Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Hoạt động thao giảng và Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc hướng tới xây dựng trường chính trị chuẩn
Thứ năm, 08 Tháng 7 2021 10:53
2402 Lượt xem

Hoạt động thao giảng và Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc hướng tới xây dựng trường chính trị chuẩn

(LLCT) - Tổ chức thao giảng và Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là một hoạt động chuyên môn, nhiệm vụ hết sức quan trọng. Thông qua thao giảng và Hội thi, giảng viên có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, làm sâu sắc, phong phú nội dung chuyên môn, đổi mới phương pháp, rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm. Bài viết phân tích vai trò của hoạt động thao giảng và tổ chức Hội thi toàn quốc, kết quả của những kỳ Hội thi; xác định những nội dung trọng tâm của hoạt động này trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn. 

Ban Giám khảo Tiểu ban 6 chấm thi Hội thi Giảng viên giỏi cấp Học viện lần thứ IV , 2021.

1. Từ thao giảng các cấp đến Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc: hoạt động chuyên môn cần thiết đối với công tác trường chính trị

Đội ngũ giảng viên là lực lượng nòng cốt của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trực tiếp thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác. Đồng thời, giảng viên cũng là lực lượng chủ yếu của các trường chính trị tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương.

Nhằm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bên cạnh cử giảng viên học tập nâng cao trình độ, tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn ngắn ngày, cử đi thực tế ngắn hạn và dài hạn... việc tổ chức cho giảng viên thao giảng là một hoạt động chuyên môn, nhiệm vụ hết sức quan trọng của quá trình giảng dạy. Thông qua thao giảng, giảng viên có điều kiện thuận lợi tăng cường trao đổi kinh nghiệm, học tập, giúp đỡ lẫn nhau, làm sâu sắc, phong phú thêm nội dung giảng dạy, đổi mới phương pháp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy, nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm chuyên môn, tình cảm và trách nhiệm nghề nghiệp. Đồng thời, thao giảng góp phần tăng cường và làm tốt hơn nữa việc quản lý dạy và học, thúc đẩy phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ở các trường chính trị.

Trên cơ sở kết quả hoạt động thao giảng ở cấp khoa, cấp trường, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tăng cường trao đổi, rút kinh nghiệm, học tập lẫn nhau giữa giảng viên lý luận chính trị trên cả nước. Đồng thời, tạo điều kiện để lãnh đạo các trường chính trị tăng cường giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tạo động lực cho các giảng viên tham gia hoạt động khoa học.

Tổ chức Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc giúp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có thêm điều kiện nắm bắt hoạt động giảng dạy của giảng viên, công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng của các trường chính trị. Trên cơ sở đó, hoàn thiện nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng do Học viện phụ trách; sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các quy định, hướng dẫn chuyên môn đối với các trường chính trị.

Kết quả của hoạt động thao giảng các cấp và Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc là cơ sở để động viên, biểu dương phong trào dạy tốt, từ đó tập trung bồi dưỡng, phát triển chuyên môn, những giảng viên giỏi từng bước trở thành những “cánh chim đầu đàn” trong công tác giảng dạy và nghiên cứu của mỗi trường.

2. Kết quả tổ chức Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong những năm qua

Năm 2004, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chính thức xác định nhiệm vụ thao giảng của giảng viên và ban hành Quy định về tổ chức thao giảng ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2005, lần đầu tiên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị. Đối tượng tham gia là những giảng viên có kết quả đứng đầu trong thao giảng cấp khoa, cấp trường, đang giảng dạy “Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở” (hệ Trung cấp lý luận chính trị). Kết quả thi của từng giảng viên được đánh giá trên hai nội dung: kết quả chuẩn bị giáo án và kết quả giảng bài trên lớp. Hội thi đầu tiên có 121 giảng viên của 61/64 trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia, trong đó có 23 giảng viên được Giám đốc Học viện tặng Bằng khen “Giảng viên dạy giỏi xuất sắc”.

Các Hội thi lần thứ II (năm 2007), lần thứ III (năm 2009) tiếp tục thực hiện các cách thức lựa chọn giảng viên dự thi, nội dung thi, nhưng có bổ sung thêm đối tượng dự thi là giảng viên trường cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đang giảng dạy “Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở” (hệ Trung cấp lý luận chính trị).

Hội thi lần thứ II có 124 giảng viên của 63/64 trường chính trị tham gia, với 28 giảng viên dạy giỏi xuất sắc được tặng Bằng khen của Giám đốc Học viện.

Hội thi lần thứ III có 30 giảng viên được tặng Bằng khen “Giảng viên dạy giỏi xuất sắc” trong tổng số 120 giảng viên của 62/63 trường chính trị tham gia. Hội thi lần thứ IV được tổ chức vào năm 2011 đã bổ sung nội dung thi hiểu biết về quy chế, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy... thông qua hình thức thi vấn đáp. Kỳ Hội thi này có 30 giảng viên đạt danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi xuất sắc” trong tổng số 119 giảng viên của 61/63 trường chính trị, 01 trường bộ, ngành tham gia.

Năm 2014, Hội thi lần thứ V thay thế nội dung thi hiểu biết về quy chế, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy bằng nội dung thi viết, đồng thời bổ sung điểm khuyến khích thông qua tính điểm kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên dự thi. Hội thi lần này thu hút 125 giảng viên của 63/63 trường chính trị và 02 trường bộ, ngành dự thi. Trong đó, có 18 giảng viên các trường phía Bắc và 12 giảng viên các trường phía Nam được khen thưởng “Giảng viên dạy giỏi xuất sắc”.

Hội thi lần thứ VI được Học viện tổ chức tại Trường Chính trị tỉnh Nghệ An và Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk vào năm 2017 có 134 giảng viên của 63/63 trường chính trị và 04 trường bộ, ngành tham gia. Hội thi đã chính thức sử dụng điểm nghiên cứu khoa học là điều kiện bắt buộc để xét các danh hiệu Giảng viên dạy giỏi, xuất phát từ yêu cầu đối với giảng viên dạy giỏi là phải tích cực tham gia nghiên cứu khoa học để phục vụ việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Kết thúc Hội thi, đã có 24 giảng viên đạt loại xuất sắc trong tổng số 130/134 giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi; 01 giảng viên được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng thưởng người có thành tích nghiên cứu khoa học cao nhất. Tuy nhiên, đây cũng là Hội thi đầu tiên có 04 giảng viên không đạt loại giỏi.

Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị, trường bộ, ngành tổ chức năm 2021 là Hội thi lần thứ VII, lần đầu tiên quy tụ được 74/74 trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể Trung ương với tổng số 140 giảng viên dự thi. Trong đó, có 63 trường chính trị cấp tỉnh, 11 trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương. Hội thi khu vực phía Bắc (gồm các trường từ Thừa Thiên Huế trở ra Bắc) có 40 trường. Hội thi khu vực phía Nam (gồm các trường từ Đà Nẵng trở vào Nam) có 34 trường. Giảng viên dự thi thực hiện 03 nội dung thi: thi giáo án, thi viết và thi giảng. Kết quả thi là điểm trung bình của 03 phần thi, trong đó, phần thi giảng được tính điểm hệ số 3. Điểm khoa học là điểm quy đổi công trình khoa học được nghiệm thu hoặc công bố giữa hai kỳ Hội thi của giảng viên dự thi, là điều kiện để Hội đồng giám khảo xếp loại danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi”, “Giảng viên dạy giỏi xuất sắc”.

Hội thi lần thứ VII năm 2021 đánh dấu nhiều đổi mới trong công tác tổ chức và đánh giá, xếp loại. Trong đó có những đổi mới đáng chú ý như giảng viên dự thi phải có thời gian trực tiếp giảng dạy chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính từ 02 năm trở lên.

Phần thi giáo án và thi giảng, giảng viên dự thi chọn 01 bài trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính sẽ tham gia thi giảng để soạn giáo án. Nếu bài dài hơn 04 tiết thì soạn hoàn chỉnh 04 tiết liền nhau để đăng ký dự thi, các tiết còn lại của bài chỉ cần ghi tên mục. Khi thi giảng, giảng viên bắt thăm chọn tiết giảng trong số 04 tiết giảng đã soạn trong giáo án dự thi. Đồng thời, giảng viên phải cập nhật nội dung các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào phần thi giảng. Hội đồng Giám khảo chú trọng đánh giá tiêu chí này trong phần thi giảng của giảng viên, bảo đảm khách quan, công tâm, chính xác, thực chất. Cách thức thi giảng như vậy nhằm khắc phục tình trạng một số giảng viên chọn nội dung giảng mà trong chương trình, giáo trình bố trí thời lượng giảng dưới 01 tiết; đòi hỏi người dự thi phải đầu tư trí tuệ, công sức, tâm huyết hơn với bài giảng. Nội dung phần thi viết cũng được đổi mới, mở rộng hơn lần thi trước. Giảng viên dự thi sẽ thể hiện kiến thức, hiểu biết của mình về 03 nội dung: (1) Quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; công tác nghiên cứu lý luận theo tinh thần Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09-10-2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030; Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (2) Những quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. (3) Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới theo Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII.

Về điều kiện điểm khoa học để được xếp hạng danh hiệu giỏi, giảng viên dự thi phải đạt điểm khoa học từ 2,5 điểm trở lên, cao hơn so với điều kiện điểm khoa học ở kỳ Hội thi lần thứ VI (đạt từ 1,5 điểm trở lên). Những quy định này được kỳ vọng sẽ khuyến khích giảng viên các trường chính trị chú trọng nghiên cứu đề tài khoa học cấp trường và công bố rộng rãi các kết quả nghiên cứu đó dưới dạng sách, tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy. Mạnh dạn và tăng cường tham gia các hội thảo khoa học các cấp, trong đó, đặc biệt là các hội thảo khoa học cấp quốc gia.

Những thể lệ, nội quy, quy chế Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị, trường bộ, ngành do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng trong hơn 15 năm qua vừa nhằm mục tiêu rèn luyện giảng viên theo những tiêu chuẩn ngày càng cao hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trường chính trị, vừa tạo điều kiện để các trường và giảng viên chủ động tham gia nghiên cứu các đề tài, viết bài tham luận tại các hội thảo khoa học các cấp. Qua đó thúc đẩy các trường xây dựng và hoàn thiện hoạt động của trang thông tin điện tử của mỗi trường, tăng cường công tác thông tin - tư liệu, xuất bản đều kỳ theo hướng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng bản tin, nội san, các bản tin thông tin lý luận và thực tiễn.

Từ thành công của hoạt động thao giảng các cấp và đặc biệt là Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị, trường bộ, ngành, đã có hàng trăm giảng viên dạy giỏi, giảng viên dạy giỏi xuất sắc của các trường chính trị, trường bộ, ngành được ghi nhận, tôn vinh; trở thành trụ cột về chuyên môn tại đơn vị, trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý khoa, phòng, được bổ nhiệm vào lãnh đạo trường. Những giảng viên này thật sự trở thành vốn quý của mỗi trường, là điểm tựa để từng trường xây dựng đội ngũ, bồi dưỡng những thế hệ giảng viên lý luận chính trị - giảng viên Trường Đảng kế tiếp.

3. Nâng cao chất lượng hoạt động thao giảng và công tác tổ chức Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn

Hiện nay, thực hiện nhiệm vụ được Ban Bí thư giao, Học viện đã đề xuất và Ban Bí thư đang xem xét ban hành Quy định tiêu chí trường chính trị chuẩn và quy trình công nhận trường chính trị chuẩn. Quy định của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn nhằm xây dựng các trường chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới, thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ về chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ dạy và học và các mặt công tác khác có liên quan ở các trường chính trị cấp tỉnh. Trong các tiêu chí xây dựng trường chính trị chuẩn như: chuẩn về tên gọi, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy; chuẩn về số lượng, chuẩn về cơ sở vật chất - kỹ thuật, tài chính... thì tiêu chí chuẩn về chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn về hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn được coi là những tiêu chí trọng yếu, quyết định đến chất lượng hoạt động của các trường. Xây dựng trường chính trị đạt chuẩn về những tiêu chí này sẽ tạo bước đột phá nhằm mục tiêu xây dựng trường chính trị cấp tỉnh xứng tầm là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ duy nhất ở cấp tỉnh; thực sự là cơ quan nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ở địa phương.

Để hoạt động thao giảng các cấp và Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng tới mục tiêu đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, thống nhất nhận thức, quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác giáo dục lý luận chính trị; mục tiêu của hoạt động thao giảng các cấp và Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc là góp phần nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên trường chính trị, tạo diễn đàn để các giảng viên trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, nâng cao chất lượng các bài giảng, góp phần quan trọng vào việc khắc phục bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị.

Thứ hai, hoạt động thao giảng và Hội thi phải được tổ chức nghiêm túc, đúng quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, bảo đảm mục tiêu của hoạt động này. Trong đó, đặc biệt quan tâm thực hiện các khâu: từ xây dựng kế hoạch thao giảng, kế hoạch Hội thi toàn quốc; chuẩn bị và thông qua giáo án, chấm giáo án, tổ chức thao giảng, thi giảng; chấm thao giảng, thi giảng; việc đánh giá, rút kinh nghiệm thao giảng, tổ chức Hội thi toàn quốc; chế độ, chính sách cho giảng viên đạt kết quả tốt trong thao giảng và Hội thi toàn quốc.

Thứ ba, thao giảng các cấp và Hội thi toàn quốc phải là cơ hội để các giảng viên cập nhật nội dung các văn kiện mới nhất của Đảng, tình hình trong nước và quốc tế, những vấn đề lý luận và thực tiễn mới vào bài giảng. Muốn vậy, công tác chuẩn bị về nội dung cho thao giảng và Hội thi toàn quốc phải được đặc biệt quan tâm. Trong chấm điểm thao giảng và Hội thi toàn quốc, chú trọng đánh giá tiêu chí chuẩn bị nội dung.

Thứ tư, trên cơ sở những giảng viên dạy giỏi được lựa chọn qua thao giảng và Hội thi toàn quốc, các trường cần tiếp tục quan tâm, bồi dưỡng để giảng viên giỏi có điều kiện thuận lợi tiếp tục phấn đấu, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, ngày càng hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao, trở thành những chuyên gia giỏi, những người thầy Trường Đảng mẫu mực, có uy tín và trách nhiệm, được đồng nghiệp, học viên tiếp tục tôn vinh trên mọi cương vị công tác.

Thứ năm, kết quả thi giảng của các giảng viên tại Hội thi toàn quốc cần được thông báo tới thường trực tỉnh ủy, thành ủy và đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, quan tâm, tạo điều kiện và có chính sách cụ thể cho việc đào tạo, bồi dưỡng giảng viên; có chế độ động viên kịp thời các giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi và dạy giỏi xuất sắc. Ban Giám hiệu các trường chính trị cần động viên kịp thời những giảng viên đạt giảng viên dạy giỏi tại Hội thi.

Thứ sáu, phát huy những kết quả đã đạt được qua thao giảng các cấp và Hội thi toàn quốc, các trường cần tiếp tục duy trì và thúc đẩy phong trào “dạy tốt, học tốt”, với phương châm thi đua là “Đoàn kết - Kỷ cương - Gương mẫu - Sáng tạo - Hiệu quả” để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

 

Các trường cần có kế hoạch cụ thể và duy trì nền nếp tổ chức hoạt động thao giảng, dự giờ, tạo điều kiện cho giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp, nghiệp vụ sư phạm. Qua thao giảng đánh giá, phân loại chất lượng giảng viên, từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trước mắt và lâu dài để có được đội ngũ giảng viên đạt chuẩn, xây dựng trường chính trị chuẩn phục vụ cho công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của các địa phương và cả nước, nâng cao vị trí, vai trò của các trường chính trị.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2021

PGS, TS Nguyễn Duy Bắc

Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền