Trang chủ    Diễn đàn    Sự sáng tạo của Đảng ta trong xác định tính chất và phương pháp cách mạng
Thứ sáu, 21 Tháng 8 2015 09:02
4352 Lượt xem

Sự sáng tạo của Đảng ta trong xác định tính chất và phương pháp cách mạng

(LLCT) - Thời gian gần đây, trên một số diễn đàn, báo mạng, một số người nhân danh “nghiên cứu khoa học, bàn lại lịch sử, tìm góc nhìn mới”(1), lớn tiếng cho rằng: Cách mạng Tháng Tám không phải là một cuộc cách mạng xã hội!? một số tác giả khác lại đề xuất và quảng bá ý kiến đề cao tư tưởng cải cách của Phan Châu Trinh. Họ cho rằng phương pháp “cách mạng bất bạo động” của ông có thể là duy nhất phù hợp với tình hình Việt Nam và có thể tránh cho dân tộc một cuộc chiến tranh bằng những cuộc cải cách và “đấu tranh hòa bình” với Pháp là có thể “giành độc lập mà không đổ máu”(2). Vậy thực chất của những quan điểm, nhận thức sai trái nói trên là gì.

1. Sáng tạo trong xác định tính chất của cách mạng Việt Nam

Một số ý kiến cho rằng, Cách mạng Tháng Tám không phải là một cuộc cách mạng xã hội, vì theo họ, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng xã hội là sự biến đổi, có tính bước ngoặt và căn bản về chất trong toàn bộ các đời sống xã hội, là phương thức chuyển từ một hình thái kinh tế - xã hội lỗi thời lên một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn, tiến bộ hơn. Nguồn gốc sâu xa của các cuộc cách mạng xã hội là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất đã lỗi thời, trở thành một trở lực đối với sự phát triển của xã hội. Giải quyết mâu thuẫn đó, phải có sự thay đổi kiến trúc thượng tầng nhà nước, chuyển quyền lực nhà nước từ tay giai cấp thống trị cố tìm cách duy trì chế độ xã hội cũ, lỗi thời sang tay giai cấp cách mạng. Từ lập luận đó, họ đi đến kết luận, ở Việt Nam trong thời kỳ thuộc Pháp, chưa có những điều kiện để nổ ra một cuộc cách mạng xã hội, nên cách mạng ở Việt Nam không phải là một cuộc cách mạng xã hội, mà chỉ là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc!.

Ở đây cũng cần thấy rằng, quan điểm đó thể hiện sự nhận thức chưa thấu đáo lý luận của Mác về cách mạng xã hội.

Những người sáng lập chủ nghĩa Mác trong khi đề cập tính chất phổ quát chung của cách mạng xã hội, xác định nội dung, lực lượng và phương thức tiến hành của cuộc cách mạng đó, cũng nêu cái đặc thù của cách mạng xã hội. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản,  Mác và Ăngghen đã đề cập các trường hợp đặc thù của cách mạng ở các nước Đức, Nga và Ba Lan.

Trường hợp nước Đức. Cho đến năm 1848, nước Đức là một nước chủ nghĩa tư bản phát triển, nhưng cách mạng tư sản chưa nổ ra. Giai cấp vô sản Đức cùng với giai cấp tư sản tiến hành đấu tranh chung chống lại chế độ sở hữu ruộng đất phong kiến và giai cấp tiểu tư sản phản động. Vì vậy, Mác, Ăngghen cho rằng: “Cách mạng tư sản Đức chỉ có thể là màn đầu trực tiếp cho một cuộc cách mạng vô sản”(3). Đây là tư tưởng về cách mạng không ngừng, là sự chuyển biến từ cách mạng tư sản sang cách mạng vô sản.

Trường hợp nước Nga. Nghiên cứu tình hình nước Nga thế kỷ XIX, Mác và Ăngghen cho rằng sự tồn tại của chế độ chuyên chế dựa trên việc duy trì nền tảng công hữu ruộng đất nguyên thủy ở nông thôn thì có khả năng phát triển lên chế độ cộng sản chủ nghĩa. “Nếu cách mạng Nga là tín hiệu của một cuộc cách mạng vô sản ở phương Tây và nếu cả hai cuộc cách mạng ấy bổ sung cho nhau thì chế độ ruộng đất công xã ở Nga hiện nay sẽ có thể là khởi điểm của một sự tiến triển cộng sản chủ nghĩa”(4). Như vậy, theo quan điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác, từ một nước lạc hậu cũng có thể quá độ lên một phương thức sản xuất cao hơn. Đó cũng là một loại hình cách mạng xã hội.

Trường hợp Ba Lan. Lan vào nửa đầu thế kỷ XIX là một thuộc địa của Nga Hoàng, vì vậy, nhiệm vụ của cách mạng Ba Lan là phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, phải đấu tranh với giai cấp địa chủ phong kiến, tiến hành cách mạng ruộng đất. Đây là hai cuộc cách mạng có mối quan hệ khăng khít lẫn nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, “Những người cộng sản ủng hộ chính đảng đã coi cách mạng ruộng đất là điều kiện để giải phóng dân tộc, nghĩa là chính đảng đã làm nên cuộc khởi nghĩa Giacốp năm 1846”(5). Như vậy, cách mạng giải phóng dân tộc cũng là một loại hình của cách mạng xã hội.

Với việc nghiên cứu ba trường hợp đặc thù ở những cấp độ phát triển khác nhau, Mác, Ăngghen đã bổ sung thêm học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội của mình và bước đầu đưa ra lý luận về cách mạng không ngừng, lý luận về sự quá độ lên CNXH, bỏ qua giai đoạn phát triển của CNTB ở những nước lạc hậu, kinh tế kém phát triển.

Đầu thế kỷ XX, nước Nga nơi tập trung những mâu thuẫn của thời đại đang đứng trước ngưỡng cửa một cuộc cách mạng tư sản. Lênin đã phát triển những tư tưởng của Mác và Ăngghen về cách mạng không ngừng thành học thuyết về cách mạng không ngừng và cách mạng có giai đoạn, chuyển cách mạng tư sản sang cách mạng XHCN dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản mà đứng đầu là Đảng Cộng sản. Học thuyết về cách mạng không ngừng của Lênin đã trở thành kim chỉ nam cho những người cộng sản ở các nước thuộc địa, phụ thuộc trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, phong kiến bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN để tiến lên chủ nghĩa cộng sản.

Nghiên cứu những quan niệm về tính chất phổ quát và thậm chí ngay cả đặc thù ở các cuộc cách mạng xã hội mà Mác, Ăngghen và Lênin đề cập, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cho rằng: “Mác xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”(6). Chính vì vậy, Người đề nghị: “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”; “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông. Đó chính là nhiệm vụ mà các Xôviết đảm nhiệm”(7).

Đó là cơ sở lý luận và phương pháp luận để Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng xã hội vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam.

Như vậy, cách mạng xã hội bao gồm một số loại hình sau:

- Các cuộc cách mạng thay đổi hình thái kinh tế - xã hội này bằng xã hội khác, như Cách mạng tư sản Anh, Cách mạng tư sản Pháp,v.v.

- Các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, do giai cấp tiên tiến đương thời, đại diện cho sự phát triển tiến bộ của giai đoạn lịch sử đó lãnh đạo, như cách mạng giải phóng dân tộc ở Mỹ thế kỷ XVIII, phong trào giải phóng dân tộc Ba Lan, v.v..

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do giai cấp công nhân lãnh đạo thuộc phạm trù cách mạng vô sản, cũng là cuộc cách mạng xã hội.

Tại Việt Nam, từ khi thực dân Pháp xâm lược và thiết lập ách thống trị, xã hội có sự chuyển biến mới, từ xã hội phong kiến sang xã hội thuộc địa, nửa phong kiến. Ngay từ đầu, mâu thuẫn giữa chế độ thực dân, nửa phong kiến với yêu cầu phát triển của dân tộc trở nên gay gắt. Mâu thuẫn đó biểu hiện thành hai mâu thuẫn cơ bản trong xã hội là: giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược; giữa nhân dân lao động, chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến. Giải quyết hai mâu thuẫn này mới tạo điều kiện thuận lợi cho xã hội Việt Nam phát triển.

Để giải phóng dân tộc, đưa đất nước phát triển, từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, nhiều cương lĩnh của các lực lượng yêu nước, các đảng phái ở Việt Nam được đưa ra, nhưng “các phong trào cứu nước, từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại”(8).

Chỉ khi được giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc và những người cộng sản Việt Nam xác định được tính chất xã hội Việt Nam, đề ra chiến lược giải phóng dân tộc đúng đắn và xây dựng lực lượng để đưa sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc đến thành công.

Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, đường lối cách mạng nước ta được xác định là làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi đến xã hội cộng sản. Điều đó toát lên tư tưởng lớn là cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam tất yếu phải đi tới cách mạng XHCN, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là mục đích lâu dài, cuối cùng của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Luận cương chính trị tháng 10 năm 1930  xác định tính chất của cách mạng Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền, tiến lên CNXH, bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN, là độc lập hoàn toàn cho các dân tộc, tự do dân chủ cho nhân dân Đông Dương, lập chính phủ, quân đội nhân dân, đoàn kết với giai cấp vô sản quốc tế, các dân tộc bị áp bức trên thế giới và sử dụng phương pháp bạo lực cách mạng theo phương thức tổng bãi công, bạo động vũ trang khi có thời cơ.

Đến Hội nghị tháng 10-1936, trong văn kiện Chung quanh vấn đề chính sách mới, Đảng ta sớm nhận thức các hình thức phổ biến và đặc thù của cách mạng vô sản, và khẳng định rằng, “Cuộc dân tộc giải phóng không nhất định phải kết chặt với cuộc cách mạng điền địa” (9).

Qua ba Hội nghị Trung ương (Hội nghị Trung ương 6 (11-1939), Hội nghị Trung ương 7 (11-1940) và Hội nghị Trung ương 8 (5-1941), Đảng ta đã hoàn chỉnh nhận thức về vấn đề dân tộc. Hội nghị Trung ương 8 khẳng định: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể dân tộc phải chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Đó là nhiệm vụ của Đảng ta trong vấn đề dân tộc”(10).

Từ đó Đảng ta xác định tính chất của cách mạng Đông Dương là: “Cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”. Vậy thì cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện nay là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”(11).

Như vậy, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là do Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã có sự sáng tạo trong nhận thức về con đường phát triển của cách mạng trong xu thế mới của thời đại, sáng tạo trong việc giải quyết những vấn đề thực tiễn mà cách mạng đặt ra cho mỗi thời kỳ. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, nhưng do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo nên nó thuộc phạm trù cách mạng vô sản. Đó là một cuộc cách mạng xã hội vì nó lật nhào ách đô hộ gần 80 năm của chủ nghĩa thực dân, lật nhào chế độ phong kiến thống trị một nghìn năm, lập nên chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam châu Á, mở đường cho lực lượng sản xuất nói riêng và cả dân tộc Việt Nam phát triển.

2. Sáng tạo trong xác định phương pháp cách mạng

Ở Việt Nam, đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đề xướng 2 xu hướng bạo động vũ trang và cải lương. Trong bối cảnh xã hội nước ta lúc đó, tư tưởng yêu nước của các ông như một luồng gió mới thổi vào xã hội Việt Nam, vì cả hai xu hướng đều tìm thấy lợi khí mới từ tư tưởng dân chủ tư sản. Trong đó, Phan Châu Trinh là người vượt qua những hạn chế kỳ thị đương thời; trên cơ sở mạch tư tưởng của các nhà cải cách Việt Nam thế kỷ XIX như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, đã vươn tới tiếp thu tư tưởng tiến bộ của nhân loại, nhằm mục đích giải phóng dân tộc. Tư tưởng tư sản lúc bấy giờ tuy đã lỗi thời trước sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin, song đối với Việt Nam, một nước thuộc địa nửa phong kiến thì nó còn mới mẻ, nên có tác dụng nhất định. Tư tưởng cải cách dân chủ theo hướng tư sản khi thâm nhập vào quần chúng đã tạo nên phong trào Duy Tân, phong trào kháng thuế đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, khác với tư tưởng cải lương bất bạo động của Găngđi ở Ấn Độ là tư tưởng có cội rễ từ chiều sâu lịch sử của Ấn Độ và có cơ sở xã hội là giai cấp tư sản dân tộc tương đối mạnh, có lực lượng quần chúng rộng lớn trong phong trào dân tộc làm hậu thuẫn, tư tưởng dân chủ cải lương của Phan Châu Trinh không có cơ sở xã hội vì tình hình kinh tế Việt Nam lúc đó chưa hình thành giai cấp tư sản dân tộc. Mặc dù Phan Châu Trinh lớn tiếng “bất bạo động, bạo động tắc tử, bất vọng ngoại, vọng ngoại giả ngu”, nhưng tư tưởng dân chủ cải lương của ông cũng bị thực dân Pháp đàn áp vì ngay tư tưởng này cũng là một hiểm họa đối với chế độ thuộc địa.

Tinh thần yêu nước và tư tưởng đề cao vai trò của văn hóa dân tộc của Phan Châu Trinh khi chủ trương: chấn hưng dân khí, nâng cao dân trí, hậu dân sinh là rất đúng đắn. Nhưng nếu dựa vào Pháp để thực hiện thì chỉ là ảo tưởng. Chính Phan Châu Trinh trong thư gửi Nguyễn Ái Quốc ngày 18-2-1922, cũng chua chát thừa nhận: “Bấy lâu nay, bọn mình bên này có đăng báo chương, hô hào các hạng người Pháp có lương tâm ngõ hầu giúp người An Nam đánh đổ cường quyền áp chế, nhưng kết quả chẳng được là bao, cái khát vọng tự do, bình đẳng, bác ái mà ông Mạnh Đức Tư Cưu, ông Lư Thoa khởi xướng chẳng nhỏ được một giọt nào trên đất Việt Nam”(12). Thế nhưng một số người cố lờ đi sự thật lịch sử đó, họ lớn tiếng cho rằng: “bất bạo động” là một hình thức đấu tranh, nếu để cho tư tưởng cải lương bất bạo động của Phan Châu Trinh tiếp tục phát triển thì may ra cũng giành được độc lập như Ấn Độ mà không cần đổ máu, đất nước vẫn phát triển.

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và kinh nghiệm lịch sử của dân tộc không chỉ trong việc xác định đường lối phát triển đất nước mà còn trong xác định phương pháp cách mạng giành chính quyền và giải quyết đúng đắn phương thức giành chính quyền. Đề ra tư tưởng bạo lực cách mạng, Đảng ta nhận thức rằng sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp cách mạng của quần chúng, vì vậy phải tổ chức, rèn luyện quần chúng qua các phong trào cách mạng. Tuy nhiên, Đảng ta không tuyệt đối hoá đấu tranh vũ trang. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng ta luôn nhận thức đúng sự phát triển của tình hình trong nước và thế giới để đề ra những mục tiêu trước mắt, cũng như phương pháp cách mạng phong phú, đa dạng, kể cả đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (1945) không phải là kết quả của đấu tranh vũ trang đơn thuần mà là sự kết hợp đấu tranh chính trị của quần chúng với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang.

Mặt khác, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, tùy tình hình từng giai đoạn, Đảng ta phát triển và sáng tạo ra những hình thức đấu tranh mới phong phú, đa dạng để tập hợp lực lượng quần chúng, góp phần làm phong phú thêm quan điểm chủ nghĩa Mác- Lênin về phương pháp cách mạng giành chính quyền ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến.

Ngay sau khi giành được độc lập, dân tộc ta phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài 30 năm để bảo vệ những thành quả của Cách mạng Tháng Tám, bảo vệ nền độc lập dân tộc, quyền tự do của nhân dân và sự thống nhất toàn vẹn của đất nước. Một số người cho rằng, do Đảng ta không khôn khéo nên chúng ta phải đổi độc lập, thống nhất với giá quá đắt! Liệu có thể tránh được cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài 30 năm không? Những văn kiện đã được lưu hành công khai trước đây và những tài liệu công bố gần đây trong quan hệ Việt - Pháp cho thấy rằng, trong hoạt động ngoại giao thời kỳ 1945-1946, Đảng và Chính phủ ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm những gì có thể làm được để tránh cuộc chiến tranh xảy ra. Ngay cả khi Việt Nam chỉ là một quốc gia tự do trong khối Liên hiệp Pháp cũng không ngăn được thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai. Chúng ta muốn hòa bình nhưng hòa bình trong độc lập, tự do và chúng ta đã nhân nhượng đến giới hạn có thể. Không dừng lại ở đó, ngay sau khi chiến tranh nổ ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hàng chục lần đề nghị Pháp thương lượng hòa bình để kết thúc chiến tranh. Cuộc chiến tranh thần thánh của nhân dân ta với đế quốc Pháp là do dã tâm của kẻ thù muốn nô dịch nước ta, bắt nhân dân ta trở lại làm kiếp tôi đòi cho chúng.

Sau cuộc chiến tranh chống Pháp kết thúc năm 1954, theo Hiệp định Giơnevơ, sau hai năm sẽ tiến hành cuộc Tổng tuyển cử để thống nhất đất nước, nhưng đế quốc Mỹ với âm mưu xâm lược nước ta, đã có ý đồ phá hoại ngay khi Hiệp định chưa được ký. Đế quốc Mỹ và tay sai đã lê máy chém khắp miền Nam, tiến hành 4 chiến lược chiến tranh hòng đánh bại ý chí thống nhất đất nước của nhân dân ta. Như vậy, kẻ thù buộc nhân dân ta phải tiến hành cuộc chiến tranh 30 năm vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Cuộc chiến đấu mang tầm vóc thời đại đó đã cổ vũ các dân tộc trên thế giới đứng lên tự giải phóng.

Ngày nay, trong sự biến đổi phức tạp và khó lường của thế giới đương đại, nhận thức lại lịch sử để rút ra bài học cho hiện tại là cần thiết, nhưng không thể giáo điều, áp đặt những quan điểm sai trái không có cơ sở khoa học để “nắn dòng” lịch sử theo sự áp đặt chủ quan của họ. Những tư tưởng đó không phải là thiện chí đối với sự phát triển của đất nước trong quá khứ lẫn hiện tại, mà thực chất là phủ nhận con đường phát triển của dân tộc mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng và nhân dân ta lựa chọn từ năm 1930 r

_______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2015

(1), (2) Thiên Phương: “Họ tảng lờ sự thật, hay cố tình xuyên tạc sự thật?”, Báo Nhân dân, 12 -6-2015.

(3), (4), (5) C.Mác - Ph.Ăngghen: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.132, 39, 31.

(6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.509, 509- 510.

(8) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.109.

(9) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.6 (1936-1939), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.152.

(10), (11) Sđd, t.7, tr.113,119.

(12) Phan Châu Trinh: Toàn tập, t.3, Nxb Đà Nẵng, 2005, tr.99.

 

PGS, TS Trương Minh Dục

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền