Trang chủ    Diễn đàn    Một số quan điểm về cơ chế phản biện xã hội
Thứ hai, 17 Tháng 8 2015 14:34
2463 Lượt xem

Một số quan điểm về cơ chế phản biện xã hội

(LLCT) - Từ cơ sở lý thuyết cũng như từ kinh nghiệm thực tiễn của hoạt động phản biện xã hội, có thể nêu ra một số quan điểm về xây dựng cơ chế phản biện xã hội ở nước ta hiện nay:

1. Phản biện xã hội phải thể hiện được bản chất dân chủ của chế độ xã hội ở nước ta

Phản biện xã hội là sự thể hiện quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân, trong đó có quyền tự do bày tỏ ý kiến của mình đối với các hoạt động của đối tượng được ủy quyền và thẩm định kết quả hoạt động của họ. Dân chủ với tư cách là một giá trị văn hóa, được xây đắp trên nền tảng nhân văn và pháp lý, nó không chỉ dừng lại ở ý tưởng, nguyện vọng, quan niệm và ý chí, mà phải thể hiện bằng hành động và được bảo đảm bằng cơ chế, luật pháp. Phản biện xã hội chính là một hành động để thực hiện trực tiếp nền dân chủ của xã hội ta, là việc người dân được bày tỏ nhận xét, đánh giá của mình về sự lãnh đạo và quản lý, điều hành đất nước có liên quan đến quyền lợi của người dân và gia đình họ trong quá khứ, hiện tại, tương lai.

Như vậy, phản biện xã hội là một đòi hỏi khách quan của một xã hội tiến bộ và dân chủ, nó xuất phát từ quyền lợi chính đáng của người dân, do người dân thực hiện nhằm phục vụ trở lại cho người dân. Trong cái vòng khép kín ấy, người dân đóng vai trò chủ thể duy nhất phản biện xã hội.Người dân với tư cách là chủ thể của phản biện xã hội sẽ chịu trách nhiệm về những hậu quả xấu nếu như sự phản biện do chính họ thực hiện không tốt. Những gì người dân gặt hái được qua hoạt động phản biện xã hội tùy thuộc vào ý thức trách nhiệm và năng lực làm chủ của họ. Cơ chế phản biện xã hội phải quán triệt quan điểm hàng đầu là bảo đảm bản chất dân chủ của chế độ ta, xã hội ta, nghĩa là cơ chế phải thu hút rộng rãi các thành viên của xã hội thực hiện phản biện xã hội với trách nhiệm cao cả và trình độ năng lực của người làm chủ xã hội. Các thành viên xã hội cần có ý thức tự giác cao, thực hiện vai trò người làm chủ trong phản biện xã hội không phải vì lợi ích của ai khác ngoài lợi ích của chính mình.

2. Phản biện xã hội phải là điều kiện để thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước

Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng những mang bản chất giai cấp mà còn mang bản chất dân tộc, nguồn sức mạnh của Đảng không chỉ đến từ giai cấp, mà còn đến từ dân tộc, Đảng gắn bó với nhân dân ngay từ lúc mới ra đời cho đến ngày nay. Đảng lấy phục vụ nhân dân làm mục đích hoạt động, chịu sự giám sát của nhân dân. Gần một thế kỷ qua, nhân dân gắn bó, chở che, tin yêu Đảng, bảo vệ Đảng, giúp Đảng vượt qua thử thách hiểm nguy hoặc lúc mắc phải sai lầm, cùng Đảng đi đến thắng lợi huy hoàng. Ngày nay, bằng hoạt động phản biện xã hội, nhân dân lại thể hiện truyền thống xây dựng, bảo vệ Đảng để Đảng không mắc sai lầm chủ quan duy ý chí, quan liêu. Để hoàn thành tốt sứ mạng lịch sử lãnh đạo đất nước, Đảng cần phải dựa vào sự ủng hộ và giúp đỡ của dân thông qua con đường phản biện xã hội để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình, đó là cách để Đảng mãi mãi gắn bó với dân, không xa rời nhân dân. Vì vậy hoạt động phản biện xã hội của nhân dân phải thể hiện được tính xây dựng đối với Đảng.

Nhà nước ta mang bản chất dân chủ, đại biểu cho quyền lợi của dân, do dân cử ra, được nhân dân ủy quyền để quản lý, điều hành đất nước, phục vụ lợi ích của nhân dân. Nhà nước phục vụ khác hẳn về bản chấtvới nhà nước cai trị làở mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân.Trong xã hội ta, nếu “Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ... Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi”(1). Trong trường hợp “Chính phủ làm hại dân, thì dân có quyền đuổi chính phủ”(2). Như vậy giữa Nhà nước, Chính phủ và dân có quan hệ mật thiết, đó là quan hệ hữu cơ không thể tách rời vì lợi ích ràng buộc lẫn nhau. Với động cơ ấy, phản biện xã hội không bao giờ hàm chứa động cơ đối lập nhân dân với Nhà nước, càng không có động cơ phản kháng Nhà nước mà chỉ có thể là cách để nhân dân thực hiện vai trò làm chủ của mình đối với Nhà nước, đồng thời Nhà nước có được điều kiện để phục vụ nhân dân tốt hơn, hoàn thành vai trò làm công bộc của dân được chu đáo hơn, tránh được những sai lầm khuyết điểm.

3. Cơ chế phản biện xã hội phải bảo đảm tính xã hội rộng rãi, tính đa dạng, tính linh hoạt và mềm dẻo khi thực hiện các hình thức, biện pháp phản biện

Trong xã hội có nhiều lực lượng tham gia phản biện, thích ứng với các lực lượng đó là các hình thức, biện pháp, công cụ… khác nhau được áp dụng và mang lại những sản phẩm phản biện khác nhau. Không thể và không nên áp dụng hình thức và biện pháp, công cụ của lực lượng này cho các lực lượng khác. Một chính sách liên quan đến tầng lớp nào, thì tầng lớp đó là chủ thể phản biện xã hội của chính sách đó. Chủ thể thực hiện phản biện xã hội có thể áp dụng nhiều hình thức, biện pháp, công cụ khác nhau đối với một nội dung, một khách thể, tùy theo điều kiện mỗi lúc, mỗi nơi. Tính linh hoạt, mềm dẻo là một đặc trưng của phản biện xã hội, nó có thể bổ sung cho nhau để nâng cao hiệu quả tiếp thu của khách thể. Quan điểm này thể hiện sự coi trọng tính hiệu quả của phản biện xã hội hơn là tính hình thức của nó, lấy mục đích của phản biện xã hội làm trọng. Không nên chỉ lấy việc góp ý, kiến nghị làm hình thức duy nhất của phản biện xã hội, tuy rằng vẫn cần coi trọng và không ngừng nâng cao chất lượng của hình thức này, nhưng nếu chỉ dừng ở việc góp ý kiến nghị thì chưa đầy đủ. Ngoài hình thức góp ý, kiến nghị, còn phải áp dụng những hình thức khác như: bình luận, nhận xét, thẩm định, thông qua sự chất vấn, tranh biện, đối thoại... tại các diễn đàn, cơ quan nghiên cứu, hội thảo, phương tiện truyền thông, và các hình thức văn bản...

4. Phản biện xã hội phải luôn tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc

Do tính xã hội rộng rãi, do nội dung phản biện rộng lớn, chủ thể các phương án xã hội đông đảo, đa dạng, vừa độc lập lại vừa liên quan đến nhau, thực tiễn xã hội lại đang không ngừng biến đổi, do đó có rất nhiều ý kiến khác nhau trong phản biện xã hội. Đối với một vấn đề nào đó, do địa vị xã hội, quan hệ lợi ích, không gian và thời gian khác nhau mà có những chính kiến khác nhau, có những cách thức khác nhau để bày tỏ chính kiến của mình. Đối với những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược, đều cần được tôn trọng và tiếp thu, nghiên cứu một cách nghiêm túc, đầy đủ. Tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc là một sự đổi mới sâu sắc trong thực hành dân chủ ở nước ta. Mọi ý kiến khác nhau, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội, nghề nghiệp, quá khứ, vùng miền,… là những sự đóng góp đáng trân trọng, nhất là những ý kiến khác với ý kiến có sẵn trong phương án của cơ quan lãnh đạo, quản lý. Thái độ trân trọng những ý kiến khác nhau, nhất là những ý kiến khác với phương án có sẵn, là thước đo trình độ, bản lĩnh và ý thức trách nhiệm chính trị trước nhân dân của cơ quan lãnh đạo, quản lý, thể hiện mối quan hệ gắn bó với nhân dân, đạo đức tôn trọng nhân dân, ý thức công bộc và sự ứng xử có văn hóa của những người được nhân dân ủy quyền. Xa lạ với những chuẩn mực đó là thái độ coi thường, phân biệt đối xử, thành kiến, quy chụp, trù úm và phản ứng với những người có ý kiến trái ngược với mình. Những ý kiến khác nhau nếu không trái với lợi ích dân tộc đều cần được tôn trọng, những ý kiến khác nhau mà đi ngược lại lợi ích dân tộc cần được phê phán, loại trừ. Theo nguyên tắc ấy, không cho phép có sự mơ hồ, ngộ nhận, lẫn lộn đúng sai. Vận dụng nguyên tắc ấy vào cơ chế phản biện xã hội để phân định rõ đúng sai là điều không đơn giản, đòi hỏi sự kiên định trong bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực trí tuệ và sự mẫn tiệp trong xử lý các tình huống khác nhau của cơ quan lãnh đạo, quản lý.

Cần phải loại trừ bệnh hình thức trong việc tiếp thu những ý kiến khác nhau. Bởi với cách làm đó, những thông tin đến với cơ quan lãnh đạo quản lý thường bị gọt dũa chỉ còn lại là những gì cấp trên muốn nghehơn là những gì cấp trên cần ngheđể hoàn thiện sự lãnh đạo và quản lý. Bệnh hình thức sẽ làm biến dạng tính đúng đắn của phản biện xã hội. Nếu dựa vào những thông tin nhờ “dàn dựng” mà có, những người lãnh đạo và quản lý rất dễ bị nhiễu thông tin và dẫn đến những quyết sách không đúng với thực tế khách quan, không hợp lòng dân.

Cũng cần đề phòng và loại trừ cả những lệch lạc khác, như chấp nhận những ý kiến khác nhau với thái độ miễn cưỡng, hoặc tiếp thu những ý kiến khác nhau rồi để đấy, không xử lý.

Những biến dạng khi đứng trước những ý kiến trái với quan điểm của chủ thể lãnh đạo và quản lý là khá đa dạng, khó có thể dự báo hết. Chỉ khi nào cơ quan lãnh đạo và quản lý thật lòng lắng nghe với ý thức tận tụy phục vụ nhân dân thì mới làm cho những người được dân ủy quyền có được thái độ đúng đắn, tôn trọng những ý kiến khác của người dân, tìm đến và lắng nghe những ý kiến đó.

5. Mọi hoạt động phản biện xã hội phải đặt trong khuôn khổ luật pháp, tuân theo những quy định của luật pháp, được luật pháp bảo hộ

Luật pháp của Nhà nước ta thể hiện ý chí của nhân dân, bảo vệ quyền lợi và quy định nghĩa vụ của nhân dân. Xét về mục đích vì lợi ích của nhân dân thì giữa luật pháp với phản biện xã hội là thống nhất. Vì vậy, để phản biện xã hội đạt mục đích cao nhất thì phải đặt nó trong khuôn khổ luật pháp. Trong một nhà nước pháp quyền, luật pháp được coi là tối thượng, người dân được làm những gì luật pháp không cấm, điều đó cũng có nghĩa là người dân không được làm những gì mà luật pháp không cho phép. Hai phương diện đó kết hợp với nhau mới bảo đảm cho luật pháp được thực thi có kết quả, lợi ích của người dân mới được bảo vệ và mục đích của luật pháp, của phản biện xã hội mới được thực hiện.

Luật pháp phải bảo đảm mọi cơ sở pháp lý cần thiết cho hoạt động phản biện xã hội được tiến hành thuận lợi nhất, đồng thời cũng bảo vệ sự cân bằng cho các thành viên của xã hội tham gia hoạt động này. Muốn vậy, luật pháp phải xây dựng được khung khổ pháp lý, trong đó quy định những chuẩn mực cơ bản của hành vi phản biện xã hội, đồng thời bảo đảm giữ gìn trật tự xã hội. Luật pháp cũng quy định trách nhiệm của các thành viên khi tham gia phản biện xã hội, đồng thời quy định, quan hệ chế tài ràng buộc giữa chủ thể và khách thể phản biện xã hội. Không có chế tài ràng buộc thì phản biện xã hội sẽ không có hiệu quả thực tế. Như vậy, việc xây dựng cơ chế phản biện xã hội không thể thiếu vắng sự tham gia của cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp, tư pháp.

6. Bảo đảm tính khách quan, tính trung thực của phản biện xã hội, tôn trọng đạo đức phản biện

Những quan điểm trên đây sẽ không thể thực hiện được nếu mỗi thành viên cũng như các cơ quan lãnh đạo và quản lý dù với cương vị xã hội nào, khi tham gia phản biện xã hội không khách quan, không trung thực, không bảo đảm những chuẩn mực của đạo đức công dân. Một khi chủ nghĩa cá nhân vị kỷ che mờ và làm hoen ố lương tâm trong sáng của người chân chính, thì sẽ làm mất tính khách quan và tính trung thực và dẫn tới những hiện tượng tiêu cực làm tha hóa bản chất tốt đẹp của dân chủ. Khi ấy, phản biện xã hội sẽ trở nên hình thức, thậm chí trở thành công cụ để lợi dụng mưu cầu lợi ích nhóm hoặc cá nhân.

Phản biện xã hội có được thực hiện tốt hay không, tác dụng tích cực của nó có được phát huy hay không, xét đến cùng là tùy thuộc ở phẩm chất và năng lực của con người cụ thể. Trong lịch sử, ông cha ta đã để lại những bài học quý báu về truyền thống lắng nghe tiếng nói của dân và việc thanh tra, kiểm soát quyền lực trong nhiều triều đại. Những vị vua hiền, tôi thẳng, được nhân dân ca ngợi, sử sách ghi chép đều là những người có tấm lòng cao cả, sáng suốt, nhân hiền, hiếu nghĩa, thương dân, nghe lời can, cầu hiền tài… Đất nước trải qua hàng nghìn năm lịch sử, lúc thịnh trị, cũng như khi suy vi, những con người Việt Nam yêu nước, thương nòi, ngay thẳng, trung thực, liêm khiết, công minh vẫn luôn luôn là rường cột của đất nước. Nhờ vậy, qua bao nhiêu thăng trầm, biến động của lịch sử, dân tộc ta vẫn trường tồn và phát triển. Ngày nay, nghiên cứu quan điểm xây dựng cơ chế phản biện xã hội không thể không nhấn mạnh tính khách quan, trung thực, đến đạo đức công dân, phải biết kế thừa phẩm chất tốt đẹp của cha ông để xây dựng một nền dân chủ hiện đại nhưng mang truyền thống văn hóa Việt Nam.

Những quan điểm trên đây có mối quan hệ hữu cơ với nhau, kết hợp thành hệ thống có thể tham khảo trong khi xây dựng những cơ chế cần thiết để thực hiện phản biện xã hội theo chủ trương đã được đề ra từ Đại hội X của Đảng.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2014

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.60, 60.

PGS, TS Trần Hậu

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền