Trang chủ    Diễn đàn    Văn hóa cầm quyền và xây dựng văn hóa cầm quyền của Đảng
Thứ năm, 30 Tháng 7 2015 16:07
3233 Lượt xem

Văn hóa cầm quyền và xây dựng văn hóa cầm quyền của Đảng

(LLCT) - Cầm quyền được hiểu là một chủ thể (lực lượng chính trị, hay đảng phái) nắm giữ chính quyền - quyền lực nhà nước. Đây là khái niệm biểu hiện mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhà nước trong xã hội hiện đại. Trong một quốc gia, khi một đảng chính trị nắm chính quyền, tức đảng chính trị đó là đảng cầm quyền. Trong thực tế, nhiều trường hợp các đảng chính trị phải liên minh với các đảng chính trị khác tạo thành liên minh cầm quyền.

Khi nói tới văn hóa chính trị của mỗi quốc gia, không thể không đề cập tới văn hóa cầm quyền của đảng cầm quyền. Văn hóa chính trị nói chung và văn hóa cầm quyền nói riêng có ảnh hưởng quan trọng đến sự bền vững của thể chế chính trị và phát triển nói chung của một quốc gia. Khi văn hóa thẩm thấu vào hoạt động chính trị, vào hoạt động cầm quyền thì hoạt động chính trị sẽ trở thành nghệ thuật chính trị. Ngược lại, trong hoạt động chính trị mà thiếu văn hóa thì hoạt động chính trị đó sẽ trở thành “thủ đoạn”, “thủ đoạn chính trị”. V.I.Lênin và Hồ Chí Minh đã đề cập nhiều đến những vấn đề liên quan đến nghệ thuật chính trị và thủ đoạn chính trị. Lênin cho rằng: “Chính trị là một khoa học và một nghệ thuật”(1). Hồ Chí Minh định nghĩa rằng: “Chính trị là đoàn kết”(2); “Chính trị là đức”(3), phân biệt: “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị”(4). Đoàn kết khi gắn với đạo đức sẽ có đoàn kết chân thành, thật sự, và đó chính là nghệ thuật chính trị. Theo Hồ Chí Minh, nghệ thuật chính trị thể hiện chủ yếu ở hoạt động lãnh đạo của những người lãnh đạo. Khi nói tới nghệ thuật lãnh đạo, Hồ Chí Minh thường dùng khái niệm “khéo lãnh đạo”. Khéo lãnh đạo của những người lãnh đạo chính là sự kết hợp giữa đức và tài của họ. Cái tài của họ đã được nhân cách hóa, cái đức của họ đã được thẩm thấu trong cái tài. Không có đạo đức, những người lãnh đạo hay những người tham gia vào hoạt động chính trị thường chỉ dùng thủ đoạn. Nghệ thuật chính trị luôn đối nghịch với thủ đoạn chính trị. Nghệ thuật chính trị thể hiện cơ bản ở nghệ thuật cầm quyền - đỉnh cao về văn hóa cầm quyền của đảng chính trị. Văn hóa cầm quyền của đảng chính trị có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia. Đồng thời đó cũng là một tiêu chí cần đạt được đối với mỗi đảng cầm quyền nếu như đảng đó muốn tiếp tục giữ vị thế cầm quyền của mình.

Văn hóa cầm quyền của một đảng, trước hết được thể hiện ở mục tiêu và đường lối thực hiện mục tiêu trong cương lĩnh của đảng đó. Khi đã trở thành đảng cầm quyền, thì vấn đề quan trọng lại thể hiện cụ thể trong hành động, tức là việc hiện thực hóa các mục tiêu trong cương lĩnh. Để nhận biết văn hóa cầm quyền của một đảng chính trị khi trở thành đảng cầm quyền, thường căn cứ vào các nội dung chủ yếu sau:

Một là, tính chính đáng về sự cầm quyền của đảng. Tính chính đáng về sự cầm quyền của đảng phải được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân. Nhân dân đồng tình với cương lĩnh, mục tiêu, đường lối của đảng, đi theo đảng đó trong việc giành lấy chính quyền, hoặc bầu cho đảng đó để giữ vị trí cầm quyền trong các cuộc bầu cử dân chủ. Đây được coi là yếu tố “đầu vào” khẳng định tính chính đáng về sự cầm quyền của đảng.

Yếu tố “đầu ra” khẳng định tính chính đáng về sự cầm quyền của đảng là trong quá trình cầm quyền, đảng đó có được lòng dân hay không. Được lòng dân là yếu tố cốt lõi để đảng đó “vững mạnh”, giữ vững được vị thế cầm quyền của mình. Đảng cầm quyền được lòng dân, thể hiện ở sự phát triển của nền kinh tế; cải thiện đời sống, sinh hoạt của người dân, đáp ứng được những mong đợi về các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; đa số người dân cảm thấy hài lòng về mức độ dân chủ, công bằng, họ cảm thấy được sống một cách an toàn trong xã hội với các quyền tự do, được bảo vệ; nhóm người yếu thế được tham gia và dự phần trong các lợi ích, giá trị mà xã hội đạt được; tình trạng tham nhũng trong bộ máy công quyền diễn ra ở mức thấp, các nhà cầm quyền quan tâm, có các biện pháp phòng chống hiệu quả.

Hai là, sự tuân thủ, tôn trọng luật pháp của đảng cầm quyền. Luật pháp (Hiến pháp và các đạo luật) phải là tối thượng. Ngoài ra, luật pháp còn phải đáp ứng các yêu cầu là: do ai xây dựng, xây dựng như thế nào và vì ai mà xây dựng. Trong các quốc gia được nhìn nhận là văn minh, luật pháp đều khẳng định là phải vì con người và do các cơ quan nhà nước được người dân ủy quyền xây dựng nên theo các quy trình và thủ tục nhất định, đáp ứng với các yêu cầu của nền dân chủ.

Sự tuân thủ luật pháp của các nhà cầm quyền có vai trò quan trọng để đáp ứng yêu cầu của văn hóa cầm quyền. Trong xã hội văn minh, nếu những người có chức trách của bộ máy công quyền không tuân thủ pháp luật, có nghĩa họ đã thiếu văn hóa lãnh đạo, quản lý - yếu tố cơ bản của văn hóa cầm quyền.

Ba là, ý thức trách nhiệm của đảng viên. Trách nhiệm của những người có chức trách trong bộ máy công quyền càng rõ, ý thức làm tròn trách nhiệm, bổn phận của họ càng cao thì văn hóa cầm quyền của đảng càng cao. Nói đảng cầm quyền, tức là có nhiều đảng viên thực hiện vai trò lãnh đạo, quản lý trong bộ máy nhà nước. Văn hóa cầm quyền của đảng được biểu hiện chủ yếu ở văn hóa lãnh đạo, quản lý của đội ngũ đảng viên này. Hoạt động lãnh đạo (theo nghĩa rộng) là bao hàm cả hoạt động quản lý. Nghệ thuật lãnh đạo rất cần có đạo đức, ý thức trách nhiệm trong việc hoàn thành các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, luôn đối lập với thói vô trách nhiệm, hoặc đổ lỗi trách nhiệm.

Ý thức trách nhiệm của các nhà cầm quyền là sự biểu hiện rõ nét về “trách nhiệm cầm quyền” của đảng. Vị trí, chức vụ của các nhà cầm quyền càng cao, tức quyền hạn được giao càng lớn thì trách nhiệm càng nhiều, càng nặng nề. Quyền hạn luôn gắn với trách nhiệm. Thực hiện quyền hạn gắn với trách nhiệm có mối quan hệ chặt chẽ với các hành động, ứng xử như “xin lỗi”, “từ chức” và được gọi là “văn hóa từ chức”. Văn hóa từ chức lại có liên quan chặt chẽ, phụ thuộc vào đức tính liêm khiết, trung thực, liêm sỉ của các nhà cầm quyền. Do vậy, nếu việc tuân thủ đúng nguyên tắc “quyền hạn gắn với trách nhiệm”, “văn hóa trách nhiệm”,“văn hóa từ chức” của các nhà cầm quyền là một tiêu chí cơ bản để đánh giá mức độ văn hóa cầm quyền.

Ở nước ta hiện nay, việc xây dựng văn hóa chính trị nói chung và văn hóa cầm quyền của Đảng nói riêng là vấn đề hết sức cần thiết. Thực tế những năm vừa qua cho thấy, trong mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, hay văn hóa và sự cầm quyền của Đảng có những biểu hiện “thiếu sự gắn bó chặt chẽ giữa văn hóa với kinh tế, chính trị”(5) ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Văn hóa cầm quyền của Đảng có vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước hiện nay. Đây còn là cơ sở quan trọng để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Để xây dựng văn hóa cầm quyền của Đảng, cần phải đáp ứng được các yêu cầu mang tính giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, phải xây dựng được một thể chế kinh tế, chính trị hợp lý, vừa phù hợp với thông lệ mang tính phổ biến trên thế giới, vừa đáp ứng được hoàn cảnh đặc thù của nước ta. Trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, như Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra. Thể chế có vai trò quan trọng đối với việc hình thành nên một hệ thống quản trị quốc gia hiệu quả. Thế giới đã từng chứng kiến những sự đổi mới về mặt thể chế ở nhiều quốc gia trong quá trình phát triển. Trong thời đại toàn cầu hóa, sự đổi mới là yêu cầu rất cần thiết đối với mỗi quốc gia, nhất là đối với các quốc gia kém và chậm phát triển.

Thứ hai, phải xây dựng được một Nhà nước pháp quyền thực sự. Nghĩa là Nhà nước ta cũng phải xây dựng theo hướng đáp ứng các yêu cầu có tính phổ biến mà Liên Hợp quốc đã đúc kết từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia có Nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường phát triển trên thế giới. Đó là phải bảo đảm được các yếu tố cốt lõi của pháp quyền: Hiến pháp và pháp luật phải được đặt lên hàng tối thượng; quyền lực nhà nước phải được kiểm soát theo những quy trình, phương thức nhất định; phải bảo đảm về trách nhiệm giải trình của mọi tổ chức, cá nhân trong bộ máy công quyền; bảo đảm sự công khai, minh bạch trong mọi lĩnh vực, mọi hoạt động có liên quan đến bộ máy công quyền, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt liên quan đến lĩnh vực an ninh quốc phòng; mọi công dân đều có quyền bình đẳng, có cơ hội tham gia, được hưởng thụ những thành quả phát triển của xã hội. Nhà nước pháp quyền được hoàn thiện có vai trò quan trọng để đáp ứng yêu cầu về văn hóa chính trị, văn hóa cầm quyền của Đảng.

Thứ ba, phải thường xuyên giáo dục đạo đức lối sống, ý thức trách nhiệm... cho đội ngũ công chức, thông qua nhiều hình thức, biện pháp như tăng cường việc phê bình và tự phê bình một cách nghiêm túc, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách hiệu quả... Điều rất quan trọng hiện nay là phải đặt trọng tâm vào việc giáo dục pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật. Tuân thủ đúng pháp luật về thực chất là yếu tố căn bản để làm tròn trách nhiệm, hay có văn hóa trách nhiệm của những người “đày tớ” trong mối quan hệ với người “chủ” là cử tri - nhân dân.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2014

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, t.41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr. 80-81.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.61.

(3) Sđd, t.9, tr.492.

(4) Sđd, t.7, tr.438.

(5) Xaydungdang.org.vn: Thông báo Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, ngày 15-5-2014.

 

PGS, TS Nguyễn Hữu Đổng

Viện Chính trị học

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền