Trang chủ    Diễn đàn    Quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay
Thứ năm, 30 Tháng 7 2015 16:05
5899 Lượt xem

Quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay

(LLCT) - Cuối thế kỷ thứ XX, sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Việt Nam và một số nước XHCN tiếp tục tiến hành đổi mới, không ít vấn đề liên quan đến CNXH được xem xét lại, trong đó có vấn đề về thời kỳ quá độ (TKQĐ) lên CNXH. Sự thay đổi nhanh chóng của thế giới trong mấy thập niên qua đã làm cho những quan điểm tiếp cận về TKQĐ lên CNXH thay đổi. Đây là vấn đề mà bài viết này sẽ góp phần bàn luận.

 

1. Về tính tất yếu và lâu dài của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

Khi xây dựng học thuyết của mình, C.Mác và những nhà kinh điển mácxít đã chỉ rõ rằng, cuộc cách mạng XHCN khác với tất cả các cuộc cách mạng trước đó ở chỗ: đây là cuộc cách mạng sâu sắc nhất, triệt để nhất. Nó đem lại quyền lực chính trị cho giai cấp công nhân và lợi ích cho tất cả những người lao động khác. Khi cách mạng XHCN nổ ra, việc chuyển chính quyền vào tay giai cấp công nhân cách mạng chỉ là sự bắt đầu. Vì nền tảng kinh tế, kỹ thuật của CNXH chưa hình thành đầy đủ trong lòng chủ nghĩa tư bản (CNTB), do vậy, giành chính quyền chưa phải là sự kết thúc của cách mạng. Giai cấp công nhân phải dùng chính quyền chuyên chính của mình để tiếp tục trấn áp giai cấp tư sản vừa bị đánh đổ, song chưa bị tiêu diệt và thủ tiêu sự chống phá của liên minh giai cấp tư sản trong nước với giai cấp tư sản quốc tế, ngăn chặn sự phục hồi của CNTB.

Hơn thế nữa, để xoá bỏ nền tảng kinh tế - xã hội của CNTB, giai cấp công nhân phải tiến hành công cuộc cải tạo cách mạng sâu rộng cả về kinh tế và xã hội. Đây là cuộc đấu tranh giai cấp phức tạp và lâu dài. Trong đó, biến tư liệu sản xuất thuộc sở hữu tư nhân, tư sản thành sở hữu toàn dân mà giai cấp công nhân là đại diện; đồng thời cải tạo nền sản xuất nhỏ, kỹ thuật thủ công, hàng ngày, hàng giờ đẻ ra quan hệ tư bản và giai cấp tư sản. Nhiệm vụ này không thể hoàn thành trong một sớm, một chiều. Do vậy, thời kỳ quá độ trở thành một tất yếu lịch sử.

Với Cách mạng Tháng Mười năm 1917, V.I.Lênin và đảng Bônsêvic Nga đã tiến hành cuộc Cách mạng XHCN đầu tiên trên thế giới. Chính quyền Xô viết đã thực hiện chính sách cộng sản thời chiến từ năm 1918 đến năm 1920 trong thời kỳ đặc biệt của cuộc nội chiến cách mạng và đấu tranh chống sự bao vây, phá hoại của chủ nghĩa đế quốc quốc tế. Nhưng chính sách này đã không còn thích hợp với nước Nga sau nội chiến. Chính sách kinh tế mới được V.I Lênin thực hiện ngay sau đó, đã đưa nước Nga Xô viết trở lại với những quy luật phát triển kinh tế tự nhiên mà điều kiện, hoàn cảnh của nước Nga đòi hỏi.  Điều này đã khẳng định tính đúng đắn của những tư tưởng mác xít về cách mạng XHCN và TKQĐ lên CNXH. Đây phải là một TKQĐ dài.

Những cuộc cách mạng nổ ra sau đó ở Việt Nam, Trung Quốc, Cu Ba... và nhiều nước khác đã chứng thực rằng, những nước càng lạc hậu, cơ sở vật chất kỹ thuật càng thấp, thì quá độ lên CNXH càng phải trải qua thời gian dài. Tuy nhiên, TKQĐ phải kéo dài bao lâu? Nó phải trải qua những giai đoạn nào, với những bước đi nào? Nội dung kinh tế xã hội và hình thức tổ chức hệ thống chính trị của từng giai đoạn phát triển ra sao?  Từ chính lịch sử xây dựng và phát triển mô hình CNXH ở Liên Xô, Đông Âu và các nước kém phát triển hơn như: Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba,... đã cho những lời giải khác nhau. Ở Liên Xô, vào cuối những năm 30 của thế kỷ XX, Đảng Cộng sản Liên Xô đã tuyên bố chuyển sang thời kỳ xây dựng CNXH. Thậm chí vào những năm 70 của thế kỷ XX, Liên Xô đã chuyển sang thời kỳ xây dựng CNXH phát triển - giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng thực chất Liên Xô cũng chỉ mới bước những bước đầu tiên của thời kỳ xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của CNXH.

Đảng Cộng sản Trung Quốc, vào cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước tuyên bố, thời kỳ quá độ ở nước này phải kéo dài hàng trăm năm.

Như vậy, điều cần khẳng định trước tiên về nhận thức mới về TKQĐ lên CNXH là: đây là thời kỳ lâu dài và trải qua nhiều giai đoạn, với nhiều bước đi thích hợp với quá trình xây dựng và phát triển nền tảng kinh tế - xã hội cần thiết. Điều này đã được Đảng ta khẳng định trong Cương lĩnh 1991. Song nền tảng kinh tế - xã hội cần thiết cho CNXH là gì thì phải tùy thuộc vào thời đại. Với thời đại công nghiệp cơ khí của Mác - Lênin thì đó là nền tảng công nghiệp cơ khí. Còn ngày nay, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ lần thứ hai phát triển, thì cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH là nền kinh tế tri thức với trình độ phát triển cao của công nghệ thông tin và các thành tựu mới của các cuộc cách mạng trong hóa học, lý học, sinh học, vật liệu mới... Đây là điều cần bổ sung thứ hai vào nhận thức về TKQĐ lên CNXH

Như vậy, nếu cuộc cách mạng XHCN nổ ra ở những nước đã có nền kinh tế tri thức thì giai cấp công nhân - trí thức chỉ việc giành lấy chính quyền từ tay giai cấp tư sản, tiếp thu và tổ chức lại nền kinh tế tri thức theo cách của mình. Cuộc cách mạng XHCN sẽ nhanh chóng kết thúc. Thời kỳ quá độ sẽ ngắn.

Ở những nước chưa có nền kinh tế tri thức, nếu nổ ra cách mạng XHCN, thời kỳ quá độ chắc chắn sẽ kéo dài. Ở đây, giai cấp công nhân không chỉ phải giành lấy chính quyền mà còn phải dùng chính quyền ấy làm cuộc cải biến cách mạng sâu rộng để xây dựng nền kinh tế tri thức. Thời gian kéo dài đến mức nào phụ thuộc vào điều kiện, quyết tâm và khả năng của giai cấp công nhân - trí thức trong nước và quốc tế. Đây chính là bổ sung thứ ba vào nhận thức của chúng ta về TKQĐ lên CNXH.

2. Về tính chất, đặc điểm của thời kỳ quá độ

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin và nhiều nhà lãnh đạo khác của các đảng cộng sản và công nhân quốc tế đều đã khẳng định rằng: nội dung cơ bản của TKQĐ lên CNXH chính là giải quyết cuộc đấu tranh giữa hai con đường - TBCN và XHCN. Trong đó, về chính trị, phải thiết lập nền chuyên chính của giai cấp công nhân - giai cấp vô sản. Về kinh tế, phải tiến hành cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất và cách mạng khoa học - kỹ thuật, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH và về tư tưởng - văn hóa là tiến hành cách mạng văn hóa, tư tưởng, xác lập hệ tư tưởng Mác - Lênin, xây dựng hệ giá trị, chuẩn mực và lối sống của giai cấp công nhân hiện đại.

Gần một thế kỷ xây dựng mô hình CNXH ở Liên Xô, Đông Âu và nhiều nước khác, xã hội XHCN đã được xây dựng theo những chỉ dẫn có tính định hướng này. Tuy nhiên, kết quả có được từ thực tế lại đặt trước chúng ta nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cần phải suy ngẫm.

Sau khi CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, những kinh nghiệm thực tiễn của cải cách và đổi mới ở một số nước cho thấy: trong thời kỳ quá độ lên CNXH, chính đảng của giai cấp công nhân khi đã nắm được chính quyền, muốn xây dựng CNXH, phải khuyến khích, sử dụng và phát huy nguồn lực vật chất và năng lực trí tuệ của giai cấp tư sản nhằm CNH, HĐH phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, phát triển nền kinh tế tri thức. Nhiều đảng viên cộng sản đã trở thành nhà “tư bản đỏ”. Trong quá trình này, ở một mức độ nào đó, sự bóc lột và những hệ quả tiêu cực khác như phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội vẫn tồn tại. Quá độ lên CNXH khác với phát triển CNTB chỉ ở chỗ, với quyền lực của giai cấp công nhân - trí thức, những mặt tiêu cực mà việc phát triển kinh tế thị trường gây ra được hạn chế. Phân tầng xã hội không đưa đến phân cực và xung đột xã hội. Sự bất bình đẳng xã hội được nhà nước XHCN điều tiết thông qua hàng loạt những chính sách xã hội, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của kinh tế thị trường. Những quan hệ nhân văn giữa con người với con người như là mục đích tối cao của CNXH được định hướng phát triển. Mâu thuẫn xã hội được điều chỉnh, giảm bớt. Trong quá trình xây dựng nền tảng kinh tế - xã hội của CNXH phù hợp trình độ lực lượng sản xuất mới, giai cấp công nhân và chính đảng của nó phải thực hiện những nhiệm vụ mà CNTB phải làm và đang làm; những người cộng sản có lúc phải trở thành nhà tư bản. Đây chính là những thay đổi đáng chú ý trong quan niệm về thời kỳ quá độ lên CNXH mà nhiều mô hình định hướng phát triển CNXH trong nửa cuối thế kỷ XX,  đầu thế kỷ XXI đã thực hiện.

Về xây dựng hệ thống chính trị. Vấn đề đặt ra là, trong TKQĐ, chính quyền chuyên chính là của ai? Nó được xây dựng trên những nguyên tắc và mô hình tổ chức quyền lực nào? Đây là điều đã có không ít ý kiến bàn luận và giải quyết thực tế. Theo các nhà kinh điển mácxít, sau cách mạng XHCN, nền chuyên chính chỉ có thể là của giai cấp công nhân - chuyên chính vô sản. Nhiệm vụ chủ yếu của nền chuyên chính này là tước đoạt tư liệu sản xuất của giai cấp tư sản và cải tạo nền kinh tế sản xuất nhỏ, hàng ngày, hàng giờ đẻ ra quan hệ tư bản. Nhưng thực tiễn diễn ra ở nhiều nước lại không hoàn toàn như vậy. Ngay chính ở nước Nga - quê hương của Cách mạng Tháng Mười, sau cách mạng, Nhà nước công nhân không thể trực tiếp xây dựng CNXH chỉ bằng tước đoạt và cải tạo thông qua chính sách cộng sản thời chiến mà phải tiến hành các cuộc cải biến từ từ thông qua Chính sách kinh tế mới. Chính V.I.Lênin đã từng dạy rằng, để tiến tới CNXH cần phải “bắc những chiếc cầu nhỏ, vững chắc đi xuyên qua CNTB”; sử dụng các chuyên gia tư sản, áp dụng các mô hình tổ chức kinh tế - xã hội tư bản để phát triển sức sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống nhân dân.

Để trả lời câu hỏi trong TKQĐ lên CNXH, chúng ta cần thiết lập nền chuyên chính của ai xuất phát từ việc làm rõ câu hỏi lực lượng cách mạng và đối tượng cách mạng trong TKQĐ là ai? Với những nước đã kinh qua giai đoạn phát triển TBCN, nền công nghiệp đại cơ khí đã được thiết lập, nền kinh tế tri thức đang dần được hình thành, nền chuyên chính cách mạng phải là nền chuyên chính của giai cấp công nhân - trí thức. Tư liệu sản xuất chính yếu lúc này không chỉ đơn thuần là máy móc của nền đại công nghiệp cơ khí mà là khoa học, công nghệ với trí tuệ bậc cao hàm chứa trong hệ thống máy móc ấy. Nền chuyên chính của giai cấp công nhân - trí thức không chỉ làm công việc tước đoạt mà chủ yếu là tìm kiếm những hình thức tổ chức thích hợp cho việc phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại toàn cầu hóa và kinh tế tri thức. Trong quá trình này, một bộ phận của giai cấp tư sản sẽ chuyển hóa dần thành trí thức quản lý bậc cao. TKQĐ lên CNXH sẽ gắn bó chặt chẽ với quá trình hình thành và phát triển của giai cấp công nhân - trí thức. Trong đó, sự chuyển biến dần của các trí thức tư sản, tư sản trí thức và công nhân, nông dân thành giai cấp công nhân - trí thức sẽ được bắt đầu. Quá trình này gắn chặt với việc phát triển khoa học - công nghệ hiện đại. Đó chính là nội dung kinh tế cơ bản của TKQĐ lên CNXH ở những nước đã phát triển. Như vậy, nền chuyên chính cần phải thiết lập trong TKQĐ lên CNXH ở những nước này chính là nền dân chủ của giai cấp công nhân trí thức - giai cấp đã được phát triển từ những phần tử trí thức tiên tiến nhất trong tất cả các giai tầng xã hội.

Ở những nước chưa qua giai đoạn phát triển TBCN, giai cấp công nhân thường còn ít về số lượng. Đảng công nhân tuy xây dựng trên nền tảng tư tưởng mácxít song thành phần chủ yếu là trí thức và tầng lớp tiểu tư sản cùng với công nhân và nông dân được giác ngộ. Nhiệm vụ của Đảng là thực hiện cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đánh đổ phong kiến, đánh đuổi thực dân, đế quốc, định hướng đến CNXH. Nội dung chính yếu của TKQĐ ở những nước này là giải quyết cuộc đấu tranh giữa hai con đường phát triển: XHCN hay TBCN. Về nguyên tắc, nền chuyên chính được thiết lập là nền chuyên chính của giai cấp công nhân với hai nhiệm vụ cải tạo và xây dựng. Ở Trung Quốc, Việt Nam, dưới chuyên chính “vô sản”, công cuộc cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới đã mắc không ít những sai lầm nghiêm trọng như: chủ quan, duy ý chí, bất chấp quy luật khách quan và hành chính quan liêu trong tổ chức, điều hành nền kinh tế, xã hội. Điều này được thể hiện rõ nhất trong các cuộc cải cách ruộng đất, trong cải tạo nông nghiệp, cải tạo công, thương nghiệp và trong quá trình công nghiệp hóa. Động lực cá nhân bị triệt tiêu, năng suất lao động cao - yếu tố cơ bản, quyết định thắng lợi của chế độ xã hội mới với chế độ xã hội cũ đã không được tạo ra. Nền dân chủ mới - dân chủ cho đa số chưa được thực hiện đầy đủ trên thực tế. Hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém ở những nước chưa kinh qua giai đoạn phát triển TBCN chậm được cải thiện.

Cần phải xây dựng mô hình quyền lực nào trong TKQĐ lên CNXH?  Đây là vấn đề mà cả hệ thống XHCN thế giới đã tìm tòi hướng giải quyết trong suốt thế kỷ XX. Song lời giải vẫn chưa thật hiệu quả. Thực hiện chuyên chính vô sản trong điều kiện kinh tế nhiều thành phần, xã hội đa giai cấp và tầng lớp, nhất là tầng lớp tư sản còn vai trò quan trọng trong cả kinh tế và xã hội là rất khó khăn. Thực tế lịch sử phát triển xã hội trong thế kỷ XX cho thấy rằng, kinh tế đa thành phần, xã hội đa giai cấp và tầng lớp, thì nền dân chủ cần thiết lập phải là nền dân chủ nhân dân. Ở đây, mô hình tổ chức nhà nước không thể hoàn toàn theo mô hình dân chủ tư sản, song cũng chưa thể là nền dân chủ XHCN như mong muốn của các nhà kinh điển mác xít. Để phát triển xã hội, phải tìm một hình thức tổ chức nhà nước đặc thù, trung gian. Trong đó, những gì còn tiến bộ của nền dân chủ tư sản phải được kế thừa, những gì là ưu việt của nền dân chủ XHCN đang định hướng xây dựng, cần được nghiên cứu và thử nghiệm thận trọng, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của từng quốc gia, dân tộc. Quyền lực chính trị về danh nghĩa thuộc giai cấp công nhân - trí thức, nhưng giai cấp này chưa hình thành đầy đủ. Đội tiền phong của nó - Đảng cộng sản - cần phải bao gồm những phần tử ưu tú nhất không chỉ của giai cấp công nhân, trí thức mà còn gồm cả những thành phần ưu tú của giai cấp nông dân, tầng lớp tiểu tư sản và tư sản. Điều này thể hiện tính nhân dân của quyền lực xã hội mà nguyên tắc tổ chức quyền lực ít nhiều phải mang tính pháp quyền mà nền dân chủ tư sản đã  tạo ra. Chính tính phức hợp của cơ cấu kinh tế và cơ cấu xã hội tồn tại trong TKQĐ lên CNXH đã quyết định tính phức hợp của cơ cấu quyền lực xã hội. Nền chuyên chính - như là hình thức tổ chức nhà nước đã được thiết lập ở hệ thống XHCN cũ trong thế kỷ XX, nên được coi là cần thiết trong thời kỳ cách mạng và chiến tranh. Kéo dài hình thức tổ chức nhà nước này trong thời kỳ hòa bình đã tạo ra tình trạng hành chính hóa, quan liêu hóa. Hệ thống quyền lực này chẳng những không mở đường cho sự phát triển sản xuất, kích thích tính tích cực lao động và tính tích cực xã hội của con người mà nhiều khi đã thủ tiêu cả động lực cá nhân. Như vậy là, trong TKQĐ, quyền lực chính trị thuộc về những lực lượng xã hội tiên tiến của cả giai cấp công nhân, trí thức, nông dân và tầng lớp tư sản - những người đại diện được cho lợi ích dân tộc, quốc gia. Đây thực chất là nền dân chủ nhân dân - một hình thức tổ chức quyền lực chính trị đặc thù của TKQĐ lên CNXH.

Về văn hoá, tư tưởng, TKQĐ lên CNXH có đặc trưng gì?  Trước hết, cần phải thấy rằng, ngay sau mỗi cuộc cách mạng xã hội, dù là cách mạng XHCN hay cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trong xã hội vẫn tồn tại nhiều hệ tư tưởng mâu thuẫn, đấu tranh nhau. Trong đó có hệ tư tưởng tư sản, hệ tư tưởng vô sản và chủ nghĩa dân tộc dưới nhiều màu sắc khác nhau. Quá độ lên CNXH là làm cho hệ tư tưởng vô sản xác lập. Chủ nghĩa yêu nước phải là chủ nghĩa yêu nước mang lập trường vô sản - yêu nước XHCN.

Tuy nhiên, vì CNXH đang là mục tiêu cần hướng tới, do vậy, thực chất của chủ nghĩa yêu nước trong TKQĐ lên CNXH là tinh thần dân tộc chân chính. Đây là nền tảng tư tưởng, tinh thần để đoàn kết dân tộc, tạo điều kiện để phục hưng dân tộc. Thực tế xây dựng các mô hình CNXH trong thế kỷ XX đã chứng minh rằng, trong tất cả các giai đoạn phát triển của TKQĐ lên CNXH, dù muốn hay không, vấn đề dân tộc, quốc gia vẫn phải đặt lên hàng đầu. Ở các nước đang phát triển và chậm phát triển, đây càng là vấn đề phải quan tâm, chú ý hơn. Lợi ích giai cấp phải phụ thuộc vào lợi ích tối cao của dân tộc. Đây chính là một trong những đặc trưng có tính quy luật về văn hóa - tư tưởng trong TKQĐ ở các nước định hướng XHCN.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2014

PGS, TS NGUYỄN CHÍ DŨNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền