Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Giáo dục bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập
Thứ năm, 17 Tháng 4 2014 14:32
3604 Lượt xem

Giáo dục bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập

(LLCT) - Bất cứ quốc gia và chế độ xã hội nào muốn tồn tại, phát triển đều phải quan tâm đến việc giáo dục thế hệ kế cận. Sự phát triển của thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh niên không những quan hệ đến vận mệnh và tương lai của đất nước, của dân tộc, mà còn ảnh hưởng đến tương lai của nhân loại. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một công việc rất quan trọng và rất cần thiết”(1).

1. Sự cần thiết giáo dục bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay

Bất cứ quốc gia và chế độ xã hội nào muốn tồn tại, phát triển đều phải quan tâm đến việc giáo dục thế hệ kế cận. Sự phát triển của thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh niên không những quan hệ đến vận mệnh và tương lai của đất nước, của dân tộc, mà còn ảnh hưởng đến tương lai của nhân loại. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một công việc rất quan trọng và rất cần thiết”(1).

Hiện nay, đất nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, với những thời cơ xen lẫn những thách thức lớn. Với vị trí, vai trò là người chủ tương lai của nước nhà, thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh niên là lực lượng giàu khát vọng, hoài bão, có khả năng tiếp thu nhanh nhạy những thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật và quản lý hiện đại trên thế giới; năng động sáng tạo, chủ động học hỏi những cái mới, cái tiến bộ của nhân loại. Cùng với sự phát triển của đất nước, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã không ngừng rèn luyện tư tưởng, đạo đức, lối sống, bản lĩnh; thái độ và ý thức chính trị của thanh niên đã có những chuyển biến tích cực, ngày càng khẳng định được bản lĩnh chính trị của mình một cách vững vàng. Thế hệ trẻ Việt Nam vẫn luôn là lực lượng tiên phong, nòng cốt, tham gia tích cực vào các phong trào thi đua xây dựng và phát triển đất nước; ra sức tu dưỡng, học tập và rèn luyện, chủ động tiếp cận khoa học công nghệ, cùng với toàn Đảng, toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thế hệ trẻ cũng bộc lộ một số mặt hạn chế, đó là: trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức kinh tế, quản lý, kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của thanh niên nhìn chung còn chưa cao; nhận thức về học nghề, chọn nghề, định hướng nghề nghiệp còn nhiều lệch lạc, việc làm và thu nhập vẫn đang là những vấn đề “nóng” trong thanh niên. Bên cạnh đó, một bộ phận giới trẻ có những biểu hiện tiêu cực đáng lo ngại, như phai nhạt lý tưởng, có lập trường chính trị, tư tưởng không vững vàng, chạy theo lối sống buông thả, lơ là học tập và tu dưỡng đạo đức, thích hưởng thụ, ngại lao động, thậm chí sa vào các tệ nạn xã hội.

Bối cảnh mới của thế giới đang từng giờ từng phút tác động mạnh mẽ và đặt ra những yêu cầu ngày càng cao trên nhiều phương diện, đòi hỏi thế hệ trẻ phải rèn luyện, tạo dựng được một bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi sóng gió của thời đại.

2. Nội dung giáo dục bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ

- Giáo dục ý chí, nghị lực phi thường

Với khát vọng cứu dân, cứu nước và nghị lực đương đầu với mọi hiểm nguy, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh với ý chí và nghị lực đó cần được thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau học tập, kế thừa, phát huy. Tuổi trẻ Việt Nam cần được trang bị một ý chí bền bỉ, một nghị lực mạnh mẽ để thực hiện sứ mệnh “người chủ tương lai” của đất nước, tiếp bước sự nghiệp của cha anh trước những thời cơ vận hội, trước những thách thức trên một trang sử mới của dân tộc, một diện mạo mới của thời đại.

- Giáo dục tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương lớn về tinh thần tự chủ, sáng tạo. Từ quyết định táo bạo trong việc lựa chọn con đường sang phương Tây, tới nước Pháp để lao động, học hỏi và tìm đường cứu nước, đến quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam thực hiện sứ mệnh giải phóng dân tộc, đoàn kết toàn dân tộc, tự lực giành chính quyền. Bằng sự bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì giữ vững quan điểm sáng tạo, đúng đắn của mình, cùng với trí tuệ, bản lĩnh và sự nhạy cảm chính trị, Người đã cùng toàn Đảng, toàn dân ta vượt qua thử thách để giành thắng lợi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Trong bối cảnh hiện nay, những tác động nhiều chiều đối với sự phát triển của mỗi quốc gia và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật, của giáo dục, văn hóa... đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với thế hệ trẻ. Điều đó đòi hỏi thế hệ trẻ Việt Nam phải không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trí tuệ và bản lĩnh, đặc biệt là phát huy cao độ tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong nhận thức, tư duy và hành động thực tiễn để làm nên những thành tựu khoa học, công nghệ..., góp phần quan trọng vào bước phát triển nhanh chóng, bền vững của đất nước theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn.

- Giáo dục tinh thần dấn thân, dám làm và dám chịu trách nhiệm

Hồ Chí Minh đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Sự dấn thân, xả thân của Người trên hành trình đầy chông gai, hiểm nguy tìm con đường cứu nước, cứu dân vì hạnh phúc ấm no của nhân dân, độc lập, tự do của dân tộc là tấm gương sáng ngời cho tuổi trẻ Việt Nam về đức hy sinh, lòng quả cảm, tinh thần trách nhiệm trước vận mệnh của dân tộc. Và khi đã xác định rõ con đường cách mạng, bản lĩnh chính trị thể hiện ở quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu cách mạng đã vạch ra. Chính bản lĩnh chính trị ấy giúp Hồ Chí Minh dự liệu mọi khó khăn và giải pháp vượt qua khó khăn, đáp ứng được đòi hỏi của dân tộc và đưa Việt Nam bước sang một trang sử mới đầy vẻ vang hiển hách. Do đó, thế hệ trẻ hiện nay phải quyết tâm theo đuổi mục tiêu lý tưởng, dám chịu trách nhiệm đối với sự nghiệp mình đang theo đuổi, dám chịu trách nhiệm với chính mình, không chùn bước trước khó khăn, không dấu dốt, mặc cảm, tự ti; quyết tâm phấn đấu vươn lên trong học tập, trong công tác; nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí quyết  tâm chiến thắng đói nghèo và lạc hậu, tình nguyện xây dựng đất nước phồn vinh.

- Giáo dục tinh thần kiên định và sáng tạo “dĩ bất biến ứng vạn biến”

Năm 1946, trước lúc sang Pháp, Hồ Chí Minh đã căn dặn đồng chí Huỳnh Thúc Kháng: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến” (lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi)”.

Vậy điều “dĩ bất biến” là gì? Đó là nền độc lập thống nhất của đất nước và tự do hạnh phúc của nhân dân mà biết bao nhiêu thế hệ người Việt Nam đã hy sinh để có được. Như trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Chính sự nuôi dưỡng, tác động từ gia đình, quê hương, đất nước đã hình thành nên những tố chất yêu nước, thương dân, chí hướng cách mạng và bản lĩnh gang thép, kiên định Hồ Chí Minh, thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ vì dân, vì nước đã đúc kết và hình thành ở Hồ Chí Minh điều bất biến thiêng liêng cao cả, trở thành lẽ sống, chân lý, lời thề chung của cả dân tộc.

Điều bất biến quý giá ở Hồ Chí Minh chính là niềm tin mãnh liệt vào dân tộc, đất nước, nhân dân. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở bất cứ đâu, tấm lòng son sắt của Người vẫn đau đáu vì dân vì nước, không thay đổi. Đặc biệt, trong những thời điểm khó khăn nhất, hiểm nguy nhất, cam go và quyết liệt nhất thì “dĩ bất biến” Hồ Chí Minh đã làm nên một bản lĩnh chính trị tuyệt vời không gì lay chuyển, nhờ đó, dân tộc ta mới có đủ sức mạnh để thực hiện lời thề độc lập, tự do. Điều “ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh là đường lối đúng đắn, sáng tạo, kịp thời, để phát huy sức mạnh toàn dân tộc, vượt qua những khó khăn thử thách. Đồng thời đó là tấm gương tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên để lãnh đạo, giữ vững niềm tin của nhân dân với Đảng.

Tư tưởng “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh là để thích ứng, hòa nhập với những thay đổi, biến độngcủa cuộc sống. Người cách mạng phải xác định được điều “bất biến”, nhưng phải luôn biết “ứng vạn biến”, để thực hiện bằng được điều “bất biến”. Sự kiên định về mục tiêu, lý tưởng cách mạng kết hợp sự linh hoạt mềm dẻo trong sách lược, trong từng thời kỳ cách mạng, trong mọi hoàn cảnh đã làm nên nét độc đáo của bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh.

Các thế hệ của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ trong bối cảnh hiện nay phải được thấm nhuần, được giáo dục và rèn luyện phẩm chất bản lĩnh chính trị ấy. Đó là tinh thần không sợ khó khăn, gian khổ, không sợ bất cứ một kẻ thù nào; trước khó khăn không lùi bước, trước thắng lợi không kiêu ngạo, trước cám dỗ không lay chuyển và khuất phục. Đặc biệt, trong thời kỳ đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, chính trí tuệ và bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng sẽ giúp thế hệ trẻ đứng vững trước những cám dỗ, thách thức và nguy cơ, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc.

__________________

 (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, , 2000, t. 2, tr. 510.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Phạm Ngọc Anh: Bản lĩnh Hồ Chí Minh trước những thách thức của lịch sử, Báo nhân dân, 2013

      [2]Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh, tinh hoa và khí phách của dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội , 2012.

 [3] Vũ Quang Hiển: Bản lĩnh Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam (1920-1945),  Hội thảo quốc tế Việt Nam học (lần thứ III), Hà Nội, 12-2008.

[4] Bùi Đình Phong: Trí tuệ và bản lĩnh văn hóa Hồ Chí Minh, Nxb Công an nhân dân, 2009.

[5] Nguyễn Khắc Nho: Hồ Chí Minh đỉnh cao truyền thống Nhân Trí Dũng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.

[6] Trần Quy Nhơn: Tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, Nxb Giáo dục, 2006.

 

ThS Bùi Thị Cần

Khoa Giáo dục chính trị - Trường Đại Học Vinh

 

 


 

Thông tin tuyên truyền