Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ chính trị và khoa học thường xuyên của giáo dục lý luận chính trị
Thứ sáu, 11 Tháng 11 2022 11:39
5124 Lượt xem

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ chính trị và khoa học thường xuyên của giáo dục lý luận chính trị

(LLCT) - Lịch sử phát triển tư tưởng của nhân loại nói chung, của chủ nghĩa Mác - Lênin nói riêng chứng minh: đấu tranh lý luận đi liền với phát triển lý luận. Do vậy, đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhiệm vụ chính trị, khoa học thường xuyên của nghiên cứu, phát triển lý luận hiện nay. Đấu tranh lý luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là làm rõ các giá trị lịch sử và giá trị thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Để đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách thuyết phục và có sức cảm hóa, cần có thái độ khoa học và văn hóa.

Đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhiệm vụ chính trị, khoa học thường xuyên của nghiên cứu, phát triển lý luận - Ảnh minh họa: internet

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” và thành lập Ban Chỉ đạo 35 Trung ương về công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ngay trong giới nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, một số người đặt câu hỏi có cần thiết phải như vậy không và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nghĩa là bảo vệ cái gì, có phải bất cứ điều gì khác biệt với quan điểm này hay quan điểm khác của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng cần phải phản bác một cách mạnh mẽ, quyết liệt không? Bài viết khái quát một số nội dung về đấu tranh lý luận dưới góc độ của người làm công tác nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị.

1. Đấu tranh lý luận là một phương thức phát triển lý luận, là công việc thường xuyên, gắn bó với nghiên cứu, phát triển lý luận

Sự phát triển tư tưởng nhân loại từ thời cổ đại đến nay đã chứng minh điều này. Sự hình thành, phát triển tư tưởng của một vĩ nhân nào đó đều là sản phẩm của sự tiếp thu, phê phán tư tưởng của người đi trước, sau đó là phê phán với những tư tưởng đương thời trái hoặc khác biệt với mình. Ngay cả những người tưởng chừng chỉ coi thực tại bên ngoài là đối tượng duy nhất của tư duy và dành cả đời để chiêm nghiệm và ngộ ra chân lý thì thực tế (như Đức Thích Ca Mâu Ni) cũng không tránh khỏi mối dây liên hệ nhận thức với thế hệ trước mình, với niềm tin đã được đúc kết, truyền lại và đang thịnh hành. Điều khiến cho một số người trở thành nhà tư tưởng là bởi vì họ biết nhận thức một cách chọn lọc, có phê phán, có so sánh, đối chiếu, khẳng định sự khác biệt và tiến bộ không chỉ với tư tưởng trước đó mà với cả những tư tưởng cùng thời.

Sự ra đời, phát triển lý luận của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin là như vậy. Nếu không có đấu tranh lý luận với các nhà triết học đủ loại từ duy tâm khách quan, tới duy tâm chủ quan, từ duy vật siêu hình đến duy vật tầm thường thì không có tư tưởng triết học Mác - Lênin. Không có đấu tranh với các lý luận gia tư sản và các lý luận gia trong phong trào công nhân và phong trào XHCN cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX thì không có lý luận về chủ nghĩa xã hội của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin. Nhiều tác phẩm nổi tiếng của các nhà kinh điển đã được ra đời trong hoàn cảnh đấu tranh nhằm phản bác lại sự chỉ trích, tấn công của các lý luận gia tư sản này, hoặc có thể là trong tư thế chủ động tấn công, phê phán các nhà lý luận tư sản nào đó.

Ở chiều ngược lại, sự ra đời, phát triển của lý luận Mác - Lênin đối với các trường phái lý luận khác lại là một lý do, một đối tượng dẫn đến sự cọ sát, đấu tranh và làm nảy sinh biết bao tư tưởng, trường phái lý luận của thế kỷ XX, nhất là trong bối cảnh thế giới sau Cách mạng Tháng Mười Nga và sự ra đời của chế độ XHCN ở một số nước Đông Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Sự phát triển và đấu tranh lẫn nhau của các chủ nghĩa, các lý luận đã dẫn đường và tạo nên bộ mặt đa dạng của thế giới ngày nay. Đến lượt nó, thực tiễn thế giới lại là nguyên nhân, nguồn gốc cho sự đấu tranh và phát triển của nhiều lý luận, học thuyết mới, trong đó có chủ nghĩa Mác - Lênin.

Theo quy luật đó, sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay bao gồm: một mặt bám sát thực tiễn, tổng kết thực tiễn để nâng lên thành lý luận, mặt khác nghiên cứu vận dụng sáng tạo các lý luận, đặc biệt là lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn đất nước. Đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, một mặt là học tập để hiểu biết sâu sắc bản chất, tính chất khoa học, cách mạng, nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, mặt khác đấu tranh với các quan điểm thù địch, xuyên tạc, bóp méo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Qua đấu tranh mà mài sắc lập luận, làm vững chắc và phong phú các luận cứ, làm mềm dẻo, tinh tế các luận chứng, để tiếp cận gần hơn tới chân lý, phục vụ thiết thực hơn sự phát triển của đất nước và dân tộc Việt Nam.

Với những người đã tự gắn mình vào sự nghiệp giáo dục, tuyên truyền lý luận mácxít, tuyên truyền CNXH, cần phải ý thức rõ sự gắn bó giữa hai mặt: phát triển và đấu tranh, đấu tranh và phát triển như một công việc thường xuyên của nghề nghiệp, hơn nữa là một sứ mệnh. Phải luôn ý thức rằng, đi đôi với sáng tạo, tìm tòi cái mới phải biết so sánh, đối chiếu, phân biệt cái tương đồng, cái đối lập giữa mình với người khác; vừa biết thừa nhận, kế thừa cái hợp lý, cái tiến bộ, vừa biết phản bác, phủ định cái lạc hậu, phi lý của các thứ lý luận liên quan. Đó là các mức độ khác nhau của đấu tranh lý luận cần được áp dụng tùy từng đối tượng, từng trường hợp cụ thể.  

2. Đấu tranh về lý luận là nhiệm vụ chính trị, song cần khoa học và văn hóa

Ở các nước đa nguyên, đa đảng, đấu tranh giữa các đảng chính trị về đường lối, chính sách và cả lý luận là công việc thường ngày, diễn ra trên từng mặt báo, trang sách, trên các kênh truyền hình, đài phát thanh, trên các giảng đường của trường đại học. Các đảng cộng sản, đảng XHCN, đảng cánh tả tồn tại được một phần quan trọng là nhờ đấu tranh lý luận, và qua đó phát triển lý luận của mình, thu hút quần chúng. Là thành viên của đảng, mỗi đảng viên đều có nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ đảng tùy theo chức năng, tính chất công việc, vị trí việc làm của mình, đáp ứng yêu cầu của đảng ở mỗi thời kỳ lịch sử cụ thể. Điều này cũng đúng với Đảng ta, với mỗi đảng viên của Đảng.    Đấu tranh về lý luận trước hết để bảo vệ những lý luận đã được hình thành qua hơn 35 năm đổi mới và là nền tảng cho đường lối và chính sách hiện nay của Đảng. Đấu tranh về lý luận còn để bảo vệ nền tảng tư tưởng đã tạo nên lý luận của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nói cách khác, bảo vệ nền tảng tư tưởng là một bộ phận của đấu tranh lý luận hiện nay và phải đặt trong một tổng thể các mặt của đấu tranh lý luận nói chung, bao hàm cả mặt phản bác, bảo vệ, cả mặt chủ động tấn công trở lại các quan điểm lý luận phi mácxít đang thịnh hành, nhất là các lý luận mang tính phản động, đi ngược lại xu thế hòa bình, dân chủ, tiến bộ của nhân loại.

Người làm công tác giáo dục lý luận chính trị bảo vệ Đảng phù hợp với tính chất công việc cụ thể của mình là nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo hay phổ biến, tuyên truyền lý luận. Yêu cầu của việc bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay gắn với nhiệm vụ bảo vệ chế độ chính trị, bảo vệ thể chế, giữ vững an ninh chính trị, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Lý luận của Đảng bao hàm nhiều mặt: xét theo các bộ phận truyền thống của chủ nghĩa Mác - Lênin thì đó là triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học; xét một cách cụ thể thì đó là lý luận về chính trị, lý luận về kinh tế, lý luận về văn hóa - xã hội, về an ninh, quốc phòng, ngoại giao… Tinh túy của các lý luận đó đã được thể hiện tập trung trong các văn kiện, hợp thành đường lối của Đảng, chứa đựng các quan điểm cơ bản của các chính sách của Nhà nước trên mọi mặt. Lý luận ấy được hình thành trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự tổng kết, đúc rút kinh nghiệm lãnh đạo thực tiễn và đường lối của Đảng ở các giai đoạn đã qua, phù hợp với tầm nhìn và mục tiêu thực tiễn trước mắt và lâu dài.

Đấu tranh về lý luận trước hết để bảo vệ những lý luận đã được hình thành qua hơn 35 năm đổi mới và là nền tảng cho đường lối và chính sách hiện nay của Đảng. Đấu tranh về lý luận còn để bảo vệ nền tảng tư tưởng đã tạo nên lý luận của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nói cách khác, bảo vệ nền tảng tư tưởng là một bộ phận của đấu tranh lý luận hiện nay và phải đặt trong một tổng thể các mặt của đấu tranh lý luận nói chung, bao hàm cả mặt phản bác, bảo vệ, cả mặt chủ động tấn công trở lại các quan điểm lý luận phi mácxít đang thịnh hành, nhất là các lý luận mang tính phản động, đi ngược lại xu thế hòa bình, dân chủ, tiến bộ của nhân loại.

Mặc dù là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, có lúc cấp bách, nhưng đấu tranh lý luận luôn đòi hỏi một tinh thần khoa học, khách quan. Chỉ có như thế mới giúp cho lý luận phát triển. Như đã nói ở trên, đấu tranh lý luận có nhiều mức độ. Ở mức độ cao là phủ định, bác bỏ; ở mức độ thấp có thể chỉ nêu rõ sự khác biệt, vạch ra ranh giới giữa lý luận này và lý luận kia, giữa quan điểm của người này và người kia, thậm chí có thể bao hàm sự thừa nhận, chấp nhận sự hợp lý nào đó. Suy cho cùng mọi lý luận đều có mặt hợp lý nào đó, phản ánh hiện thực theo một góc nhìn nào đó của con người.

Xét về mặt thực tiễn thì có thể khác nhau, có lý luận giúp con người hành động phù hợp với xu thế khách quan, phục vụ cho số đông, có lý luận thì không, nhưng xét về mặt phát triển tinh thần của con người thì các lý luận, kể cả sai lầm đều có giá trị nhất định vì nó làm bộc lộ một phương diện, một khía cạnh có khi đen tối của đời sống tinh thần, trí tuệ của con người, qua đó lại giúp cho con người biết mà tránh lặp lại.

Đấu tranh lý luận là lĩnh vực cọ xát tinh thần để tìm ra chân lý hoặc khẳng định chân lý. Song,là chân lý hay không là chân lý không phải ngay lập tức có thể  phân định được, hơn nữa có thể dễ dàng phân định bằng lý lẽ mà rốt cuộc phải bằng thực tiễn. Thực tiễn mới là tiêu chuẩn và thước đo chân lý. Vì thế đấu tranh lý luận cần phải gắn với thực tiễn, bằng thực tiễn quá khứ và thực tiễn hiện tại. Nhưng ngay cả điều này cũng không phải dễ dàng vì không nhà lý luận nào không có bằng chứng thực tiễn của riêng mình, nghĩa là cùng một sự thật có thể có những bức ảnh khác nhau tùy theo từng góc độ của người chụp. Vì vậy, phải là bằng chứng khoa học, phải có khoa học thì lý luận mới thuyết phục được lý trí con người.

Mặt khác, đấu tranh lý luận không thể không xét đến hoàn cảnh cá nhân tạo nên lý luận. Có người chỉ vì hạn hẹp về điều kiện sống mà nhận thức cũng hạn hẹp, lý luận trở nên thiển cận, phiến diện. Có người chỉ vì bất mãn cá nhân mà trở nên thù hằn, chống đối phi lý. Do vậy, trong đấu tranh lý luận, cần phân biệt các hoàn cảnh, động cơ, mục đích chính trị với động cơ, mục đích khác để có thái độ thích hợp. Cần phải tôn trọng niềm tin, danh dự, thậm chí sự kiêu hãnh trí tuệ của các cá nhân. Lời văn trong đấu tranh lý luận nên tương xứng với các mức độ khác biệt, mâu thuẫn về nhận thức, không nên đánh đồng mọi quan điểm, mọi lý luận khác đều là thù địch, mọi đối tượng đều là kẻ thù. Tóm lại, nếu không có khoa học thì không thuyết phục được lý trí, nhưng phải có văn hóa thì đấu tranh lý luận mới cảm hóa được lòng người.

3. Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là làm rõ giá trị lịch sử và giá trị thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, là một trong những nguồn gốc lý luận của Đảng, góp phần hình thành nên đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong mỗi thời kỳ lịch sử. Để hiểu rõ và bảo vệ được nền tảng tư tưởng của Đảng thì phải hiểu rõ giá trị lý luận và giá trị thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cả hai điều này đều phải được xem xét một cách khách quan, khoa học trong bối cảnh lịch sử cụ thể của xã hội. Chân lý là cụ thể, không trừu tượng, thoát ly bối cảnh thời đại với những mâu thuẫn, vấn đề của thời đại và trình độ phát triển nhận thức của loài người.

Chủ nghĩa Mác - Lênin là thành quả lý luận được xây dựng trên nền tảng tri thức hiện đại nhất của nhiều khoa học (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội), đặc biệt trên nền tảng tổng kết một cách khoa học thực tiễn đấu tranh chính trị - xã hội của loài người cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Lý luận triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội của C.Mác, V.I.Lênin đáp ứng nhu cầu đấu tranh cho tiến bộ lâu dài của xã hội loài người và giải đáp đòi hỏi thực tiễn của phong trào công nhân, phong trào XHCN những năm đầu thế kỷ XX.

Từ sau sự ra đời của chủ nghĩa Mác - Lênin, trên thế giới đã có thêm hàng chục, hàng trăm thứ lý luận về kinh tế, xã hội, chính trị, pháp lý, đạo đức… tất cả đều nhằm mục tiêu chính trị là thuyết minh sức sống trường tồn của chế độ tư bản chủ nghĩa, hoặc cố gắng tìm cách khắc phục khuyết tật của nó và tấn công phủ nhận lý luận Mác - Lênin, tiêu diệt CNXH.

Đấu tranh lý luận để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin là: một mặt làm sáng tỏ giá trị lịch sử, nghĩa là những điều đúng đắn trong một giai đoạn lịch sử đã qua, mặt khác làm rõ giá trị thời đại, nghĩa là những điều còn phù hợp cho ngày nay. Cần phải biết sàng lọc trong những nguyên lý, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin những điều gì đã đúng trong lịch sử mà nay vẫn còn đúng và sẽ còn tiếp tục đúng trong tương lai, những điều gì đúng trong lịch sử nhưng nay không còn phù hợp với thời đại mới. Không có lý luận nào, kể cả chủ nghĩa Mác - Lênin, mà mọi vấn đề của nó đều đúng mãi với thời gian.

Dù trung thành, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin thì với tinh thần khoa học, phải thừa nhận rằng có những điều, nhất là trong lý luận chính trị, kinh tế của các nhà kinh điển mácxít không còn phù hợp thời đại hiện nay. Ví dụ trong điều kiện thế giới và đất nước hiện nay vấn đề chuyên chính vô sản như là một nội dung cơ bản của thời kỳ quá độ đi lên CNXH cần phải được nhìn nhận lại. Cũng như vậy, lý luận về nhà nước XHCN của V.I.Lênin cần phải được đặt trong bối cảnh sau Cách mạng Tháng Mười, nó đúng với bối cảnh đấu tranh giai cấp ở nước Nga những năm sau Cách mạng, nhưng không nên coi đó là lý luận bất biến để tổ chức bộ máy nhà nước định hướng XHCN trong thời đại hiện nay. Do đó, nếu không có tinh thần khoa học, thực tiễn thì rất có thể sự bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin lại trở thành giáo điều, bảo thủ và trở nên phản tác dụng với xã hội, với chính những người cộng sản.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự tiếp thu tinh hoa khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy tinh hoa văn hóa chính trị Việt Nam trong điều kiện lịch sử cụ thể của dân tộc Việt Nam đầu và giữa thế kỷ XX. Tư tưởng Hồ Chí Minh vừa có giá trị lý luận, vừa có giá trị thực tiễn, không chỉ với 70 năm trước mà với cả ngày nay. Trong xu hướng phát triển của thế giới hướng tới hòa bình, bao dung, tư tưởng của Hồ Chí Minh lại càng tỏ ra phù hợp hơn bao giờ hết. Nó khiến cho Hồ Chí Minh được nhắc tới không chỉ là một người yêu nước nhiệt thành, suốt đời hy sinh, cống hiến vì độc lập dân tộc, mà còn là người cộng sản chân chính luôn phấn đấu cho hòa bình, tiến bộ xã hội, sự hòa hợp, bao dung giữa người với người, giữa các giai cấp, tầng lớp, tôn giáo, giữa các dân tộc, các quốc gia dù có khác biệt. Trên thế giới, hiếm có một người cách mạng toàn vẹn, trong sáng như Hồ Chí Minh, do đó Người thực sự là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Đã có không ít những nhà nghiên cứu lịch sử, với phương pháp nghiên cứu lịch sử hiện đại, với điều kiện nghiên cứu ưu việt, có ý định tìm ra những “góc khuất”, “điểm mờ” trong cuộc đời, sự nghiệp của Người. Nhưng ngoài một vài điểm phát hiện mới so với tư liệu chúng ta có được, hầu như không có điều gì có thể đi ngược với sự thật. Thế mà đây đó, một số người Việt Nam tự coi mình là nhà nghiên cứu hoặc hiểu biết lịch sử cố tình cắt xén, chắp ghép những sự kiện rồi gieo rắc trong dư luận, cộng đồng mạng hòng hạ thấp tầm vóc Hồ Chí Minh, nhất là về đời tư của Người. Theo một cách khác, họ khoét sâu sự khác biệt giữa Hồ Chí Minh với các lãnh tụ khác của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ đề cao quan điểm độc đáo, sáng tạo của Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, về đoàn kết để hạ thấp đường lối cách mạng của Đảng, nhất là trong thời kỳ cải tạo XHCN và xây dựng CNXH ở miền Bắc.

Tất cả những thủ đoạn đó đều nhằm hạ thấp Hồ Chí Minh. Để chống lại những ý đồ xấu đó, những người làm công tác giáo dục lý luận chính trị cần phải trau dồi hơn nữa kiến thức lịch sử (lịch sử thế giới, lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, lịch sử dân tộc và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam) và coi việc bảo vệ hình ảnh trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là nghĩa vụ, trách nhiệm và tình cảm của người Việt Nam chân chính.

Ngày nhận bài: 5-11-2022; Ngày bình duyệt: 8-11-2022; Ngày duyệt đăng:11-11-2022.

PGS,TS VŨ HOÀNG CÔNG

Viện Chính trị học

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền