chí có yêu cầu rất chi tiết về phần tóm tắt bao gồm độ dài, cấu trúc..., vì vậy , tác giả cần kiểm tra yêu cầu của tạp chí trước khi viết phần tóm tắt.

Thứ hai, bài viết cần có phần mở đầu tốt để thu hút độc giả. Thông thường, phần mở đầu của một bài viết nên làm rõ các vấn đề sau: bối cảnh nghiên cứu, tính cần thiết, đóng góp mới, mục đích và câu hỏi nghiên cứu. Có thể coi phần mở đầu chính là “bản đồ chỉ dẫn” giúp người đọc có hình dung tổng thể về bài viết.

Thứ ba, bài viết cần thể hiện sự hiểu biết về các nghiên cứu trước đó thông qua phần nội dung tổng quan về tình hình nghiên cứu, về các lý thuyết, thảo luận liên quan. Bài viết cần xác định rõ phương pháp nghiên cứu được lựa chọn: định lượng, định tính hay tiếp cận theo khung khái niệm. Phương pháp nghiên cứu cần bảo đảm tính logic và phù hợp. Việc xác định phạm vi giới hạn cả về lý thuyết và thực tiễn của bài viết cũng hết sức cần thiết.

Thứ tư, kết quả nghiên cứu, dữ liệu, bảng biểu cần được trình bày, giải thích rõ ràng và súc tích; bài viết cần có phần thảo luận đưa ra phân tích để làm rõ mục tiêu, trả lời câu hỏi và khẳng định giả thuyết nghiên cứu. Ở phần kết luận của bài viết, cần tóm tắt phát hiện của nghiên cứu và thảo luận về ý nghĩa, đóng góp về lý luận và thực tiễn.

Cuối cùng, cần tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật của bài báo - độ dài, cách trình bày, tài liệu tham khảo. Đặc biệt, bài viết cần bảo đảm tránh đạo văn dưới mọi hình thức, chẳng hạn như sử dụng ý tưởng hoặc kết quả nghiên cứu của người khác mà không có sự ghi nhận. Để tránh đạo văn, khi sử dụng bất kỳ tài liệu tham khảo nào, tác giả đều cần có nguồn trích dẫn rõ ràng.

Các tạp chí có uy tín phần lớn chỉ xuất bản các bài viết có chất lượng cao với yêu cầu chặt chẽ về tính khoa học theo từng lĩnh vực thuộc khoa học tự nhiên, khoa học xã hội hoặc nhân văn. Do đó, bài viết phải được trình bày chặt chẽ, dễ đọc, dễ hiểu với nguồn tài liệu tham khảo và trích dẫn có giá trị. Ban biên tập các tạp chí thường đặc biệt quan tâm đến ý nghĩa, tầm quan trọng, tính mới và khả năng thu hút sự quan tâm của độc giả quốc tế. Bài gửi đăng cần phù hợp với phạm vi và mục tiêu, tôn chỉ của tạp chí.

Thí dụ: các bài nghiên cứu ở Việt Nam hay hướng tới các chủ đề gắn với bối cảnh Việt Nam. Tuy nhiên, đối với bài viết về chủ đề liên quan đến Việt Nam, tác giả cần lưu ý rằng, độc giả của các tạp chí quốc tế rất đa dạng. Vì vậy, một bài viết tốt cần có sự cân bằng giữa các khung lý thuyết, chủ đề có tính quốc tế trong từng lĩnh vực chuyên môn với việc phân tích tình huống, bối cảnh Việt Nam.

Cần lưu ý rằng, bài viết cho tạp chí quốc tế không phải là các dạng thức như luận văn/ luận án. Để đáp ứng yêu cầu của ban biên tập và các nhà bình duyệt, bài viết cho tạp chí cần cô đọng và ngắn gọn.

2. Cấu trúc điển hình của một bài báo khoa học

Tuỳ thuộc vào chủ đề, lĩnh vực, phương pháp nghiên cứu mà các bài viết có thể có các cấu trúc khác nhau. Mặc dù vậy, bài viết trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thường có cấu trúc điển hình như sau:

Giới thiệu: Nêu rõ nội dung của bài viết, vấn đề được đề cập, các câu hỏi/giả thuyết nghiên cứu mà bài viết hướng tới và tóm tắt các nội dung chính

Tổng quan tài liệu: Phân tích có tính phản biện (critical analysis) các bài nghiên cứu đã công bố và các thảo luận hiện hành liên quan đến chủ đề của bài viết để thể hiện sự cập nhật trong nghiên cứu, trên cơ sở đó đưa ra các giả thuyết/khung khái niệm riêng cho bài viết của mình.

Phương pháp luận và giả định (về lý luận và thực tiễn): Đây là phần nội dung rất quan trọng của một bài báo khoa học. Phần này cung cấp các thông tin cụ thể liên quan đến: phương pháp luận, cách thiết kế nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, địa điểm, thời gian nghiên cứu, công cụ nghiên cứu và kỹ thuật thu thập thông tin, công cụ phân tích dữ liệu thống kê, đạo đức nghiên cứu v.v..

Kết quả nghiên cứu: Phần này trình bày các kết quả, phát hiện của nghiên cứu. Để chứng minh được tính đúng đắn của kết quả nghiên cứu, bài viết cần đưa ra các bảng biểu, trích dẫn v.v.. Kết quả nghiên cứu cần trình bày ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, khách quan và trung thực

Phân tích/thảo luận: Phần này cần trả lời các câu hỏi “phát hiện” của nghiên cứu có ý nghĩa gì?”, “những phát hiện này có mối liên hệ thế nào với các nghiên cứu đã được thực hiện?”

Kết luận: Đưa ra tóm tắt ngắn gọn về kết quả của giả thuyết nghiên cứu hoặc câu trả lời cho câu hỏi nghiên cứu, ý nghĩa của kết quả nghiên cứu về mặt lý thuyết, thực tiễn cũng như các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.

3. Thủ tục nộp bài

Trước khi nộp

Trước khi nộp bài cho một tạp chí, tác giả có thể cần làm một số việc có tính chuẩn bị như sau:

Thứ nhất, tác giả có thể nhờ người đọc bình duyệt nội bộ như đồng nghiệp, giáo viên hướng dẫn luận văn đọc, thậm chí nhờ người ở lĩnh vực khác đọc để có thêm góc nhìn khác. Thứ hai, tác giả nên nhờ người bản ngữ (tiếng Anh nếu bài viết bằng tiếng Anh) có hiểu biết nhất định về lĩnh vực của bài viết đọc giúp để giảm khả năng bị từ chối ngay từ đầu (desk rejection). Điều này rất quan trọng vì ngôn ngữ không rõ ràng sẽ khiến biên tập viên cảm thấy khó chịu và tăng khả năng bị từ chối sớm. Tác giả cũng nên dùng các phần mềm kiểm tra đạo văn như Turitin để bảo đảm chắc chắn rằng không có phần nào trong bài viết đạo văn. Thứ ba, về mặt kỹ thuật, tác giả cần đọc kỹ phần hưỡng dẫn về format cho bài viết của tạp chí mình định gửi bài và tuân thủ thực hiện đúng. Cần lưu ý rằng, tại một thời điểm chỉ gửi bài cho một tạp chí. Cho đến khi bài viết đã bị tạp chí đó từ chối thì tác giả mới được phép gửi cho tạp chí khác.

Quy trình nộp

Hầu hết tất cả các tạp chí hiện nay đều yêu cầu nộp qua hệ thống xử lý bản thảo trực tuyến. Tác giả cần đăng ký trước với tạp chí để gửi bài viết. Thông thường, ngoài bản thảo với đầy đủ thông tin liên lạc, tác giả cần gửi thêm cả một phiên bản ‘sạch’ của bài viết không gồm tên tác giả hoặc liên kết.

Sau khi nộp: Quá trình phản biện

Sau khi gửi bài, biên tập viên sẽ tiến hành sàng lọc ban đầu để xét xem bài viết có đáp ứng các yêu cầu của tạp chí và có đủ tiêu chuẩn (về nội dung và cách trình bày) hay không để tiến tới giai đoạn tiếp theo là giai đoạn đánh giá (review). Nếu biên tập viên cho rằng bài viết không đạt tiêu chuẩn thì coi như bài viết sẽ bị loại - được gọi là bị từ chối ngay từ đầu. Thông thường biên tập viên sẽ gửi email giải thích ngắn gọn tại sao bài viết bị từ chối.

Nếu bài viết không bị từ chối ngay từ giai đoạn đầu (desk review), nó sẽ được gửi đi để các chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá. Bình duyệt hay đánh giá của các nhà khoa học chính là khâu trọng tâm trong xuất bản học thuật. Đây là quá trình mang lại cho cả tạp chí và bài viết của nhà nghiên cứu sự tín nhiệm trong cộng đồng học thuật và nghiên cứu. Người bình duyệt (referee) rất quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng bài viết. Người bình duyệt được lựa chọn theo tiêu chí hiểu biết về lĩnh vực chuyên môn và uy tín của họ, thường dựa trên sự giới thiệu của những người đứng đầu trong lĩnh vực đó. Cần lưu ý rằng quá trình bình duyệt cần khá nhiều thời gian. Sau khi gửi bài 3-4 tháng nếu không nhận được hồi âm, tác giả có thể gửi e-mail đến biên tập viên hỏi về tiến độ bình duyệt bài viết.

Sau khi nhận lại được hai hoặc ba bản đánh giá từ những người bình duyệt, ban biên tập sẽ gửi e-mail cho tác giả để thông báo về kết quả đánh giá bài viết. Việc đánh giá bài viết thường sẽ rơi vào một trong những lựa chọn sau:

Từ chối: Bài viết được cho là không phù hợp với tạp chí hoặc có những sai sót và vấn đề lớn về nội dung mà người bình duyệt cho rằng không thể sửa chữa được

Chỉnh sửa và gửi lại với thay đổi lớn: Bài báo có giá trị nhưng có nhiều vấn đề lớn và tác giả cần giải quyết những vấn đề này thật chi tiết trước khi gửi lại để xem xét thêm. Giới hạn thời gian cho các bản sửa đổi thường được đặt ra.

Chỉnh sửa và gửi lại với thay đổi nhỏ: Bài viết được tạp chí tạm chấp nhận nhưng cần sửa đổi thêm để thực sự phù hợp. Giới hạn thời gian cho các bản sửa đổi cũng thường được đặt ra.

Chấp nhận mà không yêu cầu bất kỳ thay đổi hay bổ sung nào. Đây là kết quả tốt nhất nhưng hiếm có bài viết đạt được mức này.

Tác giả sẽ nhận được nhận xét phản biện chi tiết từ người bình duyệt bằng văn bản. Tác giả có trách nhiệm trả lời đầy đủ tất cả những góp ý này. Ngay cả khi bài báo bị từ chối, thì những nhận xét của người bình luận cũng rất hữu ích để tác giả hoàn thiện nội dung bài viết.

Một bài bình duyệt/phản biện tốt cần cung cấp đủ thông tin để biên tập viên có thể đưa ra quyết định sử dụng bài báo hay không và giúp cho tác giả trong việc hoàn thiện bài viết của họ và nhờ đó, có thể cải thiện cách viết bài trong tương lai. Khi nhận được nhận xét đề nghị sửa lại bài viết, tác giả cần xem xét rất nghiêm túc để sửa lại bài trước khi gửi cho tạp chí khác. Bài nhận xét của người bình duyệt/ phản biện thường sẽ tập trung vào các vấn đề sau: mức độ phù hợp của bài viết với mục tiêu, tôn chỉ của tạp chí, độ hấp dẫn với độc giả, tính mới, mức độ tổng thuật tình hình nghiên cứu, các phương pháp nghiên cứu được sử dụng, cách trình bày và ý nghĩa của kết quả nghiên cứu, khả năng phân tích và chất lượng của phần kết luận. Nhiều người bình duyệt cũng sẽ đề cập đến vấn đề trình bày và ngôn ngữ của bài viết.

4. Trả lời nhận xét của người bình duyệt

Việc phản hồi sao cho đúng đối với nhận xét của người bình duyệt vô cùng quan trọng ở giai đoạn này, do vậy, tác giả cần có sự đầu tư đáng kể về thời gian và công sức. Trước tiên, tác giả cần đọc kỹ thư trả lời của biên tập viên để hiểu yêu cầu của họ và dành thời gian để suy nghĩ kỹ về các yêu cầu sửa đổi. Trong trường hợp chưa hiểu rõ yêu cầu của biên tập viên, tác giả có thể đề nghị giải thích thêm, đặc biệt trong trường hợp người bình duyệt đưa ra nhận xét khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Tác giả cần cố gắng sửa đổi tất cả các đề nghị của người bình duyệt, trừ trường hợp bất khả kháng, chẳng hạn, người bình duyệt yêu cầu thay đổi một phương pháp nghiên cứu hoàn toàn mới. Mặc dù việc giải quyết đầy đủ tất cả các nhận xét của người bình duyệt là rất quan trọng nhưng tác giả vẫn có thể có một số ý kiến không đồng tình. Điều này được chấp nhận miễn là tác giả đưa ra được giải thích rõ ràng lý do tại sao không thể thay đổi theo đề xuất của người bình duyệt.

Việc nộp bài đã sửa đổi không bảo đảm rằng bài viết sẽ được chấp nhận, nhiều bài viết vẫn tiếp tục bị từ chối sau khi sửa đổi hoặc được yêu cầu tiếp tục sửa thêm và gửi lại. Cần lưu ý rằng, nhận xét của người bình duyệt đôi khi có thể khá nặng nề, mang tính chỉ trích, thậm chí không hoàn toàn chính xác, tác giả cần luôn giữ thái độ lịch sự khi phản hồi. Trong bản trả lời nhận xét của người người bình duyệt tác giả cần trình bày rõ ràng, mạch lạc, logic, có sự tham chiếu cụ thể theo từng trang, đoạn trong bài viết của mình. Phần trả lời này rất quan trọng vì đây chính là cơ sở để biên tập viên đưa ra quyết định cuối cùng có sử dụng bài báo hay không.

Công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học quốc tế là một yêu cầu thiết yếu trong hoạt động nghiên cứu, thậm chí ở một số quốc gia nó được đặt ra với tinh thần “Publish or perish” (công bố hay là chết) đối với nhà khoa học. Đây được coi là khâu cuối cùng để hoàn tất một hoạt động nghiên cứu. Chính vì vậy, khi lựa chọn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực học thuật, nhà nghiên cứu cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu này.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2021

(1) https://www.nature.com/articles/d41586-019-03759-y).

(2) Beall's list of potential predatory journals and publishers, https://beallslist.net.

(3) https://www.scopus.com.

(4), (5) http://mjl.clarivate.com.

(6) http://www.scimagojr.com.

Tài liệu tham khảo:

1. Beall, J: What I learned from predatory publishers, Biochemia Medica, 2017, 27(2).

2. Belcher, W: Writing Your Journal Article in Twelve Weeks, Second Edition: A Guide to Academic Publishing Success, Chicago, University of Chicago Press, 2009.

3. Wendy Laura Belcher Frey, B.S: Publishing as Prostitution? - Choosing Between One's Own Ideas and Academic Success, Public Choice 116, 2003, 205-223.

4. Hartley, J: Academic Writing and Publishing: A Practical Handbook, London: Routledge, 2008.

5. Taylor, Z: The Hunter Became the Hunted: A Graduate Student’s Experiences with Predatory Publishing, Publishing Research Quarterly, 10.1007/s12109-019-09639-7, 2019.

6. Sage: How to get your journal article published, https://www.sagepub.com.

7. Taylor and Francis: How to get your first journal article published, https://authorservices.taylorandfrancis.com.

8. The Guardian: How to get published in an academic journal: top tips from editors, https://www.theguardian.com.

PGS, TS Nguyễn Thị Thanh Hải

Viện Quyền con người,

 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền