Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Đặc trưng của hoạt động giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc Khmer ở Nam Bộ
Thứ năm, 24 Tháng 4 2014 09:57
3056 Lượt xem

Đặc trưng của hoạt động giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc Khmer ở Nam Bộ

(LLCT) - Đồng bào dân tộc Khmer cư trú tập trung chủ yếu ở Nam Bộ, có truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với sự phong phú về phong tục, tập quán, lối sống, tôn giáo, tín ngưỡng, đã và đang có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước nói chung, vùng Nam Bộ nói riêng. Tuy nhiên, phần lớn đồng bào dân tộc Khmer trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật còn nhiều hạn chế, vì vậy gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các quyền dân chủ, tiếp cận các chương trình, chính sách pháp luật dành cho đồng bào dân tộc, trong sử dụng pháp luật để giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của đồng bào. 

1. Sự cấp thiết của giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc Khmer ở Nam Bộ          

Giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer ở Nam Bộ, trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay là:          

Một là, cung cấp, trang bị, nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật chung cho đồng bào dân tộc Khmer.        

Đối với đồng bào dân tộc Khmer đang cư trú, lao động, sinh hoạt ở Nam Bộ, vì nhiều nguyên nhân về lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội nên trình độ dân trí về pháp luật còn nhiều hạn chế. Phần lớn người dân Khmer chỉ biết rất ít hoặc hầu như không biết đến các quy định pháp luật. Kết quả điều tra xã hội học của tác giả cho thấy: có tới 62,76% người dân Khmer được hỏi trả lời rằng, họ chỉ biết một số quy định của pháp luật có liên quan trực tiếp đến cuộc sống, công việc hàng ngày, như các quyền, nghĩa vụ của công dân; 8,19% trả lời là họ hầu như không biết đến các quy định của pháp luật; tổng cộng có tới 80,95% người dân Khmer khẳng định chỉ biết ít hoặc không biết đến các quy định của pháp luật. Như vậy, muốn cung cấp, trang bị, nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật cho đồng bào dân tộc Khmer thì phương thức cơ bản và chủ yếu mà các cơ quan chức năng cần phải triển khai là tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào.  

Hai là, xây dựng, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc Khmer đối với pháp luật.      

Niềm tin đối với pháp luật là nhân tố định hướng cho hành vi pháp luật của mỗi người dân Khmer; niềm tin vững chắc vào pháp luật là cơ sở để hình thành ở mỗi người dân trong cộng đồng dân tộc Khmer động cơ thực hiện hành vi hợp pháp. Trong thực tế cuộc sống, có những người tuy có kiến thức, hiểu biết pháp luật nhưng lại không có niềm tin đối với pháp luật nên họ có thể bất chấp các quy định pháp luật, lợi dụng khe hở của pháp luật để mưu cầu những lợi ích riêng. Khi người dân Khmer tin tưởng vào tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật thì không cần tới một sự cưỡng chế nào từ phía các cơ quan chức năng nhà nước, sẽ thực hiện hành vi pháp luật một cách tự nguyện, tự giác.           

Để hoạt động giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc Khmer góp phần hình thành, củng cố niềm tin của đồng bào đối với pháp luật thì cần giáo dục tình cảm công bằng, tình cảm trách nhiệm và tình cảm không khoan nhượng trước các hành vi phạm pháp, phạm tội; giáo dục cho đồng bào dân tộc Khmer biết cách xử sự trong mối quan hệ với người khác dựa trên các quy phạm pháp luật; ý thức được nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của họ, giúp cho mỗi người dân Khmer nhận thức được rằng, mọi việc làm, hành vi của họ đều phải dựa trên cơ sở pháp luật và trong khuôn khổ các quy định pháp luật; biết đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm.

Ba là, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, thực hiện hành vi pháp luật hợp pháp cho đồng bào dân tộc Khmer.           

Ý thức pháp luật của các tầng lớp nhân dân nói chung, đồng bào dân Khmer ở Nam Bộ nói riêng được hình thành chủ yếu từ hai yếu tố: tri thức pháp luật và tình cảm pháp luật. Ý thức tự giác chấp hành pháp luật của đồng bào dân tộc Khmer chỉ có thể được nâng cao khi công tác giáo dục pháp luật cho họ được tiến hành thường xuyên, liên tục, kịp thời và có tính thuyết phục, góp phần hình thành, củng cố tình cảm tốt đẹp của đồng bào đối với pháp luật, ngày càng nâng cao sự hiểu biết của đồng bào về pháp luật, các sự việc, sự kiện pháp luật xảy ra trong đời sống xã hội; từ đó, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của đồng bào dân tộc Khmer.   

Việc trang bị kiến thức, hiểu biết pháp luật, hình thành và củng cố sâu sắc niềm tin của đồng bào dân tộc Khmer đối với pháp luật là những yếu tố quan trọng làm hình thành hành vi pháp luật tích cực ở mỗi người dân Khmer. Tình cảm công bằng, ý thức trách nhiệm và tinh thần không khoan nhượng đối với các hành vi phạm pháp, phạm tội là những yếu tố tâm lý, tư tưởng không thể tách rời việc hình thành hành vi pháp luật tự giác, tích cực. Thông qua động lực nội tâm, tình cảm và niềm tin vững chắc vào pháp luật mà hành vi pháp luật hợp pháp, tự nguyện và tích cực trong đồng bào dân tộc Khmer ở Nam Bộ được hình thành, củng cố và nhân rộng.

2. Các đặc điểm hoạt động giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc Khmer ở Nam Bộ

Giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc Khmer ở Nam Bộ cũng phải tuân theo những nguyên tắc chung của quá trình giáo dục pháp luật cho các đối tượng xã hội, phải đáp ứng các yêu cầu về mục đích, mục tiêu, chủ thể, đối tượng, nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc Khmer ở Nam Bộ còn có những nét đặc trưng riêng xuất phát từ các đặc điểm về trình độ dân trí, ngôn ngữ, truyền thống văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống của đồng bào dân tộc Khmer; từ những đặc thù về địa bàn cư trú, cơ cấu các nhóm tuổi, vị thế xã hội của mỗi cá nhân trong cộng đồng dân tộc Khmer ở Nam Bộ. Sự nhận diện đầy đủ những nét đặc trưng của công tác giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc Khmer ở Nam Bộ là cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng giúp các chủ thể giáo dục pháp luật lựa chọn những nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục pháp luật phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động này.     

Thứ nhất, phải cung cấp, trang bị cho đồng bào những thông tin, kiến thức về các lĩnh vực pháp luật thiết yếu, gần gũi và phù hợp với mục tiêu, nhu cầu giải quyết những vấn đề pháp lý nảy sinh trong cuộc sống của họ.Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa quản lý xã hội bằng pháp luật, nên với tư cách là những công dân, đồng bào dân tộc Khmer rất cần những thông tin, kiến thức pháp luật để có thể “sống, làm việc theo pháp luật”. Thông tin, kiến thức pháp luật cần cho đồng bào dân tộc Khmer không chỉ bao gồm các bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định, các loại văn bản quy phạm pháp luật khác do Nhà nước ban hành; các nghị quyết của hội đồng nhân dân, quyết định của ủy ban nhân dân các cấp, các chương trình, kế hoạch của các sở, ban, ngành thuộc các tỉnh ở khu vực Nam Bộ; mà còn bao gồm cả những thông tin về thực tiễn đời sống pháp luật ở khu vực Nam Bộ. Ngoài ra, cần trang bị cho đồng bào dân tộc Khmer những kỹ năng cần thiết để đồng bào có thể vận dụng pháp luật vào việc giải quyết các sự việc, sự kiện pháp luật xảy ra trong thực tế cuộc sống.   

Thứ hai, phải sử dụng phương pháp giáo dục pháp luật phù hợp với khả năng tiếp thu, năng lực nhận thức của đồng bào. Về nguyên tắc, chủ thể giáo dục pháp luật phải căn cứ vào mục đích, mục tiêu, nội dung chương trình và đối tượng giáo dục pháp luật để lựa chọn và sử dụng phương pháp giáo dục pháp luật sao cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động này. Giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc Khmer ở Nam Bộ có những nét đặc thù về mục đích, mục tiêu, nội dung và đối tượng, nên các chủ thể giáo dục pháp luật cần chủ động tìm ra các phương pháp giáo dục pháp luật tối ưu, phù hợp nhất. Tùy theo từng nội dung giáo dục pháp luật cụ thể, mỗi báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cần có sự tìm tòi, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp giáo dục pháp luật sao cho sinh động, hấp dẫn, cuốn hút đồng bào dân tộc Khmer vào nội dung giáo dục pháp luật bằng cách đặt câu hỏi, nêu tình huống, sự kiện pháp luật cụ thể thường xảy ra trong đời sống cộng đồng dân tộc Khmer, tạo sự tranh luận, thảo luận sôi nổi và cùng tìm hướng giải quyết các vấn đề pháp lý đặt ra.       

Thứ ba, nên giới hạn vào một số hình thức giáo dục pháp luật nhất định, phù hợp với những đặc thù về vị thế xã hội, văn hóa, lối sống, lao động, sinh hoạt của đối tượng này. Trong hoạt động giáo dục pháp luật nói chung có thể sử dụng nhiều hình thức giáo dục pháp luật khác nhau. Mỗi hình thức giáo dục pháp luật lại được các chủ thể giáo dục pháp luật sử dụng phù hợp với mục đích, mục tiêu và đối tượng tiếp nhận khác nhau. Đồng bào dân tộc Khmer bao gồm những người đang cư trú, lao động, sinh hoạt tại các địa phương khác nhau trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Nam Bộ. Ở mức độ nhiều, ít khác nhau, phần đông cán bộ, công chức là người dân tộc Khmer và những người dân Khmer đều đã có được những vốn kiến thức, hiểu biết pháp luật nhất định. Ngoài ra, người dân Khmer, đặc biệt là cán bộ, công chức người dân tộc Khmer còn tự tìm hiểu, cập nhật thêm các thông tin, kiến thức pháp luật từ các kênh, nguồn thông tin khác nhau nhằm bổ khuyết và phục vụ nhu cầu cuộc sống, công tác chuyên môn hàng ngày của họ. Với tính chất như vậy, hoạt động giáo dục pháp luật cho các nhóm đối tượng cụ thể trong cộng đồng dân tộc Khmer ở Nam Bộ đòi hỏi phải sử dụng những hình thức phù hợp khác nhau:      

Đối với những cán bộ, công chức là người dân tộc Khmercần giới hạn trong các hình thức giáo dục pháp luật cơ bản, gồm tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, hội nghị quán triệt; mở các lớp tập huấn chuyên đề pháp luật, bồi dưỡng kiến thức về các lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực công việc họ đang đảm nhiệm; kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tại các cuộc họp; giáo dục pháp luật thông qua các ấn phẩm thông tin pháp luật, qua mạng thông tin máy tính của cơ quan, tổ chức, đơn vị; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; biên soạn sách cẩm nang pháp luật... nhằm phổ biến, giới thiệu những nội dung cơ bản của các văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Khmer, hướng dẫn họ việc tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật.     

Đối với đa số đồng bào dân tộc Khmer đang sinh sống tại các phum, sóc,có thể sử dụng nhiều hình thức giáo dục pháp luật khác nhau: giáo dục pháp luật thông qua các cuộc họp dân, các hội nghị nhân dân, các buổi sinh hoạt tôn giáo; biên soạn sách pháp luật phổ thông, vận động đồng bào đọc sách pháp luật tại Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn; các hoạt động tư vấn pháp luật; tờ gấp pháp luật; phổ biến, tuyên truyền pháp luật thông qua các chuyên mục của đài phát thanh và truyền hình. 

Thứ tư, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc Khmer ở Nam Bộ là giáo dục pháp luật cho một cộng đồng dân tộc có truyền thống văn hóa giàu bản sắc, có ngôn ngữ (tiếng nói và chữ viết) riêng. Đối với các hình thức giáo dục pháp luật thông qua tiếp xúc trực tiếp (tọa đàm, hội thảo, nói chuyện pháp luật, tập huấn chuyên đề, bồi dưỡng kiến thức pháp luật...) thì bất đồng ngôn ngữ vẫn là một trở ngại lớn, là nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập trong công tác giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc Khmer ở Nam Bộ. Đây là một đặc trưng riêng có trong công tác giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc Khmer ở Nam Bộ. Về phía chủ thể giáo dục pháp luật, nhiều báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người Kinh dù đã cố gắng học tiếng Khmer, nhưng vốn từ vựng ngôn ngữ Khmer của họ chưa đủ để chuyển tải các thông tin, kiến thức pháp luật cho đồng bào dân tộc Khmer, nhất là những thuật ngữ pháp luật chuyên ngành. Về phía đối tượng giáo dục pháp luật, hiện nay vẫn còn một bộ phận đáng kể người dân Khmer chưa thông thạo tiếng Việt nên khó tiếp thu, không hiểu hết những nội dung pháp luật được phổ biến, giáo dục. Điều đó đòi hỏi các cơ quan làm công tác giáo dục pháp luật thuộc các tỉnh ở khu vực Nam Bộ phải tìm ra những giải pháp hữu hiệu để khắc phục sự hạn chế, bất cập này.

_________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2013

 

Dương Thành Trung

Thành ủy Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền