Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng    Quán triệt quan điểm Đại hội XIII vào giáo dục quốc phòng, an ninh
Thứ năm, 20 Tháng 1 2022 15:54
12589 Lượt xem

Quán triệt quan điểm Đại hội XIII vào giáo dục quốc phòng, an ninh

(LLCT) - Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của cách mạng Việt Nam. Bài viết khái quát nhận thức, tư duy mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN và đề xuất giải pháp tăng cường giáo dục quốc phòng, an ninh. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị Quân uỷ Trung ương lần thứ ba - Ảnh: baochinhphu.vn

Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc là nhiệm vụ quan trọng, luôn được đề cập trong văn kiện các Ðại hội Ðảng. Qua mỗi kỳ Ðại hội, quan điểm của Ðảng về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc luôn có sự bổ sung, phát triển, ngày càng hoàn thiện, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng giai đoạn cách mạng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. 

Trên cơ sở đánh giá tình hình trong nước, khu vực, quốc tế và xu thế của thời đại, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, bổ sung, phát triển những quan điểm cơ bản về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.

1. Về mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc

Đại hội XIII xác định: “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(1)

Như vậy, mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ của quốc phòng an ninh tiếp tục được Đảng ta khẳng định nhất quán, xuyên suốt nhưng có sự bổ sung rõ hơn, toàn diện hơn về nội hàm và phạm vi bảo vệ. 

Đại hội XIII đã chỉ rõ, mục tiêu bảo vệ Tổ quốc không đơn thuần là để đối phó với chiến tranh, mà vấn đề quan trọng và thiết yếu là tạo ra sức mạnh để giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình nhằm xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, là sự vận dụng nhuần nhuyễn lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo vệ phải gắn với xây dựng, xây dựng phải đi đôi với bảo vệ. 

Mục tiêu của bảo vệ là để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước; và xây dựng phát triển đất nước tạo cơ sở, tiền đề bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Bảo vệ Tổ quốc về mặt tự nhiên - lịch sử với việc bảo vệ Tổ quốc về mặt chính trị - xã hội là mối quan hệ biện chứng trong tính chỉnh thể thống nhất. Vì vậy, phải gắn chặt việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ với bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và bảo vệ chế độ XHCN. Phải gắn chặt việc giữ vững ổn định chính trị, xã hội với bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đây là quan điểm biện chứng khách quan, cụ thể, lịch sử và phát triển, đáp ứng sự phát triển của tình hình thế giới, khu vực, của đất nước và yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng an ninh trong tình hình mới. 

Điểm mới trong văn kiện lần này là việc khẳng định, bảo đảm an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước. Đây là vấn đề quan trọng trong mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay, phản ánh đúng xu thế và đặc điểm tình hình đất nước. Bởi suy cho cùng, mọi vấn đề đều xuất phát từ con người và tất cả mọi vấn đề lại đều quay trở về với con người. Con người là vấn đề có tính chiến lược, là trung tâm của mọi hoạt động, là mục tiêu và động lực phát triển đất nước, và bản chất chế độ XHCN mà nước ta đang xây dựng đều hướng đến bảo vệ cuộc sống bình yên, đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Vì vậy, trong bối cảnh mới hiện nay, vấn đề bảo đảm an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để mang lại hạnh phúc thực sự cho nhân dân là đặc biệt quan trọng. Xét ở khía cạnh trình bày, nét mới trong văn kiện lần này là các nội dung, vấn đề trong mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng an ninh được đặt trong một tổng thể chung, quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại theo một trục thống nhất, không tách rời. Đây là cơ sở và định hướng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

2. Về phương thức và giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục có những bước phát triển mới trong tư duy về phương thức và giải pháp bảo vệ Tổ quốc XHCN: “Xác định: “chủ động phòng ngừa” là chính. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe doạ an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế”(2). Đây là sự kế thừa, vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm “giữ nước từ lúc chưa nguy”, phát triển tư tưởng bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” để xác định rõ phương thức, giải pháp “chủ động phòng ngừa” là chính. Bước phát triển này cũng thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của Đảng về quốc phòng an ninh trong tình hình mới, nhằm chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi, giải tỏa các điểm nóng, các nguy cơ dẫn đến xung xung đột vũ trang; nhất là việc chủ động ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống đang ngày càng hiện hữu và đe dọa trực tiếp đối với toàn cầu hiện nay. 

Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định: “xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại”(3)

Quan điểm trên vừa thể hiện sự nhất quán với các quan điểm trước đó của Đảng, đồng thời nhấn mạnh việc phát huy mạnh mẽ và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, coi đó là một trong những phương thức hữu hiệu để bảo vệ Tổ quốc.

Điểm mới ở kỳ Đại hội lần này là Đảng ta đã đặt các thành tố kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng an ninh trong một chỉnh thể gắn kết, thống nhất. Đây cũng là bước phát triển, bổ sung mới về phương thức bảo vệ Tổ quốc, làm tăng khả năng phát huy nội lực, tiềm năng, bản sắc và truyền thống của dân tộc Việt Nam trong bảo vệ Tổ quốc cũng như trong xây dựng đất nước hiện nay; phát huy và làm sâu sắc thêm tính chất toàn dân, toàn diện của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN. 

Xét trong tính tổng thể, các phương thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc được sử dụng một cách tổng hợp, linh hoạt, mềm dẻo, đặt trong mối quan hệ và sự tương tác lẫn nhau để huy động sức mạnh tổng hợp và vai trò của mọi lĩnh vực, mọi lực lượng, mọi người và các tổ chức trên các phương diện của đời sống xã hội để bảo vệ Tổ quốc, thể hiện sâu sắc tính chất toàn dân, toàn diện của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới. 

Một nét mới khác về phương thức và giải pháp tăng cường quốc phòng an ninh, bảo vệ Tổ quốc, đó là việc Đảng xác định rõ: Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và củng cố các tuyến phòng thủ biên giới, biển, đảo; có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng an ninh. Đó là bước phát triển mới về mặt tư duy trong định hướng phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh, phản ánh đúng yêu cầu thực tiễn. Giải quyết tốt vấn đề này sẽ tạo sức mạnh tổng hợp cho cả quốc phòng an ninh và các nhiệm vụ khác, tạo ra nguồn lực lớn cho việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới. 

3. Về lực lượng và sức mạnh quốc phòng an ninh bảo vệ Tổ quốc

Đại hội XIII của Đảng khẳng định nhất quán “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”(4). Đặc biệt, trong văn kiện lần này, Đảng đã xác định rõ phương hướng: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”(5); tiếp tục nhấn mạnh và chỉ rõ việc xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân “vững mạnh về chính trị”. Quan điểm trên thể hiện đúng ý chí, quyết tâm và nỗ lực của Đảng ta trong suốt các nhiệm kỳ Đại hội trước đó, nhằm xây dựng lực lượng vũ trang tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Ở văn kiện lần này, Đảng đã xác định rõ các mốc thời gian cụ thể: Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đây là định hướng đặc biệt quan trọng để phát triển tiềm lực và sức mạnh của Quân đội và Công an đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Để xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện, phải lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở, bảo đảm lực lượng vũ trang luôn tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, gắn bó máu thịt với nhân dân; không mơ hồ, chủ quan, mất cảnh giác; tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” của các thế lực thù địch. 

Một điểm nhấn quan trọng nữa, đó là Đảng ta đã xác định rõ: “Tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia và các chiến lược quốc phòng, an ninh chuyên ngành khác”(6). Trải qua quá trình nghiên cứu và đúc kết từ thực tiễn, chúng ta đã xây dựng được tổng thể và đồng bộ các chiến lược để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trên mọi phương diện. Đây là các chiến lược rất quan trọng và là một thể thống nhất, liên quan mật thiết với nhau, tác động trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi phải thực hiện toàn diện và đồng bộ. Các chiến lược đó phản ánh tư duy chiến lược toàn diện của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc, thể hiện quan điểm quốc phòng an ninh toàn diện, tổng hợp của đất nước. Vì vậy, việc triển khai đồng bộ các chiến lược đó sẽ tạo ra thế và lực, lực lượng và sức mạnh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới. 

4. Quán triệt quan điểm Đại hội XIII về quốc phòng an ninh, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng an ninh

Giáo dục quốc phòng an ninh là một bộ phận quan trọng của nền giáo dục quốc dân, một nội dung cơ bản trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác quốc phòng của Đảng, Nhà nước nhằm bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn của dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Quán triệt quan điểm Đại hội XIII về quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN gắn với nâng cao chất lượng giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh, cần chú trọng thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Quán triệt sâu sắc quan điểm mới của Đại hội XIII về quốc phòng an ninh trong tình hình mới là yêu cầu cơ bản, là yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho học viên trong các nhà trường hiện nay. Đặc biệt, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương tám khóa XI “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, những điểm mới trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Luật Giáo dục quốc phòng và các thông tư, chỉ thị của Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ Quốc phòng về giáo dục quốc phòng an ninh. Nâng cao hơn nữa vai trò của các cấp ủy Đảng, hệ thống chỉ huy các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục, quán triệt nhiệm vụ bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng an ninh cho các đối tượng. 

Mặt khác, từng cán bộ, giảng viên, học viên cần nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng an ninh, trên cơ sở đó nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc học tập, quán triệt nắm vững những kiến thức quốc phòng an ninh, coi đây là trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân.

Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh. Đây là giải pháp quan trọng để chuyển tải nội dung giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh. Trên cơ sở nội dung, chương trình khung giáo dục quốc phòng an ninh, cần cụ thể hóa chương trình, kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng sát với từng đối tượng cụ thể. Do tính đặc thù chương trình giáo dục quốc phòng an ninh thường “khô cứng”, người học dễ nhàm chán; bởi vậy, cùng với việc cập nhật kịp thời, bổ sung sự phát triển mới của nhiệm vụ quốc phòng an ninh, bảo vệ Tổ quốc vào nội dung giảng dạy, các nhà trường cần đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng và sự phát triển của nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Bám sát chương trình theo quy định, mỗi giảng viên cần đề cao trách nhiệm, tích cực, chủ động nghiên cứu cập nhật, bổ sung nội dung từng chuyên đề cho phù hợp với tình hình thực tiễn; trong đó, tập trung cả phần kiến thức quốc phòng an ninh chung và những vấn đề thực tiễn đặt ra về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 

Cùng với đổi mới nội dung, chương trình, cần đẩy mạnh đổi mới phương pháp theo hướng phát huy tính sáng tạo, tích cực của người học. Theo đó, trước hết cần nâng cao chất lượng soạn giáo án, ứng dụng công nghệ thông tin vào nghiên cứu, trao đổi, cập nhật, khai thác thông tin, tư liệu trong biên soạn giáo án điện tử, tạo sự sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn người học. Mặt khác, trong quá trình lên lớp, giảng viên cần sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy, huấn luyện, tích hợp các phương pháp dạy - học trong cùng một bài giảng; khắc phục lối truyền thụ một chiều, tăng tính đối thoại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, rèn luyện cho người học năng lực tư duy, vận dụng kiến thức vào thực hành và thông qua thực hành để tiếp thu kiến thức lý thuyết. 

Tăng cường bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, góp phần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục quốc phòng an ninh. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng giảng dạy, bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng an ninh. Đội ngũ giảng viên giữ vai trò quyết định chất lượng giáo dục, đào tạo. Tăng cường hoạt động bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy, qua đó nâng cao năng lực và phương pháp, kỹ năng sư phạm. Đồng thời, động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên học tập, nghiên cứu cập nhật những kiến thức, thông tin mới về quốc phòng an ninh để không ngừng nâng cao trình độ.

__________________ 

(1), (2), (3), (4), (5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t. I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 156, 156-157, 157, 156, 157-158, 160.

TS BÙI QUANG HUY

Trường Sỹ quan Chính trị - Bộ Quốc phòng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền