Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Học viện với nhiệm vụ nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu
Thứ sáu, 23 Tháng 5 2014 09:37
2774 Lượt xem

Học viện với nhiệm vụ nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu

(LLCT) - Học viện Chính trị quốc gia là cơ quan trực thuộc Trung ương Đảng và Chính phủ. Cùng với nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội phục vụ cho việc hoạch định và thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Học viện có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt và cán bộ dự nguồn trung và cao cấp cho toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước. Vì vậy, Học viện có nhiệm vụ và thế mạnh, điều kiện thuận lợi để góp phần thực hiện một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia gia ứng phó với biến đổi khí hậu và những nhiệm vụ cụ thể mà Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI đã đề ra. Đó là nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý trong ứng phó với biến đổi khí hậu cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý trong toàn hệ thống chính trị.

1. Những kịch bản và dự báo về tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam

Việt Nam có hơn 75% dân cư sinh sống dọc theo bờ biển dài hơn 3.200km và tại hai đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong 5 quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng; trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long bị ngập chìm nặng nhất.

Theo tính toán của các chuyên gia nghiên cứu BĐKH, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng lên đến 30oC và mực nước biển có thể dâng thêm đến một mét. Về mặt tự nhiên, những biến đổi này được gây ra bởi quá trình động lực của trái đất, bức xạ mặt trời, tuy nhiên từ thế kỷ XX đến nay, BĐKH được gây ra chủ yếu bởi con người(1).

Một số phác thảo kịch bản BĐKH ở Việt Nam:

Bảng 1: Thông báo quốc gia về BĐKH ở Việt Nam (so với năm 1990)(2)

Năm

Nhiệt độ tăng ((oC)

Mức nước  biển tăng (cm)

2010

0.3 - 0.5

2050

1.1 - 1.8

33

2100

1.5 - 2.5

45


Bảng 2: Kịch bản BĐKH các vùng của Việt Nam, nhiệt độ tăng thêm so với năm 1990 oC (3)

Năm

Tây Bắc

Đông Bắc

Đồng bằng Bắc Bộ

Bắc Trung Bộ

Nam Trung Bộ

Tây Nguyên

Nam Bộ 

2050

1.41

1.66

1.44

1.68

1.13

1.01

1.21 

Bảng 3: Kịch bản nước biển dâng ở Việt Nam so với năm 1990 (cm)(4)

Kịch bản/năm

2050

2100 

A1F1

13.7

39.7 

A2

12.5

33.1 

A1B

13.3

31.5 

B2

12.8

28.8 

A1T

12.7

27.9 

B1

13.4

26.9 

Tính trung bình cả 6 kịch bản thì đến cuối thế kỷ XXI nhiệt độ có khả năng tăng thêm 2,8oC, mực nước biển dâng cao hơn 37cm chưa tính đến sự tan băng mà chỉ tính đến sự giãn nở nước đại dương. Tổ chức Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) cũng dự báo rằng đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển ở Việt Nam có thể dâng cao thêm đến 81cm(5).

Xu thế chung của BĐKH ở Việt Nam là: nhiệt độ ở các vùng phía Bắc tăng nhanh hơn các vùng phía Nam; nhiệt độ ở các vùng ven biển tăng chậm so với các vùng sâu hơn trong lục địa; đến cuối thế kỷ XXI nhiệt độ có thể tăng thêm từ 4,0oC - 4,5oC theo kịch bản cao nhất và 2,0oC - 2,2oC theo kịch bản thấp nhất. Biên độ dâng cao mực nước biển ở nước ta là khá lớn theo tất cả các kịch bản, mặc dù vậy vẫn tương đương hoặc thấp hơn chút ít so với dự báo của IPCC năm 2007.

BĐKH kéo theo hiện tượng El Nino, La Nina, làm giảm đến 20% - 25% lượng mưa ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, gây ra hạn hán không chỉ phổ biến và kéo dài mà thậm chí còn gây khô hạn thời đoạn ngay trong thời gian El Nino. Tác động này ở khu vực Nam Trung Bộ lớn hơn ở Bắc Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên lớn hơn Nam Tây Nguyên(6).

Theo các kịch bản trên, khoảng 40.000km2 đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập. Theo dự đoán của UNDP, các tác động trên sẽ gây thiệt hại khoảng 17 tỷ đồng mỗi năm và khiến khoảng 17 triệu người không có nhà. Các vùng bị ảnh hưởng nặng nề hơn là Cà Mau, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình(7).

Đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng là những vùng trũng nên bị ảnh hưởng nhiều nhất khi xảy ra ngập lụt, xâm nhập mặn và các diễn biến xấu của thời tiết. Trong đó 90% diện tích thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị ngập hầu như toàn bộ và có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%. Nếu nước biển dâng 3m sẽ có khoảng 25% dân số bị ảnh hưởng như đợt xâm nhập mặn vào năm 2005.

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là vùng bị ảnh hưởng nặng nhất, nước biển dâng cao hơn sẽ làm cho nhiều vùng đồng bằng nước ngọt hiện nay trở thành vùng nước lợ, hàng triệu người có nguy cơ mất chỗ ở, làm gia tăng sức ép lên các vùng lân cận, làm thay đổi chế độ thủy văn dòng chảy và gây áp lực đến 90% diện tích ngập nước. Cũng theo dự báo, nước biển dâng cao sẽ làm ngập lụt phần lớn đồng bằng sông Cửu Long vốn đã bị ngập lụt hàng năm. Sẽ có khoảng 15.000 - 20.000km2 đất thấp ven biển bị ngập hoàn toàn. Lưu lượng nước sông Mê Kông giảm từ 2% - 24% trong mùa khô và tăng từ 7% - 15% vào mùa lũ, hạn hán sẽ xuất hiện nhiều hơn, nước lũ sẽ cao hơn tại các tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, TP Cần Thơ,  Vĩnh Long, thời gian ngập lũ sẽ kéo dài hơn hiện nay, việc tiêu thoát nước mùa mưa lũ cũng khó khăn hơn. Suy giảm tài nguyên nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nghề cá. Quá trình xâm nhập mặn vào nội đồng sẽ sâu hơn, tập trung tại các tỉnh ven biển như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An và cùng với nó là sự khan hiếm nước ngọt.

Nhiệt độ tăng còn tác động xấu đối với sức khỏe con người. Các căn bệnh truyền nhiễm như sốt rét, sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát thông qua sự phát triển và biến đổi gen của các loài vi khuẩn, các côn trùng và vật mang bệnh khiến cho các bệnh nhiễm khuẩn dễ lây lan ra cộng đồng và xuất hiện các dạng bệnh dịch mới. Những đối tượng dễ bị tổn thương hơn cả là người nghèo, người già, phụ nữ, trẻ em, người dân ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, kéo theo những hệ lụy xã hội khôn lường.

2. Quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta về ứng phó với biến đổi khí hậu

Dự báo trên cho thấy, tác động của BĐKH đến Việt Nam sẽ rất nặng nề, gây những hậu quả tiêu cực tiềm ẩn cả về kinh tế và xã hội.

Nhận thức được được những hậu quả nghiêm trọng này, nhằm làm giảm nhẹ tác động và ứng phó với BĐKH, trong những năm qua, Việt Nam đã là một bên tham gia vào Công ước Kyoto thuộc Hiệp định khung Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và đang trong quá trình xây dựng Cơ chế phát triển sạch (CDM)#. Tháng 12-2007, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (bao gồm tầm nhìn đối với một nền kinh tế các bon thấp và giảm nhẹ biến đổi khí hậu thông qua giảm phát thải khí nhà kính - GHG). Tháng 1 - 2012, Chính phủ đã thành lập Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu để phối hợp, chỉ đạo các hoạt động ứng phó với BĐKH trên phạm vi toàn quốc, và gần đây nhất, Hội nghị Trung ương 7 khóa XI đã nhất trí thông qua Nghị quyết về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” (số 24-NQ/TW). Nghị quyết cũng đề ra một trong những giải pháp chủ yếu để chủ động thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu là: “Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”, “Đa dạng hóa hình thức, đổi mới nội dung, xác định các đối tượng ưu tiên tuyên truyền, giáo dục; đưa nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vào chương trình đào tạo các cấp học phổ thông, đại học, đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý”, “Nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, doanh nghiệp và mọi người dân. Xây dựng tiêu chí, chuẩn mực về bảo vệ môi trường trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên”(8)…

Trong nhiệm vụ trọng tâm thứ 4 của Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2011-2015 cũng nhấn mạnh phải: “Xây dựng, triển khai các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho các nhóm đối tượng lựa chọn trong hệ thống của Đảng, bộ máy quản lý các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội và cộng đồng về biến đổi khí hậu”(9).

3. Hoạt động truyền thông và năng lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý về biến đổi khí hậu

Vấn đề cấp bách hiện nay là phải đẩy mạnh các hoạt động truyền thông đến các nhà lãnh đạo, quản lý (LĐQL), các tầng lớp dân cư về BĐKH.

Một cuộc khảo sát về vấn đề BĐKH trên báo chí Việt Nam (với 3 tờ báo giấy Nhân dân, Tuổi trẻ, tạp chí Môi trường và 2 trang báo mạng http://vnexpress.net; www.vfej.vn trong 1 năm, từ ngày 1-8-2011 đến 31-7-2012) được thực hiện bởi Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho thấy, trong tổng số 127.725 tin/bài của 5 tờ báo này, chỉ có 274 tin/bài (chiếm 0,21%) đề cập trực tiếp và 1.703 tin/bài (chiếm 1,33%) đề cập gián tiếp đến chủ đề BĐKH(10). Trong số các tin/bài, thông tin về những biểu hiện của BĐKH như bão gió, lũ lụt được đề cập nhiều nhất (điều này làm hạn chế các yếu tố liên quan đến việc nhận diện BĐKH), những giải pháp ứng phó với BĐKH liên quan đến chính sách được đề cập nhiều nhất và những tin/bài đăng tải thông tin dự báo về BĐKH thường tập trung nhiều hơn vào hậu quả do BĐKH gây ra (điều này có thể gây ra lo lắng, tâm lý tiêu cực nhiều hơn cho người đọc).

Những thông tin trên cho thấy về cơ bản, công tác truyền thông trong lĩnh vực BĐKH còn có những mặt hạn chế và cần được phổ biến rộng rãi hơn về phạm vi và tần suất, đổi mới về kết cấu nội dung.

Một vấn đề vô cùng quan trọng nữa là việc đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ứng phó với BĐKH trong tình hình mới. Một nghiên cứu về năng lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý về ứng phó với BĐKH cho thấy, nhận thức của cán bộ LĐQL còn nặng về cảm tính trực quan mà chưa đạt đến trình độ nhận thức sâu, hiểu biết kỹ đối với nhiều vấn đề được hỏi. Chỉ có một nửa số người nắm được mục tiêu của Chương trình quốc gia, và chỉ có 28% biết được BĐKH có thể làm gia tăng nguy cơ phân hóa giàu nghèo trong xã hội(11). Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, có đến gần 50% số cán bộ trong diện khảo sát không nắm được những nguyên nhân cơ bản dẫn đến biến đổi khí hậu, vì vậy họ cũng không hiểu tường tận về những giải pháp để thích ứng và ứng phó với hiện tượng này. Thực tế này khiến việc nâng cao năng lực, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ LĐQL về biến đổi khí hậu để triển khai thành công các quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta như đã trình bày ở trên là một trong những vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết.

4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với việc nâng cao năng lực của cán bộ LĐQL ứng phó với biến đổi khí hậu

Học viện là cơ quan trực thuộc Trung ương Đảng và Chính phủ. Cùng với nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội phục vụ cho việc hoạch định và thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Học viện có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ LĐQL chủ chốt và cán bộ dự nguồn trung và cao cấp cho toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước. Vì vậy, Học viện có nhiệm vụ và thế mạnh, điều kiện thuận lợi để góp phần thực hiện một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia gia ứng phó với BĐKH và những nhiệm vụ cụ thể mà Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI đã đề ra. Đó là nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý trong ứng phó với BĐKH cho đội ngũ cán bộ LĐQL trong toàn hệ thống chính trị.

Học viện có thể phát huy thế mạnh của mình để triển khai những hoạt động cụ thể sau đây:

Một là, biên soạn bộ tài liệu về một số vấn đề cơ bản và cách thức ứng phó với biến đổi khí hậu trên cơ sở đúc rút các bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế.

- Tài liệu về kỹ năng lập kế hoạch và chính sách trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Tài liệu lồng ghép nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu vào các chương trình đào tạo trong Học viện.

- Tài liệu ứng phó với biến đổi khí hậu dành cho các phóng viên, tuyên truyền viên của các phương tiện truyền thông đại chúng.

- Sổ tay ứng phó với biến đổi khí hậu dành cho cán bộ LĐQL. 

Hai là, đào tạo các giảng viên nòng cốt của Học viện Trung tâm và các Học viện khu vực về ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Trước hết, đội ngũ giảng viên này sẽ tham gia các khóa tập huấn, những buổi giảng thử nghiệm cùng với các chuyên gia trong và ngoài nước, tại trung ương và cả các địa phương thí điểm để sau đó triển khai rộng ở các tỉnh thành.

- Các giảng viên nòng cốt sẽ là lực lượng chính của các khóa đào tạo về chính sách ứng phó đối với biến đổi khí hậu cho cán bộ LĐQL thuộc các cơ quan trung ương và địa phương. Các cuộc hội thảo, tập huấn này hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ LĐQL để họ nắm được kỹ năng cũng như tạo ra một môi trường chính sách thuận lợi trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ba là, thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động, bao gồm:

- Biên tập, in, phát hành và sử dụng các tài liệu như: sách “Một số vấn đề cơ bản trong ứng phó với biến đổi khí hậu”; “Lập kế hoạch và chính sách trong ứng phó với biến đổi khí hậu” (Tài liệu dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý)...; những tài liệu này có thể được sử dụng cho học viên các khóa đào tạo cao cấp lý luận chính trị trong hệ thống Học viện và các Học viện khu vực cũng như sinh viên chuyên ngành báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

- Thông qua các phương tiện truyền thông, các nhà quản lý và phóng viên của các cơ quan truyền thông để tiến hành thực hiện và lồng ghép nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu vào các chương trình truyền thông đang được thực hiện, nhằm góp phần làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi ứng phó với biến đổi khí hậu của đội ngũ cán bộ hoạch định và thực thi chính sách.

- Phối hợp với các cơ quan tuyên giáo của đảng và của các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể xã hội trong việc tham gia thực hiện công tác tuyên truyền ứng phó một cách có hiệu quả đối với BĐKH.

BĐKH có thể gây ra những hệ lụy hết sức nghiêm trọng và lâu dài về mọi mặt kinh tế - xã hội ở nước ta, ứng phó với BĐKH là một nhiệm vụ cấp bách mà Đảng, Nhà nước ta đã nhận thức và tập trung chỉ đạo, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Trong đó, năng lực của cán bộ LĐQL các cấp là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành hay bại của những mục tiêu, chương trình mà chúng ta đã đề ra. Học viện, với những nhiệm vụ chính trị cơ bản của mình, có vai trò hết sức quan trọng và thuận lợi để tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ LĐQL trung cao cấp của cả hệ thống chính trị trong ứng phó với BĐKH. Nhiệm vụ này cần được triển khai đồng bộ ngay trong thời gian trước mắt và phải đảm bảo tính lâu dài, bền vững như chính mục tiêu phát triển của quốc gia.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2014

(1) Quản trị biến đổi xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2013.

(2), (3), (4) Nguồn: Tổng quan về các kịch bản BĐKH toàn cầu và kết quả Hội nghị Liên hợp quốc về BĐKH ở Bali, Báo cáo tại Hội thảo BĐKH toàn cầu và ứng phó của Việt Nam, Hà Nội, 2008.

(5) IPCC, 2007. The4th assessmentreportoftheIntergovernmentalPanelonClimateChange. http://en.wikipedia.org/wiki

(6) Biến đổi khí hậu và khô hạn, hoang mạc hóa. Báo cáo tại Hội thảo BĐKH toàn cầu và giải pháp của Việt Nam, Hà Nội, 2008.

(7) http://www.agroviet.gov.vn

(8) Nghị quyết Trung ương 7 về BĐKH, tài nguyên và môi trường. http://baodientu.chinhphu.vn

(9) Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2011-2015.

(10) Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Vấn đề biến đổi khí hậu trên báo chí Việt Nam (trường hợp báo in và báo mạng), Báo cáo tại Hội thảo Truyền thông về Biến đổi khí hậu, Hà Nội, 7-11-2013.

(11) Xem: Năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong ứng phó với biến đổi khí hậu, Hà Nội, 2011.

 

TS Phạm Minh Anh

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền