Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng    Vấn đề tiếp thu các giá trị lý luận của nhân loại trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Thứ ba, 28 Tháng 3 2023 13:32
5205 Lượt xem

Vấn đề tiếp thu các giá trị lý luận của nhân loại trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

(LLCT) - Trong quá trình đổi mới ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng một cách sáng tạo những giá trị lý luận của nhân loại, đặc biệt là quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam. Thông qua sự vận dụng đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước xây dựng, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng mang đặc sắc Việt Nam. Bài viết khái quát vấn đề tiếp thu giá trị lý luận của nhân loại trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trên các nội dung: về kinh tế, về chính trị, về văn hóa và tiếp thu vận dụng các nội dung khác.

Việt Nam lựa chọn mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN với mục tiêu sử dụng những ưu điểm của kinh tế thị trường và khắc phục những khiếm khuyết vốn có của nó. (Trong ảnh: Phát triển ngành kinh tế biển ở tỉnh Quảng Ngãi) - Ảnh: thanhnien.vn

Sự thành công của công cuộc đổi mới mang ý nghĩa lịch sử lớn của Việt Nam có một nguyên nhân hết sức quan trọng là đã tiếp thu các giá trị phổ biến của nhân loại một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện lịch sử Việt Nam và thông qua sự tiếp thu sáng tạo đó đã góp phần bổ sung vào giá trị nhân loại những nét đặc sắc của Việt Nam. Điều đó được thể hiện rõ nét trong quan điểm về sự quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN.

Theo quan niệm duy vật về lịch sử của chủ nghĩa Mác, sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là quá trình lịch sử tự nhiên. Quá trình lịch sử tự nhiên được hiểu là sự phát triển tuân theo quy luật khách quan của sự vận động lịch sử, bao hàm cả sự phát triển tuần tự và sự nhảy vọt, bỏ qua một giai đoạn phát triển nào đó với những điều kiện nhất định. Nhưng dù có phát triển nhảy vọt hay rút ngắn đi chăng nữa thì sự phát triển của xã hội vẫn phải kế thừa những thành tựu quan trọng mà xã hội loài người đã đạt được. Thấm nhuần quan điểm đó, thực tiễn sinh động của công cuộc đổi mới của Việt Nam đã minh chứng cho lý luận về sự quá độ lên CNXH của Việt Nam bỏ qua chế độ TBCN là đúng đắn và sáng tạo. Lý luận về sự bỏ qua chế độ TBCN, có thể nói, là sự bổ sung cho sự phát triển rút ngắn lên CNXH ở Việt Nam. Theo quan điểm đó, quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng TBCN, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ TBCN, đặc biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại(1) tiến lên xây dựng CNXH.

1. Trong lĩnh vực kinh tế, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng và phát triển quan niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đó không phải là nền kinh tế thị trường TBCN và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường XHCN với những nội dung đầy đủ của nó. Kinh tế thị trường định hướng XHCN là nền kinh tế thị trường hiện đại, vận hành đầy đủ theo quy luật của nền kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, phục vụ nhân dân lao động, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thực tế đã chứng minh, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN không những mang lại hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn so với các nước TBCN có cùng trình độ phát triển kinh tế. Nhờ phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN mà Việt Nam đã vượt qua được khủng hoảng về kinh tế trước đổi mới, đạt được mức tăng trưởng kỷ lục không những của Việt Nam mà còn của khu vực và thế giới trong hàng chục năm trước đây và hiện nay. Nếu không có được mức tăng trưởng cao như vậy thì Việt Nam không thể giải quyết tốt các vấn đề kinh tế và xã hội.

Có thể nói, kinh tế thị trường là thành tựu văn minh của nhân loại mà trải qua hàng nghìn năm mới có được. Kinh tế thị trường hiện được phát triển mạnh mẽ nhất trong CNTB và bản thân CNTB đã sử dụng có hiệu quả kinh tế thị trường để phát triển kinh tế. Nhưng, ngay trong CNTB, kinh tế thị trường cũng có nhiều loại khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội của từng nước. Bên cạnh những ưu điểm, bản thân kinh tế thị trường cũng mang lại những mặt trái về mặt xã hội. Vì vậy, các nước tư bản luôn điều chỉnh để thích ứng với những đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước và của thời đại.

Nếu các nước TBCN đi lên CNXH thì đã có cơ sở vật chất do kinh tế thị trường chuẩn bị và việc đi lên CNXH là xuất phát từ tất yếu kinh tế, còn các nước tiền TBCN muốn đi lên CNXH, một phương thức phát triển cao hơn và một xã hội tốt đẹp hơn CNTB thì không có con đường nào khác là phải phát triển kinh tế thị trường, cái mà trong quá trình phát triển CNTB đã thực hiện. Có thể nói, Việt Nam đi lên CNXH với một tất yếu chính trị, xã hội và là khát vọng về sự tồn vong và độc lập của dân tộc, trong khi cơ sở kinh tế chuẩn bị cho một xã hội mới chưa có. Đối với một nước như Việt Nam, muốn phát triển rút ngắn lên CNXH, bỏ qua chế độ TBCN thì phát triển kinh tế thị trường là một đòi hỏi tất yếu.

Tất nhiên, kinh tế thị trường đã có lịch sử hàng trăm năm và đã bộc lộ đầy đủ những mặt mạnh và mặt yếu của nó. Ý muốn chính trị của các nước đi sau là muốn sử dụng mặt mạnh của kinh tế thị trường và hạn chế những tác động tiêu cực của nó. Vì vậy, Việt Nam lựa chọn mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN với mục tiêu sử dụng những ưu điểm của kinh tế thị trường và khắc phục những khiếm khuyết vốn có của nó. Như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”(2). Sự thành công của mô hình kinh tế tổng quát Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phụ thuộc vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý khoa học của Nhà nước và sự tham gia, ủng hộ tích cực của nhân dân.

Theo đánh giá của một số học giả quốc tế, đây là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử của kinh tế thị trường, cùng với các kiểu kinh tế thị trường đã tồn tại trong lịch sử như: kinh tế thị trường tự do, kinh tế thị trường xã hội hoặc kinh tế thị trường XHCN của Trung Quốc. Có thể coi, quan niệm về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là một đột phá lý luận sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đúng như Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định, việc đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới(3).

2. Cùng với đột phá đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng và từng bước hoàn thiện mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát của mô hình đó là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Trong đó, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định sự thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho sự phát triển đất nước theo đúng định hướng XHCN. Nhà nước pháp quyền XHCN là công cụ thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đa số nhân dân. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Có thể nói, nhà nước pháp quyền cùng với kinh tế thị trường là thành tựu của nhân loại mà các nước đều phải vận dụng cho phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội để phát triển. Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam về bản chất khác với nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ: thực chất của pháp quyền tư sản là công cụ phục vụ và bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản, còn Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là công cụ thể hiện, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ và bảo đảm lợi ích của đa số nhân dân lao động. Đó là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, coi lợi ích của nhân dân là trước hết và trên hết.

Trong mô hình chính trị đó, dân chủ được xem là bản chất của chế độ XHCN, vừa là mục tiêu và động lực của công cuộc xây dựng CNXH. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nền dân chủ XHCN đã đi vào thực chất, thật sự trở thành mục tiêu và động lực của công cuộc xây dựng xã hội mới. Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng và ngoài xã hội là một trong những phương thức để kiểm soát quyền lực.

Như vậy, trong xã hội XHCN mà Việt Nam đang xây dựng, ba trụ cột hết sức quan trọng đó là kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN. Cả ba trụ cột này đều đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản. Nếu đối chiếu với các học thuyết của phương Tây về các trụ cột của xã hội thì ta có thể nhận thấy sự kế thừa và sáng tạo cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Lý thuyết xã hội phương Tây cũng nói đến kinh tế thị trường (có nhiều loại kinh tế thị trường khác nhau), đến nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Việt Nam không nói đến xã hội dân sự và không chủ trương xây dựng xã hội dân sự. Điều mà Việt Nam nhấn mạnh và xây dựng chính là nền dân chủ XHCN. Nền dân chủ chính là cái bảo đảm cho sự sáng tạo của người dân, đồng thời là phương tiện quan trọng để kiểm soát quyền lực. Thực chất của việc xây dựng các tổ chức xã hội dân sự là nhằm thực hiện và phát huy dân chủ.

Chủ nghĩa Mác khẳng định, quần chúng nhân dân là người quyết định và sáng tạo ra lịch sử; xây dựng xã hội XHCN là xây dựng một xã hội trong đó mình vì mọi người, mọi người vì mình; sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người. Tinh thần nhân văn, nhân bản đó đã được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển.

3. Văn hóa được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh và động lực của công cuộc đổi mới đất nước. Trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam, phát triển văn hóa được định hướng đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội. Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng và dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn. Phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước.

Phát triển văn hóa, xã hội, con người đồng thời với phát triển kinh tế; không vì mục tiêu phát triển kinh tế mà không quan tâm đến bảo vệ môi trường. Phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa và bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường là định hướng chiến lược trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(4).

4. Cùng với những đột phá mang tính lý luận như trên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khái quát thành 10 mối quan hệ lớn, mang tính quy luật trong xây dựng CNXH phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đó là các mối quan hệ: (1) giữa đổi mới, ổn định và phát triển; (2) giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; (3) giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN; (4) giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất XHCN; (5) mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; (6) giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; (7) giữa xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN; (8) giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; (9) giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và (10) giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

Những mối quan hệ trên đây trong tương lai có thể được bổ sung và hoàn thiện thêm các mối quan hệ khác nữa, là những mối quan hệ biện chứng, mang tính quy luật của sự vận động và phát triển của xã hội mà Việt Nam đang trong quá trình bổ sung vào lý luận về đường lối đổi mới, xây dựng CNXH ở Việt Nam.

Cuối những năm 80 đầu những năm 90 thế kỷ XX, công cuộc đổi mới của Việt Nam và sự sụp đổ mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu đã đặt ra cho các nhà lãnh đạo và những người nghiên cứu lý luận ở Việt Nam nhiều vấn đề về công cuộc đổi mới và về CNXH. Trong điều kiện nhiều nước từ bỏ con đường XHCN, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên trì con đường XHCN và khẳng định sự sụp đổ của CNXH ở Đông Âu và Liên Xô không phải là sự sụp đổ của CNXH khoa học mà là sự sụp đổ của mô hình cụ thể của CNXH. Khẳng định đó có ý nghĩa phương pháp luận hết sức quan trọng; một mặt, góp phần củng cố niềm tin cho Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam vào CNXH khoa học, vào lý tưởng XHCN; đồng thời, đòi hỏi Đảng và những người làm công tác lý luận phải hoàn thiện, bổ sung những quan điểm lý luận mới, tìm ra một mô hình CNXH phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và xu thế phát triển của thời đại.

Lý luận của C.Mác về CNXH và con đường lên CNXH là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận quan trọng cho việc vận dụng sáng tạo lý luận trong thực tiễn không ngừng đổi mới của Việt Nam. Công cuộc tìm kiếm mô hình CNXH phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước là công việc lâu dài và thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện.

Trải qua 35 năm đổi mới, với thực tiễn sinh động, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định mục tiêu bao trùm và thể hiện bản chất của xã hội XHCN mà nhân dân Việt Nam đang xây dựng là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”(5).

Đây cũng chính là những đặc trưng cơ bản của CNXH mang bản chất Việt Nam. Những đặc trưng đó không chỉ kế thừa những quan điểm của C.Mác mà còn là sự sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Xã hội XHCN mà nhân dân Việt Nam đang xây dựng mang những giá trị phổ quát của nhân loại như sự phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, ấm no, tự do, hạnh phúc, tiến bộ, vì sự phát triển của con người, v.v.. Như vậy, xã hội XHCN mà Việt Nam xây dựng nằm trong tiến trình phát triển tiến bộ của nhân loại, có sự kế thừa và phát triển các giá trị nhân loại.

Đến Đại hội XIII của Đảng, mục tiêu đó được cụ thể hóa một cách chi tiết hơn, rõ ràng hơn với những dấu mốc quan trọng của đất nước từ nay cho đến năm 2045. Những mục tiêu cụ thể đó được xác định: “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(6). Đây là bước cụ thể hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà nhiều năm qua Việt Nam chưa cụ thể hóa được. Nhìn vào mục tiêu đó, có thể khẳng định, sự phát triển của Việt Nam đang nằm trong dòng chảy của sự phát triển lịch sử nhân loại với những giá trị phổ biến của nó.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 540 (tháng 02-2023)

Ngày nhận bài: 9-01-2023; Ngày bình duyệt: 03-02-2023; Ngày duyệt đăng: 21-03-2023.

 

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.60, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.131.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.128.

(3), (4), (5), (6) Xem: Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.25, 27, 24, 53.

GS, TS PHẠM VĂN ĐỨC

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền