Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Phát huy vai trò của trường chính trị trong tổng kết thực tiễn
Thứ tư, 21 Tháng 7 2021 10:39
4265 Lượt xem

Phát huy vai trò của trường chính trị trong tổng kết thực tiễn

(LLCT) - Tổng kết thực tiễn ở địa phương là một trong tám nhiệm vụ trọng tâm của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, góp phần phục vụ nhiệm vụ giảng dạy và học tập của giảng viên, học viên, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong phát huy vai trò, đóng góp của các trường chính trị vào nghiên cứu, tham gia tư vấn chính sách cho địa phương. Bài viết chỉ ra thực trạng, đề xuất các giải pháp phát huy vai trò của các trường chính trong tổng kết thực tiễn địa phương thời gian tới.

Ảnh: Trường Chính trị tỉnh Gia Lai

1. Vị trí, vai trò của công tác tổng kết thực tiễn đối với các trường chính trị

Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ, cùng với chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị địa phương, các trường chính trị “tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương”(1).

Tổng kết thực tiễn là hoạt động xem xét, đánh giá, nhìn nhận về quá trình tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật và các thiết chế tự quản trong cộng đồng, những cách làm mới, mô hình hay, sáng tạo đã và đang được triển khai, áp dụng; là sự khái quát, đánh giá những điều kiện thực tiễn đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội... đang diễn ra ở địa phương. Công tác tổng kết thực tiễn của các trường chính trị dựa trên cơ sở vận dụng những quan điểm, nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của địa phương.

Tổng kết thực tiễn được tiến hành thông qua tổ chức thực hiện các đề tài, dự án, chủ trì các hội thảo khoa học, hội nghị tổng kết... gắn với nhiệm vụ chính trị tại địa phương; nhờ đó, rút ra các bài học hay, kinh nghiệm tốt, cách làm hiệu quả, đánh giá được tính khả thi và phù hợp của chính sách, trên cơ sở đó tư vấn cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị, an ninh và giải quyết các vấn đề xã hội. Đây cũng là hoạt động giúp các trường chính trị làm tốt hơn công tác triển khai lý luận, gắn lý luận vào thực tiễn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị địa phương, cơ sở đồng thời làm cơ sở phục vụ trực tiếp giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Địa phương là nơi diễn ra các hoạt động thực tiễn, là nơi tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, cũng như phát sinh những vấn đề mới khi vận dụng lý luận vào thực tiễn và triển khai chính sách, nhiều sáng kiến của quần chúng nhân dân chưa được khái quát hết, chưa được kiểm nghiệm để trở thành tri thức lý luận. Đó là những vấn đề thực tiễn đang đặt ra cấp bách, cần được tiếp tục làm sáng tỏ như: vấn đề dân tộc, tôn giáo, vấn đề phát huy vai trò tự quản cộng đồng dân cư; phát huy dân chủ, vấn đề về quản lý nhà nước của chính quyền các cấp (nhất là ở vùng có đạo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số); năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, phát huy vai trò người hoạt động không chuyên trách; công tác phát triển và xây dựng tổ chức Đảng ở cơ sở; giải quyết các vấn đề trong thực hiện đường lối, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ở địa phương như: chính sách xây dựng nông thôn mới, vấn đề hoạt động của các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị, tổ chức sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, công tác cán bộ, cải cách hành chính...

Tầm quan trọng của hoạt động tổng kết thực tiễn trong hệ thống các trường chính trị xuất phát từ bản chất của công tác này là giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện và phản hồi với cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách nếu chưa phù hợp. Mặt khác, việc giảng dạy lý luận chính trị là hoạt động đặc thù, thông qua các tri thức lý luận làm sáng tỏ thực tiễn; thực tiễn là cơ sở, động lực, mục đích và tiêu chuẩn của lý luận.

Việc giảng dạy lý luận chính trị cần tuân thủ sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, đây là nguyên tắc quan trọng trong lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thoát ly nguyên tắc này, lý luận sẽ rơi vào chủ nghĩa giáo điều, thiếu sức sống, bởi đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với tổng kết thực tiễn thì công tác giảng dạy lý luận chính trị mới hướng đến làm sáng tỏ, tuyên truyền, phổ biến Cương lĩnh, đường lối, chủ trương, nghị quyết và các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước một cách chân thực, hiệu quả nhất. Do đó, tổng kết thực tiễn trở thành nhiệm vụ quan trọng, tương quan với nghiên cứu, giảng dạy lý luận. Đảng ta đã nhấn mạnh vai trò của tổng kết thực tiễn đối với sự hình thành và phát triển lý luận gắn với điều kiện cụ thể, khắc phục tình trạng xơ cứng lý luận và xác định những phương thức tiến hành đặc thù, dành nguồn lực đầu tư xứng đáng, hạn chế tình trạng nghiên cứu chỉ giới hạn trong sách vở, thiếu gắn kết với thực tiễn.

2. Một số vấn đề đặt ra đối với hoạt động tổng kết thực tiễn của các trường chính trị hiện nay

Thứ nhất, nhận thức về nhiệm vụ tổng kết thực tiễn phục vụ đào tạo, bồi dưỡng ở các trường chính trị chưa đầy đủ và thiếu thống nhất do đó dẫn đến xem nhẹ hoặc thực hiện chưa hiệu quả.  Kết luận số 117-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả tích cực, một trong những hạn chế của trường chính trị hiện nay là “hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn chưa được chú trọng”(2). Nhiều trường chính trị làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, song công tác tổng kết thực tiễn còn lúng túng, thiếu định hướng, chưa xây dựng được kế hoạch cụ thể, lâu dài, thậm chí thự hiện “đối phó”, chưa đi vào chiều sâu, chất lượng, hiệu quả chưa cao.

Thứ hai, chất lượng nghiên cứu khoa học còn những hạn chế nhất định, công tác phối hợp với các cơ quan có chức năng xây dựng, chủ trì nhiệm vụ, đề tài, dự án, trong tổng kết chính sách, tham mưu chính sách tại địa phương chưa được chú trọng, dẫn đến hiệu quả thấp.

Điều này thể hiện qua số lượng ít ỏi các đề tài, dự án các cấp mà trường chính trị chủ trì. Các công trình nghiên cứu độc lập, các bài viết tổng kết thực tiễn địa phương của cán bộ, giảng viên các trường chính trị đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành, các tạp chí có uy tín ở Trung ương và địa phương chưa nhiều. Một số ấn phẩm là kết quả của quá trình nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của trường chính trị như: tạp chí, bản tin, sách chuyên khảo, sổ tay nghiệp vụ... dành cho cán bộ địa phương chưa được chú trọng biên soạn, xuất bản. Trang thông tin điện tử của các trường chính trị còn chưa phong phú về nội dung, chưa kịp thời thông tin đến cán bộ, giảng viên, học viên các hoạt động của nhà trường. Nhiều trường vẫn chưa chú trọng nâng cao chất lượng bài viết, số phát hành để trở thành nơi tổng kết thực tiễn, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ ở địa phương và trao đổi kinh nghiệm giữa các trường trong cả nước.

Năng lực tổng kết thực tiễn của một số trường Chính trị còn hạn chế. Việc chỉ đạo, định hướng trong nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn chưa thể hiện rõ tính chủ động, sáng tạo, chưa tiên phong trong những nội dung, vấn đề khó của tổng kết thực tiễn ở địa phương, chưa phát huy mạnh mẽ vai trò của cơ quan nghiên cứu, tổng kết lý luận.

Thứ ba, công tác tổng kết thực tiễn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cung cấp luận cứ bổ sung, phát triển lý luận. Một số vấn đề thực tiễn đã tiến hành thí điểm nhiều năm, nhưng công tác tổng kết thực tiễn vẫn chưa có kết luận rõ ràng để đúc rút kinh nghiệm hay đưa ra giải pháp như: xây dựng các mô hình làng nông thôn mới, thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, nhất thể hóa chức danh lãnh đạo tại địa phương, mô hình chính quyền đô thị, chính quyền địa phương là nông thôn đặc thù vùng biên giới, có đạo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Hoạt động tổng kết thực tiễn tại một số trường chính trị đang được hiểu theo nội hàm đi nghiên cứu cơ sở theo quy định, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo định mức... Do đó, hoạt động tổng kết thực tiễn tại nhiều địa phương còn mang tính hình thức, sản phẩm tổng kết thực tiễn chỉ dừng lại ở những báo cáo thống kê, nghiên cứu cơ sở, đề tài, hội thảo cấp khoa, cấp trường... mà chưa hướng đến tổng kết chính sách, chủ trương phục vụ cho bổ sung, phát triển lý luận.

Thứ tư, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương với trường chính trị trong công tác tổng kết thực tiễn chưa chặt chẽ. Hoạt động phối hợp và định hướng của Học viện với các trường chính trị chưa toàn diện, sâu sát. Kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học còn khiêm tốn, một số cán bộ làm công tác tổng kết thực tiễn chưa được bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu.

3. Giải pháp phát huy vai trò của trường chính trị trong hoạt động tổng kết thực tiễn

Để nâng cao hiệu quả hoạt động tổng kết thực tiễn địa phương của các trường chính trị cấp tỉnh trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương, các trường chính trị và đội ngũ cán bộ, giảng viên về công tác tổng kết thực tiễn của các trường chính trị.

Mục đích tổng kết thực tiễn là phục vụ nghiên cứu, giảng dạy lý luận, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp luận cứ khoa học, làm cơ sở cho việc tham mưu tư vấn chính sách đối với địa phương. Các trường chính trị chủ động xác định nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng kế hoạch cụ thể, tích cực, chủ động đảm nhận công tác tổng kết thực tiễn gắn với đào tạo, bồi dưỡng; ứng dụng kết quả tổng kết vào thực tế, giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương.

Thứ hai, chú trọng xây dựng cơ chế phối hợp giữa trường chính trị với các cơ quan có chức năng xây dựng nhiệm vụ, đề tài, dự án; chủ trì tham gia tổng kết thực tiễn, tham mưu chính sách tại địa phương đạt hiệu quả.

Để nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, các trường cần hướng nhiệm vụ trọng tâm của các đề tài, hội thảo vào tổng kết chính sách, khảo sát tình hình thực tiễn địa phương; chú trọng các vấn đề lý luận, đường lối, chính sách mới được đưa vào thực tiễn, những vấn đề có nhiều yếu tố mới tác động như: chính sách dân tộc, tôn giáo, nguồn nhân lực, khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất...

Thứ ba, chú trọng nâng cao trình độ, phát triển năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên các trường chính trị, tiến tới nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên gắn với chuẩn chức danh, vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu  đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tổng kết thực tiễn địa phương.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học của nhà trường, các khoa, phòng, bộ môn rà soát các cán bộ, giảng viên có năng lực nghiên cứu để hỗ trợ, tạo điều kiện về thời gian và kinh phí, từng bước bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên vững vàng về chuyên môn cả lý luận và thực tiễn, có năng lực nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thứ tư, xây dựng kế hoạch, đề xuất nhiệm vụ tổng kết thực tiễn ở địa phương theo hướng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng thời góp phần tích cực xây dựng chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các trường cần bám sát vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, từ đó đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn nhằm phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; phục vụ hoạt động lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp; tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách đề ra kế hoạch phát triển phù hợp với thực tiễn.

Thứ năm, tăng cường sự quan tâm, tạo điều kiện của các tỉnh ủy, thành ủy, các cơ quan chức năng có liên quan ở địa phương đến công tác tổng kết thực tiễn. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần hướng dẫn, hỗ trợ và tư vấn các trường chính trị trong đề xuất ý tưởng nghiên cứu khoa học phù hợp với chuyên môn và các vấn đề đang đặt ra từ thực tiễn của các địa phương.

Ngoài ra, cần tăng cường kết nối, liên kết các trường chính trị theo cụm khối thi đua để trao đổi, học tập kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đào tạo - bồi dưỡng cán bộ hệ thống chính trị, nghiên cứu khoa học cũng như nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2021

(1) Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

 (2) Kết luận số 117-KL/TW của Ban Bí thư ngày 20-11-2015 về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tài liệu tham khảo:

(1) Nghị định số 101/2017/NĐ-CP Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dao-tao-boi-duong/item/2614-truong-chinh-tri-cac-tinh-tay-nguyen-doi-moi-nghien-cuu-khoa-hoc-tong-ket-thuc-tien-dap-ung-yeu-cau-cong-tac-dao-tao-boi-duong-trong-tinh-hinh-moi.html

ThS Lê Thị Tình

Trường Chính trị tỉnh Gia Lai

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền