Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ của học viên cao cấp lý luận chính trị
Thứ năm, 05 Tháng 8 2021 14:27
4067 Lượt xem

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ của học viên cao cấp lý luận chính trị

(LLCT) - Trên cơ sở khẳng định việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới là một nhiệm vụ chính trị quan trọng hiện nay, bài viết đề xuất một số giải pháp đối với cơ sở đào tạo và đối với học viên cao cấp lý luận chính trị để thực hiện tốt nội dung này, bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo cao cấp lý luận chính trị.

Ngày 22-10-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới (Nghị quyết 35). Nghị quyết nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước...”(1).

Thực tế, không phải đến khi có Nghị quyết 35 mà trong thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng và bảo vệ nhân dân; kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, quyết định sự tồn vong của Đảng và của chế độ. Ðây là nhiệm vụ chính trị của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, mà trước hết là của đội ngũ cán bộ, đảng viên, và do đó, là nhiệm vụ chính trị quan trọng đối với học viên cao cấp lý luận chính trị.

1. Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gắn liền với tiêu chuẩn chính trị, việc thực hiện các nội dung của chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị, trở thành nhiệm vụ chính trị của học viên cao cấp lý luận chính trị.

Thứ nhất, xuất phát từ tiêu chuẩn chính trị của học viên cao cấp lý luận chính trị.

Để trở thành học viên cao cấp lý luận chính trị, tiêu chuẩn chính trị bắt buộc phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo đó, học viên cao cấp lý luận chính trị phải thực hiện các nhiệm vụ chung của người đảng viên được quy định cụ thể tại Điều 2 - Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011: “Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng..., chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Đảng...”(2). Bởi vậy, việc học tập, quán triệt và thực hiện các nghị quyết của Đảng nói chung và Nghị quyết 35 nói riêng là nhiệm vụ chính trị của tất cả đảng viên, trong đó có đội ngũ học viên cao cấp lý luận chính trị.

Nhiệm vụ chính trị quan trọng của học viên cao cấp lý luận chính trị trong thời gian học tại các cơ sở đào tạo của Đảng là học tập, nghiên cứu để tìm hiểu sâu hơn, rộng hơn về nền tảng tư tưởng của Đảng, các khối kiến thức bao quát các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội, nhằm tạo cho học viên có được nền tảng kiến thức vững chắc và cơ sở phương pháp luận khoa học để giải quyết hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn tại cơ quan, đơn vị. Trong quá trình học tập, học viên có thể nhận diện, phê phán, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Do vậy, xét từ góc độ nhiệm vụ của người đảng viên, việc thực hiện Nghị quyết 35, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ chính trị của học viên cao cấp lý luận chính trị.

Thứ hai, xuất phát từ mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị.

Mục tiêu của chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị là củng cố bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng; rèn luyện đạo đức, tác phong của người cán bộ cách mạng; trang bị tầm nhìn và tư duy chiến lược, phương pháp luận khoa học; giúp cập nhật kiến thức mới về các lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội trong nước và quốc tế; đồng thời cung cấp kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý; phát triển kỹ năng xử lý tình huống gắn với thực tế địa phương, ngành, lĩnh vực.

Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị là sau khi tốt nghiệp, học viên phải đạt được những kết quả nhất định về kiến thức, kỹ năng, thái độ. Cụ thể, Về kiến thức: Học viên phải nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cập nhật được các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về tình hình kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại, tình hình trong nước và thế giới... Về kỹ năng: Học viên có khả năng vận dụng kiến thức lý luận được trang bị để xử lý các vấn đề thực tiễn một cách khoa học, hiệu quả; có khả năng tư vấn và hoạch định chính sách, giao tiếp và thuyết trình tốt để tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục quần chúng; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch một cách nhanh chóng, chất lượng, trên cơ sở khai thác tốt các nguồn lực liên quan để xử lý các tình huống mới, phức tạp trong lĩnh vực công tác; đặc biệt là học viên phải có khả năng nhận diện, phê phán và đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng... Về thái độ: Trên cơ sở kiến thức và kỹ năng đó, học viên cao cấp lý luận chính trị phải có tinh thần, thái độ nghiêm túc, trách nhiệm trong học tập lý luận chính trị và vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn công tác và cuộc sống; đặc biệt là có ý thức và khả năng nêu gương về lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị; phẩm chất đạo đức, lối sống; tác phong làm việc(3).

Như vậy, nội dung cốt lõi trong mục tiêu và chuẩn đầu ra của học viên cao cấp lý luận chính trị là học để làm việc, để vận dụng các kiến thức lý luận vào giải quyết những vấn đề từ thực tiễn, trong đó có một mục tiêu quan trọng về kỹ năng là học viên phải có được khả năng nhận diện, phê phán và đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ ba, xuất phát từ nội dung của chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị.

Để đạt được mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị, một trong những cấu phần kiến thức quan trọng trong chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị ở nước ta hiện nay là các nội dung kiến thức cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đây là những kiến thức lý luận đã được lựa chọn là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quá trình học cao cấp lý luận chính trị sẽ giúp cho học viên nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn về tính cách mạng, tính khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; từ đó có thể nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch để đấu tranh bác bỏ, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng được xây dựng trên nền tảng tư tưởng đó; đồng thời bảo vệ nhân dân, bảo vệ Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam... Do vậy, học tập tốt nội dung chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị, học viên sẽ có được vũ khí lý luận để nhận diện, phê phán, đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng.

2. Để học viên cao cấp lý luận chính trị thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị này, không chỉ đòi hỏi sự tự giác và tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi học viên, mà cần có sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng, sự định hướng và tham gia của hệ thống chính trị các cấp, trực tiếp là các cơ sở đào tạo cao cấp lý luận chính trị. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cơ bản để học viên cao cấp lý luận chính trị có thể thực hiện tốt Nghị quyết 35 như sau:

Đối với cơ sở đào tạo:

Một là, tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung Nghị quyết 35 đến tất cả các học viên ngay từ khi nhập học, qua đó khẳng định việc thực hiện Nghị quyết 35 là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên của mỗi học viên trong suốt thời gian học, để mỗi học viên tự giác, chủ động, tích cực nhận thức và thực hiện.

Cần lưu ý, hình thức phổ biến, quán triệt Nghị quyết 35 đối với học viên cao cấp lý luận chính trị cần linh hoạt và hiệu quả, không chỉ phổ biến thông qua báo cáo viên, mà cần cụ thể hóa kế hoạch thực hiện Nghị quyết 35 của cơ sở đào tạo đến mỗi học viên. Đặc biệt, cần gắn việc thực hiện nội dung Nghị quyết 35 vào nội dung sinh hoạt định kỳ của chi bộ lớp.

Hai là, tổ chức phổ biến, quán triệt về mục tiêu, chuẩn đầu ra và các yêu cầu cơ bản của chương trình cao cấp lý luận chính trị đến tất cả các học viên ngay từ khi nhập học, để mỗi học viên nhận thức được nhiệm vụ của mình trong thời gian học tập, qua đó hình thành động cơ học tập tích cực cho học viên, để mỗi học viên chủ động xây dựng chương trình học tập của bản thân một cách khoa học, hợp lý. Thực tế cho thấy, nhiều học viên đang học và thậm chí có cả những người đã học xong chương trình cao cấp lý luận chính trị chưa có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về mục tiêu, chuẩn đầu ra và các yêu cầu của chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị.

Do vậy, để quá trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị đạt được các mục tiêu và chuẩn đầu ra như mong muốn, vừa bảo đảm nội dung kiến thức cần thiết để hình thành nên kỹ năng và thái độ cho người học, vừa giúp học viên vận dụng các kiến thức và kỹ năng học được vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn, nhất là trong việc thực hiện triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước thì việc làm thế nào để người học nắm được mục tiêu, chuẩn đầu ra và các yêu cầu cơ bản của chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị là điều kiện tiên quyết. Có thể thực hiện bằng hình thức phổ biến, quán triệt trên hội trường, hoặc giao cho ban cán sự các lớp phổ biến trong các buổi sinh hoạt lớp, đặc biệt có thể nghiên cứu ban hành cuốn “Sổ tay học viên” (hình thức mà các cơ sở giáo dục đại học đang làm và được đánh giá là có hiệu quả) để phát cho mỗi học viên tự nghiên cứu, trong đó dành một phần để giới thiệu đầy đủ các thông tin về nội dung chương trình, mục tiêu, chuẩn đầu ra và các yêu cầu cơ bản của chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị để mỗi học viên nhận thức rõ và thực hiện.

Ba là, tạo điều kiện về hạ tầng thông tin, không gian sinh hoạt, môi trường học thuật...; đồng thời khuyến khích, hoặc có thể yêu cầu mỗi chi bộ lớp học viên thành lập các “môi trường”, “không gian”..., phù hợp với từng chi bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho học viên tìm hiểu về Nghị quyết 35, trao đổi học thuật, thể hiện lập trường tư tưởng, chia sẻ thông tin, nhận diện, phê phán và đấu tranh phản bác  các quan điểm sai trái, thù địch... Các “môi trường”, “không gian”... do các chi bộ lớp lập ra phải được cơ sở đào tạo kiểm tra, giám sát thường xuyên, nhất là việc công bố các kết quả nghiên cứu, phát ngôn và chia sẻ thông tin có liên quan đến nền tảng tư tưởng của Đảng. Cần coi hoạt động trong các không gian này của chi bộ và sự tham gia của mỗi học viên là một trong những tiêu chí đánh giá định kỳ đối với chi bộ và học viên.

Bốn là, gắn kết việc thực hiện Nghị quyết 35 vào từng nội dung môn học, chuyên đề trong chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị. Yêu cầu mỗi giảng viên của cơ sở đào tạo không ngừng cập nhật kiến thức mới, lồng ghép việc nhận diện, phê phán, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch vào những chuyên đề, môn học phù hợp. Đồng thời, cần làm cho mỗi giảng viên của cơ sở đào tạo nhận thức được việc thực hiện Nghị quyết 35 là nhiệm vụ chính trị của mỗi giảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Đối với học viên:

Một là, trước hết, mỗi học viên cần nhận thức việc thực hiện Nghị quyết 35 là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong học cao cấp lý luận chính trị để có sự nhận thức đúng đắn về nội dung, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 35. Thường xuyên quán triệt, vận dụng phù hợp các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 35 trong quá trình học tập tại cơ sở đào tạo và trong công việc chuyên môn tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Hai là, chủ động tìm hiểu về mục tiêu, chuẩn đầu ra và các yêu cầu cơ bản của chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị khi được cử đi học, để nhận thức được nhiệm vụ chính trị của mình trong thời gian học tập; chủ động xây dựng chương trình học tập của bản thân một cách khoa học, hợp lý trên cơ sở gắn lý luận với thực tiễn, gắn nhiệm vụ học tập với nhiệm vụ của người đảng viên, trực tiếp là nhiệm vụ thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách của Nhà nước, trong đó có Nghị quyết 35.

Ba là, trên cơ sở nhận thức về trách nhiệm của mỗi học viên đối với việc thực hiện Nghị quyết 35, mỗi học viên cần xác định rõ động cơ học tập của bản thân để không ngừng học tập, nghiên cứu nhằm nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành thế giới quan và phương pháp luận của mỗi người trong cuộc sống và công việc, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; bảo vệ nhân dân, bảo vệ Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và bảo vệ những thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được.

Bốn là, tích cực tham gia các buổi sinh hoạt chính trị do cơ sở đào tạo tổ chức, tham gia đầy đủ các hoạt động chuyên môn, đồng thời tích cực hoạt động trong các “môi trường”, “không gian” do chi bộ hoặc cơ sở đào tạo lập ra để trao đổi học thuật, thể hiện lập trường tư tưởng, nghiên cứu, tìm kiếm, chia sẻ thông tin, nhận diện, phê phán và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch...

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước... Đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên trong tiến trình cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có các học viên cao cấp lý luận chính trị.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2021

(1) Bộ Chính trị: Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

(2) ĐCSVN: Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

(3) Dẫn theo: http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dao-tao-boi-duong/item/3183-quy-trinh-xay-dung-noi-dung-chuong-trinh-cao-cap-ly-luan-chinh-tri-o-hoc-vien-chinh-tri-quoc-gia-ho-chi-minh.html.

Tài liệu tham khảo:

1. ĐCSVN: Kết luận số 57-KL/TW, ngày 8-3-2013 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luậnchính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”

2. Hồ Trọng Hoài - Trần Thị Tú Anh: Xây dựng chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Lý luận chính trị, số 12, 2017.

3. Ban Tổ chức Trung ương: Quyết định số 4741-CV/BTCTW, ngày 20 tháng 5 năm 2013 về một số vấn đề về đào tạo cao cấp lý luận chính trị-hành chính, 2013.

TS NGUYỄN VĂN THẮNG

TS VŨ THỊ HỒNG KHANH

Học viện Chính trị khu vực I

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền