Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng    Phát huy vai trò của “thế trận lòng dân” theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
Thứ năm, 10 Tháng 11 2022 12:40
8354 Lượt xem

Phát huy vai trò của “thế trận lòng dân” theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

(LLCT) - Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã khẳng định sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng nói chung và trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói riêng. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh và đề cao vị trí, vai trò của “thế trận lòng dân” trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới. Bài viết đề xuất các giải pháp phát huy vai trò của thế trận lòng dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Ngư dân Lý Sơn bám biển, vừa khai thác hải sản phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo - Ảnh: suckhoedoisong.vn

1. “Thế trận lòng dân” - Yếu tố đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

“Thế trận” thường được hiểu là “Cách bố trí lực lượng trong trận chiến đấu hay thi đấu”(1). “Lòng dân” thường được dùng làm biểu tượng của tâm lý, tình cảm, tinh thần của đông đảo người dân hay tuyệt đại đa số người dân trong một quốc gia, dân tộc về một sự kiện, vấn đề nào đó, có thể gọi là sự “đồng thuận”, “đồng lòng”, “đồng tình” của đông đảo nhân dân về một sự kiện, vấn đề nào đó. “Thế trận lòng dân” (TTLD) được hiểu là hoạt động của người lãnh đạo, quản lý đất nước trong xây dựng và phát huy mạnh mẽ, hiệu quả sự đồng tình, ủng hộ và tích cực tham gia của nhân dân vào thực hiện các quyết định của người lãnh đạo, quản lý, đem lại lợi ích thiết thực cho đông đảo nhân dân, đất nước, ngăn chặn, đập tan mọi âm mưu phá hoại.

Đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng ta hiện nay, TTLD là trạng thái chính trị, tinh thần của toàn dân, bao gồm lòng yêu nước, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự tất thắng của CNXH, tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, đồng lòng, ý chí quyết tâm... của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được Đảng lãnh đạo xây dựng, phát triển và  phát huy mạnh mẽ, hiệu quả vai trò trong xây dựng đất nước hùng mạnh, từng bước tiến đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng thành công CNXH trên đất nước ta và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

TTLD có nội dung rất đa dạng, phong phú, gắn liền và chịu sự chi phối, quy định của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kỳ lịch sử; được thể hiện trên hai phương diện chính: lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, đồng lòng, ý chí quyết tâm... của toàn dân trong xây dựng đất nước vững mạnh và trong bảo vệ vững chắc Tổ quốc; sự định hướng phát triển lực lượng, lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước, bảo đảm cho lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, đồng lòng, ý chí quyết tâm... của toàn dân phục vụ đắc lực, hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh mới hiện nay, TTLD là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng bảo đảm thắng lợi sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai lĩnh vực trọng yếu nhất của đất nước. Hai lĩnh vực này chỉ có thể giành thắng lợi khi được sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, tức là Đảng đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, thể hiện rõ sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng dân”.  TTLD tạo nên nền tảng vững chắc của thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Đại hội XII của Đảng (năm 2016) chỉ rõ: “Xây dựng thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân”(2). Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) tiếp tục nhấn mạnh: “Xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”(3).

2. Những yêu cầu mới đối với xây dựng và phát huy vai trò của thế trận lòng dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Một là, tình hình thế giới, khu vực có những biến động nhanh chóng và rất khó lường. Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường chính trị, an ninh quốc tế...”(4).

Bên cạnh đó, “Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch Covid-19... Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Những vấn đề toàn cầu như bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường... tiếp tục diễn biến phức tạp. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn”(5).

Hai là, ở trong nước, sau hơn 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song, Đảng cũng chỉ ra những nguy cơ, khó khăn, thử thách: “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển văn hóa, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong phát triển kinh tế thị trường; chưa bảo đảm phát triển tổng thể, đồng bộ các vùng, miền, địa phương theo lợi thế so sánh và phát huy điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù. Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới”(6).

Đồng thời, Đảng nhận định: “Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(7), song cũng tạo ra những thuận lợi, thời cơ trong xây dựng và phát huy vai trò của TTLD trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc những năm tới. Vì vậy, hơn lúc nào hết, các cấp, các ngành cần nhận thức đúng, đầy đủ về sự cần thiết của việc xây dựng và phát huy vai trò của TTLD trong xây dựng đất nước vững mạnh, bảo vệ vững chắc toàn vẹn vùng đất, vùng trời, biên giới, biển đảo của Tổ quốc trong những năm tới và có hành động thiết thực thực hiện hiệu quả công việc này.

3. Giải pháp tăng cường xây dựng và phát huy vai trò của thế trận lòng dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc những năm tới

Để thực tiếp tục thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta xác định: “Quán triệt sâu sắc phương châm bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện lý luận về quốc phòng, an ninh và tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi “nước chưa nguy” trên cơ sở xây dựng thế trận lòng dân vững chắc”(8), “Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(9).

Một là, đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong xây dựng TTLD

Trước hết, cần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới nói chung và nhiệm vụ xây dựng và phát huy vai trò của TTLD trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói riêng. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước”(10). Qua đó, củng cố niềm tin trong Đảng và niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Đảng cần đổi mới phương thức lãnh đạo, tập hợp, vận động quần chúng, theo hướng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, huy động tối đa sức mạnh của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cần đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”(11), thật sự “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”(12). Qua đó, phát huy cao độ, hiệu quả vai trò của TTLD vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đối với Nhà nước, cần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có năng lực quản lý, điều hành, tập hợp nhân dân, phát huy sức mạnh của toàn dân vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội XIII yêu cầu: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước”(13).

Cần tích cực xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch; đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc xây dựng, củng cố đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và phát huy vai trò của TTLD trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, hoạt động có hiệu quả; có cơ chế phối hợp hoạt động tốt, phát huy vai trò của từng tổ chức vào sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội XIII khẳng định: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước... Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư”(14).

Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với bảo đảm tốt an sinh xã hội, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh

Cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tiếp tục đổi mới, giữ vững và nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, đồng thời tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực cho nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ cho các vùng còn nhiều khó khăn. Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói giảm nghèo, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đồng thời, tăng cường đầu tư của Nhà nước, huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ. Giải quyết tốt chính sách lao động, việc làm và thu nhập; khắc phục những bất hợp lý về tiền lương, tiền công, trợ cấp xã hội. Triển khai có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; huy động mọi nguồn lực xã hội cùng Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình có công với cách mạng.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo môi trường lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ; tạo cơ hội và điều kiện cho mọi người dân được học tập suốt đời. Giải quyết các vấn đề bức thiết của đời sống xã hội, các vấn đề an ninh phi truyền thống; giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân, giải quyết kịp thời và không làm phát sinh các điểm nóng về an ninh, trật tự. Quan tâm nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, mở rộng dân chủ gắn với đẩy mạnh xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Đại hội XIII nhấn mạnh: “Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả trên thực tế phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(15). Các quyền con người, các quyền tự do, bình đẳng của công dân được thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ; nhân dân phải là chủ thể đích thực và cao nhất của quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, mọi thiết chế quyền lực đều được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát, trước hết là của nhân dân. Đảng, Nhà nước, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải có cơ chế bảo đảm cho lòng yêu nước chân chính của mọi tầng lớp được phát huy, mọi người được bình đẳng, được cống hiến trí tuệ, tài năng, sức lực... vào sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng, phát triển nền văn hóa, tạo ra môi trường văn hóa tốt đẹp để mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội có điều kiện phát triển lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự hào, tự tôn dân tộc Việt Nam, phát huy cốt cách, tâm hồn, đạo lý tốt đẹp con người Việt Nam, đó chính là màng lọc ngăn chặn, sàng lọc các văn hóa xấu độc. Đồng thời, cần chuẩn hóa các giá trị đạo đức, tinh thần và hướng toàn dân phấn đấu theo các chuẩn giá trị đó.

Tích cực xây dựng văn hóa Đảng, văn hóa công chức, văn hóa doanh nghiệp... Đại hội XIII khẳng định: “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam”(16).

Bốn là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công chức, viên chức và toàn dân

Các cấp, các ngành cần tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng lòng tự tôn, tự hào dân tộc, truyền thống vẻ vang của Đảng, của Quân đội nhân dân Việt Nam trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Tăng cường bồi dưỡng đường lối, quan điểm, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, làm cho mọi người dân hiểu rõ đối tượng và đối tác, thời cơ và thách thức đối với quốc phòng, an ninh trong điều kiện hiện nay.

Tiến hành thường xuyên, toàn diện, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng, an ninh; lựa chọn và sử dụng hình thức, phương pháp giáo dục phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, chức trách của từng đối tượng. Chú trọng giáo dục kiến thức quốc phòng, an ninh cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, các địa phương, đoàn thể, tổ chức xã hội. Qua đó, phát huy vai trò, ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, các tầng lớp nhân dân trong tham gia đấu tranh bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ biên giới, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Năm là, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, ngăn chặn, loại trừ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và các hành động cản trở việc xây dựng và phát huy vai trò của TTLD trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Đề cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, mở rộng lực lượng, đa dạng hóa các biện pháp, cách thức đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, truyền thông, internet, mạng xã hội,... Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, sự gương mẫu về tư tưởng, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên... Đây là trụ cột vững chắc để ngăn ngừa, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 536 (tháng 10-2022)

Ngày nhận bài: 20-10-2021; Ngày bình duyệt: 17-10-2022; Ngày duyệt đăng: 26-10-2022.

 

(1) Nguyễn Như Ý (chủ biên): Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa -Thông tin, Hà Nội, 1998, tr.1558.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.149.

(3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (11), (13), (14), (15), (16)  ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.172, 105, 107, 108, 109, 100-101, 172, 179, 174, 172, 173, 143.

(10), (12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t. 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật,  Hà Nội, tr.229, 248.

PGS, TS ĐINH NGỌC GIANG

Vụ Quản lý khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền