Trang chủ    Diễn đàn    Quan điểm của Đảng về phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Thứ ba, 22 Tháng 9 2015 17:43
21182 Lượt xem

Quan điểm của Đảng về phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa

(LLCT) - Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của thời kỳ hội nhập đang trở thành đòi hỏi bức thiết của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Việt Nam có lợi thế về dân số đông, đang trong thời kỳ “dân số vàng” nên lực lượng lao động khá dồi dào. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng để đất nước ta thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011-2020 . Tuy nhiên, thực tế chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn nhiều bất cập, cần được cải thiện.

 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII, khẳng định: “phát huy nhân tố con người trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa đáp ứng các nhu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài; giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội”(1).

Tại Đại hội VIII, vấn đề phát triển nguồn nhân lực càng được Đảng ta chú trọng, coi đây là động lực chính tạo nên lực lượng sản xuất - nhân tố quyết định tốc độ và sự phát triển bền vững của phương thức sản xuất mới ở nước ta trong điều kiện hội nhập quốc tế. Vì thế, muốn phát triển đất nước bền vững không thể không chăm lo phát triển con người. Đảng ta xác định: con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Nguồn lực cơ bản, to lớn, quyết định này phải có hàm lượng trí tuệ, phẩm chất ngày một cao mới có thể đáp ứng được sự nghiệp CNH, HĐH. Đại hội VIII nêu rõ: “Nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc CNH, HĐH”(2).

Từ sau Đại hội VIII, thực hiện chiến lược CNH, HĐH đất nước, Trung ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết về các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến việc chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người. Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII (12-1996) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong thời kỳ CNH, HĐH và nhiệm vụ đến năm 2000 khẳng định: “Lấy việc phát huy nguồn lực con người là yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững”(3). Mục tiêu và nhiệm vụ của giáo dục là xây dựng những thế hệ con người thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH. Nghị quyết xác định: phát triển nguồn nhân lực phải là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội được thực hiện bằng nhiều biện pháp, trong đó giáo dục và đào tạo là then chốt, là quốc sách hàng đầu; phát triển giáo dục, đào tạo gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học - công nghệ và củng cố quốc phòng, an ninh... Chú trọng phát triển nguồn lực con người một cách toàn diện về cả trí tuệ, sức khỏe, đạo đức, thái độ… Những quan điểm, chủ trương của Đảng đã được cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án nhằm thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đại hội IX (2001) của Đảng nêu rõ: “đáp ứng yêu cầu về con người và nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự phát triển đất nước thời kỳ CNH, HĐH”, đồng thời khẳng định phương hướng: “Tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện về phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với cơ cấu hợp lý; triển khai thực hiện chương trình phổ cập trung học cơ sở; ứng dụng nhanh các công nghệ tiên tiến, hiện đại; từng bước phát triển kinh tế tri thức”(4).

Đại hội X thể hiện rõ quyết tâm phấn đấu để giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu; tập trung đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, chấn hưng giáo dục để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao(5)… với các giải pháp cụ thể: quản lý quá trình phát triển dân số và nguồn nhân lực trong mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội; đổi mới phương thức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát triển nguồn nhân lực gắn với tạo việc làm, tạo việc làm tại chỗ thông qua phát triển sản xuất, tập trung vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, xuất khẩu...

Đại hội XI (2011) của Đảng đã xác định ba khâu đột phá chiến lược, trong đó khẳng định: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”(6). Đại hội xác định: “gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”(7). Để thực hiện chiến lược này, Đảng ta đưa ra nhiều giải pháp: “xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam; đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt”(8); “xây dựng và thực hiện chiến lược quốc gia về nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam”(9). Đảng ta nêu rõ 4 định hướng chiến lược về phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập: gắn phát triển nguồn nhân lực với việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội; gắn việc phát triển nguồn nhân lực với quá trình dân chủ hóa, nhân văn hóa đời sống xã hội, khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại; nâng cao chất lượng sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ; có chiến lược phát triển con người trên cơ sở một hệ thống chính sách đồng bộ hướng tới con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Giải quyết tốt các vấn đề này sẽ tạo được yếu tố nội sinh của nguồn nhân lực, cơ sở bền vững cho phát triển và hội nhập.  Trong đó, một trong vấn đề mấu chốt được Đảng nêu ra là: “Đổi mới chính sách đào tạo, sử dụng và đãi ngộ trí thức, trọng dụng và tôn vinh nhân tài, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài”(10). Nghị quyết khẳng định: Việt Nam chỉ có thể đi tắt đón đầu sự phát triển trên thế giới trong thời kỳ hội nhập bằng cách đầu tư vào yếu tố con người.

Mặc dù đã được đặc biệt quan tâm và đạt nhiều thành tựu to lớn nhưng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đặt ra cấp thiết. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước, đặc biệt là thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79/10 điểm (xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB) trong khi Hàn Quốc là 6,91; Ấn Độ là 5,76; Malaysia là 5,59; Thái Lan là 4,94... Cơ cấu phân bổ lao động theo ngành nghề cũng mất cân đối. Các ngành kỹ thuật - công nghệ, nông - lâm - ngư nghiệp ít và chiếm tỷ trọng thấp, trong khi đó các ngành khoa học xã hội như: luật, kinh tế, ngoại ngữ... lại chiếm tỷ lệ khá cao. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực có tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu nhân lực.

Như vậy, việc nâng cao trình độ nguồn nhân lực là một yêu cầu cấp thiết trong xây dựng và phát triển đất nước. Chúng ta cần nhanh chóng đầu tư phát triển nguồn nhân lực, tiến tới “nền kinh tế tri thức”; cập nhật, trọng dụng và phát huy tài năng, giá trị của nguồn nhân lực cấp cao để theo kịp tốc độ chung toàn cầu.

Thời kỳ hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm với những yêu cầu ngày càng cao đối với người lao động, nhất là: kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, ngoại ngữ, tin học và tác phong công nghiệp… Hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực nước ta còn nhiều hạn chế, chưa được trang bị tốt về chuyên môn, nghiệp vụ, các kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ nên không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng.

Bên cạnh đó, thị trường lao động còn có sự chênh lệch giữa cung - cầu, giữa nhu cầu của nhà tuyển dụng với người lao động, giữa những kiến thức được đào tạo trong nhà trường với thực tiễn cuộc sống… Công tác dự báo và thông tin thị trường lao động còn nhiều hạn chế…

Để có thể phát huy được thế mạnh về nguồn nhân lực và tận dụng được thời kỳ “dân số vàng” trong quá trình hội nhập quốc tế, nguồn nhân lực Việt Nam cần phải được trang bị, rèn luyện chuyên môn nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy khoa học, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp…

 ______________

(1) ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1991, tr.13

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1996, tr.114-115

(3) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1997, tr.85

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001, tr.45

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006, tr.160

(6), (7), (8), (9),(10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011.

 

ThS Trần Thị Kiều Nga

Vụ Tổ chức - Cán bộ

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền