Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Phát triển năng lực tư duy phản biện cho học viên đào tạo sĩ quan Quan hệ quốc tế về quốc phòng hiện nay
Thứ bảy, 08 Tháng 1 2022 10:22
7918 Lượt xem

Phát triển năng lực tư duy phản biện cho học viên đào tạo sĩ quan Quan hệ quốc tế về quốc phòng hiện nay

(LLCT) - Sau khi đưa ra quan niệm về năng lực tư duy, phát triển năng lực tư duy phản biện, vai trò, nội dung, sự cần thiết phải phát triển năng lực tư duy phản biện, bài viết đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm phát triền năng lực tư duy phản biện trong học tập, rèn luyện của học viên đào tạo sĩ quan Quan hệ quốc tế về quốc phòng hiện nay. 

Ảnh minh họa: qdnd.vn

Tư duy phản biện là một đặc tính bẩm sinh dưới dạng năng lực của con người, năng lực ấy có thể được phát triển thông qua quá trình hoạt động nhận thức và thực tiễn. Năng lực tư duy là khả năng hoạt động của chủ thể trong việc tìm kiếm, khám phá, tích lũy tri thức và vận dụng tri thức vào giải quyết những nhiệm vụ do cuộc sống đặt ra; bảo đảm cho hoạt động của con người đạt chất lượng và hiệu quả cao. Năng lực tư duy phản biện là sử dụng thành thạo, nhuần nhuyễn nội dung và phương pháp tư duy để phát hiện vấn đề và có phương thức xử lý tốt vấn đề đặt ra, đó là khả năng quan sát, phân tích, đánh giá và khái quát hóa của chủ thể nhận thức, theo một quá trình với những thao tác tư duy nhằm xác định tính chân thực hay giả dối của thông tin, trước khi lựa chọn hay bác bỏ thông tin hoặc một ý tưởng nào đó. 

Ngoại giao là hoạt động chính trị - xã hội đặc thù, cán bộ, nhân viên ngoại giao cần được đào tạo, bồi dưỡng đầy đủ về phẩm chất, năng lực ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ được giao “Nắm bắt xu thế và quy luật vận động của thế giới kết hợp với tư duy thực tiễn và biện chứng là tiền đề cần thiết cho việc xác định đúng đắn mục tiêu và chính sách đối ngoại trong từng giai đoạn lịch sử”(1)

Học viên đào tạo sĩ quan Quan hệ quốc tế về quốc phòng (học viên) - cán bộ đối ngoại quốc phòng tương lai, ngoài yêu cầu về phẩm chất, năng lực chung của người cán bộ, họ cần được phát triển năng lực tư duy phản biện - một trong những kỹ năng quan trọng không thể thiếu. Đây là “chìa khóa” giúp học viên tiếp thu tri thức và vận dụng phương pháp luận biện chứng duy vật; năng lực trong tổng kết, khái quát thực tiễn, nghiên cứu khoa học, rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Không giống với đối tượng học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội khác trong Quân đội, học viên - sĩ quan Quan hệ quốc tế về quốc phòng tương lai, cần có sự kết hợp biện chứng giữa tri thức, kỹ năng ngoại ngữ và nghệ thuật quan hệ ngoại giao phù hợp với đặc thù của hoạt động đối ngoại quốc phòng trong quan hệ với đất nước, con người, văn hóa của đối tượng, đối tác; có phẩm chất, hành vi, lối sống, cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp theo các chuẩn mực của người cán bộ ngoại giao. Biết nắm bắt tâm lý, trình độ, văn hóa của đối tác và sử dụng ngôn ngữ trong sáng, dễ nhớ, dễ hiểu khi giao tiếp.

Phát triển năng lực tư duy phản biện của học viên đào tạo sĩ quan là quá trình tác động tích cực, chủ động, có mục đích của các chủ thể nhằm không ngừng nâng cao năng lực tiếp nhận tri thức có lý trí, có sự phân tích, đánh giá, nhận định, đặt câu hỏi tại sao để phản biện lại với tự chính mình và tiếp nhận thông tin từ bên ngoài không xuôi chiều, dễ dãi. Nói cách khác, tư duy phản biện không chỉ đơn thuần là sự tiếp nhận tin tức thụ động mà là khả năng đánh giá, suy xét vấn đề theo nhiều chiều, nhiều khía cạnh khác nhau một cách lôgích, sáng tạo nhằm tìm ra lập luận để đưa ra nhận định có cơ sở khoa học và dẫn chứng cụ thể để xem xét, phản bác lại kết quả của một quá trình tư duy khác, hướng tới xác định lại tính chính xác của thông tin. 

Tư duy phản biện gồm: tư duy phản biện lại nhận thức, suy nghĩ, hành động của chính bản thân mình và tư duy phản biện đối với sự tác động từ bên ngoài trong quá trình tiếp nhận thông tin có lý trí thông qua sự phân tích, đánh giá, nhận định, đặt câu hỏi tại sao. Khách quan, toàn diện, lịch sử - cụ thể, phát triển để xác nhận có hay không, đúng hay sai, trong học tập là một quá trình tư duy biện chứng, gồm: áp dụng, phân tích, tổng hợp và đánh giá một vấn đề tri thức, vấn đề học tập theo các hướng tiếp cận, nhìn nhận riêng, nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề học tập. 

Tư duy phản biện không phải là tư duy nói trái chiều, cố gắng tìm cách biện luận ngược. Cái đích của phản biện trong học tập không phải là bác bỏ, chỉ trích, phê bình, hay phê phán mà làm sáng tỏ vấn đề thực hành, thực tập một cách thuyết phục bằng những lý luận do người phản biện đưa ra. 

“Điều cốt yếu trước tiên bảo đảm cho hoạt động ngoại giao thành công là việc theo dõi sát tình hình, nắm bắt các chiều hướng cơ bản, phân tích xu thế phát triển và những khả năng diễn biến của tình hình để từ đó vạch ra những chủ trương, đối sách thích đáng”(2). Thông qua tư duy phản biện, hướng chủ thể tiệm cận tới chân lý của tri thức; bởi lẽ, sau khi sàng lọc, biện giải qua lại, bản chất và chân lý của vấn đề sẽ được làm sáng tỏ. Trong học tập tư duy phản biện có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp học viên vượt qua cách suy nghĩ ngụy biện, khuôn mẫu, lối mòn, hướng đến cái mới trong khoa học, thoát ra khỏi những rào cản tâm lý, định kiến xã hội trong suy nghĩ, nỗ lực tìm cách tiếp cận đúng đắn, sáng tạo.

Tư duy phản biện trở thành một trong những kỹ năng quan trọng giúp học viên chủ động, tích cực gắn kết nội dung tri thức lý luận với quan sát để tìm hiểu vấn đề, phân tích đặt câu hỏi từ các góc độ khác nhau trong học tập, nghiên cứu dấu hiệu về tính hai mặt trong một vấn đề, xác định tầm, mức quan hệ đối tác, đối tượng trong khi thực hành, tập bài về quan hệ ngoại giao. 

Phát triển tư duy phản biện, giúp cho học viên biết lập luận kết nối lôgích các ý tưởng; phát hiện mâu thuẫn, sai lầm trong các lập luận để đưa ra những đánh giá, nhận định đúng về đối tượng, hướng đến việc phát hiện dự báo chính xác xu hướng vận động, phát triển của quan hệ trong tiếp nhận tri thức, thực hành, thực tập. 

Tư duy phản biện còn góp phần kích thích khả năng khám phá sáng tạo của học viên cả trong nhận thức, vận dụng kiến thức được trang bị vào hoạt động thực tiễn ở môi trường đàm phán và trong tổng kết, khái quát, tìm ra tri thức mới. 

Năng lực tư duy phản biện của học viên chỉ được coi là tốt khi đưa ra nhận định, phán đoán về nội dung tri thức tiếp nhận đạt được tiêu chí: rõ ràng, mạch lạc, chính xác, thống nhất, ngắn gọn, phù hợp, có những giải thích và lý do thuyết phục, khách quan, toàn diện. 

Tuy đã có nhiều cố gắng của cả giảng viên và học viên trong quá trình đào tạo, nhưng việc hình thành và phát triển năng lực tư duy phản biện của bộ phận học viên còn có những hạn chế nhất định. Trong học tập, một số học viên vẫn còn sử dụng phương pháp học tập “nghe - chép” một cách thụ động, người học chủ yếu theo lối ghi nhớ máy móc, chú ý nhiều vào học lý thuyết. Thực tế này đã làm suy yếu khả năng tư duy độc lập phản biện, sáng tạo; hạn chế về kỹ năng thực hành, kỹ năng giao tiếp, tạo ra nếp nghĩ thụ động trong phần lớn bài học. 

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng trong bối cảnh thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, quan hệ giữa “đối tượng” và “đối tác” diễn ra đan xen phức tạp, đòi hỏi phải “Nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, phong cách chuyên nghiệp, đổi mới sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”(3). Việc phát triển năng lực tư duy phản biện của học viên Quan hệ quốc tế về quốc phòng cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp cơ bản như sau:

Một là, tiếp tục chuẩn hóa chương trình, nội dung, đổi mới phương pháp đào tạo để phát triển năng lực tư duy phản biện của học viên 

Để đáp ứng những đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, công tác giáo dục - đào tạo sĩ quan Quan hệ quốc tế về quốc phòng phải được đổi mới thường xuyên để không ngừng nâng cao chất lượng mọi mặt của đội ngũ này. Đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp, hình thức đào tạo, bảo đảm cho học viên nắm vững hệ thống tri thức khoa học, bao gồm: tri thức khoa học đại cương, khoa học chuyên ngành, khắc phục sự mất cân đối giữa các khối kiến thức và mọi biểu hiện của phương pháp tư duy siêu hình ở người học; tạo ra các động lực mới kích thích sự tìm tòi, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học và rèn luyện của học viên. 

Lượng kiến thức trang bị cho học viên vừa phải đáp ứng mặt bằng đào tạo theo chức vụ vừa đáp ứng trình độ học vấn đại học. Trên cái “nền” vững chắc của kiến thức, tư duy phản biện mới có điều kiện “nảy mầm” phát triển đúng định hướng và đạt kết quả. 

Việc đổi mới, hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo phải theo hướng “cơ bản, hệ thống, chuyên sâu, hiện đại”, “Nhà trường gắn liền với đơn vị”, “chuẩn hóa, hiện đại hóa”.

Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo cần kế thừa kinh nghiệm của các nước và các trường đại học tiên tiến, hiện đại. Đồng thời, bám sát xu hướng phát triển của quan hệ đối ngoại và thực tiễn quân sự hiện nay. Theo đó, nội dung, chương trình đào tạo cần bổ sung, cập nhật và vận dụng tốt các thành tựu trong quan hệ ngoại giao. Nội dung, chương trình đào tạo của học viên Quan hệ quốc tế về quốc phòng phải phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện. Đào tạo cơ bản giúp học viên có thể thích nghi với những biến đổi trong mọi điều kiện, hoàn cảnh khác nhau của nhiệm vụ; chương trình, nội dung phải bảo đảm tính cơ bản, tính gợi mở, tính thực tiễn, phát triển năng lực tư duy sáng tạo, mềm dẻo, linh hoạt.

Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng “lấy người học làm trung tâm”. Để quá trình giáo dục - đào tạo thành công thì không chỉ cần có nội dung chương trình chuẩn, mà còn phải có phương pháp dạy học phù hợp nhằm kích thích niềm đam mê, sáng tạo ở học viên. Theo đó, cần bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giảng viên về phương pháp dạy học tích cực; về các khoa học có liên quan đến phát triển tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của học viên, giúp giảng viên có những quan điểm nhận thức mới, phương pháp mới trong giảng dạy. Từng bước khắc phục phương pháp tư duy “cũ”, không còn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Kết hợp nhiều phương pháp dạy học và vận dụng các phương pháp sáng tạo, linh hoạt trong giảng dạy, làm cho phương pháp đó phù hợp với đặc điểm từng môn học, đối tượng người học. Tăng cường phương pháp dạy học kích thích sự phát triển năng lực tư duy của người học, như: phương pháp nêu vấn đề, phỏng vấn, hỏi đáp... khái quát, neo chốt kiến thức. Trong đó, giảng viên nghiên cứu, thiết kế nội dung bài giảng có các vấn đề, các tình huống mâu thuẫn để học viên tập trung suy nghĩ, tìm tòi, giải đáp, tranh luận, thảo luận, phản biện, phát hiện chân lý, gia tăng sự tương tác giữa giảng viên và học viên. Tích cực sử dụng phương tiện kỹ thuật hỗ trợ, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học. 

Đổi mới công tác kiểm tra, ra đề thi theo hướng tổng hợp, suy luận, khắc phục kiểu ôn bài, học thuộc lòng, nhắc lại bài giảng của giảng viên. Đây là mắt khâu quan trọng, là thủ thuật sư phạm giúp giảng viên nắm vững năng lực, phương pháp tư duy, trình độ nhận thức, khả năng tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của người học. Việc thực hiện kiểm tra, làm bài thi của học viên là quá trình học viên phát huy cao nhất năng lực và phương pháp tư duy phản biện của họ. Vì vậy, các đề thi, kiểm tra cần xây dựng theo hướng bắt buộc người học phải đọc nhiều sách, có óc sáng tạo, hạn chế sự tái hiện thông thường, giản đơn khi ôn tập. 

Hai là, phát huy vai trò tích cực, chủ động của học viên trong rèn luyện phát triển năng lực tư duy phản biện của họ 

Học viên chỉ thật sự phát triển năng lực tư duy phản biện khi tự nhận thức, kiểm tra, đánh giá chính xác khả năng của mình trước mục tiêu, yêu cầu đào tạo, tích cực tự giác, chủ động tìm tòi, khát vọng, đam mê khám phá, lĩnh hội tri thức, vốn sống và năng lực giải quyết hiệu quả thực tiễn đối ngoại quốc phòng. 

Để tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm trong việc tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện, đòi hỏi học viên phải ý thức được vị trí, vai trò, yêu cầu chức trách, nhiệm vụ của mình; thấy rõ sự cần thiết phải phát triển năng lực tư duy phản biện của bản thân trước yêu cầu cao của nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, sự phát triển của tình hình nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, thấy được nhu cầu của bản thân, là yêu cầu khách quan của thực tiễn đối ngoại quốc phòng luôn biến đổi phát triển. 

Học viên phải nhận thức rõ những kiến thức mà nhà trường trang bị chỉ là những kiến thức cơ bản, nền tảng ban đầu, chứ không phải là chìa khóa “vạn năng” để họ giải quyết các công việc trong hoạt động thực tiễn đối ngoại quốc phòng sau này. Vì vậy, học viên phải tự xây dựng động cơ đúng đắn, ý chí quyết tâm cao, kiên trì, bền bỉ tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vươn lên để giải quyết những mâu thuẫn tồn tại trong chính bản thân mình, với tinh thần “học tập suốt đời”. Từ đó, phát huy vai trò chủ động, tích cực, tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện phát triển năng lực tư duy phản biện của chính mình. 

Ba là, xây dựng môi trường học tập dân chủ, rèn luyện trí tuệ để phát triển năng lực tư duy phản biện của học viên 

Môi trường học tập, rèn luyện tốt là cơ sở để định hướng, phát huy tính tích cực, tự giác của mỗi học viên trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện để phát triển năng lực tư duy phản biện, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo và thực tiễn công tác sau khi ra trường. 

Xây dựng hệ thống các hình thái hoạt động ngoại giao quân sự ở Học viện thực chất là việc tổ chức các hoạt động xây dựng, kiện toàn và duy trì hoạt động của các tổ chức lãnh đạo, chỉ huy, các tổ chức quần chúng, Hội đồng quân nhân, các cơ quan chức năng tham mưu theo đúng nguyên tắc tổ chức, quy chế làm việc; thực hiện khen thưởng, kỷ luật khách quan, bình đẳng, công khai, nghiêm minh, kịp thời; thực hiện tốt các chế độ hoạt động trong các cơ quan, khoa, giáo viên, đơn vị quản lý học viên... thông qua các hình thái hoạt động đối ngoại quân sự mà các giá trị của tri thức được truyền dẫn đến học viên ngày càng phong phú, đa dạng, sinh động, giàu chất sáng tạo, nhân văn sẽ góp phần to lớn trong giáo dục, rèn luyện phát triển năng lực tư duy phản biện của họ. Xây dựng hệ thống thiết chế học tập, rèn luyện phải được tiến hành đồng bộ, cả hoạt động xây dựng hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, các tổ chức quần chúng với hệ thống các quy chế, quy tắc sinh hoạt, hoạt động, làm việc của các tổ chức. Bảo đảm tốt các cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho quá trình học tập, nghiên cứu khoa học của học viên. Xây dựng cảnh quan môi trường Học viện xanh, sạch, đẹp, có tính sáng tạo cao để phát triển năng lực tư duy phản biện của học viên.

__________________

(1), (2) Nguyễn Mạnh Cầm: Ngoại giao Việt Nam góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trong Hội nhập quốc tế và giữ gìn bản sắc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.7, 7.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.165.

NCS HOÀNG VĂN TUYÊN

Học viện Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền