Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Những nhân tố chi phối triết lý giáo dục và việc xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam
Thứ bảy, 29 Tháng 7 2023 09:15
1832 Lượt xem

Những nhân tố chi phối triết lý giáo dục và việc xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam

(LLCT) - Triết lý giáo dục ảnh hưởng sâu sắc đến nội dung, phương pháp dạy và học. Tuy nhiên, hiện nay triết lý giáo dục vẫn đang được xem là vấn đề cần được nghiên cứu một cách thấu đáo trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Bài viết góp phần bàn luận về triết lý giáo dục và việc xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay. 

Cải cách giáo dục ở Việt Nam hiện nay phải là cuộc cải cách nhằm giải quyết những vấn đề có tính chất cơ bản bắt đầu từ triết lý giáo dục - Ảnh: giaoducthoidai.vn

1. Các nhân tố chi phối triết lý giáo dục

Triết lý nói chung nằm trong khung tam triết cơ bản: triết lý - triết học - minh triết; tương ứng, triết lý giáo dục nằm trong khung chuyên biệt: triết lý giáo dục - triết học giáo dục - minh triết giáo dục. Như vậy, triết lý giáo dục chịu sự chi phối của triết học giáo dục và minh triết giáo dục bản địa như những yếu tố bên trong, nhân tố nội sinh. Mặt khác, theo khung tam học thì triết học là một thành phần trong bộ ba: khoa học - triết học - đạo học; tương ứng, triết học giáo dục là “gạch nối” giữa khoa học giáo dục và đạo học giáo dục, chịu sự tác động của chúng, thông qua triết học giáo dục, triết lý giáo dục chịu sự chi phối của khoa học giáo dục và đạo học giáo dục. 

Để nhận diện triết lý giáo dục, cần phân biệt nó với triết học giáo dục. Cả hai khái niệm này đều có mối liên hệ mật thiết với một khái niệm thứ ba là tư tưởng giáo dục, trong đó tư tưởng giáo dục là gốc, còn triết lý giáo dục và triết học giáo dục đều phái sinh từ tư tưởng giáo dục và có thể chuyển hóa lẫn nhau. Cả ba đều (có thể) bắt nguồn từ thực tiễn, trong đó triết lý giáo dục trực tiếp chỉ đạo và phục vụ thực tiễn. Triết lý giáo dục và triết học giáo dục đều là những tư tưởng giáo dục, nhưng giữa chúng có sự khác biệt về hình thức, nội dung, phạm vi và hiệu quả. Triết lý giáo dục là tư tưởng giáo dục xuất phát từ nhu cầu thực tiễn thời đại, tồn tại trên nền tảng văn hóa nhất định, chịu sự tác động, chi phối của ý thức hệ. Mặt khác, mỗi triết lý giáo dục đều được hình thành từ những yêu cầu, đặc điểm kinh tế - xã hội cùng chế độ chính trị của quốc gia. Do đó, triết lý giáo dục cũng thường thay đổi, được bổ sung, hoàn thiện và phát triển cùng những yêu cầu của thực tiễn. Lịch sử phát triển giáo dục của các nước từ xưa đến nay đã chứng kiến sự ra đời kế tiếp của nhiều triết lý giáo dục khác nhau. 

Sự khác biệt về nội dung giữa triết lý giáo dục và triết học giáo dục không phải ở chỗ triết lý giáo dục chỉ chú trọng làm rõ mục đích của giáo dục, còn triết học giáo dục thì bàn về tất cả các khía cạnh khái quát của giáo dục, mà là ở chỗ, tuy đều cùng đề cập đến tất cả các khía cạnh khái quát của giáo dục (như mục đích giáo dục, mục tiêu giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, quản lý giáo dục, phát triển giáo dục,...), nhưng triết lý giáo dục thì dừng lại ở những nhận định (hay tuyên bố) về giáo dục, còn triết học giáo dục thì xây dựng hệ thống lập luận, tức là hệ thống triết thuyết, bao gồm lập thuyết, luận thuyết và dụng thuyết triết học về giáo dục. 

Về phạm vi, nói chung, không có sự khác biệt giữa triết lý giáo dục và triết học giáo dục, vì cả hai đều bao quát toàn bộ lĩnh vực giáo dục, tức là, toàn bộ nền giáo dục, toàn bộ hệ thống giáo dục trong lịch sử, hiện tại, cũng như hướng tới tương lai. Tất nhiên, có sự khác biệt về phạm vi giữa các bộ phận hợp thành hoặc là giữa bộ phận này với toàn thể kia. Thí dụ, phạm vi của triết lý kinh nghiệm về giáo dục hẹp hơn so với phạm vi của triết học giáo dục, vì không gian và thời gian kinh nghiệm bao giờ cũng chật hẹp (giáo dục chỉ được coi là hiện tượng đơn nhất) hơn so với không gian và thời gian lý thuyết (khảo sát giáo dục như đối tượng phổ biến), do tư duy lý luận luôn rộng lớn hơn, sâu sắc hơn, cao xa hơn so với tư duy kinh nghiệm.

Về hiệu quả, cả hai đều vừa định hướng tư duy, nhận thức, vừa định hướng hành động. Triết lý giáo dục mà thiếu triết học giáo dục thì mù quáng; ngược lại, triết học giáo dục mà thiếu triết lý giáo dục thì chỉ là lý thuyết suông, tức là vô dụng, vì triết lý giáo dục gần và gắn liền trực tiếp hơn với thực tiễn nói chung và thực tiễn giáo dục nói riêng hơn nhiều so với triết học giáo dục.

Từ cách tiếp cận nghiên cứu này, có thể chỉ ra các mối liên hệ chi phối như sau: 

Theo chiều ngang: Cần xem xét triết lý giáo dục như sản phẩm tinh hoa được chắt lọc trong quan hệ tương tác giữa góc nhìn triết học với giáo dục học trên lý luận và trong sự chi phối mạnh mẽ của hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trên thực tiễn, với sự bổ sung của các góc nhìn tâm lý học, xã hội học, nhân học... Tuy nhiên, sự liên ngành giữa triết học và giáo dục học không chỉ là sự liên thông, liên kết ngang giữa hai ngành khoa học tương đối độc lập với nhau, mà còn là sự liên thông, liên kết giữa hai cấp độ học thuật: triết học với tư cách là khoa học phổ quát, phổ dụng; trong khi đó, giáo dục học là khoa học chuyên ngành, chuyên dụng; hơn thế nữa, triết học còn đóng vai trò thế giới quan và phương pháp luận chung của mọi khoa học, trong đó có giáo dục học.

Theo chiều dọc: Đặt các thành tố, các chiều kích, các kiểu loại của triết lý giáo dục trong mối liên hệ với nhau và trong sự quy định lẫn nhau; đồng thời, đặt bản thân triết lý giáo dục trong những mối quan hệ với cả hệ thống giáo dục (thực tiễn giáo dục) và sự phát triển của xã hội. Hệ thống giáo dục có cấu trúc phức hợp không chỉ đa cấp độ, mà còn đa chiều cạnh và đa loại hình. Tương quan giữa hệ thống giáo dục và các hệ thống xã hội khác cũng vừa theo chiều dọc, như giữa hệ thống giáo dục với hệ thống xã hội toàn thể, vừa theo chiều ngang, như giữa hệ thống giáo dục với hệ thống y tế, hay giữa thiết chế giáo dục và thiết chế y tế,...

Tổng quát lại triết lý giáo dục chịu sự chi phối từ các yếu tố cơ bản của tồn tại xã hội (lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất), mỗi yếu tố này tác động lẫn nhau và tác động chi phối đến các yếu tố chủ yếu nhất của ý thức xã hội bao gồm: khoa học giáo dục, triết học giáo dục; pháp luật giáo dục; chính trị (chính sách) giáo dục... để cùng nhau dẫn đến chi phối triết lý giáo dục.

Nếu hiểu nhân tố nội sinh là nhân tố nảy sinh trong nội bộ một quốc gia và chi phối một nhân tố nào đó khác, nhân tố ngoại sinh là những nhân tố từ bên ngoài quốc gia đó chi phối quá trình nào đó bên trong quốc gia, thì từng nhân tố nêu trên đều có thể được xét ở hai bình diện nội sinh và ngoại sinh. Còn nếu hiểu nội sinh là những nhân tố cùng cấp (ngang hàng) - trong trường hợp này là - với triết lý giáo dục chi phối nó, thì đó là các hình thái ý thức xã hội hoặc/và tiểu hệ thống gắn với giáo dục của chúng (kiểu triết học/triết học giáo dục, khoa học/khoa học giáo dục....) và ngoại sinh là những nhân tố không cùng cấp, thì trong trường hợp này đó là các yếu tố của tồn tại xã hội, bao gồm cả thực tiễn giáo dục. Trong mọi trường hợp đều phải khảo sát tất cả các nhân tố đã được liệt kê; tuy nhiên, mức độ “nội sinh” - trong nước hay “ngoại sinh” - ngoài nước hiểu theo nghĩa đầu tiên sẽ có độ đậm nhạt khác nhau. Các kiểu phân chia nhân tố chi phối triết lý giáo dục như trên còn có thể giao thoa với kiểu phân chia thành các nhân tố trực tiếp và gián tiếp, chủ quan và khách quan. Do vậy, thực tế thường phải dùng đa dạng các kiểu phân chia, trong đó “nhân tố chủ quan” nghiêng nhiều hơn về phía “nội sinh”, còn “khách quan” nghiêng về phía “ngoại sinh” nhiều hơn.    

2. Về triết lý giáo dục của Việt Nam

Cuộc tranh luận về triết lý giáo dục ở Việt Nam trong những năm gần đây khá sôi động, là một tín hiệu đáng mừng. Sau nhiều thập kỷ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các học giả và những người quan tâm đến giáo dục cũng đã truy tìm các vấn đề của giáo dục ở nơi phát sinh là triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay. Vấn đề khẩn thiết đặt ra hiện nay là xác định cho được một triết lý mới, phù hợp cho giáo dục Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới đã làm và làm từ rất lâu điều tương tự. Việt Nam đã có những thành tố của triết lý giáo dục, nhưng chưa được xây dựng thành hệ thống lý luận hoàn chỉnh và có những thành tố cần được phát triển, hoàn thiện phù hợp với thực tiễn. Cải cách giáo dục ở Việt Nam hiện nay phải là cuộc cải cách nhằm giải quyết những vấn đề có tính chất cơ bản bắt đầu từ triết lý giáo dục. Trong cuộc cải cách đó, nếu triết lý giáo dục được ý thức rõ, được minh định rõ ràng, thì cho dù cải cách giáo dục có tiến triển chậm do các nguyên nhân khác nhau, ít nhất nó cũng nhận được sự đồng thuận từ đông đảo người dân, giới học giả và những người làm trong ngành giáo dục.

3. Những nhân tố chi phối việc xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay

Điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước

Sau hơn 35 năm tiến hành đổi mới toàn diện, hình ảnh đất nước ta đã được cải thiện rất đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Việt Nam đã bước đầu thực hiện thành công sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nền kinh tế của đất nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, kinh tế đối ngoại hội nhập có hiệu quả ngày càng sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới. Điều đó chi phối những định hướng phát triển giáo dục, quy định mục tiêu, nội dung, phương pháp và xác định chuẩn “đầu ra” cho giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Các cơ sở giáo dục và chất lượng giáo dục được quan tâm đầu tư phát triển, góp phần giải quyết được vấn đề lao động - việc làm của xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức trước giáo dục Việt Nam. Đặc biệt, những tác động của nền kinh tế thị trường làm thay đổi hệ giá trị truyền thống của dân tộc, của con người, nên nội dung, phương pháp giáo dục và nói chung triết lý giáo dục truyền thống không còn hoàn toàn phù hợp, đòi hỏi phải được đổi mới. Thêm vào đó, sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với các nước trên thế giới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cùng sự xuất hiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặt ra những yêu cầu mới cấp bách hơn cho giáo dục và đào tạo: giáo dục và triết lý giáo dục phải thay đổi, đi trước dự báo được những xu thế phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn đổi mới.

Đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển giáo dục và đào tạo

Đảng ta luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử hơn 35 năm đổi mới đã khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên CNXH ở nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã vạch ra và dự báo. Do đó, trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo do Đảng lãnh đạo cần chú trọng tiếp tục nghiên cứu và giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nghị quyết của Đảng là cơ sở, định hướng chiến lược, đưa ra những quan điểm và mục tiêu, xác định phương hướng tổng quát và những giải pháp chủ yếu để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà. Đó thật sự là nền tảng cho việc xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam, đủ sức cụ thể hóa những quan điểm của Đảng về giáo dục, định hình về mặt lý luận đổi mới giáo dục, đồng thời thể chế hóa thành luật và chính sách quản lý giáo dục của Nhà nước, từ đó tạo ra hành động sáng tạo, thống nhất của toàn xã hội theo phương châm xã hội hóa giáo dục một cách thực chất và hiệu quả.  

Những quan điểm tư tưởng ở tầm chiến lược về giáo dục được thể hiện trong Cương lĩnh và các nghị quyết của Đảng, trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển con người do Đảng vạch ra. Triết lý phát triển giáo dục - do đó - phải thể hiện đúng đắn đường lối, quan điểm của Đảng và tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh. Bởi vậy, chủ thể lãnh đạo và tổ chức thực hiện triết lý giáo dục Việt Nam là Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này được cụ thể hóa bằng việc ban hành nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Để đạt mục tiêu này, Đảng cũng đề ra một hệ thống giải pháp.

Điểm đặc biệt cần quán triệt là Luật Giáo dục quy định tại Điều 12: “Phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập là sự nghiệp của Nhà nước và của toàn dân”. Mọi tổ chức, gia đình, mọi công dân, ai cũng có trách nhiệm chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, mỗi chủ thể giáo dục này lại có vai trò riêng trong việc xây dựng và thực hiện triết lý phát triển giáo dục Việt Nam; trong đó, Đảng có vai trò lãnh đạo, Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân về mục tiêu, nội dung, chương trình, kế hoạch giáo dục, tiêu chuẩn nhà giáo, hệ thống văn bằng, chứng chỉ, quy chế thi cử; tập trung quản lý chất lượng giáo dục, thực hiện phân công, phân cấp quản lý giáo dục, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục. Như vậy, Đảng và Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc quyết định, ban hành, hệ thống hóa toàn bộ triết lý phát triển giáo dục của đất nước. Những điều này lại được cụ thể hóa và chính xác hóa thêm trong Luật Giáo dục năm 2019. 

Bên cạnh phát triển giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học công nghệ làm cho cả giáo dục lẫn khoa học công nghệ thật sự thành quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức. Song, hẹp hơn, khoa học nói chung, trong đó có khoa học giáo dục, giáo dục học; triết học và triết học giáo dục, tâm lý học... đều là những nhân tố trực tiếp chi phối triết lý giáo dục. Theo một nghĩa nhất định, các khoa học đó đều giữ vai trò là nền tảng trên đó vươn lên một triết lý giáo dục xanh tươi, khỏe khoắn và ngược lại, muốn có một triết lý như vậy thì các khoa học này phải đủ phát triển để có sức ảnh hưởng tác động đến sự định hình triết lý giáo dục cả về nội dung phong phú của nó lẫn về sự diễn ngôn sinh động giàu hình ảnh.    

Đổi mới và cải cách giáo dục 

Những nỗ lực cải cách giáo dục, khắc phục những hạn chế của giáo dục nước nhà là một cuộc cách mạng về giáo dục hết sức cần thiết và cấp bách. Sự tiến quân của Việt Nam để “sánh vai với các cường quốc năm châu” bắt buộc phải tiến hành một cuộc cách mạng như vậy. Điều này còn liên quan đến một sự thật là, giáo dục góp phần sản sinh những nguồn nhân lực có trách nhiệm sáng tạo ra thông tin mới, phát triển khoa học và văn hóa - những động lực của nền văn minh mới. Hơn nữa, giáo dục không chỉ phục vụ mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống, mà chính bản thân nó là một chỉ số của chất lượng cuộc sống.

4. Các yêu cầu trong xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay

Việc xây dựng triết lý giáo dục phù hợp với sự phát triển mới ở Việt Nam cần đáp ứng được các yêu cầu: xác lập những tiêu chuẩn để đánh giá nền giáo dục hiện nay và môi trường thực thi cho nó; tính đến những hoàn cảnh, điều kiện cụ thể và những đòi hỏi mới chủ quan và khách quan, trong nước và quốc tế, lấy đó làm căn cứ xây dựng triết lý giáo dục phù hợp; phải tạo ra những điều kiện thuận lợi để triết lý giáo dục mới đi vào cuộc sống một cách thành công.

Ở bất kỳ giai đoạn nào, giáo dục Việt Nam đều có triết lý của mình, có thể được tuyên bố tường minh, có thể không được phát ngôn chính thức, nhưng thực tiễn giáo dục đều được chỉ đạo bởi các quan điểm giáo dục rõ ràng. Triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay cần được xây dựng trên cơ sở kế thừa các triết lý giáo dục Việt Nam ở các thời kỳ trước, giữ lại và phát huy những điểm hợp lý, đồng thời đổi mới những điểm không còn phù hợp, bổ sung thêm những điểm chưa có. Xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam phải đáp ứng những đòi hỏi thực tiễn xã hội hiện nay và trong tương lai trung hạn tiếp theo, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển con người... của các giai đoạn này. Xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam là để nó góp phần đắc lực thực hiện các mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Triết lý giáo dục Việt Nam cần được xây dựng sao cho có thể hỗ trợ, bảo đảm tốt nhất việc “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam” theo các quan điểm đã được khẳng định. Xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam là một quá trình lâu dài, liên tục từ việc đề xuất ý tưởng, tổng kết thực tiễn, xây dựng chủ trương, chính sách, luật, dự án đến ban hành, kiểm nghiệm, tiếp tục bổ sung và hoàn thiện, nhưng phải kết hợp giữa những thay đổi dần dần đó với các bước nhảy nhanh, mạnh, dứt khoát, tạo đột phá trong các cấp, các khâu, các lĩnh vực khác nhau của nền giáo dục Việt Nam. Các chủ thể giáo dục (hệ thống chính trị, xã hội học tập, gia đình) đóng vai trò quyết định thành công của quá trình xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam, trong đó đội ngũ trí thức dạy học là lực lượng nòng cốt, trực tiếp tham gia xây dựng và thực thi triết lý giáo dục vào thực tiễn.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 543 (tháng 5-2023) 

Ngày nhận: 21-3-2023; Ngày bình duyệt: 18-5-2023; Ngày duyệt đăng: 22-5-2023.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo cáo của Ủy ban Cải cách giáo dục trực thuộc Tổng thống Hàn Quốc: Cải cách giáo dục cho thế kỷ XXI, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006.

2. Đặng Quốc Bảo - Nguyễn Đắc Hưng: Giáo dục Việt Nam hướng tới tương lai, vấn đề và giải pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.

3. Nguyễn Thị Bình: Sứ mạng giáo dục - đào tạo trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Tạp chí Cộng sản, số 787, 2008, tr.8-11.

4. Lê Văn Giạng: Sứ mạng của giáo dục, Tạp chí Tia sáng, số 9-2008, tr.47-48.

5. Phạm Minh Hạc: Về triết lý giáo dục Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu con người, số 1-2011, tr.3-12.

6. Tô Duy Hợp: Khoa học Tư duy với vấn đề Tam Triết trong Giáo dục, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Đổi mới hoạt động bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục từ góc nhìn Khoa học Tư duy. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ - Trường Bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tháng 01-2016. 

7. Tô Duy Hợp: Khung tam triết và ứng dụng, Tạp chí Thông tin Khoa học lý luận chính trị, số 8 (45)/2018.

8. Tô Duy Hợp: Giới thiệu dẫn nhập Tư duy học. Trong sách: Khoa học tư duy từ nhiều tiếp cận khác nhau, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2006. 

9. Tô Duy Hợp: Khung tam học và ứng dụng, Kỷ yếu Tọa đàm học thuật về vai trò của Khoa học, Triết học, Đạo học trong phát triển Trí Việt bền vững thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 do Viện Trí Việt (IVM) tổ chức tại Hà Nội, ngày 27-10-2019.

10. Phạm Quang Huân: Triết lý mới trong quản lý chất lượng giáo dục, http://vncsp.hnue.edu.vn/

thu-vien-khgd/quan-ly-giao-duc-quan-ly-nha-truong/article/159.aspx.

11. Lương Vị Hùng, Khổng Khang Hoa: Triết học giáo dục hiện đại, người dịch: Bùi Đức Thiệp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.

12. Đỗ Minh Khôi: Bàn về mục tiêu giáo dục, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 2-2018, tr.17-21.

13. Chu Hồng Khởi: Con đường hiện đại hóa giáo dục, người dịch: Bùi Đức Thiệp, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr.310.

14. Thái Duy Tuyên: Triết học giáo dục Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội, 2007. 

15. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04-11-2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

16. Luật Giáo dục năm 2019 (số 43/2019/QH14).

ThS NGUYỄN QUỲNH HƯƠNG

Trường Đại học Thương mại

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền