Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng    Quan điểm của Đảng về phát triển năng lượng tái tạo
Thứ ba, 22 Tháng 11 2022 16:14
7954 Lượt xem

Quan điểm của Đảng về phát triển năng lượng tái tạo

(LLCT) - Phát triển năng lượng tái tạo đang là xu thế tất yếu, là nhu cầu cấp bách để phát triển bền vững. Đảng ta khẳng định rõ quan điểm về phát triển năng lượng tái tạo, được thể chế hóa bằng chính sách, pháp luật để tổ chức thực hiện trong cuộc sống. Quá trình triển khai thực hiện chính sách và pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập. Bài viết nghiên cứu quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhận diện một số vấn đề pháp lý về hoạt động phát triển năng lượng tái tạo, từ đó đóng góp một số kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng trong thời gian tới.

Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo trên cơ sở các nguồn lực và nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội; phù hợp với nguồn tài nguyên và nhu cầu năng lượng của cả nước và từng địa phương - Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Năng lượng tái tạo được hiểu là năng lượng từ những nguồn liên tục, không bao giờ cạn kiệt, như năng lượng mặt trời, gió, mưa, thủy triều, sóng và địa nhiệt(1). Nguyên tắc cơ bản của việc sử dụng năng lượng tái tạo là tách một phần năng lượng từ các quy trình diễn biến liên tục trong môi trường và đưa vào sử dụng thông qua các biện pháp kỹ thuật công nghệ.

Phát triển năng lượng tái tạo là hoạt động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo nguyên lý phát triển bền vững, được khẳng định trong các văn bản chỉ đạo của Đảng. Quan điểm của Đảng về phát triển năng lượng tái tạo có tính khoa học, thực tiễn, khách quan, đúng đắn, được thực hiện nhất quán, xuyên suốt qua các thời kỳ và luôn phát triển phù hợp với sự phát triển của thời đại.

1. Quan điểm của Đảng về phát triển năng lượng tái tạo

Phát triển năng lượng tái tạo có cơ sở khoa học là lý thuyết phát triển bền vững với ba trụ cột là phát triển kinh tế, bảo đảm giải quyết được các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường(2). Ba mục tiêu, ba trụ cột này luôn gắn liền với nhau, quan hệ hữu cơ với nhau, bổ sung cho nhau. Trong khi đó, vấn đề phát triển năng lượng tái tạo là tiền đề cho phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và qua đó, bảo đảm giải quyết được các vấn đề xã hội một cách hiệu quả.

Cơ sở thực tiễn hình thành nên quan điểm của Đảng về phát triển năng lượng tái tạo là những yêu cầu khách quan trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đó là yêu cầu về việc bảo đảm an ninh năng lượng cho tất cả mọi hoạt động của xã hội, yêu cầu về việc sử dụng hạn chế, tiến tới ngừng sử dụng các nguồn tài nguyên năng lượng không thể tái tạo nhằm bảo vệ môi trường sống của chính con người.

Kể từ khi Đảng ta khởi xướng sự nghiệp đổi mới đất nước năm 1986, chuyển đổi nền kinh tế từ bao cấp sang vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước đến nay, nhận thức về vấn đề phát triển năng lượng tái tạo cũng ngày càng được phát triển và hoàn thiện.

Quan điểm của Đảng về phát triển năng lượng và đặc biệt là năng lượng tái tạo có bước phát triển qua từng thời kỳ như sau:

Trước năm 1986: Thời kỳ nền kinh tế vận hành theo cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp mà điểm nổi bật là những bản kế hoạch 5 năm. Ở thời kỳ này, mục tiêu phát triển chưa hoặc ít đề cập vấn đề sử dụng năng lượng như thế nào, mà chủ yếu quan tâm đến mức độ hoàn thành kế hoạch công việc đã đặt ra.

Thời kỳ từ năm 1986 đến năm 2000, quá trình đổi mới đất nước và mở cửa nền kinh tế. Vấn đề phát triển năng lượng đã được đề cập trong Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 được thông qua tại Đại hội VII của Đảng (năm 1991). Trong thời kỳ này, việc phát triển năng lượng đã có những đóng góp quan trọng để ổn định tình hình đất nước và phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên vấn đề năng lượng vẫn chưa được quan tâm một cách thích đáng.

Thời kỳ từ năm 2000 đến năm 2010, phát triển kinh tế thị trường, kinh tế - xã hội và đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Thời kỳ này bắt đầu xây dựng và thực hiện Chiến lược về năng lượng, đặc biệt là về điện năng.

Quan điểm của Đảng về phát triển năng lượng thể hiện rõ nhất qua Kết luận của Bộ Chính trị số 26-KL/TW ngày 24-10-2003 về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam giai đoạn 2001-2010, định hướng đến năm 2020. Và đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Thời kỳ từ năm 2010 đến nay, Đảng ta thể hiện quan điểm hết sức đúng đắn và kịp thời về phát triển năng lượng tái tạo, với Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-02-2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quan điểm của Đảng về phát triển năng lượng tái tạo thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, phát triển năng lượng tái tạo nhằm giải quyết vấn đề an ninh năng lượng quốc gia. Đây là vấn đề quan trọng nhất, mang tính chất nguyên tắc nền tảng.

Thứ hai, phát triển năng lượng tái tạo phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong công cuộc đổi mới đất nước và mở cửa, chuyển đổi nền kinh tế sang hoạt động theo nguyên tắc thị trường định hướng XHCN, Đảng ta đã xác định rõ, năng lượng là vấn đề sống còn, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, phát triển năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo, phải được ưu tiên đi trước một bước.

Thứ ba, phát triển năng lượng tái tạo để thực hiện phát triển bền vững. Khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo là những hoạt động cụ thể và rất hữu ích để bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ các thành tố vật chất của môi trường. Cụ thể là giảm thiểu sử dụng và tiêu hao nguồn nguyên nhiên liệu hóa thạch không có khả năng tái tạo, tăng cường sử dụng, tiến tới thay thế hoàn toàn bằng nguồn tài nguyên năng lượng có thể tái tạo được.

Thứ tư, phát triển năng lượng tái tạo phải tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc của kinh tế thị trường, lấy lợi ích, cạnh tranh làm động lực phát triển, minh bạch hóa, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh, áp dụng giá thị trường và thông lệ quốc tế với mọi loại năng lượng.

Thứ năm, phát triển năng lượng tái tạo được ưu tiên nhưng phải thực hiện theo lộ trình để bảo đảm cân đối, hài hòa giữa các nguồn năng lượng hóa thạch và năng lượng tái tạo, giữa nguồn năng lượng trong nước và nguồn năng lượng nhập khẩu, giữa các vùng miền và các địa phương, trên cơ sở giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, không gây ra những xáo trộn quá mức đối với cuộc sống của nhân dân nói chung và người lao động nói riêng.

Thứ sáu, phát triển năng lượng tái tạo trên cơ sở áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, ứng dụng công nghệ số và phấn đấu tự chủ sản xuất các trang thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo.

Thứ bảy, phát triển năng lượng tái tạo luôn đi liền với việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Xây dựng và áp dụng cơ chế, chính sách đồng bộ, khả thi, vừa khuyến khích các cá nhân, tổ chức thực hiện, vừa áp dụng chế tài tiến tới bắt buộc thực hiện.

Những nội dung chủ yếu thể hiện quan điểm lãnh đạo của Đảng trong việc phát triển năng lượng tái tạo được cụ thể hóa bằng các mục tiêu rõ ràng, khả thi và phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với tầm nhìn đến năm 2045. Một số mục tiêu cụ thể được nêu trong Nghị quyết 55-NQ/TW như sau(3):

Về sản lượng: Cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030; trong đó, năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175 - 195 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2045, đạt khoảng 320 - 350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỷ KWh. Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045.

Về lượng tiêu thụ: Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2030 đạt mức 105 - 115 triệu TOE, năm 2045 đạt mức 160 - 190 triệu TOE. Cường độ năng lượng sơ cấp năm 2030 đạt từ 420 - 460 kgOE (kg dầu quy đổi)/1.000 USD GDP, năm 2045 từ 375 - 410 kgOE/1.000 USD GDP.

Về điện năng: Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc tốp 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc tốp 3 nước dẫn đầu ASEAN.

Về năng lượng hóa thạch: Các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước; bảo đảm mức dự trữ chiến lược đối với xăng dầu đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng. Đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỷ m3 vào năm 2045.

Về tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường: phấn đấu đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045.

Về vấn đề giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường: phấn đấu đạt mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045.

Những nội dung này được thể chế hóa bằng những chính sách và quy định pháp luật cụ thể của Nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo nhằm triển khai thực hiện trong thực tế cuộc sống.

Triển khai thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển năng lượng nói chung và phát triển năng lượng tái tạo nói riêng, Chính phủ đã nỗ lực cố gắng cụ thể hóa bằng các chính sách, pháp luật một cách đầy đủ, rõ ràng và dễ thực hiện.

Các văn bản quan trọng của Chính phủ nhằm cụ thể hóa quan điểm của Đảng vào thực tiễn cuộc sống qua các thời kỳ là: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 176/2004/QĐ-TTg ngày 05-10-2004 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Điện Việt Nam giai đoạn 2004-2010, định hướng đến 2020; Quyết định 1855/QĐ-TTg 27-12-2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02-10-2020 của Chính phủ về việc Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-02-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Những nội dung về phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo cũng được thể hiện trong một số luật: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (năm 2010); Luật Điện lực năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2012). Đi kèm hệ thống thông tư, chỉ thị khá đầy đủ và hướng dẫn chi tiết việc thi hành pháp luật về sử dụng năng lượng. 

2. Nội dung cơ bản của chính sách, pháp luật nhằm cụ thể hóa quan điểm của Đảng về phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo

Một là, phát triển năng lượng tái tạo phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Kết hợp phát triển năng lượng tái tạo với triển khai thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường: Phát triển năng lượng tái tạo không chỉ tập trung mở rộng quy mô và tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, mà còn giải quyết vấn đề cung cấp năng lượng cho khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng một xã hội sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, thân thiện với môi trường. Phát triển năng lượng tái tạo trên cơ sở các nguồn lực và nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội; phù hợp với nguồn tài nguyên và nhu cầu năng lượng của cả nước và từng địa phương(4).

Hai là, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo kết hợp với phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo. Ưu tiên phát triển nhanh những lĩnh vực năng lượng tái tạo có nguồn tài nguyên lớn và triển vọng thương mại tốt, như điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối, thực hiện các biện pháp cần thiết để mở rộng nhu cầu thị trường. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị; tiếp thu, tiến tới tự chủ về công nghệ, nâng cao khả năng chế tạo thiết bị và khả năng cạnh tranh trên thị trường năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng bền vững, ổn định cho nhu cầu thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo phát triển với quy mô lớn.

Ba là, phát triển năng lượng tái tạo phải kết hợp sử dụng công nghệ ngắn hạn với phát triển công nghệ dài hạn. Chú trọng sử dụng các công nghệ đã được kiểm chứng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, như thủy điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, khí sinh học để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, cung cấp có hiệu quả điện năng cho hệ thống điện quốc gia và nhiệt năng cho nhu cầu nhiệt trong sản xuất và sinh hoạt. Đồng thời, chú trọng những công nghệ mới, hiện đại, có triển vọng trong tương lai, như công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học lỏng sử dụng công nghệ tiên tiến thế hệ hai và thế hệ ba.

Bốn là, phát triển năng lượng tái tạo phải kết hợp chính sách ưu đãi, hỗ trợ với cơ chế thị trường. Áp dụng các biện pháp khuyến khích, chính sách hỗ trợ về kinh tế, tài chính để thúc đẩy việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn năng lượng sơ cấp và cung cấp năng lượng cho khu vực nông thôn.

Thiết lập cơ chế và sử dụng các biện pháp thị trường để thu hút vốn từ mọi thành phần kinh tế vào phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật của công nghệ năng lượng tái tạo, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo. Không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến tới ngành công nghiệp năng lượng tái tạo sớm đạt được quy mô lớn để phát triển, dưới sự hỗ trợ bằng chính sách của Nhà nước.

Năm là, phát triển năng lượng tái tạo phải kết hợp tái cơ cấu với nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước tại Trung ương và địa phương trong việc quản lý các hoạt động phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; từng bước loại bỏ các rào cản, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo phù hợp để phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo.

3. Một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo

Đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện mặt trời, điện gió đã đạt trên 17 nghìn MW, chiếm 25% tổng công suất hệ thống điện quốc gia(5). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo, thực tế thực hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, khiến năng lượng tái tạo khó cạnh tranh hiệu quả với nguồn năng lượng không tái tạo và cản trở việc triển khai quy mô lớn đối với việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Có thể thấy, những khó khăn, vướng mắc tập trung ở bốn nhóm yếu tố: pháp lý, tài chính, công nghệ và xã hội.

Thứ nhất, một số bất cập trong các quy định pháp luật. Bất cập về quy định khuyến khích áp dụng biểu giá FIT: Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời quy định một số dự án điện mặt trời nối lưới và các dự án điện mặt trời mái nhà đáp ứng các điều kiện được áp dụng biểu giá hỗ trợ (giá FIT) khi đưa vào vận hành thương mại chỉ có hiệu lực đến ngày 31-12-2020. Bộ Công Thương nghiên cứu hoàn chỉnh cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời để áp dụng từ năm 2021. Như vậy, từ đầu năm 2021 đến nay, các dự án điện mặt trời không được áp dụng biểu giá FIT, trong khi cơ chế đấu thầu chưa được ban hành. Tương tự, các dự án điện gió sau ngày 01-11-2021 cũng chưa có cơ chế áp dụng đấu thầu(6).

Thứ hai, một số khó khăn về nguồn vốn để phát triển năng lượng tái tạo. Các dự án phát triển năng lượng tái tạo hiện khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng trong nước, do nhiều ngân hàng thương mại yêu cầu tỷ lệ vốn chủ đầu tư cao (từ 30-40%) và lãi suất vay vốn cao (từ 10% trở lên). Việc vay vốn từ các ngân hàng và tổ chức tài chính nước ngoài, mặc dù lãi suất thấp hơn (khoảng 4-5%), nhưng doanh nghiệp trong nước cũng khó tiếp cận được do yêu cầu phải có bảo lãnh Chính phủ(7).

Thứ ba, thiếu sự phối hợp giữa hoạt động phát triển năng lượng tái tạo và hệ thống năng lượng truyền thống trong việc tiếp nhận và phân phối nguồn năng lượng. Hoạt động của hệ thống năng lượng tái tạo phụ thuộc nhiều vào sự biến đổi của điều kiện tự nhiên và điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ hệ thống năng lượng khi kết nối các hệ thống với nhau.

Thứ tư, thiếu thống nhất nhận thức về phát triển năng lượng tái tạo từ một bộ phận nhân dân. Một số dự án còn chưa nhận được sự đồng thuận của người dân do người dân chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của việc phát triển năng lượng tái tạo. Người dân phản đối chủ yếu do lo ngại tác động xấu đến cảnh quan, suy thoái môi trường, và do thiếu sự quan tâm tham vấn giữa các cộng đồng địa phương(8).

Có thể thấy, quan điểm của Đảng và hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo là hoàn toàn đúng đắn, có cơ sở lý luận và thực tiễn đầy đủ, chắc chắn. Luôn có sự phù hợp giữa quan điểm của Đảng với chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo. Chính sách và khung khổ pháp lý cho phát triển năng lượng tái tạo là khá đầy đủ và tương đối hoàn thiện.

Tuy vậy, chính sách, pháp luật vẫn còn nhiều vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển năng lượng tái tạo cũng như chưa đáp ứng tốt được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cần phải được nghiên cứu, nhận diện và có những giải pháp phù hợp để khắc phục:

Một là, cần khuyến khích đầu tư nghiên cứu xây dựng khung khổ pháp lý đầy đủ và hoàn thiện cho việc phát triển năng lượng tái tạo.

Hai là, ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, huy động vốn đầu tư để phát triển năng lượng tái tạo.

Ba là, ban hành các quy định cụ thể, rõ ràng hơn về việc khuyến khích giá năng lượng tái tạo, áp dụng nguyên tắc lợi ích kinh tế của cơ chế thị trường vào việc sản xuất, cung cấp nguồn năng lượng tái tạo.

Bốn là, tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao hiểu biết của người dân về lợi ích của năng lượng tái tạo và sự cần thiết phải phát triển năng lượng tái tạo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

__________________

 

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 536 (tháng 10-2022)

Ngày nhận: 30-9-2022; Ngày bình duyệt:11-10-2022; Ngày duyệt đăng: 26-10-2022.

 

(1) The myth of renewable energy, Bulletin of the Atomic Scientists, thebulletin.org, 22-11-2011.

(2) Jean – Guy Vailancourt:  Phát triển bền vững: Nguồn gốc và khái niệm. https://phapluatdansu.

edu.vn/2020/09/04/15/04/pht-trien-ben-vung-nguon-goc-v-khi-niem/

(3) Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

(4) Quyết định 2068/QĐ-TTg ngày 21-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

(5), (6), (7), (8) Tuấn Thành: Vướng mắc đối với phát triển năng lượng tái tạo và giải pháp khắc phục, https://tuyengiao.vn/thoi-su/vuong-mac-doi-voi-phat-trien-nang-luong-tai-tao-va-giai-phap-khac-phuc.

PGS, TS VŨ QUANG

Viện Kinh tế và Quản lý,

Đại học Bách Khoa Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền