Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Phát huy truyền thống vẻ vang, tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với các hoạt động của Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Thứ hai, 24 Tháng 10 2022 14:23
2862 Lượt xem

Phát huy truyền thống vẻ vang, tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với các hoạt động của Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(LLCT) - Qua 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, xứng đáng là một Trường Đảng, một trường đại học trọng điểm của quốc gia về đào tạo giảng viên lý luận chính trị, cán bộ báo chí - truyền thông và một số lĩnh vực khác. Bài viết khái quát quá trình lãnh đạo của Đảng bộ thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Nhà trường.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Ảnh: nguoilambao.vn

1. Những dấu mốc lịch sử

Ngày 16-01-1962, Trường Tuyên giáo Trung ương (tiền thân của Học viện Báo chí và Tuyên truyền ngày nay) được thành lập theo Nghị quyết 36/NQ-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng trên cơ sở hợp nhất 3 trường: Trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu II, Trường Tuyên huấn và Trường Đại học Nhân dân.

Ngay sau khi trường được thành lập, Đảng ủy Ban Tuyên giáo Trung ương đã đề nghị Đảng ủy cơ quan Chính - Dân - Đảng Trung ương ra quyết định thành lập Đảng bộ Trường Tuyên giáo Trung ương. Ngày 19-3-1962, Ban Chấp hành Đảng bộ các cơ quan Chính - Dân - Đảng Trung ương ban hành Nghị quyết số 43-NQ/ĐU quyết định thành lập Đảng bộ Trường Tuyên giáo Trung ương gồm các Chi bộ cán bộ, nhân viên và các Chi bộ học viên của Trường Tuyên huấn và Trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu II; đồng thời, ủy nhiệm đồng chí Đỗ Xuân Mai - Thường vụ Đảng ủy Ban Tuyên giáo Trung ương trực tiếp cùng các đồng chí Bí thư Chi bộ của trường có trách nhiệm sắp xếp tổ chức, chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ trường để quyết định phương hướng công tác và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Tuyên giáo Trung ương.

Đảng bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã trải qua nhiều giai đoạn với những tên gọi khác nhau: Đảng bộ Trường Tuyên giáo Trung ương (năm 1962), Đảng bộ Trường Tuyên huấn Trung ương (năm 1974), Đảng bộ Trường Tuyên huấn Trung ương I (năm 1983), Đảng bộ Trường Tuyên giáo (tháng 3-1990), Đảng bộ Trường Đại học Tuyên giáo (tháng 11-1990), Đảng bộ Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (năm 1993) và Đảng bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền (năm 2005).

Đến nay, Đảng bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức thành công 24 kỳ Đại hội, các đồng chí Bùi Hồng Việt, Tào Văn Hào, Hoàng Phong, Phạm Nam Minh, Đỗ Xuân Khắc, Ngô Đôn, Vũ Đình Hòe, Vương Đình Vượng, Phạm Đình Huỳnh, Tạ Ngọc Tấn, Lương Khắc Hiếu, Trương Ngọc Nam, Phạm Minh Sơn và Mai Đức Ngọc lần lượt được bầu và chỉ định giữ chức vụ Bí thư Đảng bộ Học viện.

2. Những thành tựu đạt được

Từ những ngày đầu thành lập, trong bối cảnh đất nước có chiến tranh, trường phải sơ tán ở nhiều nơi, Đảng bộ luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của Nhà trường để lãnh đạo cán bộ, đảng viên thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mà Trung ương giao là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo, phục vụ sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Giai đoạn năm 1969-1975 là một trong những thời kỳ khó khăn nhất của Nhà trường, Đảng bộ đã lãnh đạo, động viên cán bộ, đảng viên từng bước mở rộng quy mô đào tạo, mở nhiều lớp dài hạn với trình độ lý luận và nghiệp vụ ngày càng cao. Trong công tác xây dựng nội bộ, Đảng bộ đã có nhiều cố gắng tìm tòi phương thức lãnh đạo phù hợp với điều kiện thực tế.

Trước năm 1977, Đảng bộ được tổ chức thành Đảng bộ 3 cấp (chưa hoàn chỉnh), trực thuộc Đảng bộ cơ quan Chính - Dân - Đảng Trung ương. Từ sau năm 1977, Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ huyện Từ Liêm. Hoạt động của Đảng bộ trong từng thời kỳ có những đặc điểm khác nhau nhưng nhìn chung đã lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đồng thời làm tốt công tác xây dựng nội bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Năm 1983, sau khi sáp nhập Trường Tuyên huấn Trung ương và Trường Nguyễn Ái Quốc Phân hiệu V thành Trường Tuyên huấn Trung ương I trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nhà trường bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Từ khi được công nhận là Trường Đại học Tuyên giáo vào năm 1990 thì nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách công tác tư tưởng, phóng viên báo chí, giảng viên lý luận chính trị ở trình độ đại học ngày càng nhiều. Đảng bộ và Ban Giám hiệu Nhà trường đã phối hợp chặt chẽ, từng bước đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu đổi mới toàn diện của Đảng, từng bước chính quy hóa công tác đào tạo theo quy chế của Bộ Đại học, đưa hoạt động của Nhà trường lên một bước phát triển mới.

Năm 1993, Nhà trường đổi tên thành Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, Đảng bộ Phân viện nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị của mình là đào tạo ở trình độ đại học các chuyên ngành giảng viên lý luận chính trị; cán bộ làm công tác tư tưởng, báo chí, tuyên truyền, xuất bản; lãnh đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong giai đoạn này, Phân viện đã có những chuyển biến mới trên nhiều phương diện, như: quy mô đào tạo được mở rộng với nhiều loại hình đào tạo; chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao; công tác nghiên cứu khoa học được quan tâm và phát triển nhanh với hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp nhà nước đến cấp cơ sở; cơ sở vật chất - kỹ thuật được trang bị khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng và Nhà nước.

Thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 30-7-2005 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trường đổi tên thành Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đảng bộ lúc này trực thuộc Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Để hoàn thành nhiệm vụ Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giao, Đảng bộ cùng với Ban Giám đốc Học viện đã chủ động, sáng tạo, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, xây dựng Học viện trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về lý luận chính trị, tư tưởng - văn hóa, báo chí, truyền thông có trình độ đại học và trên đại học.

Năm 2015, Học viện Báo chí và Tuyên truyền được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh sách các cơ sở đào tạo, xây dựng thành trường đại học trọng điểm quốc gia trong hệ thống giáo dục quốc dân. Điều này thể hiện bước trưởng thành vượt bậc của Học viện, đồng thời cũng đòi hỏi Đảng ủy cùng với Ban Giám đốc Học viện tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Trong 60 năm qua, Đảng bộ Học viện đã làm tốt công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, là hạt nhân lãnh đạo chính trị của Nhà trường, góp phần tạo nên những thành công to lớn trong sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, lý luận, văn hóa, báo chí, truyền thông của Đảng và hệ thống chính trị. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ, năng động, sáng tạo trong việc xác định nội dung, phương thức lãnh đạo. Đảng bộ luôn coi trọng nâng cao chất lượng toàn diện các mặt hoạt động, điều này thể hiện rõ nét trong các nghị quyết qua các kỳ đại hội Đảng bộ, các chương trình, kế hoạch, đề án hành động thực hiện nghị quyết của Đảng bộ và nhất là các chương trình hành động và chủ trương của Đảng bộ được xây dựng, thực hiện trong những năm gần đây:

Một là, công tác chính trị, tư tưởng luôn được Đảng bộ coi trọng

Đảng bộ luôn bám sát thực tiễn Nhà trường, lãnh đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị - tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng, tăng cường thống nhất về tư tưởng và hành động, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo của Đảng bộ. Cán bộ, đảng viên giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tin tưởng vào các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tự hào với những thành tựu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội mà đất nước đạt được.

Hai là, Đảng bộ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, trọng tâm là hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, hoạt động khoa học, hợp tác quốc tế và xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật

Đảng bộ xác định việc lãnh đạo nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng là nhiệm vụ trung tâm, cơ bản và hàng đầu, gắn đào tạo, bồi dưỡng với nhu cầu cán bộ của hệ thống chính trị; bảo đảm sự cân đối hợp lý về quy mô, cơ cấu các ngành đào tạo, hình thức đào tạo, trình độ đào tạo. Nhờ đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đạt nhiều thành tựu quan trọng. Quy mô đào tạo ngày càng được mở rộng (thời kỳ năm 1969 - 1972, Học viện mới chỉ đào tạo 4 chuyên ngành thì đến nay đã có 41 ngành, chuyên ngành đào tạo đại học (01 ngành liên kết đào tạo quốc tế); 20 ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ; 7 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ). Các hình thức đào tạo được đa dạng hóa; nội dung, chương trình đào tạo, giáo trình, bài giảng và phương pháp giảng dạy không ngừng được đổi mới, chất lượng đào tạo ngày càng nâng cao, đáp ứng yêu cầu về đội ngũ cán bộ cho các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cho xã hội.

Đảng bộ quan tâm lãnh đạo hoạt động khoa học. Hoạt động khoa học có mối quan hệ chặt chẽ với hoạt động đào tạo, làm tiền đề cho hoạt động đào tạo phát triển nhằm nâng cao trình độ tư duy lý luận và năng lực nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên; nghiên cứu phát hiện tri thức mới, cung cấp tri thức cho việc giảng dạy, viết giáo trình, sách tham khảo...; gắn quá trình đào tạo của Nhà trường với thực tiễn hoạt động nghề nghiệp của người học khi ra trường. Do đó, Đảng bộ đã rất coi trọng hoạt động khoa học, xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng và luôn quan tâm lãnh đạo nhằm thúc đẩy hoạt động này phát triển. Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch hoạt động khoa học ngắn hạn, trung hạn, Đảng bộ Học viện đã chú trọng lãnh đạo xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược hoạt động khoa học dài hạn, tạo ra căn cứ vững chắc cho việc thực hiện thành công chiến lược phát triển của Học viện.

Đảng bộ coi trọng lãnh đạo hoạt động hợp tác quốc tế và đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng. Những năm gần đây, Học viện mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo đại học, sau đại học; trao đổi học thuật, trao đổi giảng viên, chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo và nghiên cứu khoa học; phối hợp tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học quốc tế thu hút nhiều nhà khoa học và các tổ chức quốc tế tham gia; thực hiện các đề tài, dự án về đổi mới giáo trình, chương trình giảng dạy và hỗ trợ đào tạo báo chí, truyền thông, quan hệ công chúng, xã hội học, quan hệ quốc tế và ngoại ngữ...

Học viện có những bước chuyển biến đột phá trong mở rộng quan hệ với các đối tác nước ngoài, phát triển sâu hơn các hạng mục hợp tác với các trường đại học, các tổ chức khoa học, giáo dục thuộc các nước, như: Lào, Trung Quốc, Ôxtrâylia, Pháp, Thụy Điển, Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga...và nhiều tổ chức quốc tế. Liên kết đào tạo, bồi dưỡng quốc tế với Đại học Meddlesex (Anh), Đại học Viên (Áo)... với quy mô ngày càng lớn và bảo đảm yêu cầu về chất lượng. Hợp tác quốc tế đã góp phần nâng cao uy tín của Học viện, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp; qua đó, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường. Đảng bộ lãnh đạo hoạt động hợp tác quốc tế bảo đảm đúng chủ trương của Đảng, đường lối, pháp luật của Nhà nước; đúng quy chế ngoại giao; vừa bảo đảm nguyên tắc lại vừa chủ động, sáng tạo và linh hoạt; có nhiều đổi mới, đi vào chiều sâu, hiệu quả, tạo tiền đề tích cực cho các hoạt động đối ngoại lâu dài.

Đảng bộ quan tâm lãnh đạo xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật đồng bộ và hiện đại; hoàn thiện cảnh quan, môi trường sư phạm, phục vụ đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Thời gian qua, công tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị mới được đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập. Công tác quản lý tài chính, tài sản công ngày càng khoa học, hiệu quả, bảo đảm đúng chế độ, chính sách.

Ba là, đội ngũ cán bộ của Học viện đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Khi mới thành lập, Nhà trường có 172 cán bộ (trong đó có 43 cán bộ giảng dạy). Hiện nay, Học viện có 395 cán bộ (trong đó 242 giảng viên, gồm: 30 phó giáo sư, tiến sĩ; 95 tiến sĩ, 216 thạc sĩ).

Những năm qua, Đảng bộ Học viện luôn phát huy tốt vai trò lãnh đạo và thường xuyên quan tâm đúng mức, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn; được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, viên chức của Học viện có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đại đa số cán bộ, viên chức được đào tạo cơ bản, có hệ thống; có tâm huyết với nghề nghiệp, có lối sống giản dị, lành mạnh, có tinh thần trách nhiệm, tận tụy trong công việc.

Trong xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, Đảng bộ Học viện coi trọng chất lượng, có lộ trình thích hợp; xây dựng đồng bộ cơ cấu cán bộ, đồng thời chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, quan tâm xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi chuyên môn và ngoại ngữ cho từng ngành, từng chuyên ngành; kết hợp đào tạo, bồi dưỡng qua trường lớp với rèn luyện trong thực tiễn và chú trọng đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Đảng bộ đã xây dựng hệ thống quy định, quy chế về công tác cán bộ; thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ trên tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch, đoàn kết và hiệu quả.

Bốn là, Đảng bộ quan tâm lãnh đạo công tác xây dựng Đảng

Công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt của Đảng bộ Học viện, là nhân tố quyết định thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Đảng bộ đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, lãnh đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các chi bộ trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Học viện.

Đảng bộ đổi mới công tác xây dựng và triển khai nghị quyết của Đảng ủy; nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết và năng lực tổ chức thực hiện. Đảng ủy quan tâm công tác phát triển đảng cả trong cán bộ và sinh viên. Cùng với việc phát triển đảng viên, Đảng ủy luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý đảng viên; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của chính quyền, các đoàn thể; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể, tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, công tác bảo vệ chính trị nội bộ; nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ, chất lượng đảng viên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng.

Năm là, Đảng ủy quan tâm lãnh đạo Công đoàn và Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh

Đảng ủy đã tổ chức nhiều hoạt động thi đua hướng về các sự kiện chính trị lớn; giáo dục đoàn viên, cán bộ phấn đấu vươn lên trong công tác, đồng thời nâng cao ý thức tự giác trong sử dụng tài sản công; tham gia giám sát xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, viên chức; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên; lãnh đạo Đoàn Thanh niên phát động nhiều phong trào có ý nghĩa giáo dục, cổ vũ động viên thanh niên, sinh viên tích cực rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, tu dưỡng đạo đức.

Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ Học viện đã đạt được nhiều thành tích rất đáng tự hào, đó là thành quả từ những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Học viện, trong đó có các cán bộ, đảng viên đã trưởng thành từ Học viện được giao trọng trách quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị ở Trung ương và địa phương, là những nhân tố quan trọng vun đắp nên thành tựu của Nhà trường.

Từ thực tiễn xây dựng và phát triển, Đảng bộ Học viện đã rút một số kinh nghiệm trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng là:

Phải bám sát nhiệm vụ chính trị của Nhà trường, lấy việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị làm mục tiêu xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Kịp thời quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng bộ cấp trên, lấy đó làm cơ sở để xác định phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ; giữ vững các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo, hạt nhân chính trị của tổ chức đảng; chú trọng công tác tổ chức, cán bộ, nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị.

Bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, cấp thiết, ban hành các nghị quyết chuyên đề phù hợp với thực tiễn, đặc thù của Đảng bộ Học viện để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

Tập trung làm tốt công tác xây dựng tổ chức đảng; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao chất lượng công tác tổ chức, cán bộ, chất lượng chi bộ và sinh hoạt chi bộ, phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết thống nhất trong nhận thức cũng như hành động, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, quản lý đảng viên.

Chủ động, sáng tạo, tranh thủ sự lãnh đạo của các ban, bộ, ngành Trung ương, trước hết là của Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương; phối hợp chặt chẽ, mật thiết với các đảng bộ, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà trường.

Thường xuyên quan tâm, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên là sinh viên, học viên, coi trọng công tác phát triển đảng, nhất là công tác phát triển đảng trong sinh viên, học viên.

3. Định hướng phát triển của Đảng bộ trong giai đoạn mới

Trong thời gian tới, Đảng bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền quyết tâm xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, đưa Học viện trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước. Để tiếp tục hoàn thành trọng trách lớn lao đó, Đảng bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền cần quan tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, thường xuyên quan tâm xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Phát huy những giá trị truyền thống, xây dựng Đảng bộ đoàn kết, thống nhất. Tiếp tục hoàn thiện các quy chế, quy định về lãnh đạo, quản trị, quản lý của Nhà trường, xây dựng chiến lược phát triển Học viện đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác giữa Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng trường, Thường trực Hội đồng trường, Ban Giám đốc Học viện trên cơ sở Điều lệ Đảng, các quy chế, quy định, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể trong toàn Đảng bộ, của mỗi cán bộ, đảng viên. Phát huy vai trò hạt nhân đoàn kết của tập thể cấp ủy, tính tiền phong, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong cơ quan, đơn vị.

Hai là, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng bộ trong mọi mặt hoạt động của Nhà trường; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, coi đây là nhân tố để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Học viện. Nâng cao trách nhiệm của các chi bộ trong việc quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ. Nghị quyết của Đảng bộ phải được quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch công tác dài hạn, trung hạn, ngắn hạn với sự tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm cao của tập thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và học viên, sinh viên. Đảng bộ Học viện cần thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, về tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập để từ đó nỗ lực phấn đấu xây dựng Học viện trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia, ngang tầm với các đại học trong khu vực và trên thế giới.

Ba là, tập trung xây dựng và kiện toàn đội ngũ cấp ủy viên và quy hoạch cấp ủy viên của Đảng bộ, chi bộ có trí tuệ, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Người đứng đầu cấp ủy và đơn vị phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng động sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thử thách và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chi bộ. Tạo sự thống nhất cao về nhận thức, ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên bằng những chủ trương, chính sách, giải pháp linh hoạt trong từng lĩnh vực hoạt động, hoàn cảnh cụ thể, nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bốn là, chú trọng lãnh đạo xây dựng đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học, cán bộ quản lý có chuyên môn cao, có bản lĩnh, có lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, chuyên sâu về lý luận chính trị, có nghiệp vụ sư phạm hiện đại, sử dụng thành thạo ngoại ngữ, công nghệ thông tin, am hiểu thực tiễn, tâm huyết với nghề... Nhanh chóng khắc phục tình trạng hụt hẫng về số lượng, chất lượng, cơ cấu độ tuổi, giới tính, chuyên ngành đào tạo giữa các thế hệ giảng viên. Tập trung lãnh đạo xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để thu hút cán bộ trẻ là nguồn nhân lực chất lượng cao để cống hiến, phục vụ lâu dài tại Học viện.

Năm là, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Học viện phải kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến thực sự về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ trong toàn Đảng bộ. Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Học viện là một Trường Đảng nên càng phải gương mẫu chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đảng bộ đoàn kết, thống nhất, trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao. Cần phải đi đầu trong việc chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, kiên quyết không để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong các lĩnh vực hoạt động của Học viện.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 535 (tháng 9-2022)

Ngày nhận: 27-8-2022; Ngày bình duyệt: 18-9-2022; Ngày duyệt đăng: 26-9-2022.

PGS, TS MAI ĐỨC NGỌC

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền