Trang chủ    Diễn đàn    Quản lý theo hướng tiếp cận tổng thể xã hội
Thứ năm, 30 Tháng 7 2015 16:09
2495 Lượt xem

Quản lý theo hướng tiếp cận tổng thể xã hội

(LLCT) - Xã hội loài người đã và đang có rất nhiều sự thay đổi trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Vì vậy, cần một cách tiếp cận mới về xã hội và quản lý xã hội. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, phải tiếp cận vấn đề “Quản lý xã hội” theo cách nhìn “tổng thể”, “toàn cầu hóa”, hay cách nhìn vĩ mô. Gần đây đã xuất hiện những khái niệm mới như “công dân toàn cầu” và cả khái niệm “lãnh đạo toàn cầu”, “quản lý toàn cầu”.

Từ lâu, đã có nhiều cái được gọi là “chân lý mặc nhận”(1) trong tư duy của không ít người, chẳng hạn, cho rằng đã có nhiều chuyên ngành khoa học về quản lý như: khoa học quản lý, quản trị học, quản lý xã hội, quản lý kinh tế, quản lý giáo dục, quản lý văn hóa, quản lý nhà nước, tâm lý học quản lý… nên không cần phải nói đến quản lý xã hội theo hướng tổng thể.

Bên cạnh đó, có chân lý mặc nhận xuất phát từ tư duy quy nạp rằng nếu hiểu được quản lý từng bộ phận thì sẽ hiểu được quản lý cả tổng thể xã hội. Do vậy, đã có nhiều người đi sâu nghiên cứu quản lý các khía cạnh xã hội, lĩnh vực xã hội hay tiểu hệ thống xã hội trong mối tương quan với các khía cạnh khác, lĩnh vực khác hay tiểu hệ thống khác như văn hoá, giáo dục, kinh tế, chính trị... của hệ thống xã hội. Đã có nhiều bài học thực tế về những hệ lụy, cản trở sự phát triển xã hội, từ những chân lý mặc nhận như vậy, như suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu, ô nhiễm thực phẩm, ách tắc giao thông... 

Thực tế là, sự phát triển của đời sống xã hội hiện đại đang đặt ra nhiều thách thức đối với quản lý xã hội. Sự tác động của toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế đã làm cho hoạt động quản lý theo kiểu cũ (quản lý theo lĩnh vực) không đạt được kết quả mong muốn.

Dưới tác động của khoa học và công nghệ, xã hội có xu hướng chuyển dần từ văn minh công nghiệp sang văn minh hậu công nghiệp. Trong xu hướng này, ranh giới giữa các thiết chế xã hội cơ bản như Nhà nước, Thị trường Văn hóa đang ngày càng mờ nhạt và thực tế có sự xâm nhập lẫn nhau giữa các thiết chế xã hội. Do đó, hoạt động quản lý theo mô hình kiểu cũ đã không còn phù hợp.

Áp dụng vào xã hội hiện đại, lý luận cũ về quản lý đang gặp phải những biểu hiện của sự khủng hoảng. Các mô hình lý thuyết quản lý theo lĩnh vực đang không còn hiệu quả.

Thực tế đó đặt ra yêu cầu các cách tiếp cận xã hội học trong quản lý không phải như quản lý một công ty, một tổ chức, một lĩnh vực… mà là quản lý tổng thể xã hội.

1. Hai cách tiếp cận xã hội và quản lý xã hội

Xã hội theo nghĩa rộng là chỉnh thể, hệ thống, toàn bộ các mặt, các lĩnh vực của đời sống, các cấu trúc của từng phần tử hợp thành và định vị chúng trong một cấu trúc lớn toàn thể, trong lịch sử vận động, phát triển và biến đổi của cả hệ lớn này. Xã hội theo nghĩa hẹp là chiều cạnh hay “mặt” xã hội trong cấu trúc tổng thể đó.

Nghiên cứu xã hội theo nghĩa rộng là nghiên cứu toàn bộ cấu trúc xã hội, tìm ra căn nguyên sâu xa của mọi biến đổi lịch sử xã hội, theo quan điểm mácxít là để đi tới lý giải tính tất yếu lịch sử của những đảo lộn xã hội, cách mạng xã hội để cho ra đời chế độ xã hội mới với một phương thức sản xuất mới. Và xã hội chỉnh thể với nhà nước, với những thể chế chính trị - pháp lý, với những cơ sở tư tưởng, đạo đức, văn hóa… phải được tổ chức, quản lý, từ cơ cấu kinh tế đến cơ cấu xã hội với những quan hệ người và người, những mâu thuẫn, những khác biệt, những xung đột về lợi ích, địa vị, quyền lực.

Nghiên cứu xã hội theo nghĩa hẹp được giới hạn ở mặt, phương diện hay lĩnh vực xã hội của cấu trúc xã hội tổng thể. Nó như là một phân hệ của hệ thống, là hệ con trong hệ lớn, là nghiên cứu một lát cắt trong cái phổ rộng lớn của tổng thể xã hội. Nó có thể bao gồm các vấn đề xã hội trong đời sống của con người và cộng đồng, chính sách xã hội và an sinh xã hội, hay những biến đổi xã hội thuận hay nghịch đối với tiến bộ và phát triển(2),...

Theo cách tiếp cận quen thuộc,quản lý xã hội chủ yếu là quản lý các tổ chức, các lĩnh vực xã hội, khía cạnh xã hội.

Theo cách tiếp cận mới,quản lý tổng thể xã hội, không chỉ bó hẹp trong phạm vi tổ chức, ngành, lĩnh vực… mà mở rộng ra toàn bộ xã hội, ở đó tổ chức, ngành, lĩnh vực… chỉ là một bộ phận, thành tố của nó. Vì vậy, quản lý xã hội được hiểu là quản lý toàn thể xã hội.

2. Những vấn đề lý luận của quản lý tổng thể xã hội

Bên cạnh những vấn đề nan giải của thực tiễn phát triển xã hội, lý luận về quản lý cũng đang có sự khủng hoảng. Hầu hết các lý thuyết về quản lý xã hội nói chung và quản lý các lĩnh vực cụ thể đều đang không giải quyết được các vấn đề của thực tiễn đặt ra. Theo các nhà nghiên cứu về quản lý, thế kỷ XXI đang đặt ra nhiều thách thức cho quản lý xã hội(3). Peter Drucker cho rằng khủng hoảng trong lý luận về quản lý có nguồn gốc từ việc các nhà nghiên cứu đã đặt ra các mặc định có tính nguyên tắc của quản lý. Các mặc định đó là:  thứ nhất, nói đến quản lý là quản lý kinh doanh; thứ hai, có mô hình tổ chức duy nhất đúng; thứ ba, có cách duy nhất đúng để quản lý con người hoặc ít ra phải có một cách như thế. Trên thực tế, các mặc định trên về quản lý không còn phù hợp trong môi trường quản lý hiện đại. Hoạt động quản lý các lĩnh vực ngoài kinh doanh đã không còn hiệu quả và bản thân quản lý kinh doanh cũng gặp phải nhiều thách thức. Những vấn đề đó đang cho thấy có sự khủng hoảng trong lý luận về quản lý và đòi hỏi phải có cách tiếp cận quản lý theo kiểu mới.

Học thuyết Mác - Lênin về quản lý tổng thể xã hội

Có thể nói, học thuyết Mác - Lênin, ngay từ đầu đã rất quan tâm tới con người và vấn đề làm thế nào để xã hội loài người đạt đến trình độ phát triển “hoàn bị”. Do đó, việc làm thế nào để xã hội loài người đi đến được đỉnh cao, mà học thuyết hình thái kinh tế - xã hội gọi là xã hội Cộng sản chủ nghĩa luôn được các nhà kinh điển Mác - Lênin quan tâm nghiên cứu, luận giải.

Phép biện chứng duy vật - học thuyết về quản lý tổng thể xã hội.

Mục tiêu của cách mạng xã hội là tạo ra một xã hội phát triển, không còn bóc lột, không có sự bất bình đẳng giữa các giai cấp. Chính điều đó đã thôi thúc các nhà kinh điển Mác - Lênin phát triển học thuyết của mình nhằm hướng tới giải quyết thực trạng xã hội. C.Mác đã vận dụng phép biện chứng duy vật vào phân tích sự hình thành và phát triển của lịch sử xã hội loài người. Với chủ nghĩa duy vật biện chứng, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã nêu ra nguồn gốc, bản chất, động lực, quy luật và cơ chế của sự phát triển xã hội.

Quản lý tổng thể xã hội dựa trên quản lý sự phân tầng xã hội

Theo quan niệm của C.Mác, quản lý tổng thể xã hội cần dựa trên sự quản lý sự phân tầng trong xã hội, tức là quản lý dựa trên 3 mối quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Thứ nhất, đó là quan hệ về sở hữu tư liệu sản xuất xã hội; Thứ hai, quan hệ về tổ chức công việc; Thứ ba, quan hệ về phân phối sản phẩm làm ra. Trong ba mối quan hệ này, quan hệ về sở hữu tư liệu sản xuất xã hội là cơ bản, quan trọng nhất, quyết định các mối quan hệ khác. Theo phân tích của C.Mác, sự tồn tại chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất đã tạo ra sự khác biệt trong phân phối sản phẩm làm ra, nên tất yếu dẫn đến sự khác biệt về tài sản giữa các nhóm xã hội, vì vậy đã nảy sinh sự phân chia xã hội thành các tầng lớp khác nhau. Tuy nhiên, C.Mác chủ yếu nhấn mạnh sự phân tầng xã hội theo giai cấp, tức là sự phân chia xã hội thành hai giai cấp đối kháng, thống trị và bị trị. Thí dụ, xã hội tư bản mang biểu hiện rõ nét nhất sự phân tầng xã hội theo hai giai cấp đối kháng, được C. Mác viết như sau: “… đặc điểm của thời đại chúng ta, của thời đại giai cấp tư sản, là đã đơn giản hóa những đối kháng giai cấp. Xã hội ngày càng phân chia thành hai phe lớn thù địch với nhau, hai giai cấp lớn hoàn toàn đối lập nhau: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản”(4).

Điều quan trọng trong quản lý xã hội là nhìn một cách tổng thể để hướng tới xã hội không có sự phân chia giai cấp, không có áp bức bóc lột.

Thuyết hệ thống tổng quát về hành động xã hội

Tiếp cận hệ thống tổng thể xã hội đã được Talcott Parsons đặt ra từ nửa đầu thế kỷ XX với các phẩm như Cấu trúc của hành động xã hội (1937), Hệ thống xã hội (1951),Tiến tới một lý thuyết tổng quát về hành động xã hội (1951)(5).

Quản lý tổng thể xã hội là quản lý hệ thống xã hội theo chức năng

Theo Talcott Parsons, quản lý xã hội phải được hiểu là quản lý tổng quát, nhìn nhận xã hội như là một hệ thống có cấu trúc và chức năng. Ông cho rằng, quản lý xã hội tổng quát chính là đối tượng nghiên cứu của xã hội học; xã hội học quan tâm tới quản lý xã hội tổng quát dựa vào việc nghiên cứu “chức năng” của hệ thống tổng thể xã hội. Parsons viết “xã hội học nghiên cứu chỉ một khía cạnh, chủ yếu là khía cạnh chức năng của hệ thống xã hội, mà chính là nghiên cứu các cấu trúc và quá trình có liên quan đến sự liên kết các hệ thống này”(6) và xã hội là một hệ thống bao gồm các bộ phận cấu thành, tiểu hệ thống. Parsons dùng khái niệm hệ thống và cấu trúc gần như tương tự nhau với ý nghĩa là hệ thống có cấu trúc, và cả hệ thống và cấu trúc đều có chung những thành phần nhất định.

Quản lý tổng thể xã hội là quản lý xã hội theo các tiểu hệ thống

Khái niệm hệ thống được hiểu như là một tập hợp các yếu tố được sắp xếp theo một trật tự nhất định, nghĩa là vừa được định hình độc lập vừa liên tục trao đổi qua lại với nhau và với môi trường bên ngoài(7). Trong lý thuyết của mình, Parsons đưa ra sơ đồ lý thuyết của hệ thống gọi tắt là sơ đồ AGIL: A - Adaptation (thích nghi),
G - Goal attainment (hướng đích), I - Integration (tích hợp), L - Latent pattern maintenance (bảo tồn khuôn mẫu văn hóa).

Thuyết quản lý hỗn độn trong kỷ nguyên bất định

Các nghiên cứu về xã hội hiện đại cho thấy, dưới tác động của khoa học và công nghệ, tốc độ thay đổi của các hiện tượng xã hội ngày càng nhanh và đôi khi xã hội gần như đang tồn tại ở trạng thái bất định(8). Hầu hết mọi thứ đều diễn ra nhanh chóng và khó có thể lường trước. Chính vì vậy, việc sử dụng các mô hình quản lý, phương pháp quản lý kiểu cũ không còn phù hợp và không đạt được kết quả như mong muốn. Từ đó, các nhà khoa học quản lý thấy rằng, quản lý xã hội phải là quản lý trong môi trường hỗn độn trong kỷ nguyên bất định.

Lý thuyết quản lý hỗn độn nêu vấn đề, muốn quản lý xã hội thì không chỉ dừng lại ở việc nhìn nhận xã hội như một hệ thống với các bộ phận cấu thành và chức năng của các bộ phận đó mà còn phải nhìn nhận xã hội là hệ thống tổng thể với 5 đặc trưng có tính nguyên tắc và các đặc trưng này có mối quan hệ, tương tác với nhau.

Một là, tính mở của hệ thống. Tính mở của hệ thống đòi hỏi việc nhìn nhận những vấn đề của hệ thống, những bộ phận của hệ thống không chỉ trong mối quan hệ bên trong hệ thống mà phải đặt những thành tố của hệ thống trong mối quan hệ với những môi trường bên ngoài. Trên cơ sở đó có thể xác định được thành tố nào, bộ phận nào có thể kiểm soát được và bộ phận nào không kiểm soát được trong mối quan hệ với môi trường bên ngoài.

Hai là, tính chủ định, đòi hỏi việc quản lý phải xác định căn cứ, lý do ra quyết định. Việc lựa chọn quyết định như thế nào phụ thuộc vào 3 yếu tố: lý trí, cảm xúc và văn hóa.

Ba là, tính đa chiều, là một trong những đặc trưng quan trọng của quản lý tổng thể xã hội, nó đòi hỏi phải có năng lực nhìn nhận rõ những quan hệ bổ sung trong các xu hướng đối lập và tạo dựng các tổng thể khả thi ghép lại bằng các bộ phận bất khả thi(9). Đặc trưng này nhìn nhận quản lý như một quá trình tham gia vào một cuộc chơi mà có “tổng lợi ích bằng 0”(10) (Tổng - Không), tức là bên này được thì bên kia mất.

Bốn là, tính hợp trội, là đặc trưng nảy sinh trong quá trình các bộ phận của hệ thống tương tác với nhau. Nó là đặc trưng cho thấy, mặc dù trong hệ thống có nhiều bộ phận không tương thích, thậm chí là mâu thuẫn, nhưng những đặc trưng trội của hệ thống, qua tương tác cho phép các bộ phận khác kết hợp lại để hệ thống ổn định. Đây là đặc trưng của hệ thống tổ chức chứ không phải của các bộ phận cấu thành hệ thống.

Năm là, tính phản trực cảm, hàm ý các hành động thực hiện với dụng ý nảy sinh một kết cục mong muốn, nhưng trên thực tế lại có thể làm phát sinh những hệ quả đối lập. Vì vậy, trong quản lý tổng thể, mỗi bước đi đều có thể cho kết quả như mong muốn, đồng thời nó cũng có thể làm phát sinh những hệ quả khác đối lập với những điều mong muốn.

Nói tóm lại, theo quan điểm của lý thuyết quản lý hỗn độn, hoạt động quản lý không thể theo các mô hình đã có mà phải được nhìn nhận theo nhãn quan của tư duy hệ thống trong quản trị hỗn độn. Nhìn nhận bất kỳ đối tượng quản lý nào cũng cần phải dựa trên hệ thống tổng thể với 5 đặc trưng có tính nguyên tắc của nó.

Tiếp cận tổng quát trong quản lý xã hội

Tiếp cận tổng quát (còn gọi là quản trị tổng quát) trong quản lý xã hội là một hướng tiếp cận quản lý mới trong xã hội hiện đại, được xây dựng và phát triển bởi các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận. Ban đầu, tiếp cận này được sử dụng trong các nghiên cứu và quản lý các nguồn lực trong nông nghiệp nhằm hướng tới sự phát triển bền vững với ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường(11). Ban đầu được hiểu là “hệ thống kế hoạch trang trại tổng thể hỗ trợ cho nông dân, người quản lý trang trại và các nhân viên trung gian nhằm quản trị tốt hơn các nguồn lực nông nghiệp để đạt được các lợi ích bền vững về kinh tế, môi trường và niềm tin xã hội”(12). Sau này được phát triển và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan tới phát triển cộng đồng và quản lý xã hội. Các nhà nghiên cứu và thực hành quản trị tổng quát đưa ra một khung công cụ cho quá trình gồm nhiều yếu tố như: các căn cứ ra quyết định; công cụ; câu hỏi để kiểm tra; và chu trình phản hồi.

Khung công cụ cho quản trị tổng quát

Căn cứ ra quyết định: Đối tượng  - Mục tiêu - Sứ mệnh - Tầm nhìn  Công cụ: Sự sáng tạo - Nguồn lực tài chính và nhân sự  Câu hỏi kiểm tra: Quan hệ nhân - quả; Liên kết giữa xã hội, sinh thái và tài chính; Quy trình phản hồi (Nguồn: Savory Institute. Framework for holistic management, 2012).

Như vậy, tiếp cận quản lý tổng thể xã hội đã được đặt ra và nghiên cứu trong nhiều ngành khoa học và các học thuyết khác nhau. Đầu tiên là học thuyết Mác - đã đặt vấn đề quản lý tổng thể xã hội; tiếp đến, các lý thuyết xã hội học cũng đặt vấn đề quản lý xã hội tổng thể; sau nữa là những lý thuyết liên quan tới thực hành quản lý tổng thể như Tiếp cận quản lý hỗn độn Tiếp cận tổng quát trong quản lý xã hội. Các mô hình lý thuyết và thực hành quản lý xã hội theo hướng tổng thể, tổng quát phản ánh sự phát triển lý luận và thực tiễn của vấn đề quản lý xã hội trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập với những biến đổi nhanh chóng của xã hội loài người, các nhà quản lý có thể tham khảo để nâng cao hiệu quả quản lý xã hội trong bối cảnh mới .

______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2014

(1) Xem: Lê Ngọc Hùng (chủ biên): Xã hội học về lãnh đạo, quản lý, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội, 2010

(2) Xem thêm: Hoàng Chí Bảo: “Biến đổi xã hội và quản trị biến đổi xã hội - quan niệm và cách tiếp cận”, trong Quản trị biến đổi xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa, Nxb Thế giới, 2013.

(3) Peter F. Drucker: Những thách thức của quản lý trong thế kỷ XXI, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2003.

(4) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 44.

(5), (7) Lê Ngọc Hùng:Lịch sử và lý thuyết xã hội học, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2002, tr.203, 204.

(6) E. A Capitonov: Xã hội học thế kỷ XX,  Lịch sử và công nghệ, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2000, tr.157.

(8) Helga Nowotny, Peter Scott, Michael Gibbons: Tư duy lại khoa học - Tri thức và công chúng trong kỷ nguyên bất định, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2009, tr.24; Alvin Toffler: Cú sốc tương lai; Làn sóng thứ ba. Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1992.

(9) Jamshid Ghadajedaghi: Tư duy hệ thống - Quản lý hỗn độn và phức hợp, Sđd, tr.99.

(10) Avinash K. Dixit - Bary J. Nalebuff: Tư duy chiến lược - Lý thuyết trò chơi thực hành, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2006; Jamshid Ghadajedaghi: Tư duy hệ thống - Quản lý hỗn độn và phức hợp, tr.100.

(11) ATTRA: Holistic Management - A whole farm dicision making framework, 2001.

(12) Holistic Management International: What is the holistic management? 2011.

 

TS Phạm Minh Anh

Viện Xã hội học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Thông tin tuyên truyền