Trang chủ    Diễn đàn    Thu hút và sử dụng nhân tài trong thời kỳ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Thứ ba, 27 Tháng 10 2015 11:15
3571 Lượt xem

Thu hút và sử dụng nhân tài trong thời kỳ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

(LLCT) - Thu hút và sử dụng nhân tài là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, bởi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ; là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng, thu hút, sử dụng nhân tài trở thành một trong 10 nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

(Nguồn: vtv.vn)

Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quan điểm trọng hiền tài của Chủ tịch Hồ Chí Minhvà của Đảng, Dự thảo Văn kiện Đại hội XII khẳng định: để có cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ, bên cạnh việc đổi mới bầu cử trong Đảng, thay đổi phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cần có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng trong việc cảm hóa và sử dụng nhân tài. Khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Người ra lời kêu gọi nhân tài và kiến quốc, Tìm người tài đức: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức”(1) và yêu cầu các địa phương trong một tháng phải báo cáo cho Chính phủ biết để có chính sách sử dụng người tài. Trong khi vừa đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân tài, trí thức mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng nhiều nhân sĩ có lòng yêu nước, mời gọi trí thức Việt kiều, như: Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Đặng Văn Ngữ, Lương Định Của, Vũ Đình Hòe, Trần Đại Nghĩa, Huỳnh Thúc Kháng…

Đại hội X của Đảng khẳng định: “Xúc tiến xây dựng một số trường đại học của Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế, đào tạo nhân tài cho đất nước”(2), “Thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài, các nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, kỹ sư trưởng, kỹ thuật viên lành nghề và công nhân kỹ thuật có tay nghề cao... Thu hút chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia giỏi người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia giảng dạy, phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam”(3); “Thực sự tôn vinh các doanh nhân có tài và thành đạt, đóng góp nhiều cho xã hội”(4).

Hội nghị Trung ương 7 khóa X, nêu rõ: “Để phát triển đội ngũ trí thức, cần hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức; ban hành quy chế dân chủ trong hoạt động khoa học, giáo dục và đào tạo, văn hóa, văn nghệ; tập trung đầu tư, tạo môi trường, điều kiện để trí thức hăng hái hoạt động và cống hiến; xây dựng và thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, thu hút trí thức Việt Nam ở trong nước và nước ngoài tham gia phát triển đất nước; tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức. Cần nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể về vị trí, vai trò của trí thức; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và xây dựng cơ chế để khuyến khích và bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Phê phán và xóa bỏ sự coi nhẹ, thành kiến và quy chụp đối với những ý kiến phản biện mang tính xây dựng. Đồng thời đề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng các hội của trí thức...”(5).

Đặc biệt, Nghị quyết số 27 NQ/TW ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã nhấn mạnh ba quan điểm quan trọng: (1) trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững. (2)xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Ðảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định. Trí thức có vinh dự và bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. (3) Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp của trí thức. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến; có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước.

Luật Cán bộ, Công chức cũng nêu rõ: “Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trong dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng”.

Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh nhân tố con người, coi trọng phát triển bền vững, hài hòa, thay đổi mô hình tăng trưởng (từ chiều rộng sang chiều sâu, từ chú trọng số lượng sang chú trọng chất lượng…).Tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Đảng ta đã chỉ rõ: “Đặc biệt coi trọng phát triển đội ngũ lãnh đạo, quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và cán bộ khoa học, công nghệ đầu đàn”(6). Đại hội XI đã nêu quan điểm chỉ đạo: “Muốn tạo nên một tập thể vững mạnh, phải xây dựng từng con người, quan tâm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài”, “Có chính sách trọng dụng trí thức, đặc biệt đối với nhân tài của đất nước”, “Hình thành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, trọng dụng nhân tài và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ”, “Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức”(7). Dự thảo Văn kiện XII của Đảng nhấn mạnh: “tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ trí thức” và “có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài”(8).

Thu hút nhân tài không chỉ trong nước mà còn là người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài thể hiện rõ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với trí thức Việt kiều: “Hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phat huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước. Xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với những chuyên gia, trí thức ngườiViệt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư duy vấn đề quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao cho đất nước, góp phần phát triển nền văn hóa, nghệ thuật của nước nhà”.

Nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước mà trong những năm qua, công tác thu hút, sử dụng nhân tài đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những bất cập, hạn chế: tiêu chí xem xét, đánh giá, sử dụng nhân tài chưa thống nhất; chính sách chưa phù hợp, thiên về chính sách kinh tế nhiều hơn; quy chế bổ nhiệm cán bộ còn nặng về thâm niên công tác hơn là tài năng gây ra tình trạng lãng phí trong sử dụng nhân tài…

Để thu hút, trọng dụng nhân tài đạt hiệu quả, cần tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau: 

Thứ nhất, xây dựng bộ tiêu chí đồng bộ trong công tác xem xét, đánh giá nhân tài.Trên cơ sở đó, các địa phương cụ thể hóa thành các yêu cầu phù hợp với đặc điểm riêng, đặc thù phát triển kinh tế - xã hội.Từ đó, có chủ trương, giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và sử dụng nhân tài.

Thứ hai, bên cạnhviệc hỗ trợ về tài chính, cần đặc biệt quan tâm, tạo môi trường dân chủ, điều kiện làm việc thuận lợi và chế độ đãi ngộ để nhân tài phát huy tài năng, cống hiến. Cần đầu tư cơ sở vật chất, tôn vinh, khen thưởng kịp thời, xứng đáng với đóng góp của các cá nhân... Đặc biệt, đổi mới quy chế bổ nhiệm cán bộ, tránh tình trạng “sống lâu lên lão làng”, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho người tài làm việc, cống hiếnvà thụ hưởng.

Thứ ba, cần xây dựng cơ chế giám sát phù hợp, tránh hiện tượng kéo bè, kéo cánh, lạm dụng chức quyền trong thu hút và trọng dụng nhân tài. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản hạn chế kết quả thu hút và trọng dụng nhân tài, cần được sửa chữa, ngăn chặn kịp thời.

Thứ tư, chính sách thu hút người tài cũng cần phải kết hợp chặt chẽ với chính sách sử dụng nhân tài và phải được triển khai đồng bộ. Có như vậy, người tài mới thật sự yên tâm công tác, cống hiến, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

Như vậy, điều căn bản trong thu hút và sử dụng nhân tài là việc chăm lo điều kiện làm việc, có chế độ đãi ngộ, cơ chế chính sách phù hợp. Khi đã thu hút được nhân tài thì phải đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý. Làm như vậy chúng ta mới có được đội ngũ cán bộ đủ đức và tài, vừa hồng vừa chuyên, đủ năng lực và bản lĩnh đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

______________

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tập 4, tr. 504, 504.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tập 4, tr..

(3), (4), (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr.207, 12, 232.

 (6)Thông báo Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X),ngày 18/07/2008 mạng www.vca.org.vn.

(7), (8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, 2011, tr. 130, 49.

 (9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, tháng 2-2015, tr. 37. http://www.xaydungdang.org.vn

                                                                                        TS Lê Thị Thu Hồng

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Nguyễn Thị Ngân

Trường ĐTCB Lê Hồng Phong TP Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền