Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Thực hiện pháp luật về giáo dục trong các trường đại học ở Việt Nam
Thứ tư, 07 Tháng 5 2014 14:39
3942 Lượt xem

Thực hiện pháp luật về giáo dục trong các trường đại học ở Việt Nam

(LLCT)Triển khaiQuyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27-7-2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020 và Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020, giáo dục đại học Việt Nam đã có bước phát triển trong công tác xây dựng và điều hành quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng ở các vùng miền trong cả nước.

1. Thực trạng thực hiện pháp luật về giáo dục trong các trường đại học

Triển khaiQuyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27-7-2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020 và Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020, giáo dục đại học Việt Nam đã có bước phát triển trong công tác xây dựng và điều hành quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng ở các vùng miền trong cả nước.

 

Quy mô đào tạo tăng nhanh với các hình thức đào tạo: chính quy, vừa làm vừa học, từ xa, liên thông, đào tạo theo địa chỉ... đã góp phần quan trọng phát triển nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Hệ thống cơ sở đào tạo có sự phát triển mạnh mẽ. Năm 2009, tổng số các trường đại học trong toàn quốc là 163 trường, trong đó các trường ngoài công lập là 37 trường (16,53%); năm 2010, trường đại học, cao đẳng tăng lên 400 (tăng 3,9 lần), trong đó có 81 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (21,5%); năm 2011 có 23 trường đại học được nâng cấp và thành lập mới(1).

Quy mô giáo dục đại học tăng mạnh. Năm 2010, số sinh viên cao đẳng, đại học đạt 227/một vạn dân; năm 2011 quy mô đào tạo đại học, cao đẳng hệ chính quy gần 1.742 nghìn sinh viên, trong đó có hơn 1.039 nghìn sinh viên đại học, (56,6%) và gần 703 nghìn sinh viên cao đẳng (43,4%). Tỷ lệ sinh viên vừa làm vừa học giảm nhanh: Năm học 2009-2010 có hơn 487 nghìn sinh viên (36,4%), năm học 2010-2011 là hơn 457 nghìn (32,4%), năm học 2011-2012 còn 401 nghìn sinh viên (28,23%)(2). Quy mô đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ của các cơ sở giáo dục đại học năm học 2011-2012  là hơn 96 nghìn học viên, trong đó nghiên cứu sinh là 6.441 người (7%) và học viên cao học gần 90 nghìn người (93%). Năm học 2011-2012, đội ngũ giảng viên cơ hữu của tất cả các đại học, học viện, trường đại học và cao đẳng là 84 nghìn người, tăng so với năm học 2010-2011 là 9,5 nghìn người (12,78%).

Cơ sở vật chất của các trường đại học đã có cải thiện. Các trường mới thành lập đã cố gắng trong việc xây dựng và phát triển nhà trường về đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị, tuyển dụng, đào tạo đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý...

Ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục tăng nhanh, từ 15,3% năm 2001 lên 20% tổng chi ngân sách năm 2010(3).  Năm 2001, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học là 1.798 tỷ đồng (0,3% GDP), năm 2008 là 8.752 tỷ đồng (0,6% GDP).

Triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính từ nguồn thu sự nghiệp hàng năm, nên mặc dù chi ngân sách tăng nhưng trong tổng đàu tư tỷ trọng đầu tư cho đại học trong giai đoạn này hầu như không tăng. Thực hiện Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg ngày 31-3-1998 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư Liên tịch số 54/1998/TTLT GD&ĐT-TC ngày 31-8-1998 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính, năm 2001, tổng thu học phí của các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng là 704 tỷ đồng, đến năm 2008 đạt 2.218 tỷ đồng, bằng 25% tổng chi của ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học. Tỷ trọng chi thường xuyên cho giáo dục đào tạo chiếm từ 81-83%, trong đó chi đầu tư chiếm 17-18% trong tổng chi của ngân sách.

Nghị quyết số 35/2009/QHXII ngày 19-6-2009 của Quốc hội về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo; Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu và sử dụng học phí đối với các loại hình giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt năm 2012, Quốc hội đã ban hành Luật Giáo dục đại học và Chính phủ đã ban hành Nghị định 141/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học là cơ sở pháp lý về lĩnh vực hoạt động này và là những căn cứ quan trọng, giúp cho hệ thống giáo dục đại học có thể huy động được nhiều nguồn lực từ người học và xã hội để đầu tư phát triển mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo.

Bên cạnh những  kết quả đạt được, vẫn còn không ít những hạn chế, yếu kém, đó là: Chế tài xử lý đối với các trường không thực hiện đúng cam kết về các điều kiện mở ngành và tuyển sinh chưa đủ mạnh. Chưa có quy định các trường phải xây dựng chuẩn năng lực người tốt nghiệp nên chưa có cơ sở đánh giá đúng chất lượng đào tạo(4). Năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức đình chỉ 207 ngành của các trường đại học.

Hệ thống quản lý chất lượng trong giáo dục đại học chậm được hình thành. Các trường đại học vẫn tập trung chủ yếu ở 5 thành phố trực thuộc Trung ương (68%). Nhiều trường vẫn tập trung mở các ngành đào tạo ít phải đầu tư trang thiết bị, chi phí đào tạo thấp...(5).

Cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, thực hành vẫn còn thiếu thốn, hệ thống thư viện nhỏ bé, chưa cung cấp đủ thông tin cho giảng viên và người học.

Các quy định về tiêu chí, điều kiện và quy trình thành lập trường trong các văn bản của Nhà nước chưa cụ thể, chưa thuận lợi và chưa khuyến khích những người tâm huyết đầu tư vào giáo dục đại học.

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 233 chương trình khung, song vẫn còn thiếu gần 200 chương trình. Giáo trình, tài liệu giảng dạy ở hầu hết các trường đại học chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Việc quản lý của các cơ quan nhà nước về các trường đại học rất phân tán. Trong tổng số 376 trường đại học cả nước hiện nay thì Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý 54 trường (14,4%); các bộ, ngành khác quản lý 116 trường (30,8%), UBND các tỉnh, thành phố là cơ quan chủ quản của 125 trường (33,2%). Theo quy định của Luật Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục. Tuy nhiên, việc tổ chức kiểm tra việc thực thi pháp luật ở các trường đại học rất hạn chế và chưa có cơ chế phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý các trường đại học.

Đội ngũ giảng viên không theo kịp nhu cầu phát triển kể cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ, chức danh giáo sư, phó giáo sư còn thấp. Việc xác định tỷ lệ tối đa giữa sinh viên và giảng viên của các khối ngành đào tạo khác nhau, nhưng thực tế một số trường còn có tỷ lệ sinh viên/giảng viên quá cao so với quy định. Tính bình quân cả nước đến tháng 8-2009, số giảng viên là giáo sư có 320 người/61 nghìn giảng viên (0,52%); số giảng viên có chức danh phó giáo sư là 1.966 người (3,21%). Chính sách đối với việc phát triển đội ngũ cán bộ chưa phù hợp, chưa thu hút được người tài giỏi vào các trường đại học. Đa số các trường ngoài công lập chưa có chính sách, chế độ thỏa đáng khuyến khích giảng viên học cao học, nghiên cứu sinh.

Quản lý nhân sự ở cơ sở giáo dục đại học không theo kịp với quá trình đổi mới giáo dục đại học, cũng như những thay đổi của khoa học quản lý và thực tiễn quản lý nói chung. Công cụ, phương pháp và kỹ thuật quản lý đội ngũ trong các cơ sở giáo dục đại học thiếu hoặc chậm đổi mới. Các điều kiện tài chính và đất đai chưa đủ đảm bảo chất lượng giáo dục trên diện rộng. Đầu tư của Nhà nước cho giáo dục còn thấp. Tính bình quân mức chi từ ngân sách nhà nước/sinh viên công lập năm 2001 là 3,74 triệu đồng và năm 2009 là 7,14 triệu đồng. Mặc dù có sự tăng trưởng nhưng suất đầu tư cho một sinh viên, chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học.

2. Một số giải pháp

Một là, hoàn thiện các quy định pháp luật về giáo dục đại học

Cùng với thực hiện Luật Giáo dục Đại học, cần thể chế hóa các quy định pháp luật về giáo dục đại học như: quy định về quản lý giáo dục đại học theo hướng tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm xã hội và thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đại học; chỉ tiêu tuyển sinh, phương pháp tuyển sinh, quản lý cấp phát bằng, chứng chỉ trên cơ sở tăng tính tự chủ tự chịu trách nhiệm của nhà trường trước người học và xã hội; quy định nội dung, phương pháp và chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn lực có trình độ cao và hội nhập quốc tế; quy định và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học trong lĩnh vực tài chính nhằm tạo điều kiện cho các trường chủ động xây dựng và phát triển; quy định về nghiên cứu khoa học và công nghệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế,  hội nhập với hệ thống giáo dục đại học khu vực và thế giới; quy định về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục. Xây dựng cơ chế, chính sách để tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục; quy định rõ về loại hình "trường quốc tế" trong văn bản pháp luật; quy định rõ chức năng quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các cơ sở giáo dục có 100% vốn nước ngoài.

Hai là, hoàn thiện chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong các trường đại học

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Thời gian qua, các trường đại học đã xây dựng được đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đông đảo, có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn, tuy nhiên, đội ngũ này còn nhiều hạn chế, bất cập. Vì vậy, các cơ quan quản lý giáo dục cần xây dựng và thực hiện quy chế làm việc theo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Các cơ sở đào tạo tổ chức và hoạt động theo quy định của Điều lệ nhà trường phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và ngành nghề đào tạo, các trường học theo hướng tinh gọn, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn xem đây là hình thức chủ yếu của việc thực hiện pháp luật về giáo dục trong trường học để nâng cao chất lượng và hiệu quả của giáo dục. Công khai minh bạch công tác thu chi tài chính, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, sử dụng kinh phí giáo dục sai mục đích, lợi dụng hoạt động giáo dục để vụ lợi.

Để đảm bảo việc thực hiện pháp luật về giáo dục trong các trường đại học Việt Nam đòi hỏi phải xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Theo đó, cần xây dựng chiến lược nhân lực quốc gia đáp ứng các giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đạt quy mô khoảng 450 sinh viên/vạn dân vào năm 2020. Có chính sách tập trung nguồn lực phát triển các trường đại học theo hướng nghề nghiệp - ứng dụng để thu hút khoảng 70% đến 80% tổng số sinh viên theo học. Có quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng một cách thường xuyên cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ theo nhu cầu thực hiện nhiệm vụ. Bồi dưỡng để chuẩn hóa cho đội ngũ giáo viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm tạo nền tảng cho việc thực hiện nâng cao chất lượng toàn diện trong tất cả các ngành học. Bảo đảm tỷ lệ sinh viên/giảng viên của hệ thống giáo dục đại học không quá 20. Đến năm 2020 có ít nhất 60% giảng viên đạt trình độ thạc sỹ và 35% đạt trình độ tiến sỹ. Cần có chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ đối với đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giáo dục trong các trường đại học

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được Quốc hội thông qua ngày 20-6-2012 và có hiệu lực ngày 1-1-2013 và Nghị định số 28/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 4-4-2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật cần được tuyên truyền, phổ biến và được thực hiện nghiêm túc để tạo nhận thức đầy đủ, thống nhất trong các cơ quan nhà nước, các trường đại học, các giảng viên đại học và toàn xã hội. Tùy theo đối tượng cụ thể để xác định nội dung, phương pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật. Việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các văn bản luật, các quy định pháp luật về giáo được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau: tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về luật giáo dục đại học, tổ chức các buổi nói chuyện, báo cáo viên về các nội dung các quy định pháp luật về giáo dục đại học cho sinh viên...

__________________

(1), (3), (4), (5) Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (2009), Giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục giai đoạn 2010 – 2020, Tr10-11, 14-15, 21-22, 46-47

(2) Bộ Giáo dục và đào tạo (2013), Hội nghị giáo dục đại học năm 2013, Hà Nội, tr 8

ThS Vũ Thị Hồng Vân

                                                             Trường  Đại học Công nghiệp Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền