Trang chủ    Diễn đàn    Thực hiện pháp luật bảo đảm quyền tố cáo hành chính
Thứ hai, 17 Tháng 8 2015 16:05
2624 Lượt xem

Thực hiện pháp luật bảo đảm quyền tố cáo hành chính

(LLCT) - Quyền tố cáo hành chính có vai trò đặc biệt quan trọng, là phương tiện để nhân dân tham gia hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội, giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, công chức nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

“Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”(1).Bảo đảm, bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền tố cáo của công dân là mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân ở nước ta.

Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, bảo đảm quyền tố cáo, trong đó có quyền tố cáo hành chính. Năm 1998, Luật khiếu nại, tố cáo được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua và đây là đạo luật đầu tiên về tố cáo. Trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, năm 2011 Luật Tố cáo được ban hành. Sự ra đời của Luật này cùng với các văn bản pháp luật khác như Luật Thanh tra, Luật Phòng, chống tham nhũng,Luật Tiếp công dân, Bộ Luật tố tụng hình sự,Bộ luật hình sự...bước đầu đã tạo được khung pháp lý điều chỉnh tương đối cơ bản các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực bảo đảm quyền  tố cáo; đồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm quyền tố cáo của công dân có hiệu quả.

Ngày 26-5-2014, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp tục khẳng định cần bảo đảm quyền tố cáo của công dân. Nhiều văn bản pháp luật về bảo đảm quyền tố cáo cũng đã được ban hành và tổ chức thực hiện. Quyền tố cáo được quy định tại Điều 30 Hiến pháp nước cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013: “1. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. 3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”(2).

Để bảo đảm thực hiện quyền tố cáo hành chính, Nhà nước ban hành nhiều văn bản pháp luật, thiết lập và kiện toàn các cơ quan có chức năng giải quyết tố cáo hành chính, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tố cáo hành chính cũng như phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc bảo đảm thực hiện quyền tố cáo hành chính.

Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã tham gia ký kết và thực hiện nhiều công ước của Liên Hợp quốc như các công ước quốc tế về quyền con người, công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng... Việt Nam đã nội luật hóa các công ước này và đã đạt được nhiều thành tựu về bảo vệ quyền con người trong đó có quyền tố cáo được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Theo Báo cáo của Thanh tra Chính phủ năm 2014, các cơ quan nhà nước đã tiếp 392.655 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo (tăng 3,2% so với năm 2013), với  4.876 đoàn đông người (tăng 8,8%so với năm 2013). Các cơ quan hành chính nhà nước tiếp nhận 234.972 đơn thư, trong đó có 93.704 đơn thư khiếu nại, tố cáo.Các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 36.750/42.783 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao, đạt tỷ lệ trên 85,9%. Phân tích kết quả giải quyết 9.477 vụ việc tố cáo cho thấy: có 3.288 (34,7%) vụ việc tố cáo đúng; 3.021 (31,9%) vụ việc tố cáo sai; 3.169 (33,4%) vụ việc tố cáo đúng một phần. Trong năm 2014, thông qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm tra nội bộ, các cơ quan hành chính nhà nước đã phát hiện 134 vụ, 180 người có hành vi liên quan đến tham nhũng.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 190.012 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 0,4% so với 6 tháng đầu năm 2014), đến trình bày 86.004 vụ việc (tăng 5,7%); có 2.233 lượt đoàn đông người (tăng 11,3%) tiếp nhận 111.797 đơn thư các loại (giảm 3% so với cùng kỳ năm 2014). Qua phân loại có 71.350 đơn đủ điều kiện xử lý (giảm 2,2%); 40.152 đơn thư khiếu nại, tố cáo (giảm 10,9%).Cơ quan hành chính các cấp đã giải quyết 16.362/18.897 (đạt 86,6%) vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, trong đó: Thanh tra Chính phủ kết luận và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết 31 vụ việc; đang tiến hành kiểm tra, xác minh và hoàn thiện 43 vụ việc. Các bộ, ngành, địa phương đã giải quyết 16.331/18.823 (đạt 86,6%) vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Qua giải quyết đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho công dân 103,3 tỷ đồng, 11,4 ha đất; bảo vệ quyền lợi cho 1.039 người, kiến nghị xử lý hành chính 195 người (đã xử lý 124 người)...Như vậy, có thể thấy số lượng vụ việc tố cáo hành chính gia tăng, có những diễn biến phức tạp, một số vụ việc quá khích, do có sự kích động của các phần tử xấu. Hiệu quả giải quyết các vụ việc tố cáo hành chính chưa cao, nhiều vụ việc tố cáo và giải quyết tố cáo hành chính kéo dài...

Việc thực hiện pháp luật bảo đảm quyền tố cáo hành chính trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật, xuyên tạc, gây rối trật tự. Người giải quyết tố cáo cố tình không giải quyết hoặc giải quyết tố cáo trái pháp luật; bao che người bị tố cáo. Cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố cáo ra các quyết định xử lý chưa nghiêm, thiếu tính khả thi; chưa đảm bảo thời hạn, trình tự, thủ tục giải quyết; sự phối hợp giữa các cơ quan tiếp dân, giải quyết tố cáo ở Trung ương và địa phương, giữa các cơ quan hành chính với các cơ quan nhà nước khác còn chưa chặt chẽ, hiệu quả đạt thấp; người bị tố cáo đe dọa, trả thù, trù dập người tố cáo...

Nguyên nhân là do các quy định pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo, đặc biệt là tố cáo hành chính còn nhiều hạn chế, bất cập giữa lý luận và thực tiễn. Luật chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình thực hiện quyền tố cáo hành chính; cơ quan giải quyết tố cáo hành chính bị phân tán; công tác quản lý nhà nước về tố cáo còn bị buông lỏng; hoạt động thanh tra, kiểm tra thiếu thường xuyên; phân định thẩm quyền dẫn đến có quá nhiều đầu mối các cơ quan tiếp nhận và giải quyết tố cáo hành chính; cácchủ thể trong xã hội chưa nhận thức đầy đủ và chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật bảo đảm quyền tố cáo hành chính...

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tố cáo hành chính, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền tố cáo hành chính của công dân. Tiến hành ràsoát các quyđịnh pháp luật bảo đảm quyền tốcáohành chính của công dân, loại bỏ những quyđịnh trùng lặp và bổ sung những quyđịnh còn thiếu; Khắc phục tình trạng các quyphạm pháp luật chung chung, thiếu tính cụ thể, không thống nhất trong các văn bản pháp luật;sửa đổi, bổ sung các chế tài xử lý các hành vi phạm pháp luật bảo đảm quyền tố cáo hành chính theo hướng đủ sức răn đe, ngăn chặn vi phạm. Quyđịnh rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các cơ quan, tổ chức khác trong bảo đảm quyền tố cáo hành chính.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, nhận thức về vị trí, vai trò của người tố cáo và thực hiện pháp luật bảo đảm quyền tố cáo hành chính của các chủ thể trong xã hội. Chú trọng tuyên truyền, quán triệt cho đội ngũ cán bộ, công chức,nhất là thủ  trưởng cơ quan hành chính nhà nước về trách nhiệm cụ thể của cơ quan, cá nhân thông qua các lớp tập huấn, nghiên cứu học tập pháp luật về tố cáo; tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về các quy định pháp luật về tố cáo để người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Tăng cường tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tố cáo hành chính. Biểu dương, khen thưởng kịp thời các gương điển hình tốt trong tố cáo…

Ba là, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết tố cáo hành chínhTrình độ, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết tố cáo hành chính có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả giải quyết tố cáo hành chính. Vì vậy, cần xây dựng đội ngũ làm công tác này trong sạch, vững mạnh, đảm bảo đủ về số lượng, giỏi về chất lượng. Thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng về kiến thức quản lý, lý luận chính trị… xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết tố cáo hành chính.

Bốn là, tăng cường các nguồn lực phục vụ việc tổ chức thực hiện pháp luật bảo đảm quyền tố cáo hành chính. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác tiếp dân, giải quyết tố cáo hành chính. Đảm bảo thuận lợi cho người dân đến tố cáo cũng như tạo điều kiện để người giải quyết tố cáo xử lý thông tin, xác minh nội dung tố cáo kịp thời, chính xác, đúng pháp luật.

Có chế độ, chính sách đãi ngộ đặc thù để thu hút cán bộ giỏi, động viên cán bộ yên tâm, công tâm khi làm công tác tiếp dân, giải quyết tố cáo hành chính, nhất là đối với người có trách nhiệm tiếp nhận thông tin tố cáo để họ nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.

_________________

(1), (2) Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013

ThS Đinh Thị Hương Giang

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền