Trang chủ    Diễn đàn    Bản chất khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin
Thứ ba, 13 Tháng 10 2015 16:33
98762 Lượt xem

Bản chất khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin

(LLCT) - Trong chủ nghĩa Mác - Lênin, tính khoa học và tính cách mạng không tách rời nhau. Tính khoa học đã bao hàm trong nó tính cách mạng; bởi lẽ tính khoa học đòi hỏi phải chỉ ra được quy luật vận động, phát triển khách quan của lịch sử. Tính khoa học triệt để còn đòi hỏi phải đấu tranh chống lại mọi lạc hậu, phản động, bảo thủ, chống lại áp bức, bất công, cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Đồng thời, tính cách mạng trong chủ nghĩa Mác đã bao hàm trong nó tính khoa học; bởi lẽ để chống lại xã hội cũ, xây dựng xã hội mới thì phải tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, tức phải dựa vào khoa học. Với hai phát kiến về lý luận chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, Mác đã trở thành một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ XIX. Vậy bản chất khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin được thể hiện rõ trên những khía cạnh nào?

(C.Mac, Lê-nin, nguồn: internet)

1. Chủ nghĩa Mác - Lênin kế thừa thẳng, trực tiếp những thành tựu xuất sắc nhất của khoa học xã hội trên tiền đề của khoa học tự nhiên đương thời

Học thuyết của Mác ra đời từ sự kế thừa thẳng và trực tiếp học thuyết của các đại biểu xuất sắc nhất trong triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội.

Triết học cổ điển Đức mà đại diện là Hêghen và Phoiơbắc là nguồn gốc lý luận trực tiếp của triết học Mác. Theo Mác, Hêghen là người đầu tiên trình bày một cách bao quát và có ý thức hình thái vận động chung của phép biện chứng, mặc dù dưới dạng thần bí, duy tâm. Do đó cần phát hiện ra cái hạt nhân hợp lý ẩn sau cái vỏ thần bí. Mác còn kế thừa hạt nhân hợp lý trong chủ nghĩa duy vật của Phoiơbắc, cải tạo chủ nghĩa duy vật cũ, khắc phục tính siêu hình và những hạn chế lịch sử của nó, hình thành nên một hệ thống triết học mới, trong đó chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng là thống nhất với nhau, không tách rời nhau. Theo V.I.Lênin, trong khi phát triển sâu rộng chủ nghĩa duy vật triết học, Mác đã đưa học thuyết đó tới chỗ triệt để cả trong lĩnh vực xã hội. Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học.

Kinh tế chính trị học Anh mà đại biểu là A.Xmít và Đ.Ricácđô đã mở đầu lý luận về giá trị lao động. Mác tiếp tục sự nghiệp của hai nhà kinh tế đó và đưa lại cho lý luận ấy một cơ sở hết sức khoa học và phát triển nó một cách nhất quán. Ông chỉ cho chúng ta thấy rằng, giá trị của mọi hàng hóa là do thời gian lao động xã hội tất yếu để sản xuất ra hàng hóa ấy quyết định. Sự trao đổi hàng hóa biểu thị sự liên hệ giữa người sản xuất riêng lẻ với nhau, do thị trường làm trung gian. Tiền tệ xuất hiện có nghĩa là sự liên hệ ấy ngày càng thêm chặt chẽ. Tư bản xuất hiện có nghĩa là mối liên hệ ấy phát triển đến mức sức lao động của con người trở thành hàng hóa. Người  công nhân dùng một phần thời gian lao động để bù vào chi phí nuôi thân và nuôi gia đình mình (tiền công); còn phần thời gian kia thì để làm công không, tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản, đó là nguồn lợi nhuận, nguồn giàu có của giai cấp tư bản chủ nghĩa. Theo V.I.Lênin, phàm ở chỗ nào các nhà kinh tế học tư sản nhìn thấy quan hệ giữa vật với vật, thì ở chỗ đó, Mác đã tìm thấy quan hệ giữa người với người và lý luận về giá trị thặng dư là viên đá tảng trong học thuyết kinh tế của Mác.

Khi chế độ phong kiến bị lật đổ, xã hội TBCN ra đời, hình thành một hệ thống áp bức, bóc lột mới. Ngay sau đó, các học thuyết XHCN ra đời phản ánh và phê phán tình trạng áp bức ấy; tiêu biểu là các đại diện X.Ximông và S.Phuriê, hình thành nên CNXH không tưởng Pháp. Các học thuyết này không tưởng ở chỗ, nó chỉ trích, kết tội nguyền rủa xã hội TBCN; mơ ước xóa bỏ xã hội này và tưởng tượng ra một chế độ xã hội tốt đẹp hơn; mà chưa giải thích được bản chất của chế độ nô lệ làm thuê trong chế độ TBCN và quy luật phát triển của chế độ ấy. Tuy nhiên, tinh thần nhân văn trong CNXH không tưởng có ảnh hưởng ít nhiều đến Mác. Cùng với lý luận về kinh tế, Mác đã phát kiến và lý giải một cách khoa học, chính xác về vị trí của giai cấp vô sản trong chế độ TBCN, bản chất của phương thức sản xuất TBCN, quy luật tất yếu về sự sụp đổ của CNTB và sự thay thế bởi một hình thái kinh tế - xã hội tiến bộ hơn.

Với các phát minh: Định luật bảo toàn chuyển hoá năng lượng, Học thuyết tế bào, Học thuyết tiến hoá của Đácuyn, quan điểm siêu hình thế kỷ XVII-XVIII không còn phù hợp, quan niệm mới về giới tự nhiên đã hình thành trên những nét cơ bản. Theo Ăngghen, tất cả cái gì cứng nhắc đều bị tan ra, tất cả cái gì là cố định đều biến chuyển; và tất cả những gì cho là vĩnh cửu thì đã trở thành nhất thời; và người ta đã chứng minh rằng toàn bộ giới tự nhiên đều vận động theo một dòng và một tuần hoàn. Vật chất vận động theo một chu trình.

Như vậy, chủ nghĩa Mác không chỉ kế thừa những tinh hoa của khoa học xã hội mà còn tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của khoa học tự nhiên đương thời. Theo Ăngghen, muốn có một quan niệm vừa biện chứng, vừa duy vật về tự nhiên thì người ta phải biết, phải thông thạo toán học và khoa học tự nhiên; và mỗi lần có một phát minh vượt thời đại, chủ nghĩa duy vật buộc phải thay đổi hình thức của mình. Sau này, trong chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán của Lênin cũng đã có sự kế thừa những thành tựu của khoa học tự nhiên, đặc biệt là vật lý học cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

2. Thái độ nghiên cứu khách quan, phản ánh đúng sự thật của Mác - Ăngghen

Trong Lời tựa cuốn Phê phán chính trị kinh tế học, Mác nói rõ, các quan điểm của ông, dù bị người ta xét đoán như thế nào đi nữa, và dù cho những quan điểm đó không phù hợp với những thiên kiến tự tư tự lợi của các giai cấp thống trị đi nữa thì vẫn là kết quả của những sự nghiên cứu lâu dài và cẩn trọng. Để hoàn thành bộ Tư bản, Mác đã đọc gần 40 nghìn cuốn sách ở thư viện Luân Đôn. Trong Lời tựa viết cho Quyển 1 bộ Tư bản, Mác cũng nói rằng ông sẽ sung sướng đón chờ mọi nhận xét xuất phát từ sự phê phán khoa học.

Trong tác phẩmChống Đuyrinh, Ăngghen đã thể hiện tinh thần nghiên cứu khách quan, phản ánh đúng sự thật,khi phê phán Đuyrinh, ông ví như là ngoạm vào một quả chua rất to, nhưng khi đã ngoạm thì phải nuốt cho kỳ hết. Khi Mác qua đời, đã có nhiều người đặt vấn đề, học thuyết do hai ông sáng lập nên phải mang tên hai người. Ăngghen không đồng ý và có quan điểm dứt khoát: “Tôi không thể phủ nhận rằng trước khi cộng tác với Mác và trong 40 năm cộng tác với Mác, tôi đã góp một phần của riêng mình vào việc xây dựng, nhất là vào việc phát triển học thuyết ấy. Nhưng đại bộ phận những tư tưởng chỉ đạo cơ bản, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế và lịch sử, và đặc biệt là việc trình bày những tư tưởng ấy thành những công thức chặt chẽ cuối cùng, đều là thuộc về Mác. Phần đóng góp của tôi (trừ một vài lĩnh vực chuyên môn) thì không có tôi, Mác vẫn có thể làm được. Những điều mà Mác đã làm thì tôi không thể làm được. Mác đứng cao hơn, nhìn xa hơn, rộng hơn, nhanh hơn tất cả chúng tôi. Mác là thiên tài. Còn chúng tôi may lắm cũng chỉ là người có tài năng thôi. Nếu không có Mác thì lý luận thật khó mà được như ngày nay. Vì vậy gọi lý luận đó mang tên Mác là điều chính đáng”.

3. Sự ra đời, phát triển của chủ nghĩa Mác xuất phát từ thực tiễn; lấy thực tiễn để kiểm nghiệm, bổ sung và phát triển

 Khi bảo vệ thành quả và phát triển chủ nghĩa Mác, Lênin đánh giá, tất cả những cái mà tư tưởng loài người sáng tạo ra, Mác đã nghiền ngẫm, phê phán và thông qua phong trào công nhân mà kiểm tra lại. Chủ nghĩa Mác, một mặt, đã kế thừa toàn bộ những tinh hoa trong lịch sử tư tưởng của nhân lọai; mặt khác, đã được đúc rút ra từ việc tổng kết thực tiễn của phong trào cách mạng thời bấy giờ. Chủ nghĩa Mác không nảy sinh ở ngoài con đường phát triển vĩ đại của văn minh thế giới; trái lại, thiên tài của Mác ở chỗ là đã giải đáp được những vấn đề mà nhân loại tiên tiến đặt ra một cách khoa học, chính xác. Chính cơ sở này quy định bản chất cách mạng và khoa học trong chủ nghĩa Mác.

Sau này Lênin đã nghiên cứu những thành tựu của khoa học, đặc biệt là những phát minh trong vật lý học; mặt khác, tổng kết thực tiễn phát triển của CNTB chuyển sang giai đoạn đế quốc và phát triển chủ nghĩa Mác lên một tầm cao mới, hình thành một giai đoạn mới, giai đoạn Lênin.

4. Chủ nghĩa Mác phân tích xã hội trên cơ sở phương pháp khoa học

Mác cho rằng, nghiên cứu một cơ thể đã phát triển thì dễ hơn là nghiên cứu tế bào của cơ thể đó. Vậy, tế bào của xã hội tư bản là gì? Ông cho rằng, hình thái hàng hóa của sản phẩm hay hình thái giá trị của hàng hóa là hình thái tế bào kinh tế của xã hội tư sản. Đối với người không am hiểu thì việc phân tích hình thái đó chỉ là một sự suy luận hão xoay quanh những điều nhỏ nhặt. Và đó quả thật là những điều nhỏ nhặt, nhưng lại là những điều nhỏ nhặt thuộc loại mà khoa vi giải phẫu chẳng hạn phải đụng đến. Đây chính là phương pháp mà sau này Lênin đã khái quát là phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể của Mác.

Theo Mác, khi phân tích các hình thái kinh tế, người ta không thể dùng kính hiển vi hay những phản ứng hóa học được. Sức trừu tượng hóa phải thay thế cho cả hai cái đó. Nhà vật lý học hoặc giả quan sát các quá trình tự nhiên ở những nơi nào mà các quá trình ấy thể hiện ra dưới một hình thức nổi bật và ít bị che mờ nhất bởi những ảnh hưởng gây nhiễu loạn, hoặc giả nếu như có thể thì tiến hành thực nghiệm trong những điều kiện bảo đảm cho quá trình diễn biến dưới một dạng thuần túy.

Như vậy, Mác nghiên cứu xã hội giống như một nhà tự nhiên nghiên cứu tự nhiên và phân tích chúng trên cơ sở phương pháp khoa học.Lênin cho rằng, tính chất lôgíc đặc sắc và sự cố kết chặt chẽ trong tư tưởng của Mác đã hợp thành chủ nghĩa duy vật hiện đại và CNXH khoa học hiện đại, và được coi là lý luận, cương lĩnh của phong trào công nhân ở tất cả các nước văn minh.

5. Bản chất khoa học của chủ nghĩa Mác thể hiện rõ trong hai phát minh của ông

Thứ nhất,chủ nghĩa duy vật lịch sử. Giống như Đácuyn đã tìm ra quy luật tiến hóa của các loài, Mác đã tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người. Theo Mác, tiền đề đầu tiên của mọi sự tồn tại của con người và của mọi lịch sử chính là việc thỏa mãn nhu cầu của con người. Con người trước hết cần phải ăn, uống, chỗ ở và mặc đã rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo, v.v. Vì vậy, việc sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt vật chất, phát triển kinh tế là cơ sở để phát triển các thể chế nhà nước, các quan điểm pháp quyền, nghệ thuật và những quan niệm tôn giáo… của mỗi một dân tộc hay một thời đại.

Thứ hai, học thuyết giá trị thặng dư. Khi phát kiến và lý giải học thuyết giá trị thặng dư, Mác đã tìm ra quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất TBCN hiện đại và của xã hội tư sản do phương thức đó đẻ ra. Việc phát hiện ra học thuyết giá trị thặng dư của Mác được ví như “một ánh sáng” hiện ra trong khi tất cả các công trình nghiên cứu trước đây của các nhà kinh tế học tư sản và các nhà phê bình XHCN vẫn đều mò mẫm trong bóng tối. Học thuyết giá trị thặng dư đã làm tròn nhiệm vụ: một mặt, giải thích tính tất yếu về sự ra đời và tiêu vong của phương thức sản xuất TBCN trong thời kỳ lịch sử nhất định; mặt khác, bóc trần những bí mật của CNTB, bản chất bóc lột tinh vi của giai cấp tư sản đối với giai cấp công nhân; vạch ra động cơ, mục đích và kết quả vận động của tư bản mà trước đó chưa ai làm được.

Phân tích vấn đề bản chất khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin có ý nghĩa gì đối với nước ta hiện nay? Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tâm đắc với câu: Độc thư bất vong cứu quốc, cứu quốc bất vong độc thư(Đọc sách không quên cứu nước, cứu nước không quên đọc sách). Đọc sách là hình ảnh tiêu biểu của nhà trí thức, biểu trưng của tính khoa học; cứu quốc là hình ảnh tiêu biểu của người cách mạng. Như vậy, hình ảnh của người trí thức và người cách mạng, tính cách mạng và tính khoa học liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau. Mục đích cuối cùng của đọc sách là phải cứu nước, giúp đời; còn người cách mạng phải nâng cao tầm hiểu biết của mình. Chính vì vậy, một mặt, Đảng ta luôn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng, kim chỉ nam cho hành động, khiến chúng ta càng tin tưởng vững chắc vào con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã lựa chọn; mặt khác, trong thời đại kinh tế tri thức, thời đại thông tin, để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của đất nước, Đảng ta chủ trương phải nâng cao tầm hiểu biết, trí tuệ của toàn Đảng.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2014

GS, TS Nguyễn Hùng Hậu

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền