Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Những điểm mới về giáo dục - đào tạo trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Thứ hai, 06 Tháng 3 2023 15:19
10468 Lượt xem

Những điểm mới về giáo dục - đào tạo trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

(LLCT) - Cùng với sự phát triển của xã hội, giáo dục - đào tạo luôn được đặt ở vị trí quan trọng và là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, chăm lo phát triển giáo dục - đào tạo luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước và cả cộng đồng, xã hội. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng, Nhà nước thực hiện nhiều chủ trương, chính sách lớn về đổi mới, phát triển giáo dục - đào tạo. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm giáo dục - đào tạo cùng khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Bài viết tập trung làm rõ những điểm mới về giáo dục - đào tạo trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, thể hiện bước tiến, hoàn thiện quan điểm này so với các Đại hội trước.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm giáo dục - đào tạo cùng khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước - Ảnh: tapchicongsan.org.vn

1. Đặt vấn đề

Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh đất nước đã trải qua 35 năm đổi mới, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tiềm lực quốc gia dân tộc được tăng cường về mọi mặt; tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là đại dịch Covid -19 tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội. Đại hội đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ chính trị và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ và tầm nhìn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.

Các quan điểm, chủ trương của Đảng thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII là sự tập trung trí tuệ, tâm huyết của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, với nhiều điểm mới, trong đó có những điểm mới về lĩnh vực giáo dục và đào tạo.  

Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực luôn luôn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mọi quốc gia, dân tộc ở mọi thời đại; góp phần quan trọng trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.

Trong bối cảnh, khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là công nghệ thông tin, thế giới đang chứng kiến những bước tiến nhảy vọt của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khoa học công nghệ đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất; hàm lượng trí tuệ ngày càng gia tăng trong mỗi sản phẩm vật chất và tinh thần của xã hội. Nhiều quốc gia đang tiến vào nền kinh tế tri thức. Yêu cầu về nguồn nhân lực của mọi quốc gia, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng cấp thiết, quyết định sức cạnh tranh của các quốc gia. Các quốc gia đều coi trọng và xác định phát triển giáo dục và đào tạo ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững. Tri thức là sản phẩm của giáo dục và đào tạo, đồng thời là tài sản quý giá nhất của con người và xã hội. Sở hữu tri thức trở thành sở hữu cơ bản nhất trong sự phát triển của mỗi quốc gia.

Nhận thức rõ vai trò của giáo dục và đào tạo đối với công cuộc xây dựng và phát triển, trong mọi hoàn cảnh, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” và dành sự ưu tiên đầu tư phát triển.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã có nhiều chính sách cụ thể hóa quan điểm trên, xác định giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những đột phá cho sự phát triển, giáo dục là tiền đề, là cơ sở của sự phát triển nhanh và bền vững.

2. Những điểm mới về giáo dục và đào tạo trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Thứ nhất, trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ở mục V đã có sự thay đổi so với Văn kiện Đại hội XII, tên đề mục đã thay cụm từ “phát triển nguồn nhân lực” bằng cụm từ “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” và bổ sung thêm cụm từ “phát triển con người”(1). Như vậy, Đại hội đã đặt trọng tâm vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển con người Việt Nam toàn diện.

Thứ hai, Văn kiện Đại hội đã thể hiện sự nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của giáo dục và đào tạo và có những quan điểm chỉ đạo cụ thể khi Văn kiện lần này nhấn mạnh: “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”(2).

Tại các Văn kiện Đại hội trước, mục tiêu giáo dục và đào tạo được đề cập mang tính quan điểm, phương châm chung chung: “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Văn kiện lần này xác định rõ ràng, cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới, nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khoẻ, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc và “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tọc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”(3).

Vừa là quam điểm mới, thể hiện rõ mục tiêu, triết lý giáo dục vừa thể hiện sự quan tâm đặc biệt “quốc sách” mang ý nghĩa đột phá này, là cơ sở chính trị cho sự đổi mới toàn diện, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự chuyển biến bứt phá của giáo dục và đào tạo.

Thứ ba, về đổi mới nội dung, chương trình gáo dục và đào tạo, Văn kiện Đại hội XIII đã hướng đến xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng với yêu cầu mới: “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.   

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững. Tri thức là sản phẩm của giáo dục và đào tạo, đồng thời là tài sản quý giá nhất của con người và xã hội. Sở hữu tri thức trở thành sở hữu cơ bản nhất trong sự phát triển của mỗi quốc gia.

Nhận thức rõ vai trò của giáo dục và đào tạo đối với công cuộc xây dựng và phát triển, trong mọi hoàn cảnh, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” và dành sự ưu tiên đầu tư phát triển.

Trên cơ sở đó, Đại hội cũng đề ra phương hướng: “Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế(4).

Văn kiện Đại hội XII xác định nhiệm vụ đổi mới toàn diện giáo dục - đào tạo là “Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn”(5) thì Văn kiện Đại hội XIII đã có tiếp cận mới phù hợp với thực tế: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua Internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”(6).

Đặc biệt Đại hội lần này đã nhấn mạnh: “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”(7).

Thứ tư, cụ thể hóa yêu cầu hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, sắp xếp lại hệ thống trường học, phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền, ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và các đối tượng chính sách. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Đẩy mạnh tự chủ đại học. Thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao. Xây dựng các cơ chế, chính sách và giải pháp để đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: “đặc biệt chú trọng giáo dục mầm non, tiểu học, tạo tiền đề và bảo đảm điều kiện thuận lợi để mỗi người dân có cơ hội được thụ hưởng công bằng thành quả của nền giáo dục”(8).

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Đại hội XIII nhấn mạnh cần: “Có chính sách đột phá phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học”(9), đồng thời có “Có cơ chế hỗ trợ xây dựng một số trường đại học lớn và đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới”(10).

Đại hội đã xác định nhiệm vụ hàng đầu của đổi mới căn bản giáo dục - đào tạo là: “Sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm”(11), đổi mới các cơ sở đào tạo sư phạm là nọi dung có ý nghĩa căn bản, bởi đây được coi là những “máy cái” của ngành giáo dục - đào tạo. Sẽ không thể có nền giáo dục phát triển hiện đại khi hệ thống “máy cái” không được quan tâm đầu tư đổi mới căn bản. Điểm mới này đã thể hiện tư duy của Đảng ta về giáo dục và đào tạo ngày càng rõ hơn, chuyên sâu hơn.

Thứ năm, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, “Lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đoXây dựng và triển khai thực hiện lộ trình tiến tới miễn học phí đối với học sinh phổ thông, trước hết là đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở”(12)Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập phù hợp với xu thế của thế giới và điều kiện của Việt Nam trên cơ sở bảo đảm công bằng xã hội và các giá trị cơ bản của định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan tâm thích đáng đến phát triển giáo dục ở miền núi, vùng cao, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện các khâu, các yếu tố của quá trình đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các tiêu cực trong giáo dục và đào tạo. Hoàn thiện và thực hiện ổn định các phương thức đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo, thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng và đào tạo nghề. Mục tiêu của giáo dục Việt Nam được Đại hội đặt ra rất cụ thể: “phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt được trình độ tiên tiến trong khu vực”(13).

Trong bối cảnh cách mạng khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế, Đại hội xác định yêu cầu phải “Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo. Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế”(14).

Tiếp tục tinh thần Đại hội XII, Văn kiện Đại hội XIII đặt ra yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Song, điểm mới của Văn kiện Đại hội XIII là bổ sung yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách để “Gắn kết chặt chẽ giáo dục và đào tạo với nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới; hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, các nhóm đổi mới sáng tạo mạnh”(15).

Cùng với đề cao vị trí, vai trò và trách nhiệm xã hội, cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”(16). Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người.

Một điểm mới của Đại hội XIII là, đã bổ sung chủ trương: “chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức”, thêm sự nhấn mạnh “đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”(17). Đặc biệt, Đại hội yêu cầu làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, có chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài cho phát triển kinh tế và xã hội. Đồng thời, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; bảo đảm thống nhất với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động.

Quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, với vai trò là một đột phá chiến lược, chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người được đề ra tại Đại hội XIII thể hiện sự đổi mới trong nhận thức tư duy của Đảng về giáo dục và đào tạo. Thể hiện sự hoàn thiện, bổ sung, phát triển quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam về phát triển giáo dục và đào tạo trong điều kiện mới, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, thực hiện khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng, hạnh phúc.

3. Kết luận

Những điểm mới về giáo dục và đào tạo trong Văn kiện Đại hội XIII, đặc biệt là quan điểm giáo dục và đào tạo là “động lực then chốt để phát triển đất nước”, thể hiện sự nhất quán trong đường lối cách mạng, chủ trương, chính sách phát triển của Đảng ta. Đồng thời, thể hiện tư duy sáng tạo, sự nhạy bén với xu thế phát triển của thời đại. Đã khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giáo dục và đào tạo, là đột phá chiến lược trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Thể hiện sự nhận thức ngày càng đầy đủ, toàn diện hơn vai trò của con người trong sự phát triển kinh tế - xã hội, lấy con người là trung tâm, trên nền tảng của sự phát triển giáo dục và đào tạo.

_________________

Ngày nhận bài: 27-02-2023; Ngày bình duyệt: 28-02-2023; Ngày duyệt đăng: 6-3-2023.

 

(1), (2), (3), (4), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.136, 136, 136 -137, 231, 232, 233, 137, 137, 234, 138-139, 138, 234, 140, 138, 139, 231.

(5) ĐCSVN: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.114.

                                                                   TS TRƯƠNG THỊ HỒNG NGA

                                                          Trường Đại học Xây dựng Miền Tây

                                                                      TS NGUYỄN THỊ TÚY

                                                             Trường Đại học Tài chính - Marketing

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền