Trang chủ    Diễn đàn    Những nhân tố đảm bảo sự phát triển bền vững
Thứ tư, 15 Tháng 7 2015 16:28
15322 Lượt xem

Những nhân tố đảm bảo sự phát triển bền vững

(LLCT) - Thay vì đồng nhất phát triển với tăng trưởng kinh tế hay mới mở rộng đến môi trường tự nhiên, các quan niệm về phát triển đã chú ý nhiều hơn đến sự phát triển đồng bộ, hài hòa của tất cả các lĩnh vực, các yếu tố, các bộ phận cấu thành đời sống xã hội. Tiêu chí cơ bản để đánh giá sự phát triển bền vững là: tăng trưởng kinh tế ổn định; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống. Con người được đặt vào trung tâm của sự phát triển bền vững: phát triển do con người và vì con người trong mối quan hệ cộng sinh, hài hòa với tự nhiên.

Tư tưởng về phát triển xã hội đã có từ sớm, trong các học thuyết triết học về nhân sinh, xã hội và những tác phẩm của các nhà tư tưởng chính trị thời cổ đại ở cả phương Tây (Hy Lạp - La Mã) và phương Đông (Trung Quốc - Ấn Độ). Nếu như ở phương Tây, các học thuyết về sự phát triển thường hướng đến khám phá các quy luật tự nhiên, chinh phục và làm chủ tự nhiên, thì ở phương Đông lại có xu hướng đi tìm triết lý phát triển trong lĩnh vực xã hội, trong những vấn đề liên quan đến con người, tập trung sự chú ý vào vấn đề trị quốc, an dân. Theo triết lý “Tam tài” phương Đông, muốn tồn tại và phát triển cần phải có “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, trong đó “đắc nhân tâm” - thu phục lòng người, phát huy yếu tố con người - được coi là chìa khóa của sự thành công ở cả cấp độ cá nhân và xã hội.

Sang thế kỷ XX, trong một thời gian dài, quan niệm về sự phát triển được đồng nhất với tăng trưởng kinh tế, đánh giá thông qua các chỉ số: tổng sản phẩm trong nước (GDP) hoặc tổng sản phẩm quốc dân (GNP) và bình quân thu nhập đầu người. Chịu ảnh hưởng của quan niệm trên, nhiều quốc gia đã tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nóng vội dựa trên sự khai thác các nguồn tài nguyên hiện có. Kết quả là, bên cạnh sự giàu có, phồn vinh, tăng thu nhập, thỏa mãn nhu cầu vật chất cho một bộ phận dân cư, nhiều quốc gia đã phải đối mặt với những vấn đề nan giải như: khủng hoảng môi trường tự nhiên, cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khác biệt xã hội, mất ổn định chính trị… và góp phần làm cho những vấn đề toàn cầu trở nên gay gắt hơn, đe dọa sự sống của nhân loại.

Trước thực trạng trên, cuối thế kỷ XX, Liên Hợp quốc đã đưa ra ý tưởng phát triển bền vững như là một sự điều chỉnh, bổ sung cần thiết và hữu ích cho quan niệm phát triển truyền thống. Theo đó, phát triển bền vững được hiểu là sự phát triển lành mạnh, lâu dài, “vừa đáp ứng những nhu cầu của hiện tại mà không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau”.Tuy nhiên, ngay sau khi quan niệm phát triển bền vững nói trên chính thức được thừa nhận tại Hội nghị thượng đỉnh về môi trường và sự phát triển của Liên Hợp quốc tổ chức tại Rio de Janeiro (Braxin-1992), một số học giả cho rằng, quan niệm trên vẫn chưa đầy đủ, mới chỉ tập trung vào mối liên hệ giữa môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên và tăng trưởng kinh tế. Phát triển bền vững phải là sự đồng tiến hóa của tự nhiên và xã hội trong một chỉnh thể tự nhiên - xã hội, do đó phải bao gồm 3 mặt cơ bản là: kinh tế, môi trường và xã hội.

Mở rộng hơn nữa, có ý kiến cho rằng, phát triển bền vững ở góc độ khác không nên chỉ được tiếp cận từ góc độ kinh tế hay bảo vệ môi trường sinh thái, mà nó còn cần phải được nhìn nhận từ góc độ xã hội vàvăn hóa, vì phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, xã hội có mối liên hệ hữu cơ. Kinh tế chỉ có thể phát triển bền vững trong sự phát triển hài hòa về cả văn hóa và xã hội.

Tiếp cận khái niệm phát triển bền vững ở góc độ khác, một số học giả chỉ ra rằng: ba trụ cột tạo nên sự phát triển bền vững của xã hội hiện đại là nhà nước, xã hội công dân và thị trường.Có những ý kiến bổ sung trụ cột thứ tư là môi trường sinh thái, tạo thành “cỗ xe tứ mã” trên con đường đưa nhân loại phát triển bền vững, hài hòa.

Như vậy, thay vì đồng nhất phát triển với tăng trưởng kinh tế, hay mới mở rộng đến môi trường tự nhiên, các quan niệm về phát triển đã chú ý nhiều hơn đến sự phát triển đồng bộ, hài hòa của tất cả các lĩnh vực, các yếu tố, các bộ phận cấu thành đời sống xã hội. Tiêu chí cơ bản để đánh giá sự phát triển bền vững là: tăng trưởng kinh tế ổn định; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống. Con người được đặt vào trung tâm của sự phát triển bền vững: phát triển do con người và vì con người trong mối quan hệ cộng sinh, hài hòa với tự nhiên.

Trong xu thế chung của thời đại, căn cứ vào nhu cầu và điều kiện của đất nước, Việt Nam đã lựa chọn con đường phát triển bền vững. Phát triển bền vững trở thành tư tưởng chủ đạo trong chính sách và chiến lược phát triển của Việt Nam, được thể hiện và quán triệt trong các Văn kiện của Đảng, các chương trình hành động của Chính phủ, cam kết của Việt Nam với quốc tế. Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam(theo Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17-8-2004 của Thủ tướng Chính phủ) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020được thông qua tại Đại hội XI của Đảng là những văn kiện quan trọng thể hiện điều đó.

Con đường phát triển của Việt Nam hiện nay diễn ra trong bối cảnh trong nước và quốc tế phức tạp, vừa có những nhân tố tích cực, những cơ hội phát triển, vừa có những nhân tố bất ổn, tiêu cực, cản trở, kìm hãm hoặc làm chệch hướng phát triển. Sự phát triển bền vững của Việt Nam hiện nay có được bảo đảm hay không tùy thuộc vào việc nhận thức và giải quyết những nhân tố sau:

Một là, thực hiện tăng trưởng và phát triển kinh tế là nền tảng của phát triển bền vững

Đảng ta khẳng định: phải phát triển kinh tế theo hướng phát triển bền vững, trong đó chú ý đến khía cạnh bảo vệ môi trường sinh thái và xã hội, gắn với xóa đói giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Vì vậy, cần phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, kết hợp đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị. Trải qua gần 30 năm đổi mới, chúng ta đã thu được nhiều thành tựu to lớn, tạo thế và lực để bước vào giai đoạn phát triển mới; tiềm lực kinh tế được nâng cao, đất nước thoát ra khỏi tình trạng đói nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp; tăng trưởng kinh tế vẫn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng; sức sản xuất chưa được giải phóng triệt để; kết cấu hạ tầng phát triển chậm, chất lượng thấp, thiếu đồng bộ; nền tảng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa được hình thành đầy đủ; thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN bước đầu được xây dựng và hoàn thiện, nhưng chưa theo kịp yêu cầu phát triển... Trong đó, nổi bật ba yếu tố cản trở sự phát triển là: thể chế kinh tế thị trường (đặc biệt là môi trường cạnh tranh); chất lượng nguồn nhân lực; kết cấu hạ tầng. Vì vậy, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020,Đảng ta xác định: phải thực hiện ba đột phá chiến lược là: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Hai là, tạo lập môi trường chính trị - xã hội ổn định, lành mạnh là điều kiện tiên quyết của phát triển bền vững.

Một quốc gia muốn phát triển bền vững trước hết phải có môi trường chính trị - xã hội ổn định, lành mạnh. Cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ở nhiều nước, nhất là những sự kiện đang diễn ra ở các nước A rập Bắc Phi và Trung Đông hiện nay đã chứng minh điều đó. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế, kinh tế quy định chính trị, nhưng chính trị cũng có tác động trở lại kinh tế theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Chính trị có vai trò dẫn dắt, định hướng phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác thông qua đường lối, chủ trương của Đảng cầm quyền và chính sách, pháp luật của nhà nước. Chính trị đúng đắn, lành mạnh đóng vai trò điều chỉnh, định hướng, hỗ trợ tích cực cho phát triển bền vững và ngược lại. Những sự mất ổn định, thay đổi về chính trị thường dẫn đến những đảo lộn, bất ổn về xã hội. Vì vậy, Đảng ta chủ trương duy trì và đảm bảo sự ổn định chính trị coi đây là tiền đề, điều kiện cho phát triển bền vững, trong đó có phát triển kinh tế. Ổn định chính trị không chỉ thể hiện ở việc bảo đảm và duy trì sự lãnh đạo của Đảng đối với đất nước, mà theo một ý nghĩa rộng lớn và sâu xa hơn là duy trì một môi trường xã hội thuận lợi cho sự phát triển bền vững. Thực tiễn cho thấy, trong những năm đổi mới, nhờ những cố gắng của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, bên cạnh những thành tựu trong phát triển kinh tế, chúng ta đã tạo lập và duy trì được môi trường chính trị - xã hội thuận lợi cho phát triển bền vững. Dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức phi chính phủ được phát huy. Tuy nhiên, vẫn đang tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội: cải cách hành chính còn chậm, thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, vướng mắc; tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng; quyền làm chủ của nhân dân chưa được phát huy đầy đủ, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm. Để khắc phục tình trạng trên, phải xây dựng Đảng và Nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, phải thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân, thực nhiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Ba là, phát huy cao độ ba nhân tố cơ bản, then chốt: sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân.

Trong quá trình đổi mới ở nước ta đã hình thành cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Đó là những nhân tố cơ bản, gắn bó hữu cơ, tương tác lẫn nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa đến những thành tựu to lớn của sự nghiệp đổi mới. Đó cũng chính là cơ chế nhằm phát huy những yếu tố chủ quan và vai trò của những chủ thể chính yếu nhất, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Đảng lãnh đạo, đề ra các chủ trương, đường lối, định hướng cho sự phát triển; Nhà nước dùng các công cụ quản lý để phát huy các nguồn lực, khơi dậy sức mạnh của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và làm chủ; nhân dân tích cực tham gia vào công tác xây dựng Đảng, công việc quản lý xã hội của Nhà nước, đồng thời phản biện, giám sát hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước với tư cách chủ nhân của xã hội, của đất nước. Không có sự tồn tại, phối hợp hoạt động có hiệu quả của ba chủ thể, ba nhân tố thì đất nước không thể phát triển, càng không thể nói đến phát triển bền vững. Vì vậy, để phát triển bền vững, phải thiết kế, xây dựng cho được những thiết chế phù hợp, tạo sự gắn kết và phát huy cao nhất hiệu quả của cơ chế Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, qua đó nâng cao vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của Nhà nước và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân.

Bốn là, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.

Đây cũng chính là một trong năm quan điểm phát triển có ý nghĩa chỉ đạo xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Phát triển bền vững tùy thuộc vào nhiều nhân tố, song nhân tố cơ bản có ý nghĩa quyết định, chi phối các nhân tố khác,đó là con người, gắn với chế độ chính trị - xã hội và việc tổ chức, phát huy nhân tố con người trong sản xuất và trong đời sống xã hội. Vì vậy, trong điều kiện nước ta hiện nay, để phát triển bền vững phải chăm lo phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thiết thực chăm lo lợi ích và bảo đảm đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, nhằm tạo ra động lực và sức mạnh tổng hợp. Đây cũng là mục tiêu cao nhất của sự phát triển bền vững ở nước ta. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020nhấn mạnh yêu cầu: “Nâng cao năng lực và tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp để phát huy mạnh mẽ mọi khả năng sáng tạo và bảo đảm đồng thuận cao trong xã hội, tạo động lực phát triển đất nước”(1); coi phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ là một trong những đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2014

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 100.

 

PGS,TS Ngô Ngọc Thắng

Học viện Chính trị Khu vực I

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền