Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp cơ sở ở Đông Nam Bộ
Thứ hai, 23 Tháng 6 2014 16:07
3461 Lượt xem

Yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp cơ sở ở Đông Nam Bộ

(LLCT) - Cán bộ chính quyền cấp cơ sở khu vực Đông Nam Bộ cơ bản đã đủ về số lượng và chất lượng. Trình độ học vấn, lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực tổ chức, điều hành công việc đã được nâng lên một bước, đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở ở Đông Nam Bộ còn những bất cập.

 

1. Những hạn chế về chất lượng của đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở ở các tỉnh Đông Nam Bộ

Qua khảo sát đội ngũ cán bộ chính quyền cấp cơ sở ở khu vực Đông Nam Bộ(*) cho thấy về cơ bản đã đủ về số lượngvà chất lượng. Trình độ học vấn, lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực tổ chức, điều hành công việc đã được nâng lên một bước, đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh. Phần lớn cán bộ được rèn luyện, thử thách trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, lại được quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công tác. Thông qua hoạt động thực tiễn, nhiều cán bộ đã tích lũy được kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở ở Đông Nam Bộ còn những bất cập như:

Chất lượng đội ngũ chưa đồng đều, năng lực quản lý chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, còn bất cập về tri thức và năng lực thực thi công việc, thiếu kiến thức về pháp luật.

Tính chuyên nghiệp còn thấp, thể hiện trong chất lượng giải quyết công việc. Việc chấp hành kỷ luật lao động, tác phong làm việc, thái độ tiếp dân theo quy tắc quy chuẩn văn minh công sở còn hạn chế. Điểm đáng lưu ý là đội ngũ cán bộ chính quyền cấp cơ sở còn hạn chế về kiến thức quản lý nhà nước về xã hội, kinh tế thị trường, hành chính. Do đó, kỹ năng thực thi công việc cũng như khả năng vận dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý còn rất hạn chế. Sự thiếu thành thạo với các trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ hiện đại như máy vi tính, phương pháp lập chương trình, xây dựng dự án... đang là trở ngại không nhỏ trong tiến trình cải cách nền hành chính. Kiến thức về hành chính công, đặc biệt là các kỹ năng và các quy trình có tính chất kỹ thuật còn hạn chế. Các hoạt động hàng ngày như bố trí và sắp xếp công việc, lập kế hoạch, ra quyết định, thanh tra, kiểm tra, đến những việc quan trọng như hoạch định chính sách, điều hành bộ máy, sử dụng các nguồn tài chính... chưa được thực thi một cách khoa học.

Tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức còn yếu, phong cách làm việc chậm đổi mới. Tinh thần phục vụ nhân dân chưa cao; tệ quan liêu tham nhũng, sách nhiễu dân chưa được ngăn chặn gây nên sự trì trệ, trở ngại lớn cho công cuộc cải cách, làm giảm hiệu lực của chính quyền.

Tác phong làm việc còn mang nặng tính hành chính. Nhiều cán bộ, công chức có biểu hiện chây lười trong công tác, tránh né nhiệm vụ, lãng phí, tiêu cực và tinh thần đoàn kết chưa cao.

Căn bệnh “bằng cấp” đã khiến việc học tập của cán bộ, công chức chỉ để có bằng, để đạt chuẩn, để được đề bạt, bổ nhiệm, chứ không phải học phương pháp làm việc, nâng cao tri thức, kỹ năng công tác. Điều này lý giải việc xây dựng nghị quyết, chương trình kế hoạch phát triển nhiều nơi thiếu tính chiến lược, tổng thể, nặng tính sự vụ trước mắt hoặc chủ quan, máy móc rập khuôn, trông chờ, ỷ lại cấp trên, dựa dẫm vào tập thể; hoạt động điều hành, chỉ đạo mang tính chung chung, không có tính khả thi.

Kết quả khảo sát kỹ năng đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cấp cơ sở tại Đông Nam Bộ

Qua khảo sát đánh giá 858 cán bộ, công chức cho thấy: Mức độ phù hợp giữa công việc được phân công hiện nay so với trình độ được đào tạo: Phù hợp: 32%; Tương đối phù hợp: 47%; Không phù hợp: 21%. Mức độ phù hợp giữa trình độ chuyên môn so với nhu cầu của công việc và chức vụ đảm nhận: Thấp hơn: 64%; Tương xứng: 22%; Cao hơn: 14%.

Đội ngũ công chức được hình thành từ rất nhiều nguồn khác nhau, đảm trách những công việc khác nhau, chưa phải xuất phát từ chuyên ngành được đào tạo. Do đó, kiến thức chuyên môn ít phù hợp với công việc. Bản thân họ chưa biết cách tổ chức công việc một cách rõ ràng, chưa biết phân định các công đoạn để thực hiện công việc và xây dựng bản mô tả công việc cụ thể và quy trình công việc hoàn chỉnh.

Kỹ năng cần thiết để hoàn thành công việc đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt.Kết quả điều tra 198 cán bộ chủ chốt được thể hiện như sau:

Qua khảo sát cho thấy kỹ năng của các cán bộ, công chức giữ chức vụ chủ chốt chưa đồng đều. Mức độ giữa rất thành thạo, thành thạo và chưa thành thạo tuy khác nhau ở các kỹ năng nhưng có tỷ lệ khá tương đồng. Đặc biệt, tỷ lệ chưa thành thạo và yếu là khá cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với công việc.

Trước yêu cầu của quá trình hội nhập, tham gia các định chế khu vực và quốc tế, những kiến thức về kinh tế đối ngoại, kinh tế thị trường, luật pháp và thông lệ quốc tế... nhất là ngoại ngữ đang là thách thức đối với đội ngũ cán bộ cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng mặc dù đã được tăng cường nhưng chủ yếu để đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa trình độ, chưa sát với tình hình thực tiễn, chưa gắn với quy hoạch cho từng chức danh. Thiếu một kế hoạch tổng thể về quản lý, đào tạo, còn hạn chế đào tạo chuyên sâu theo chức danh. Chương trình đào tạo có nội dung lý thuyết chung chung, chủ quan phiến diện, xa rời thực tế và không bám sát nhu cầu của người học (học để vận dụng, thực hành thành thạo kỹ năng, nghiệp vụ hành chính, giỏi về thực hành quản lý).

2. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp cơ sở ở Đông Nam Bộ

Đào tạo, bồi dưỡng phải xuất phát từ việc xác định nhu cầu đào tạo thực tế đối với nguồn lực này. Trên cơ sở xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng kế hoạch cho từng giai đoạn và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Xác định nhu cầu đào tạo là xác định sự khác nhau, sự chênh lệch giữa năng lực, trình độ kiến thức, kỹ năng so với yêu cầu cần có của mỗi vị trí công việc nhằm xác định nội dung và hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho các chức danh. Để xác định nhu cầu, cần khắc phục tình trạng đánh giá, nhận xét cán bộ mang tính hình thức, chưa sâu; quy hoạch thiếu tính chiến lược; chậm áp dụng các phương pháp khoa học trong đánh giá kết quả công tác của từng cán bộ để thay thế phương pháp đánh giá dựa vào tập thể là chủ yếu. Điều tra, khảo sát, đánh giá đội ngũ cán bộ để có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng sát thực.

Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng công việc và thái độ công tác đối với công chức theo hướng sát với thực tế, “làm việc gì thì bồi dưỡng nghiệp vụ ấy’’, hướng vào các vấn đề thiết thực đã đặt ra từ quá trình thực thi công vụ, nâng cao kỹ năng hành chính, qua đó đảm bảo tính thống nhất trong hoạt động của các cơ quan hành chính. Coi trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp và lý luận chính trị cho đội ngũ công chức để nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và đổi mới phương pháp giảng dạy. Ngoài kiến thức, phải có kỹ năng và kinh nghiệm trong giải quyết công việc đồng thời phải qua khóa đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy tích cực, lấy học viên làm trung tâm. Ngoài ra, cần xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức, có kinh nghiệm, đã được đào tạo cơ bản, có năng lực giảng dạy tham gia vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Thực hiện đánh giá kết quả sau đào tạo. Thực tế, hiệu quả từ đào tạo là lợi ích lâu dài, không thể đo lường ngay được bằng các giá trị vật chất. Tuy nhiên, đào tạo phải đem lại lợi ích thực cho tổ chức khi các học viên trở về nơi làm việc. Đào tạo phải giúp đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ tốt hơn khi trở về với công việc, hình thành các chuẩn mực thực thi nhiệm vụ, nâng cao khả năng tiết kiệm nguồn nhân lực thông qua việc đề xuất và thực hiện các sáng kiến, cải tiến trên cơ sở áp dụng kiến thức, kỹ năng đã được học.

Tiến hành xây dựng chương trình đào tạo và bồi dưỡng đối với các chức danh như sau:

Đối với việc bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức thường xuyên, cần xuất phát từ các đầu việc mà 4 chức danh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phải làm để biên soạn tài liệu, giáo án, bài giảng.

Đối với đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị theo tiêu chuẩn chức danh đã quy định, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, tiến hành khảo sát nhu cầu và khả năng học tập của các chức danh chủ chốt để tổ chức lớp.Tổ chức lớp học theo chức danh và vị trí công tác.

Thực hiện nghiêm túc công tác thống kê, dự báo và kiểm định chất lượng cán bộ sau đào tạo, bổ nhiệm. Nghiêm túc thực hiện công tác dự báo chất lượng. Đây là một chương trình quan trọng giúp cho hoạt động xây dựng và phát triển cán bộ trong một tầm nhìn xa hơn (Quy trình, chủ thể dự báo, hình thức, phương pháp dự báo, sự công khai các số liệu…), nó là một tư liệu quan trọng cho các cơ quan quản lý nhân sự hoạch định chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong từng giai đoạn.

Thực hiện kiểm định chất lượng cán bộ, công chức ở các cơ quan, đơn vị. Đây là một hoạt động thường xuyên và nên giao cho hệ thống các trường chính trị đảm nhiệm để đảm bảo khách quan. Hằng năm, tiến hành phát các phiếu điều tra đối với số học viên đã qua đào tạo, bồi dưỡng đã được bổ nhiệm và sử dụng để thu thập các thông tin về phương pháp giảng dạy, về nội dung đào tạo, bồi dưỡng của trường xem mức độ tương thích của nó với thực tiễn khi họ ứng dụng. Từ đó, các trường chính trị đề ra phương án kịp thời để cải tiến phương pháp và nội dung đào tạo sát thực hơn, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của chính quyền cơ sở.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2013

(*) Khảo sát bằng phương pháp điều tra xã hội học và phỏng vấn trực tiếp tại các tỉnh Đông Nam Bộ (Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh).

TS Phạm Minh Tuấn

Học viện Chính trị - Hành chính khu vực II

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                          

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền