Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục khai phóng và vận dụng trong đổi mới giáo dục
Thứ hai, 07 Tháng 6 2021 15:49
2774 Lượt xem

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục khai phóng và vận dụng trong đổi mới giáo dục

(LLCT) - Giáo dục khai phóng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là thông qua giáo dục để giải phóng nhân dân về mặt tư tưởng, giúp họ thoát khỏi những tối tăm, mê muội do chính sách ngu dân của thực dân Pháp và những lệch lạc, thiếu toàn diện của nền giáo dục phong kiến, đánh thức và khai thông mọi tiềm năng của con người vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Trên cơ sở phân tích những nội dung của giáo dục khai phóng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, bài viết gợi mở những định hướng trong đổi mới về tư duy, nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học trong bối cảnh hiện nay .

Từ khóa: tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục khai phóng; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục khai phóng

Nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc kháng chiến kiến quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ giáo dục. Theo Người, “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”(1). Vì vậy, ngay trong thời điểm chính quyền non trẻ, nước ta trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Hồ Chí Minh đã đặt nhiệm vụ diệt giặc dốt ở hàng thứ hai trong khẩu hiệu “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Xuất phát từ một nước thuộc địa nửa phong kiến chịu ảnh hưởng của nền giáo dục cũ – nền giáo dục của thực dân và phong kiến, nên Người đã sớm nhận thức rõ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”(2). Vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu phải có kế hoạch kiến quốc, “kiến thiết giáo dục”, để thực hiện ham muốn tột bậc của Người là “làm cho dân có học hành”(3), “ai cũng được học hành”. Theo đó, giáo dục phải nhằm mục tiêu: tất cả vì con người, cho con người, do con người - là tư tưởng cốt lõi thể hiện triết lý giáo dục khai phóng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục.

Giáo dục khai phóng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là thông qua giáo dục để giải phóng nhân dân về mặt tư tưởng, giúp họ thoát khỏi những tối tăm, mê muội do chính sách ngu dân của thực dân Pháp và những lệch lạc, thiếu toàn diện của nền giáo dục phong kiến, đánh thức và khai thông mọi tiềm năng của con người vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Giáo dục khai phóng theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã hiện dẫn hành động cách mạng của toàn dân trong công cuộc xây dựng nền giáo dục mới, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền giáo dục khai phóng lấy thực trạng nền giáo dục nước ta làm điểm xuất phát, lấy giải phóng con người về tư tưởng và tiềm năng, qua đó phát triển con người làm mục tiêu, vì vậy có ý nghĩa thức tỉnh to lớn. Nền giáo dục đó mở ra cơ hội cho mọi người được học hành, được phát triển, tự do, toàn diện và đã trở thành phương châm hành động của Hồ Chí Minh, “Tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình”(4). Để làm được điều đó, Người đặc biệt chú trọng phát triển nền giáo dục mới nhằm giải phóng dân ta thoát khỏi u muội của nền giáo dục cũ.

Theo Hồ Chí Minh, giáo dục góp phần rất quan trọng vào việc phát triển con người, rèn luyện nhân cách, tạo ra giá trị bản thân. Trong Thư gửi các học sinh nhân dịp khai giảng năm học đầu tiên của đất nước độc lập, Người cũng khích lệ rằng, tương lai tươi sáng của dân tộc “chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(5). Theo đó, nền giáo dục mới phải mở mang và nâng cao dân trí chính là khai phóng đồng thời với tự khai phóng của con người. Đó là cách để không chỉ chống ngu dân, u muội, mà còn làm cho dân ta vươn lên tầm sáng suốt, thông tuệ về mọi mặt. Con người được giải phóng, đồng thời được phát triển để sống “ở đời” và “làm người” - tức tồn tại trong xã hội và trở thành con người có ích cho xã hội như triết lý sống và học tập của Hồ Chí Minh: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”(6).

Theo Hồ Chí Minh, con người không thể khai thông về tư tưởng, những quan niệm, lối sống cũ và giải phóng mọi tiềm năng của con người bằng cách trông đợi sự ban phát từ đâu đó, mà phải thông qua thực tiễn cách mạng. Đó là tiến hành hoạt động cách mạng để giành lấy hạnh phúc cho mình và cho mọi người. Chỉ có hành động, đấu tranh cách mạng, con người mới có thể cải tạo được thế giới, cải tạo và thực hiện tiến bộ xã hội, cải tạo, phát triển và hoàn thiện chính bản thân mình, thực hiện được mục đích, ước mơ và lý tưởng của mình. Theo Người, chủ nghĩa nhân đạo, tư tưởng nhân văn phải được thể hiện thành hành động thiết thực, thành hoạt động thực tiễn cách mạng theo triết lý nhân sinh hành động. Bởi lẽ, Người quan niệm thực hành là nền tảng của lý luận và lý luận lại phụng sự thực hành. Chỉ có thực hành mới là tiêu chuẩn của sự thật. “Chỉ có thực hành mới là mực thước đúng nhất cho sự hiểu biết của người về thế giới. Chỉ do quá trình thực hành (quá trình sản xuất vật chất, giai cấp đấu tranh, khoa học thực nghiệm), người ta mới đạt được kết quả đã dự tính trong tư tưởng, và lúc đó sự hiểu biết mới được chứng thực”(7). Do vậy, để có thể khai phóng được, trong giáo dục phải thông qua những hành động thiết thực, những việc làm trong thực tiễn, từ đó, mọi người có ý thức, nhận thức rõ mục tiêu, lý tưởng, phương pháp, năng lực và sáng tạo khi đem nó vào giải quyết các nhiệm vụ của thực tiễn cách mạng.

Để thực hiện được điều đó, ngay từ khi còn hoạt động cách mạng ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã gửi Chính phủ Pháp một số “yêu sách khiêm tốn” về tự do, trong đó có “tự do học tập”. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh đã chủ trương “Mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”. Trong Chính cương vắn tắt của Đảng có viết: “Về phương diện xã hội là:... Phổ thông giáo dục theo công nông hoá”(8). Ngày 8-9-1945, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ để thanh toán nạn mù chữ cho nhân dân, do chính sách ngu dân của Thực dân Pháp gây ra. Ngày 10-10-1945, Người ký tiếp sắc lệnh số 45 thành lập Ban Đại học Văn khoa và đến tháng 11, Người dự lễ khai giảng Trường Đại học Quốc gia Việt Nam đầu tiên dưới chế độ mới. Trong 24 năm trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo thực hiện chiến lược “trồng người” cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, biến mục tiêu khai phóng thành hành động, thực tiễn cách mạng. Về thực chất, đây là hành động khai sáng con người một cách triệt để.

Thực hiện nền giáo dục khai phóng, Hồ Chí Minh yêu cầu mục tiêu đầu tiên của giáo dục phải giải phóng con người về tư tưởng, đó là thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực của nền giáo dục cũ, đưa dân tộc ta trở thành một dân tộc văn minh, tiến bộ. Vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu nền giáo dục mới: “cần phải tăng cường hơn nữa việc giáo dục tinh thần yêu nước, giác ngộ giai cấp và đạo đức cách mạng”(9). Trong nhà trường “cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”(10). Nền giáo dục đó phải định hướng, khơi dậy tinh thần yêu nước thương nòi, tinh thần dân tộc, thông qua giáo dục mà thức tỉnh, tổ chức, đoàn kết, huấn luyện, đưa nhân dân ta tới tự do, độc lập; giải phóng họ thoát khỏi ách áp bức bóc lột của thực dân phong kiến, thoát khỏi sự ràng buộc của mọi tư tưởng lạc hậu, tạo điều kiện cho mỗi dân tộc và mỗi người dân đứng lên làm chủ nền văn hoá, làm chủ vận mệnh và tương lai của mình.

Để khai phóng về tư tưởng, theo Hồ Chí Minh, trong giáo dục phải chú trọng bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho nhân dân. Đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Theo Người, do ảnh hưởng của nền giáo dục cũ, nên phần lớn thanh thiếu niên Việt Nam bị “nhồi sọ” bởi những tư tưởng của thực dân, phong kiến, với mục đích “đào tạo nên những kẻ làm tay sai, làm tôi tớ cho một bọn thực dân người Pháp”(11), những người không đến trường thì bị đầu độc bằng các thói hư, tật xấu như rượu chè, cờ bạc, thuốc phiện. Do vậy, theo Người, nền giáo dục mới phải tẩy rửa và đào thải những tư tưởng phản động, nguy hại trong mọi tầng lớp nhân dân “Phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại, như: thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân; học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ. Và cần xây dựng tư tưởng: dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”(12).

Để nhân dân có lý tưởng cách mạng, nội dung giáo dục phải hướng vào nâng cao trình độ dân trí. Lý tưởng cách mạng chỉ được hình thành phát triển trên cơ sở trình độ hiểu biết, vốn tri thức của người dân. Theo đó, nâng cao dân trí phải bắt đầu từ chỗ biết đọc, biết viết đến chỗ hiểu biết các lĩnh vực khác của đời sống. Người nói: “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”(13). Chịu ảnh hưởng của nền giáo dục cũ, sau Cách mạng Tháng Tám, hơn 90% dân số nước ta mù chữ, do đó để nâng cao trình độ dân trí, Người yêu cầu trước hết phải xóa nạn mù chữ trong cả nước. Ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong đó nhiệm vụ cấp bách nhất, thiết thực nhất mà chính quyền Cách mạng vừa mới ra đời phải giải quyết trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn đó là diệt “nạn dốt”. Người chỉ rõ nạn dốt là: “một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta”(14). Vì vậy, Người đề nghị: “mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”(15) và ngày 4-10-1945, thay mặt Chính phủ Lâm thời, Người ra “Lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học”.

Sự phát triển con người là sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, cả thể lực và trí lực hướng tới xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa “vừa hồng, vừa chuyên”. Vì vậy, thông qua giáo dục phải hướng tới phát triển con người toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ. Phát triển con người toàn diện thông qua giáo dục của Hồ Chí Minh lấy yếu tố đạo đức cách mạng làm trục chính, trong đó cốt lõi là lý tưởng cách mạng. Vì theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng như là “cái gốc”, cái “nền tảng” định hướng cho sự phát triển của con người. Nâng cao đạo đức cũng có nghĩa là củng cố vững chắc hơn cơ sở định hướng cho sự phát triển tài năng của con người. Sự phát triển con người là cơ sở cho sự phát triển của xã hội, sự phát triển ấy sẽ góp phần phát triển xã hội để tiến tới một xã hội văn minh. Động lực của sự phát triển xã hội nằm chính trong mỗi cá nhân, vì vậy, mục tiêu phát triển con người cũng là động lực cho sự phát triển xã hội. Mục tiêu và động lực đó chỉ thực hiện khi con người được thức tỉnh, giáo dục, giác ngộ, được tổ chức và định hướng hành động đúng đắn. Vì vậy, việc phát huy nguồn lực con người không thể tách rời vai trò tổ chức, lãnh đạo của Đảng Cộng sản và những người cán bộ cách mạng. Do đó, muốn đưa nước ta trở thành một nước văn minh tiến bộ, nền giáo dục mới phải đào tạo ra những con người mới có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Theo đó, Người đòi hỏi mỗi người dưới chế độ mới phải có cả tài và đức, trong đó đức là nền tảng cho sự phát triển nhân cách. Theo Người, “muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”(16) và “dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”(17).

2. Vận dụng tư tưởng giáo dục khai phóng trong đổi mới giáo dục ở nước ta hiện nay

Sau 35 năm đổi mới cùng với đó là cải cách, đổi mới giáo dục, chúng ta đã gặt hái được nhiều thành công trong đào tạo phát triển con người. Hiện nay, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi cần có người lao động có năng lực tư duy và sáng tạo, đổi mới, có kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin, có khả năng làm việc độc lập và ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu. Do đó việc đổi mới trong giáo dục, tập trung xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu trên ngày càng trở nên bức thiết. Để vận dụng giáo dục khai phóng trong tư tưởng Hồ Chí Minh vào đổi mới giáo dục hiện nay, cần tập trung vào những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, phải thay đổi tư duy về mục tiêu của quá trình giáo dục. Đó là “Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”(18). Đổi mới giáo dục hiện nay cần đề cao yếu tố con người, hướng tới phát huy tối đa khả năng sáng tạo của cá nhân, giải phóng tư duy, tạo điều kiện cho họ phát huy cao khả năng của cá nhân. Trong quá trình giáo dục phải trang bị cho người học khả năng vận dụng kiến thức trong nhiều lĩnh vực để giải quyết vấn đề. Thay vì chỉ đào sâu trong một lĩnh vực cụ thể, người học theo định hướng khai phóng sẽ tìm tòi khám phá các vấn đề, ý tưởng, các phương pháp giải quyết trên nhiều lĩnh vực, từ nghệ thuật, văn học, ngôn ngữ, đến triết học, lịch sử, toán học và khoa học. Chương trình học cần tập trung dạy người học về phương pháp, kỹ năng, cách tự học, dạy cách sử dụng, khai thác các thiết bị, gắn lý thuyết với thực hành... và dạy làm người với mục đích người được đào tạo có khả năng thích ứng nhanh với hoàn cảnh, có khả năng học tập suốt đời và có trách nhiệm cao với gia đình, xã hội và Tổ quốc. Đi theo sự đổi mới này sẽ là hàng loạt những thay đổi căn bản, từ chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, người thầy và cách thức giảng dạy. Theo đó, cách dạy và học sẽ chuyển từ học để nhớ sang học để hiểu.

Thứ hai, thay đổi nội dung, chương trình giáo dục, bảo đảm cho sự phát triển toàn diện của người học. Nội dung, chương trình đào tạo do mục tiêu yêu cầu đào tạo quy định, mà mục tiêu yêu cầu đào tạo chính là sự phản ánh những nhu cầu của xã hội đặt ra. Trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, người học muốn khám phá được tri thức mới, bắt nhịp được với sự thay đổi nhanh chóng cần phải có tri thức trên nhiều lĩnh vực. Do vậy, nội dung, chương trình giáo dục phải cung cấp cho người học một nền tảng kiến thức rộng cùng năng lực cảm thụ các giá trị đạo đức nhân văn và những kỹ năng giúp họ có thể thích ứng với nhiều môi trường, yêu cầu công việc khác nhau. Người học được tiếp cận với nhiều lĩnh vực trước khi đi sâu vào chuyên ngành, nhờ đó họ có khả năng làm việc trong nhiều lĩnh vực và thích ứng tốt hơn trong thời đại công nghệ.

Nội dung, chương trình phải chuyển mạnh từ chú trọng chủ yếu trang bị kiến thức (nâng cao dân trí) sang tập trung phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học (năng lực công dân), nuôi dưỡng óc sáng tạo và tạo điều kiện để những ý tưởng mới được nảy nở. Nhiều năm qua, chúng ta đã nhận ra sự bất cập của việc tập trung trang bị kiến thức cho người học, lấy nó và dựa vào nó để phát triển năng lực, nên đã chuyển sang hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho người học. Tuy nhiên, thiếu tính đồng bộ và nhận thức chưa thống nhất, nên việc dạy và học vẫn theo cách cũ: trang bị kiến thức là chính, phát triển phẩm chất năng lực là phụ. Để khắc phục hạn chế này, quá trình đổi mới cần gắn liền với sự thay đổi triết lý giáo dục, lấy dạy người - chủ nhân của chế độ xã hội mới - là trung tâm, với phương châm: “dạy người, dạy chữ, dạy nghề” thay cho “dạy chữ, dạy người, dạy nghề” như trước đây. Trong đó, chú trọng giáo dục con người Việt Nam vừa phát triển toàn diện, vừa phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; phát triển năng lực và phẩm chất một cách hài hòa giữa đức, trí, thể, mỹ. Bên cạnh đó, trong chương trình giáo dục cần quan tâm đến giáo dục đạo đức, lối sống nhằm phát triển phẩm chất cá nhân cho người học.

Thứ ba, thay đổi phương pháp dạy và học, chuyển đổi tư duy theo hướng lấy người học làm trung tâm phát huy vài trò năng động của người học, tức là phải: “phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân”(19) trên cơ sở định hướng của người dạy. Đây là yêu cầu tất yếu của giáo dục, cũng như mục tiêu giáo dục mà Hồ Chí Minh đã đặt ra là đào tạo ra những con người “vừa hồng, vừa chuyên”. Ngoài ra, trong quá trình giáo dục, đào tạo cần kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, lý luận và thực tiễn với mục đích vừa nâng cao nhận thức, đồng thời vừa nâng cao khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, công việc của người học. Do đó, phải dạy người học thêm các kỹ năng tiếp cận và phương pháp thực hành để vận dụng lý luận đó vào cuộc sống và thực tế công tác của họ. Cho đến nay, phương pháp giảng dạy ở nhiều nhà trường vẫn theo lối mòn truyền thụ kiến thức một cách thụ động, cốt làm sao cho học sinh, sinh viên tiếp thu được càng nhiều kiến thức càng tốt. Trong chính sách đào tạo mới, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phải mạnh dạn chuyển nền giáo dục áp đặt đó sang một nền giáo dục khai phóng, trong đó con người giữ vị trí trung tâm, là nền giáo dục mà mỗi cá nhân biết tự trọng và biết tôn trọng người khác, biết nhận diện chính mình, biết khai thác tiềm năng vốn có trong bản thân không ngừng vươn lên, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2021

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 222.

(2), (3), (4), (5), (11), (13), (14), (15) Hồ Chí Minh, Sđd, t.4, tr.7, 175, 315, 35, 34, 40, 7, 7.

(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t.6, tr 208.

(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t.7, tr.122.

(8)  Hồ Chí Minh: Sđd, t.3, tr.1.

(9), (17) Hồ Chí Minh: Sđd, t.14, tr.386, 400.

(10), (16) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.120, 292 - 293.

(12) Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, tr.185.

(18), (19) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.114, 115.

TS Nguyễn Hồng Điệp

Khoa Triết học Mác - Lênin,

Trường Đại học Chính trị - Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền