Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Vận dụng mô hình giáo dục thông minh vào giáo dục lý luận chính trị qua mạng ở Việt Nam hiện nay
Thứ ba, 13 Tháng 12 2022 10:32
3232 Lượt xem

Vận dụng mô hình giáo dục thông minh vào giáo dục lý luận chính trị qua mạng ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Hiện nay, công tác giáo dục lý luận chính trị đã đạt được nhiều kết quả. Song, việc giáo dục lý luận chính trị qua mạng vẫn còn những hạn chế cần được quan tâm. Do đó,việc vận dụng mô hình giáo dục thông minh vào giáo dục lý luận chính trị qua mạng ở Việt Nam là rất cần thiết. Bài viết chỉ ra tính cấp thiết và những hạn chế của công tác giáo dục lý luận chính trị qua mạng, đề xuất giải pháp cho việc vận dụng mô hình giáo dục thông minh vào công tác này.

Để vận dụng mô hình giáo dục thông minh cần quan tâm đến các yếu tố: lớp học thông minh, môi trường thông minh, người dạy "thông minh", khuôn viên thông minh... Ảnh minh họa: Internet

Công tác giáo dục lý luận chính trị đã đạt được những kết quả nhất định. Việc triển khai giáo dục lý luận chính trị đã được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, thông qua các lớp đào tạo và bồi dưỡng lý luận chính trị cho các trình độ khác nhau; các lớp học tập và quán triệt nghị quyết của Đảng; việc tuyên truyền lý luận chính trị qua sách, báo, tạp chí và trên các phương tiện thông tin đại chúng… Quá trình đổi mới nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy… từng bước được thực hiện, khẳng định chủ trương đổi mới là đúng đắn.

Nhưng bên cạnh đó, công tác này cũng còn những hạn chế cần khắc phục. Phương thức giáo dục lý luận chính trị, nhiều chỗ còn xơ cứng, kinh viện, chưa tạo được hứng thú thực sự cho người học. Các phương pháp dạy và học tích cực, đề cao tính tự học, tự nghiên cứu của học sinh, sinh viên, học viên và việc sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập chưa thực sự mang lại hiệu quả.

Trong bối cảnh công thông tin phát triển và số hóa, thế giới đã ứng dụng những thành tựu đó để hình thành và vận hành một mô hình giáo dục mới thì công tác giáo dục lý luận chính trị ở nước ta còn hạn chế; còn quá ít việc tạo lập và vận hành giáo dục lý luận chính trị qua mạng.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã nêu rõ: Công nghệ thông tin sẽ làm thay đổi nền giáo dục một cách cơ bản và toàn diện, có hệ thống và mang tính hội nhập cao vào đầu thế kỷ XXI. Sự bùng nổ và phát triển về công nghệ giáo dục sẽ tạo ra những phương thức giáo dục phi truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền giáo dục mang tính chuyển đổi sâu sắc vì con người. Quá trình này dẫn đến sự cần thiết phải nhìn nhận lại giá trị và ý nghĩa của việc dạy học (giáo dục nói chung)(1). Trong bối cảnh toàn cầu chịu ảnh hưởng sâu rộng và tương tác mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, việc giáo dục lý luận chính trị cũng phải thay đổi nhằm tiếp cận đến nội dung và phương thức đào tạo thích hợp, đáp ứng những yêu cầu mới trong đời sống xã hội.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm đình trệ sản xuất và lưu thông, làm gián đoạn việc học tập ở tất cả các cấp. Scott Galloway (diễn giả, doanh nhân đồng thời là giáo sư đại học) đã đưa ra phân tích và dự đoán của mình trong cuốn sách Thời kỳ hậu Corona (Saigonbooks, 2021) là: đại dịch Covid-19 khiến con người không thể gặp nhau trực tiếp hoặc phải hạn chế tiếp xúc đã làm cho thói quen làm việc và mô hình hoạt động của các công sở, công ty thay đổi. Mọi người phải chuyển qua làm việc tại nhà hoặc làm việc qua mạng. Scott Galloway gọi đây là “cuộc phân tán vĩ đại”. Ngay cả các bác sĩ, những người làm công việc vốn cần đến sự thận trọng tối đa gần, giờ đây cũng phải thực hiện khám và kê đơn từ xa(2).

Do đó, việc vận dụng mô hình giáo dục thông minh vào giáo dục lý luận chính trị qua mạng ở Việt Nam hiện nay là rất cần thiết.

Giáo dục thông minh được nhắc đến từ đầu thế kỷ XXI và ngày càng được nghiên cứu, phát triển theo các mô hình đa dạng. Giáo dục thông minh (SMART Education) có thể được hiểu là sự tích hợp toàn diện công nghệ, khả năng tiếp cận và kết nối mọi thứ qua internet bất cứ lúc nào và ở đâu; cần phải thực hiện đồng bộ, toàn diện mọi mặt dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, gồm: lớp học thông minh (Smart Classroom-SmCl), môi trường thông minh (Smart Environment-SmE), người dạy thông minh (Smart Teacher-SmT), khuôn viên thông minh (Smart Campus-SmC), nhà trường thông minh (Smart School-SmS)(3) và hệ sinh thái giáo dục thông minh (Smart education ecosystem-SmEE).

Để vận dụng mô hình giáo dục thông minh vào giáo dục lý luận chính trị qua mạng, cần phải quan tâm các yếu tố sau:

Một là, lớp học thông minh (Smart Classroom-SmCl)

Lớp học thông minh hay còn gọi là lớp học phi truyền thống, là lớp học được tạo ra không cố định.Lớp học thông minh là lớp học không có phòng học cố định, là “lớp học ảo” được thiết lập tương thích với nhu cầu người học và phù hợp với bối cảnh đang diễn ra.

Về cơ chế vận hành, lớp học thông minh có tính linh hoạt mà ở đó việc thiết lập lớp luôn có sự thay đổi, có thể thu nhỏ hoặc có thể mở rộng quy mô, thậm chí có thể tách, hủy lớp để thiết lập những lớp mới khi cần thiết.

Về thực chất, lớp học thông minh nhằm tạo ra người học số (Digital learner). Cùng với các cơ hội tiếp cận công nghệ mới trong giáo dục, người học ngày càng tự do hơn trong định hướng cũng như lựa chọn nội dung theo nhu cầu và quá trình học tập, do đó, càng mang dấu ấn “cá nhân hóa” một cách đậm nét hơn. Mặt khác, công nghệ cũng hỗ trợ và cho phép bất kỳ người học nào cũng có thể tìm kiếm, đóng góp, chia sẻ, xử lý dữ liệu, biến họ trở thành “người đồng sáng tạo ra tri thức mới” để đóng góp vào “trí thông minh của số đông”(4).

Như vậy, lớp học thông minh trong giáo dục lý luận chính trị sẽ yêu cầu hình thành, tạo dựng và duy trì được những người học lý luận chính trị số.

Hai là, môi trường thông minh (Smart Environment-SmE)

Thực chất của việc kiến tạo môi trườnggiáo dụcthông minh chính là hình thành được học liệu số (Digital learning resources) hay thư viện ảo (virtual library), thư viện thông minh(smart library). Thư viện thông minh là thư viện được thiết lập linh hoạt, hoạt động liên tục không có giờ nghỉ và có thể đáp ứng,phục vụ được người đọc trongmọi địa điểm và hoàn cảnh nào. Ở thư viện thông minh, các nguồn dữ liệu thông tin, nội dung kiến thức giáo dục đầu vào được số hóa (thiết kế, sản xuất, xuất bản, lưu trữ) và chuyển giao qua công cụ số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về “đa giác quan hóa” và tương tác mạnh cho người học.

Được phát triển trên nền tảng, công cụ số theo nguyên tắc đa nội dung, đa định dạng, tương tác mạnh, tái sử dụng, dễ tiếp cận, tra cứu, chia sẻ và đóng góp… học liệu số dần trở thành mục tiêu, phương tiện hữu hiệu trong côngtácgiáo dục.Không chỉ dừng lại ở việc “số hóa văn bản” hay “học liệu mở” như trước đây, hiệnnay còn phát triển ứng dụng “game hóa” (gamification) tăng cơ hội nhập vai (immersive) chongười học vào các môi trường thực - ảo để giải quyết vấn đề; mô phỏng thực tế 3D (3D simulation), hoạt hình (animation), tạo ảnh (hologram), tạo video, bài giảng bằng trí tuệ nhân tạo, E-book tương tác…

Điều này đã giúp học liệu số không chỉ còn thuần túy cung cấp thông tin, nội dung học tập mà còn tạo khả năng tương tác mạnh với những nội dung đó cho người học(5). Rõ ràng, để có môi trường thông minh trong giáo dục lý luận chính trị thì các tài liệu giảng dạy, học tập chính trị cũng cần phải được số hóa để có được học liệu số về giáo dục lý luận chính trị.

Ba là, người dạy “thông minh” (Smart Teacher-SmT)

Giáo dục thông minh đòi hỏi các chủ thể tham gia chính vào quá trình đó phải thông minh, ở đây là người dạy thông minh. Người dạy thông minh là người có sự tích hợp nhiều yếu tố: thông minh về nhận thức, thông minh về cảm xúc, thông minh về sáng tạo, thích ứng, nhất là thông minh về kỹ thật số… Vì vậy, để đảm đương được vai trò là người dạy thông minh, đưa được những thông điệp cần thiết và truyền cảm hứng cho người học qua mạng thì phải làngười dạy số (Digital teacher/educator).

Người dạy số, trên nền tảng công nghệ, thực hiện vai trò kết nối người học với nguồn dữ liệu, học liệu; kết nối cộng đồng người học với nhau, các chủ thể liên quan và với các môi trường học tập mới (thực - ảo) giàu tính trải nghiệm. Đồng thời, người dạy số cũng là người sẽ hỗ trợ người học tiếp cận, chấp nhận và truyền cảm hứng cho người học để họ sử dụng công nghệ, xóa bỏ hội chứng sợ công nghệ (Technophobia) trên các nền tảng kết nối số, dạy học trực tuyến, dạy học hỗn hợp, dạy học đảo ngược, tương tác thông minh qua các Apps ứng dụng… Mặt khác, để thực hiện vai trò kết nối số, người dạy cần liên tục học hỏi, tiếp cận, cập nhật và quản lý được các nhóm giải pháp công nghệ giáo dục(6).

Đặc biệt, người dạy số cần phải có chuẩn mực về đạo đức, văn hóa và cách ứng xử. Đó là những người dạy có “phong cách linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tính chuẩn mực của người thầy; gián tiếp và ngăn cách bởi máy tính, đường truyền nhưng không thể quên cung cách cư xử và sự thân thiện, tinh tế trong ứng xử; không mặt đối mặt nhưng không vì thế quên đi hình ảnh của mình hay những gì thuộc về lối sống,… Tâm hồn của người thầy còn không thể vô tư với những khó khăn của người học, không thể giản đơn hóa với cảm xúc hay những hậu sang chấn của học sinh, sinh viên không may mắn, yếu thế vẫn cố gắng đến trường, đến lớp…”(7).

Vì vậy, để tiến hành được giáo dục lý luận chính trị thông minh - giáo dục lý luận chính trị qua mạng, cần phải xây dựng được đội ngũ những người dạy số trong giáo dục lý luận chính trị.

Bốn là, khuôn viên thông minh (Smart Campus-SmC)

Để có được môi trường giáo dục thông minh, thì phải hình thành được khuôn viên thông minh hay còn gọi là môi trường học tập số (Digital learning environment); trong đótạo ra các cơ hội để tăng khả năng tương tác và sự linh hoạt cho người học trong không gian và thời gian thực - ảo, môi trường học tập thực-ảo (Physical-cyber environment interaction) dựa trên nền tảng số. Nhờ khuôn viên thông minh này làm tăng tính tương tác cá nhân hóa trong tổ chức hoạt động của người học với các “gói” nội dung mở, linh hoạt; tăng cơ hội, lịch trình, thời gian, không gian học tập mở, lớp học/môi trường học tập ảo; tạo chuỗi giá trị và gắn kết cao giữa cộng đồng người học với đơn vị đào tạo (kể cả trường hợp sau khi tốt nghiệp), đơn vị tuyển dụng;…(8) 

Khuôn viên thông minh giúp cho hoạt động dạy và học diễn ra mọi lúc, mọi nơi; giúp cho người học chủ động quyết định nội dung, phương thức học tập theo nhu cầu của bản thân và mục đích đã được thiết lập; giúp thúc đẩy hình thành mô hình chuyển giao kiến thức theo phương thức đối thoại giữa giảng viên với sinh viên và làm gia tăng giá trị của tri thức.

Do tính chủ động của khuôn viên thông minh, nên cần tạo dựng và kích hoạt được những phẩm chất tích cực của người học: tạo sự độc lập tương đối khi học tập, nghiên cứu, có được sự tự do học thuật và chính điều này sẽ tạo thuận lợi cho những tư duy mới, tư duy đột phá, tư duy sáng tạo ra đời. Với những đặc thù đó của khuôn viên thông minh, cần có sự giám sát mà thông qua đó để có thể củng cố niềm tin, giữ tính chính trị - tư tưởng, tăng cường định hướng dư luận xã hội trước những vấn đề mới nảy sinh cho cả chủ thể lẫn đối tượng giáo dục một cách kịp thời.  

Như vậy, muốn tiến hành được giáo dục lý luận chính trị thông minh thì cũng phải tạo dựng và vận hành được khuôn viên thông minh cho giáo dục lý luận chính trị.

Năm là, nhà trường thông minh (Smart School-SmS)

Giáo dục thông minh giúp thay đổi tư duy đối với nhà trường, giúp nhà trường thay đổi từ truyền thống thành nhà trường thông minh: nhà trường không chỉ là nơi đào tạo, nghiên cứu mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy cách nghĩ và cách tiếp cận mở về lý thuyết, đồng thời đưa ra được giải pháp khả thi trong giải quyết các vấn đề thực tiễn, từ đó mang đến giá trị đích thực cho xã hội. Nhà trường thông minh là phải vận dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn lực trên nền tảng ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, định hướng được tư tưởng chính trị đúng đắn, hình thành nhân cách nhân văn.

Để xây dựng trường học thông minh cần triển khai thực hiện đồng bộ theo 4 tiêu chí mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng: về mục tiêu của trường học thông minh,nhằm đào tạo lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ tư; về người học là trung tâm,được cung cấp các dịch vụ học tập hiện đại, có chất lượng, phù hợp với từng cá nhân; về tính chất thông minh,nhà trường hướng tới tính linh hoạt, thích ứng, hiện đại và phát triển liên tục; về nền tảng công nghệ thông minh (gồm phần cứng và phần mềm) đóng vai trò quan trọng để xây dựng và duy trì môi trường giáo dục thông minh(9).

Do đó, với tư cách là chủ thể trực tiếp tổ chức và quản lý mọi quá trình giáo dục, để có thể tiến hành được giáo dục lý luận chính trị thông minh cần phải nhanh chóng xây dựng mô hình tổ chức và vận hành nhà trường thông minh.

Sáu là, hệ sinh thái giáo dục thông minh (Smart education ecosystem-SmEE)

Hệ sinh thái giáo dục thông minh là hệ thống các yếu tố nhằm tạo điều kiện và hành lang pháp lý bảo đảm cho quá trình giáo dục thông minh được triển khai như một quá trình công nghệ, trên cơ sở đó sử dụng thông tin, kiến tạo tri thức và ra quyết định, góp phần ươm tạo tài năng, phát triển tầm nhìn cho người học.

Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào xác lập được các yếu tố chuẩn cho hệ sinh thái giáo dục thông minh. Song có thể hiểu, hệ sinh thái giáo dục thông minh ít nhất phải gồm các yếu tố: Chính sách thông minh; Quản lý thông minh; Nền tảng thông minh và Gắn kết thông minh; cụ thể là:

Thứ nhất, chính sách thông minh

Chính sách thông minh trong giáo dục thông minh nhằm hướng đến sự hỗ trợ rất nhiều của công nghệ, tạo lập cơ chế cung cấp cho người học chương trình học tập “mọi lúc, mọi nơi”, phù hợp với nhiều đối tượng đào tạo khác nhau (khả năng thích nghi cao), cá nhân hóa nội dung đào tạo. Chính sách thông minh trong giáo dục chính trị phải góp phần vào đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực lý luận chính trị chất lượng cao cho công cuộc đổi mới, cho việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước.

Thứ hai, quản lý thông minh

Quản lý thông minh trong giáo dục thông minh nhằm thúc đẩy các cơ sở giáo dục chuyển hướng dần sang tự chủ trong tổ chức và hoạt động, chủ động tìm kiếm các nguồn lực đầu tư bên ngoài, mở rộng xã hội hóa quá trình đào tạo, gỡ bỏ các rào cản để hướng sự đầu tư của các thành phần kinh tế vào giáo dục, trong dó có giáo dục lý luận chính trị và góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, nền tảng thông minh (công nghệ số - kỹ thuật số)

Nền tảng thông minh trong giáo dục thông minh là xác lập hạ tầng công nghệ thông tin làm điều kiện tiên quyết để triển khai giáo dục thông minh. Lộ trình xây dựng nền giáo dục này cần dựa trên những thay đổi từng bước từ việc thay đổi nhận thức để hình thành tri thức dựa trên việc sử dụng phương thức phù hợp, cộng hưởng với kiện toàn nguồn lực và tổ chức thực hiện. Trong đó, sự năng động và tích cực của các giảng viên, giáo viên là chìa khóa vận hành bước đầu tiến tới một nền “giáo dục thông minh” ở Việt Nam(10).

Thứ tư, gắn kết thông minh

Gắn kết thông minh trong giáo dục thông minh nhằm làm cho hoạt động của nhà trường không còn “kinh viện” chỉ giới hạn trong khuôn viên giảng đường, phòng thí nghiệm mà được mở rộng, kết hợp với doanh nghiệp và thị trường lao động để trở thành “hệ sinh thái giáo dục thông minh”.  Ở đây, gắn kết thông minh chính là thiết lập sự liên kết chủ yếu giữa các yếu tố nhà trường - nhà quản lý - nhà doanh nghiệp, tạo điều kiện cho việc đổi mới, sáng tạo và tạo ra tính hữu ích, tính thực tiễn của giáo dục nói chung và giáo dục lý luận chính trị nói riêng.

Như vậy, muốn có được giáo dục lý luận chính trị thông minh cần thiết lập một hệ sinh thái giáo dục lý luận chính trị thông minh, khởi động triển khai và vận hành nhằm tạo cơ sở, điều kiện, động lực và hành lang pháp lý cho việc hiện thực hóa giáo dục lý luận chính trị thông minh.

Qua những phân tích và trình bày trên, đã đến lúc để có thể tiến hành giáo dục lý luận chính trị thông minh (giáo dục lý luận chính trị qua mạng) một cách thiết thực và có hiệu quả, một trong những giải pháp hữu hiệu đó chính là phải nhận thức đầy đủ về tính hữu dụng của mô hình giáo dục thông minh nhằm vận dụng ngay vào giáo dục lý luận chính trị thông minh.

_________________

Ngày nhận bài: 6-7-2022; Ngày bình duyệt: 12-11-2022; Ngày duyệt đăng:

 

(1), (3), (4), (5), (6), (8) Xem GS, TS Nguyễn Quý Thanh,TS Tôn Quang Cường: Những xu thế mới của công nghệ trong giáo dục,  http://hdll.vn/vi/thong-tin-ly-luan/nhung-xu-the-moi-cua-cong-nghe-trong-giao-duc.html.

(2) Xem Một thế giới mới thời kỳ hậu Corona,  https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/sach/mot-the-gioi-moi-thoi-ky-hau-corona 778217.html?utm_source=coccoc&utm_medium=ccnews.

(7) Xem GS, TS Huỳnh Văn Sơn: Giáo dục thông minh đến đâu vẫn cần những người thầy tâm tuệ, https://svvn.tienphong.vn/giao-duc-thong-minh-den-dau-van-can-nhung-nguoi-thay-tam-tue-post1394658.tpo

(9) Xem Hồ Sỹ Anh: Điều kiện nào để có trường học thông minh?, https://thanhnien.vn/dieu-kien-nao-de-co-truong-hoc-thong-minh-post1060723.html.

(10) Xem: Khoa Công nghệ giáo dục Đại học GD HN - Giáo dục thông minh”: góc nhìn nhìn từ công nghệ giáo dục   http://education.vnu.edu.vn/index.php/WebControl/viewnews/1532.

PGS, TS NGÔ ĐÌNH XÂY

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền