Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Giảng dạy chính trị học trong chương trình cao cấp lý luận chính trị với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ năm, 17 Tháng 2 2022 16:41
9686 Lượt xem

Giảng dạy chính trị học trong chương trình cao cấp lý luận chính trị với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

(LLCT) - Chính trị học nghiên cứu chính trị với tính cách một chỉnh thể, từ phạm trù trung tâm, xuất phát là quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, dựa chắc trên nền tảng tư tưởng chính trị của một giai cấp, tầng lớp xã hội nhất định. Bài viết làm rõ tính tất yếu khách quan, một số nội dung cơ bản và phương pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong nghiên cứu, giảng dạy chính trị học nói chung, chương trình cao cấp lý luận chính trị nói riêng.

1. Tính tất yếu khách quan của nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong nghiên cứu, giảng dạy chính trị học ở nước ta 

Chính trị học là môn khoa học nghiên cứu và giảng dạy nhằm cung cấp hệ thống tri thức cơ bản và có tính chỉnh thể về các vấn đề của chính trị. Chính trị học dựa trên nền tảng hệ tư tưởng chính trị của giai cấp thống trị, của các đảng phái chính trị cầm quyền và bảo vệ nền tảng, hệ tư tưởng chính trị ấy. Chính trị và chính trị học nếu xa rời nền tảng tư tưởng chính trị sẽ không có lý do tồn tại và phát triển. Chính trị học, giới nghiên cứu chính trị học ở quốc gia nào cũng luôn tôn trọng những vấn đề có tính nguyên tắc là bảo vệ nền tảng tư tưởng, hệ tư tưởng, mục tiêu lý tưởng, lợi ích và sự tồn tại, phát triển sống còn của giai cấp thống trị, đảng cầm quyền và quốc gia - dân tộc của mình; nghiên cứu chính trị, quan hệ chính trị có nhiều nội dung khác nhau chứ không chỉ có vấn đề giai cấp, nhưng giá trị và lợi ích giai cấp luôn là “mạch ngầm” chi phối các nghiên cứu và giảng dạy chính trị học. 

Trong nghiên cứu và giảng dạy chính trị học ở các nước phương Tây và những nước theo mô hình phương Tây, mặc dù có chịu ảnh hưởng của nhiều giá trị văn hóa, truyền thống có tính bản địa của mỗi quốc gia - dân tộc, nhưng đều dựa trên nền tảng của chủ nghĩa tự do tư sản (với nhiều hệ, nhánh khác nhau như tự do bảo thủ, tự do cấp tiến hay tự do dân chủ, tự do xã hội, thậm chí tự do mang màu sắc tôn giáo như tự do dân chủ Cơ đốc giáo, tự do dân chủ Thiên Chúa giáo...). Chính trị học tư sản, do yêu cầu và nhiệm vụ của nó, luôn hướng vào bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng chính trị tư sản, luận giải những vấn đề chính trị thực tiễn của giai cấp tư sản thống trị, của quốc gia - dân tộc tư sản, trước hết là của các đảng phái chính trị tư sản cầm quyền. 

Thực tế cho thấy, chính trị học phương Tây thường tập trung nghiên cứu những vấn đề chính trị “nội bộ” của họ, những vấn đề “có tính kỹ thuật” của chính trị hơn là những vấn đề có “tính chính trị” của chính trị; những vấn đề thuộc về tầng bản chất của chính trị, như vấn đề giai cấp, chuyên chính giai cấp ... thì chính trị học phương Tây “lảng tránh” hay “giấu kín” một cách rất tinh vi. Trong khi đó, việc nghiên cứu về những vấn đề có “tính chính trị” của chính trị như nền tảng tư tưởng, hệ tư tưởng chính trị... mà họ thực hiện lại chủ yếu hướng ra bên ngoài như là những mũi tấn công vào các nền tảng tư tưởng, hệ tư tưởng chính trị của các đảng phái chính trị ở các quốc gia, nhóm quốc gia khác hệ tư tưởng với họ. 

Nền tảng tư tưởng, hệ tư tưởng với tính cách là mục tiêu và đối tượng mà chính trị học phương Tây chống lại là nền tảng tư tưởng, hệ tư tưởng phong kiến, phong kiến câu kết với nhà thờ (thời Trung cổ), nền tảng tư tưởng, hệ tư tưởng vô sản. Hơn nữa, giới nghiên cứu chính trị ở đây cũng không ngại ngần và thậm chí rất kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, hệ tư tưởng tự do của họ một cách “ngấm ngầm”, nhưng lại công khai trong đấu tranh chống lại những quan điểm mà họ cho là sai trái và thù địch.

Chính trị học ở Việt Nam hay chính trị học Việt Nam, chính thức trở thành một chuyên ngành khoa học từ đầu những năm 1990 và đang phát triển, dựa vững trên thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cụ thể hơn, chính trị học Việt Nam dựa trên nền tảng của triết học mác xít, kinh tế chính trị học mácxít, chủ nghĩa xã hội khoa học và tư tưởng Hồ Chí Minh... Chính trị học Việt Nam nghiên cứu và cung cấp hệ thống tri thức cơ bản về chính trị nói chung và chính trị ở Việt Nam nói riêng; phát triển các năng lực nhận thức, vận dụng và sáng tạo những tri thức kinh nghiệm, tri thức lý luận về chính trị và các tri thức có liên quan đến chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức (cán bộ lãnh đạo, quản lý, mặt trận, đoàn thể...) và nhân dân trong hoạt động chính trị, chính sách; hình thành và phát triển năng lực, đạo đức, nghiệp vụ và kỹ năng trong hoạt động chính trị, chính sách; xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị và xã hội, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Nghiên cứu, giảng dạy chính trị học ở nước ta hiện nay trước hết phải làm rõ phạm trù, khái niệm chính trị và sử dụng đúng đắn khái niệm này trong toàn bộ các chương trình chính trị học. Trong đó, cần bám sát các quan điểm, luận điểm về chính trị của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; theo đó, chính trị là lĩnh vực quan hệ giai cấp, là lợi ích giai cấp (cũng như quan hệ, lợi ích quốc gia, dân tộc); là vấn đề quyền lực (quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, quyền lực - quyền làm chủ của nhân dân, quyền độc lập và chủ quyền quốc gia) và vấn đề giành, giữ, tổ chức và sử dụng quyền lực chính trị, nhà nước; là hoạt động chính trị thực tiễn của giai cấp, tầng lớp xã hội, đảng chính trị, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân nhằm xây dựng và thực hiện thắng lợi mục tiêu, đường lối chính trị đúng đắn của Đảng. Do vậy, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hay là bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và nhất là bảo vệ những quan điểm, luận điểm khoa học và cách mạng về chính trị, phản bác quan điểm sai trái, thù địch về những nội dung này một cách kiên quyết và có cơ sở khoa học trong nghiên cứu và giảng dạy chính trị học ở nước ta luôn là yêu cầu tất yếu, khách quan. 

Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong giảng dạy chính trị học thuộc chương trình cao cấp lý luận chính trị ở nước ta bắt nguồn từ chức năng, nhiệm vụ và vai trò của hoạt động giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ hiện nay, giúp đội ngũ cán bộ: nắm vững thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, hệ thống tri thức cơ bản và kỹ năng chủ yếu về chính trị từ môn chính trị học; góp phần xây dựng và củng cố nhận thức chính trị một cách khoa học và cách mạng, phát triển năng lực vận dụng lý luận vào thực tiễn một cách hiệu quả và sáng tạo; hình thành phương pháp và kỹ năng lãnh đạo, quản lý và tham gia chính trị một cách linh hoạt, nhuần nhuyễn (chuyên nghiệp); nâng cao đạo đức cách mạng, lối sống trong sáng, giản dị, khiêm tốn; tích cực đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, chống các quan điểm sai trái, thù địch; hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó. 

2. Một số nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong nghiên cứu, giảng dạy chính trị học 

Môn chính trị học thuộc chương trình cao cấp lý luận chính trị ở nước ta hiện nay, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn, sử dụng trong nghiên cứu, giảng dạy ở hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và một số học viện quân đội, công an, có bảy chuyên đề. Các chuyên đề này được biên soạn và giảng dạy theo một lôgíc tương đối chặt chẽ, hợp lý, giữa các chuyên đề có mối quan hệ với nhau; phạm trù trung tâm, xuất phát là vấn đề quyền lực chính trị nói chung và quyền lực chính trị ở Việt Nam hiện nay nói riêng. Nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác quan điểm sai trái, thù địch cần được xác định cụ thể ở mỗi bài (chuyên đề) như sau:

Trong bài (chuyên đề) 1: Khái luận về chính trị học, cần: (i) Làm rõ đối tượng, nội dung và phương pháp tiếp cận, nghiên cứu của chính trị học, trong đó có chính học học ở Việt Nam (chính trị học Việt Nam); cần làm rõ chính trị học ở Việt Nam là chính trị học mácxít (tương tự như triết học mácxít, kinh tế chính trị học mácxít, văn hóa học mácxít... ở Việt Nam). (ii) Làm rõ những tri thức và giá trị chủ yếu về chính trị trong lịch sử chính trị của nhân loại và của Việt Nam; ở nội dung này cần nắm vững các quan niệm, khái niệm, định nghĩa của các nhà kinh điển mácxít, nhất là của V.I.Lênin về chính trị. (iii) Làm rõ những quy luật và những vấn đề có tính quy luật của chính trị và vấn đề chính trị là một phạm trù lịch sử mà chính trị học cần nghiên cứu. (iv) Giới thiệu và phân tích khái quát về cách tiếp cận, nội dung và phương pháp nghiên cứu, giảng dạy của chính trị học trên thế giới và chính trị học ở Việt Nam. (v) Hướng trực tiếp những nội dung và phương pháp nghiên cứu, giảng dạy chính trị học vào việc nhận thức và giải quyết đúng đắn những vấn đề của thực tiễn chính trị trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay. (vi) Những nội dung trên cần được tiếp cận, phân tích trên cơ sở của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đồng thời, cần phê phán quan điểm cho rằng, chính trị học chỉ nghiên cứu những vấn đề, quy luật chung nhất của chính trị và xem nhẹ những vấn đề, quy luật riêng của các nền/ chế độ/ mô hình chính trị cụ thể ở mỗi quốc gia - dân tộc, trong đó có Việt Nam. Cần phân tích trên tinh thần phê phán quan niệm của chính trị học phương Tây khi cho rằng chính trị chỉ là vấn đề cai trị, phương pháp và nghệ thuật cai trị, chính trị là công việc chung, là sự thỏa hiệp và đồng thuận, là quyền phân bổ tài nguyên và giá trị xã hội... và xem đây là đối tượng nghiên cứu của chính trị học của mình; giới thiệu và chỉ ra những giá trị và hạn chế của các phương pháp nghiên cứu của chính trị học phương Tây.

Trong bài (chuyên đề) 2: Quyền lực chính trị trong thế giới đương đại, cần làm rõ: (i) Các quan niệm khác nhau về quyền lực, quyền lực chính trị; tuy nhiên, ở phạm trù trung tâm và xuất phát này của chính trị học, nhất là chính trị học mácxít ở Việt Nam cần nắm chắc quan niệm, khái niệm của Ph.Ăngghen về khái niệm, nguồn gốc, bản chất và xu hướng vận động của quyền lực, quyền lực chính trị và một số quan điểm của các nhà kinh điển về vấn đề giành, giữ và thực thi quyền lực, nhất là chính quyền (tầm quan trọng, phương pháp, tình thế, thời cơ giành chính quyền), xác định đây là quan điểm có ý nghĩa nền tảng và khái niệm có tính công cụ khi nghiên cứu quyền lực chính trị. (ii) Sử dụng phép biện chứng duy vật để phân tích các tác động của thế giới biến đổi đối với quyền lực chính trị như một tất yếu khách quan; tuy nhiên, sự “xuất hiện của một số loại quyền lực mới - quyền lực mềm, quyền lực thông minh, quyền lực công chúng...”, “sự phân tán” của quyền lực chính trị hiện nay (như trong giáo trình chính trị học nêu) không làm mất đi bản chất, nhất là bản chất giai cấp của quyền lực chính trị, mà chỉ là những thay đổi các hình thái biểu hiện của quyền lực hiện nay. (iii) Khẳng định quyền lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân trong bối cảnh lịch sử mới.

Đồng thời, cần phê phán các quan điểm cho rằng: (i) Quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước dường như ngày càng suy yếu; (ii) “Sự lên ngôi” của quyền lực mềm, quyền lực thông minh, quyền lực công chúng... dường như ngày càng làm quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, nhất là quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân và chính đảng chân chính của nó và quyền quản lý của Nhà nước trở nên mờ nhạt và ít cần thiết; (iii) Cần phê phán việc cổ súy tư tưởng dân túy, mị dân trong chính trị và xã hội, những nhận thức mơ hồ, lệch lạc về dân chủ, nhân quyền, chủ quyền v.v..

Trong bài (chuyên đề) 3: Văn hóa chính trị cần làm rõ: (i) Nhận thức đúng đắn quan niệm mác xít về văn hóa và văn hóa chính trị với tính cách là một phương diện của văn hóa làm cơ sở cho việc nêu khái niệm văn hóa và văn hóa chính trị. (ii) Cần chỉ ra tính chất, bản chất giai cấp của văn hóa chính trị (hệ tư tưởng, nền tảng chính trị - pháp lý, các giá trị, chuẩn mực, niềm tin chính trị chủ đạo được áp dụng cho toàn xã hội. (iii) Cần chỉ ra trình độ giác ngộ lý luận chính trị, lập trường, quan điểm của giai cấp là những thành tố quan trọng hàng đầu của văn hóa chính trị (mặc dù không tuyệt đối hóa các thành tố này). Đồng thời cần phê phán quan điểm sai trái, thù địch khi cổ súy hoàn toàn cho văn hóa chính trị, văn hóa dân chủ, nhân quyền... của phương Tây và các văn hóa chính trị ngoại lai, không phù hợp khác. 

Trong bài (chuyên đề) 4: Hệ thống chính trị và các mô hình hệ thống chính trị, cần làm rõ: (i) Khi phân tích khái niệm, cấu trúc của hệ thống chính trị... với những biểu hiện khác nhau, nhưng thực chất vẫn là hệ thống chuyên chính của giai cấp thống trị dù ở các nước tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa đều như vậy. (ii) Khi phân tích so sánh giữa các mô hình hệ thống chính trị cần chỉ ra không chỉ những giá trị mà còn phải chỉ ra những hạn chế của các mô hình hệ thống chính trị. (iii) Cần phân tích hoàn cảnh lịch sử, tương quan lực lượng chính trị, đặc điểm kinh tế, văn hóa và xã hội ở các nước theo mỗi mô hình hệ thống chính trị được giới thiệu trong chuyên đề này. (iv) Khi liên hệ, phân tích về hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay, cần chỉ rõ mục tiêu, bản chất của hệ thống này là hệ thống chính trị bao gồm đảng kiểu mới, nhà nước  kiểu mới của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Đồng thời, cần phê phán những quan điểm sai trái, xuyên tạc cho rằng, việc chuyển sang sử dụng khái niệm “hệ thống chính trị”, như ở nước ta hiện nay, là từ bỏ “chuyên chính vô sản (!)”; không thấy rõ hoặc lảng tránh vấn đề thực chất của “chuyên chính giai cấp” trong mỗi hệ thống chính trị; cổ súy chế độ đa nguyên, đa đảng, nhà nước tam quyền phân lập; nhìn nhận phiến diện, đề cao một chiều chế độ dân chủ nghị viện hay chế độ tổng thống...; không thấy rõ thực chất, bối cảnh lịch sử hình thành, tồn tại và những nan giải, thậm chí khủng hoảng của các chế độ đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập, dân chủ đa nguyên...ở nhiều nước trên thế giới cho đến nay. 

Trong bài (chuyên đề) 5: Nhà chính trị tiêu biểu, cần làm rõ: (i) Khía cạnh chính trị (quan điểm, lập trường, thái độ, trách nhiệm, đạo đức, tư cách, phong cách chính trị) của con người chính trị, nhất là giới lãnh đạo cấp cao, chính khách, nhà kiến tạo quốc gia cần được nhìn nhận theo quan điểm toàn diện và lịch sử; nhìn nhận đúng đắn hoàn cảnh xuất hiện và vai trò lịch sử của các nhà chính trị tiêu biểu ở trong nước cũng như quốc tế, quan hệ quốc tế. (ii) Cần nắm vững quan điểm mácxít về vai trò của cá nhân trong lịch sử khi phân tích các nhà chính trị tiêu biểu. Đồng thời, cần phê phán những quan điểm sai trái, thù địch về thủ lĩnh chính trị hay những nhà chính trị tiêu biểu. 

Trong bài (chuyên đề) 6: Kinh nghiệm xử lý tình huống chính trị - xã hội ở Việt Nam hiện nay, cần làm rõ: (i) Cần nắm vững quan điểm mácxít khi phân tích về mục tiêu, yêu cầu và quy trình xử lý tình huống, nhận diện tình huống và nguyên nhân của tình huống, phân biệt, phân loại tình huống. (ii) Cần vận dụng nhuần nhuyễn quan điểm mácxít khi phân tích các vấn đề nguyên tắc và phương pháp, chức năng, nhiệm vụ và kỹ năng xử lý tình huống. iii) Học tập kinh nghiệm xử lý tình huống chính trị - xã hội để chủ động, sáng tạo mà không rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm khi xử lý tình huống, nhất là những tình huống mới, phức tạp. Đồng thời, cần phê phán những quan điểm sai trái, thù địch như  xuyên tạc, chia rẽ, kích động, can thiệp, “tài trợ” vào các tình huống chính trị - xã hội, gây mất ổn định chính trị - xã hội, cản trở công cuộc đổi mới, phát triển đất nước ta.   

Trong bài (chuyên đề) 7: Vấn đề an ninh chính trị trong thế giới biến đổi hiện nay, cần: nắm vững quan điểm, quan niệm của C.Mác và V.I.Lênin trong tiếp cận và giải quyết vấn đề an ninh; tập trung làm rõ khái niệm, nội dung và nhiệm vụ, thời cơ và thách thức đối với an ninh tư tưởng chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, an ninh thể chế chính trị, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN. 

Đồng thời, ở bài (chuyên đề) này cần phê phán những quan điểm sai trái, thù địch về những vấn đề an ninh chính trị và xã hội, trong đó có an ninh tư tưởng (nhất là an ninh nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ XHCN); an ninh thể chế (an ninh đối với tổ chức Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, hệ thống chính trị...), an ninh về con người, trong đó có an ninh về cán bộ (bảo vệ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt và năng lực công tác cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm); an ninh về văn hóa, văn hóa chính trị, nhất là văn hóa lãnh đạo, quản lý và tham gia chính trị; về khối đại đoàn kết dân tộc, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong chính sách đối ngoại và đoàn kết quốc tế; về lợi dụng dân chủ, nhân quyền, chạy theo tư tưởng dân túy... cản trở công cuộc đổi mới, phát triển đất nước ta.

3. Một số vấn đề về phương pháp 

Thứ nhất, những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy chính trị học ở nước ta và nhất là ở hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần: (i) Đứng vững trên lập trường, quan điểm và sử dụng nhuần nhuyễn phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong nghiên cứu chính trị, chính trị học, xây dựng giáo trình, giáo án và khi trực tiếp giảng dạy (lên lớp) môn học này. (ii) Nắm vững những nguyên tắc hay vấn đề có tính nguyên tắc trong việc lựa chọn nội dung và phương pháp phân tích, liên hệ các nội dung của chính trị học mácxít ở Việt Nam. (iii) Tiếp cận các thành tựu mới trong nghiên cứu, giảng dạy chính trị học trên thế giới, tích hợp các giá trị về nội dung và phương pháp nghiên cứu, giảng dạy môn học này từ trong và ngoài nước. (iv) Sử dụng hợp lý các phương pháp tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, trong đó có các phương pháp của chính trị học hiện đại vào xây dựng giáo án và giảng dạy trên lớp. (v) Lựa chọn, xây dựng các lập luận, dẫn chứng (số liệu, sự kiện, bình luận...) chính trị xác đáng, có giá trị, có nguồn gốc và cập nhật về chính trị. (vi) Bám sát các nội dung cốt lõi của chính trị như “dòng chính”, kết hợp làm phong phú, sinh động và hấp dẫn của giáo án, của bài giảng với những ví dụ liên quan, cập nhật và đã được chọn lọc kỹ lưỡng và có trách nhiệm. (vii) Nêu và phản bác quan điểm sai trái, thù địch một cách có căn cứ và lập luận khoa học, thực tiễn về những vấn đề có liên quan.

Thứ hai, những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy chính trị học ở nước ta, nhất là ở hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần: (i) nghiên cứu môn học này từ chính trị học trong nước đến chính trị học nước ngoài, nắm vững đối tượng, phương pháp, những hướng nghiên cứu và nội dung nghiên cứu chủ yếu và cập nhật của môn học khoa học chính trị cơ bản này. (ii) Nghiên cứu, nắm vững những mục tiêu, yêu cầu và kết cấu của chương trình cao cấp lý luận chính trị, nhất là mục tiêu, yêu cầu (về cả tri thức, tư tưởng và kỹ năng) của môn chính trị học cũng như mục tiêu, yêu cầu của từng bài (chuyên đề) của môn chính trị học trong chương trình cao cấp lý luận chính trị. (iii) Không ngừng nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, cần được học tập các “Chương trình giới thiệu tác phẩm kinh điển mácxít” nói chung và giới thiệu tác phẩm kinh điển mácxít về chính trị nói riêng, nắm vững những quan điểm, luận điểm - nhất là những quan điểm, luận điểm mácxít có tính nền tảng về chính trị. (iv) Chủ động nghiên cứu và theo dõi kịp thời các nghiên cứu có tính lý thuyết, học thuật về chính trị học; bám sát đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bám sát thực tiễn chính trị trong và ngoài nước, bám sát người học để có những phân tích, liên hệ thực tế có tính thuyết phục, học tập từ chính người học để có những tri thức mới, kinh nghiệm mới, phương pháp mới cho nghiên cứu, giảng dạy của mình. (v) Nâng cao ý thức trách nhiệm, niềm tin và tính đảng, tính chiến đấu; làm tăng tính khoa học, tính cách mạng và tính hấp dẫn đối với chính trị học. 

Như vậy, nghiên cứu, giảng dạy môn chính trị học thuộc chương trình cao cấp lý luận chính trị với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề có tính nguyên tắc, yêu cầu khách quan, nhu cầu bức thiết trước mắt và lâu dài, là trách nhiệm và niềm tin khoa học, là thái độ và tình cảm cách mạng về cả nội dung và phương pháp của những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy chương trình này, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

PGS, TS LÊ MINH QUÂN

Viện Chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền